Đại lý phân bón, thời vang bóng đã qua?
Diện tích nông nghiệp của xã Ia Blang (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) khoảng 1.800ha, trong đó có 650ha càphê, 570ha tiêu, còn lại là cao su, cây công nghiệp ngắn ngày, lúa…
Mỗi năm, với diện tích trên, người dân Ia Blang cần khoảng 1.500 tấn phân bón các loại.
Cửa hàng Hoàng Vinh, thôn 2, xã Ia Blang, Chư Sê, Gia Lai kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật của tám thương hiệu… Là một đại lý kinh doanh cấp 2, mỗi năm Hoàng Vinh bán ra khoảng 300 tấn phân bón các loại, theo lời ông chủ đại lý.
Ngoài Hoàng Vinh, Ia Blang còn có hai đại lý khác đang kinh doanh cùng ngành.
Những năm trước, khi lượng phân bón trên thị trường còn khan hiếm, khách hàng phải tự chở phân xuống vườn, nhưng mọi sự giờ đã khác.
Trò chuyện với TGTT, ông Vinh nói: “Thời nay, bán phân bón và thuốc bảo vệ không dễ chút nào. Nếu tính toán kỹ, coi như lấy công làm lời. Còn nếu không tính toán kỹ, lỗ là cái chắc”.
Theo ông Vinh, trước đây Ia Blang có năm đại lý kinh doanh phân bón, nhưng gần đây đã có hai cửa hàng đóng cửa. Những đại lý còn lại, mỗi tháng hoạt động khoảng mười ngày, còn lại bán “cầm chừng” với doanh thu vài triệu đồng mỗi ngày…
Ông Vinh cho biết, với mức tiêu thụ khoảng 300 tấn/năm, cửa hàng của ông có mức lợi nhuận khoảng 2%. Trong khi đó, theo ông Vinh, nhiều thương hiệu lớn như Bình Điền, Việt Mỹ, Việt Nhật, Phú Mỹ không hề có chính sách ưu đãi cho các đại lý cấp 2, cấp 3.
“Họ nói thẳng, thương hiệu của họ lớn rồi, nông dân biết nhiều nên các đại lý thích thì lấy hàng, không thích thì… thôi”, ông Vinh nói. Với những thương hiệu lớn, các đại lý nào có mức tiêu thụ từ 1.000 tấn/năm trở lên sẽ được ưu đãi về giá, thấp hơn các đại lý nhỏ từ 5.000 - 20.000đ/bao (50kg).
Theo lời của chủ đại lý Hoàng Vinh, những thương hiệu mới như Garsoni, Yara… dành nhiều ưu đãi hơn cho các đại lý, chẳng hạn phạm vi kinh doanh (được bán hàng trong bán kính 20km), cho công nợ dài, từ 1 - 6 tháng, tỷ lệ chiết khấu sẽ được tính theo thời gian thanh toán công nợ, tặng thêm một số vật tư nông nghiệp…
Những đại lý cấp 1 có những ưu thế về giá vì cam kết lượng hàng tiêu thụ lớn, trên 1.000 tấn/năm, nên với những mặt hàng mà nông dân quen dùng như Phân bón Bình Điền, Việt Nhật, Phú Mỹ… các đại lý cấp 2 như Hoàng Vinh phải bán bằng giá những đại lý lớn, chấp nhận mức lãi thấp.
“Sau khi trừ hết các chi phí như lãi vay ngân hàng, chi phí nhân công vận chuyển…, đồng lãi từ nguồn bán phân rất thấp. Muốn tồn tại, đại lý nhỏ phải tìm cách bán những mặt hàng mới để có lợi nhuận cao hơn”, ông Vinh nói.
Không chỉ cạnh tranh về giá với các đại lý cấp 1, giữa các đại lý nhỏ trong cùng một địa bàn cấp xã cũng phải đấu nhau, từ việc hạ giá bán, chăm chút nhiều hơn đến các dịch vụ chăm sóc khách hàng để giành khách hàng theo từng khu vực đã ngầm phân chia giữa các đại lý.
Theo lời ông Vinh, những năm trước, khi lượng phân bón trên thị trường còn khan hiếm, khách hàng phải tự chở phân xuống vườn.
Còn hiện nay, đại lý phân bón mở ra nhiều, không chỉ cạnh tranh về giá mà phải cạnh tranh bằng các dịch vụ chăm sóc khách hàng như chở phân tới nhà, thậm chí là đến tận vườn, sau đó thuê nhân công bốc vác, thậm chí là thuê cả người bón phân cho nông dân.
Ngoài ra, để giữ chân khách hàng, các đại lý còn chấp nhận cho nông dân nợ dài hơn với số tiền lớn hơn.
“Mình không cho họ nợ thì họ tìm đến các đại lý khác, thậm chí là đến các đại lý cấp 1 để mua nợ. Như đại lý của tôi, trong chi phí sản xuất phải tính đến khoản lãi ngân hàng từ chính tiền nợ của nông dân. Có những ngày, từ khoản nợ của khách hàng, tôi phải trả lãi cho ngân hàng 300.000đ”, ông Vinh nói thêm.
Minh Tú
-
Lập lại trật tự thị trường phân bón: Cần sự vào cuộc quyết liệt
Muốn lập lại thị trường phân bón vốn đang “bát nháo” như hiện nay, cần một giải pháp tổng thể và sự quyết liệt của cơ quan chức năng. Từ ngày 15-3, Bộ Công Thương sẽ...
-
Xuất khẩu phân bón đã tăng trở lại
Sau khi suy giảm cả lượng và trị giá trong tháng đầu năm 2017, sang tháng 2, tốc độ xuất khẩu phân bón đã tăng trở lại, tăng 59,5% về lượng và tăng 62,6% về trị giá...
-
Vi phạm về quảng cáo phân bón sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng
Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt không phù hợp với giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc...
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau