Cây tỏi
Sâu bệnh hại Cây tỏiTên khoa học: Allium sativum (L).
Tỏi là một trong những cây trồng cổ xưa nhất còn được lưu giữ đến ngày nay. Tỏi có mặt ở nhiều nước trên thế giới.
Ở Việt Nam, cây tỏi được trồng nhiều nơi:
+ Tỏi Lý Sơn - Quảng Ngãi: Diện tích toàn huyện khoảng 310 ha. Sử dụng giống tỏi ta để trồng (tỏi địa phương đã sử dụng lâu nay).
Ruộng tỏi ở Lý Sơn
+ Tỏi Khánh Hòa: Toàn diện tích trồng tỏi của tỉnh này đã lên đến gần 600ha
+ Ở Ninh Thuận - Giống tỏi Phan Rang: Vùng trồng tỏi nổi tiếng của Ninh Thuận tập trung ở huyện Ninh Hải, gồm các xã Vĩnh Hải, Thanh Hải, Xuân Hải, Nhơn Hải; ở Tp. Phan Rang - Tháp Chàm là xã Văn Hải, phường Mỹ Bình... Tổng diện tích cả tỉnh khoảng 216 ha.
Mùa thu hoạch tỏi của nông dân phường Mỹ Bình, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.
Tỏi được trồng nhiều ở một số tỉnh khác như: Bắc Giang, Sơn La, Hải Dương, Hòa Bình... và trồng lẻ tẻ tất cả các địa phương Việt Nam.
+ Tỏi tây: Gốc ở vùng Ðịa Trung Hải, đã được thuần hoá rất tốt tại nước ta và chịu đựng được qua mùa hè tại vùng trung du Bắc bộ. Hiện được trồng nhiều tại Ðà Lạt (Lâm Ðồng).
Mô tả sơ bộ về cây tỏi
Thân, lá tỏi: Thân thực hình trụ, phía dưới mang nhiều rễ phụ, phía trên mang nhiều lá. Lá cứng, hình dải, thẳng dài 15-50cm, rộng 1-2,5cm có rãnh khía, mép lá hơi ráp.
Củ, tép tỏi: Ở mỗi nách lá phía gốc có một chồi nhỏ sau này phát triển thành một tép Tỏi; các tép này nằm chung trong một cái bao (do các bẹ lá trước tạo ra) thành một củ Tỏi tức là thân hành (giò) của Tỏi. Củ tỏi nằm phía dưới mặt đất.
Hoa tỏi: Hoa xếp thành tán ở ngọn thân trên một cán hoa dài 55cm hay hơn. Cán hoa mọc trực tiếp từ củ tỏi, bao hoa màu trắng hay hồng bao bởi một cái mo dễ rụng tận cùng thành mũi nhọn dài. Hoa ra vào tháng 5-7, quả tháng 9-10.
Điều kiện sinh thái của cây tỏi
Tỏi là cây chịu lạnh tốt, cây có thể sinh trưởng và phát triển ở nhiệt độ18 - 20°C, còn để tạo củ thì cần từ 20 - 22°C. Tỏi ưa ánh sáng dài ngày, nếu có đủ nắng trong 12 giờ/ngày thì cây sẽ ra củ nhanh.
Tỏi cũng là loại cây ưa nước nhưng ở mức độ vừa phải. Nếu thiếu nước cây sẽ đanh lại, củ nhỏ còn nếu thừa nước thì sẽ gây ra hiện tượng úng củ, thối củ làm cho củ không giữ được lâu. Tỏi được chia làm 2 loại: Tỏi trắng: lá xanh đậm, to bản, củ to, đường kính khoảng 4cm. Củ tỏi vỏ màu trắng nên gọi là tỏi trắng, loại tỏi này bảo quản kém. Tỏi tía: lá dầy, cứng màu xanh nhạt, củ chắc và cay; dọc thân gần củ có màu tía. Củ tỏi tía nhỏ hơn củ tỏi trắng (dường kính 3,5 - 4cm). Tỏi tía cỏ hương vị đặc biệt nên được trồng nhiều.
Các giống tỏi trên thế giới và ở Việt Nam
Tỏi được chia làm 2 loại là: Tỏi cổ cứng và tỏi cổ mềm.
Tỏi cổ cứng dễ dàng bóc được vỏ hơn so với tỏi cổ mềm, tuy nhiên tỏi cổ mềm có thời gian bảo quản được lâu hơn (8 tháng trong khi tỏi cổ cứng thường chỉ bảo quản trong 3-4 tháng). Theo báo Theguardian cho biết có một số loại tỏi thông dụng sau đây:
-
Tỏi sứ (Tỏi Đức)
Do hình dáng và màu sắc của tỏi trắng muốt như sứ nên tỏi được đặt tên như vậy. Đây là loại tỏi cổ cứng, mỗi củ tỏi chỉ chứa từ 4-5 tép tỏi . Tỏi sứ đẹp, giản dị, nhưng mùi tỏi rất mạnh.
Tỏi Sứ của Đức
-
Tỏi sọc tím
Tỏi có vỏ ngoài trắng ngà có sọc tím xen kẽ, cũng là một loại tỏi cổ cứng, củ tỏi to hơn tỏi sứ, vị tỏi vẫn rất mạnh và đặc trưng.
Tỏi Sọc Tím
-
Tỏi Ý
Loại tỏi này có rất nhiều nhánh, mỗi củ có từ 7-9 nhánh tỏi, mùi vị hoang dã, những lại khó bảo quản rất nhanh bị mọc mầm.
Tỏi Ý
-
Tỏi tía
Tỏi tía được trồng tại các vùng bản địa vùng cao xã Pù Bin, Noong Luông Mai Châu, Hòa Bình. Rất nhiều người cất công lên tận vùng núi cao nguyên này để mua được loại tỏi gác bếp của người dân tộc.
Tên khoa học của Tỏi tía là Allium sativum, là loại tỏi củ nhỏ, vỏ màu tím, tép có màu vàng, chứa rất nhiều tinh dầu, vị cay, thơm.
Tỏi tía là loại tỏi đặc sản của Việt Nam.
Chất lượng của tỏi tía chưa có một giống tỏi nào trên thế giới so sánh được. Tỏi tía có tác dụng hiệu quả cho những người mắc bệnh máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, huyết áp cao, cúm ho dai dẳng, giảm béo bụng.
Tỏi Tía
-
Tỏi Tây Ban Nha (Tỏi đỏ)
Tỏi của nước Tây Ban Nha có màu tím sẫm rất bắt mắt, một số loại có hương nhẹ, một số loại có lượng đường cao. Loại tỏi này cũng rất tốt và đặc biệt, chính vì thế Tây Ban Nha là nước có lượng tỏi xuất khẩu đi rất lớn, đặc biệt xuất khẩu cho thị trường Châu Âu.
Tỏi Tây Ban Nha ( Tỏi đỏ )
-
Tỏi hoang dã
Tỏi hoang dã rất đa dạng, tỏi hoang dã mọc trong các khu rừng ẩm ướt của nước Anh. Mùi vị của tỏi hoang dã rất đặc biệt. Có rất nhiều công dụng trong chữa bệnh.
Tỏi hoang dã
-
Tỏi cô đơn, tỏi cô đơn là tỏi gì?
Tỏi cô đơn tên gọi khác tỏi một tép, tỏi mồ côi, tỏi một, tỏi đơn, thực chất là loại tỏi bình thường được hình thành từ sự khuyết tật trong quá trình sinh trưởng. Cây tỏi này được trồng từ giống tỏi thường nhưng chỉ phát triển duy nhất một tép, trong khi các cây tỏi tương tự đẻ ra nhiều tép tỏi để tạo thành củ tỏi bình thường. Trên đất càng cằn cỗi, mất mùa, càng dễ sản sinh ra loại tỏi này.
Ở Việt Nam, tỏi này phân bố chủ yếu ở huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, nhưng cũng có tại các địa phương khác dù không nổi tiếng bằng (trên thị trường có cả tỏi cô đơn nhập từ Lào, Trung Quốc).
Tỏi cô đơn Lý Sơn
Đặc điểm tỏi cô đơn Lý Sơn: Kích cỡ củ Tỏi nhỏ vừa, màu trắng, củ tỏi săn chắc, nặng ký không bị mềm, lép, khi ăn sống có mùi thơm nồng, giòn, vị cay cay, ngon miệng.
-
Tỏi tây Allium porrum L., thuộc họ hành - Alliaceae
Cây thảo hai năm, cao 40-140cm. Thân hành hình trụ hay hình tròn, rộng 1-2cm. Lá mọc 2 hàng, phẳng hoặc hơi gấp lại thành hình máng xối, có màu lục hơi mốc. Hoa hồng, xếp thành tán giả dạng cầu, có cuống dài, màu xanh xanh hay tim tím.
Cây tỏi tây
Sử dụng tỏi ta và tỏi tây trong thực phẩm, gia vị
Tỏi có thể sử dụng thành gia vị trong nước chấm pha chế gồm mắm, tỏi, ớt, tương, đường... Hoặc tỏi được trộn đều với các món rau xào (nhất là rau muống xào...) khiến món ăn dậy mùi thơm. Tỏi cũng được làm nước muối tỏi và ớt. Trong nấu ăn một số món ăn như: Thịt rim tỏi, thịt chiên sốt tỏi, nghêu xào tỏi, cánh gà chiên mắm tỏi... là một trong những món ăn dễ làm, mùi thơm nức. Tỏi tây thường được dùng làm rau xào ăn với thịt bò, thịt lợn, hoặc làm gia vị cho các món canh thịt...
Tác dụng chữa bệnh của tỏi ta
Ngoài việc sử dụng để chế biến món ăn thì người Việt còn có thói quen sử dụng tỏi như một loại thuốc để chữa trị và ngăn ngừa bệnh.
Thành phần hoá học trong củ tỏi: Các chất chính trong củ Tỏi là tinh dầu, với các sulfur và polysulfur de vinyle; các vitamin A, B1, B2 và C, các chất kháng khuẩn, trong đó có allycin, allycetoin I và II, men allynin và acid nicotinic.
Tính vị, tác dụng: Vị cay, tính ấm; có tác dụng hành khí tiêu tích, sát trùng giải độc. Alliicin là hoạt chất có tác dụng nhiều nhất của Tỏi, có tác dụng ức chế các loại vi khuẩn, các nấm gây bệnh. Nó lại có tính lợi tiểu là do các fructosan và tinh dầu.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Dùng trị: 1. Cảm mạo; 2. Lỵ amíp, lỵ trực khuẩn; 3. Viêm ruột ăn uống không tiêu; 4. Mụn nhọt đơn sưng.
Người ta đã tổng hợp được nhiều công đoạn của Tỏi. Tỏi là chất kháng khuẩn và sát khuẩn. Tỏi điều hoà hệ sinh vật của ruột. Tỏi là thuốc trị giun đặc biệt là giun kim. Tỏi là chất kích thích cơ thể và điều hoà các chức năng chủ yếu như các rối loạn gan và các tuyến nội tiết... Tỏi là thuốc chữa bênh đái đường, phòng ngừa trạng thái ung thư, giúp chống những bệnh như đau màng óc, bệnh xơ cứng động mạch, huyết áp cao...
Ở Ai Cập từ nhiều thế kỷ, nhân dân ta dùng một lọ rượu ngâm Tỏi để uống. Ngày này người ta đã biết rượu Tỏi có tác dụng đối với thấp khớp (sưng khớp, vôi hoá các khớp, mỏi xương cốt), tim mạch (huyết áp thấp, huyết áp cao, hở van tim, ngoại tâm thu), phế quản (viêm phế quản, viêm họng, hen phế quản), tiêu hoá (ăn khó tiêu, ợ chua, viêm tá tràng, loét dạ dày), trĩ nội và trị ngoại, đái tháo đường. Dùng rượu Tỏi không gây phản ứng phụ và lại có hiệu quả chữa bệnh cao.
Ðơn thuốc từ tỏi ta
1. Cảm cúm: Ăn Tỏi và chế nước Tỏi nhỏ mũi. Mỗi lần dùng 1-2g Tỏi tươi. 2. Chữa lỵ amip, lỵ trực khuẩn: Ngày dùng 4-6g Tỏi sắc uống hoặc giã 10g Tỏi, ngâm vào 100ml nước nguội; trong 2 giờ, lọc bỏ bã, lấy nước thụt vào hậu môn, giữ lại độ 15 phút. Thụt mỗi ngày 1 lần. Ðồng thời ăn mỗi ngày 6g Tỏi sống chia làm 3 lần. Ðiều trị 5-7 ngày thì có kết quả.
3. Ung nhọt, áp xe viêm tấy: Giã giập Tỏi, đắp 15-20 phút (không để lâu dễ bị bỏng da). Có thể trộn với ít dầu Vừng mà đắp.
4. Chữa đầy bụng, đại tiểu tiện không thông: Giã Tỏi rịt vào rốn (cách ly bằng lá lốt hay lá trầu hơ héo), đồng thời lấy Tỏi giã giập bọc bông lại nhét vào hậu môn (Nam dược thần hiệu).
5. Trị giun kim, giun móc: Thường xuyên ăn Tỏi sống hoặc dùng nước Tỏi 5-10% 100ml, thụt vào hậu môn.
Tác dụng chữa bệnh của tỏi tây
Thành phần hoá học: Các thành phần chính đã biết trong củ có alliin (0,4%) và cũng có alanine, arginine, acid asparatic, asparagine, histidine, leucine, methionine, phenylalanine, proline, serine, threonine, tryptophane và valine. Còn có các chất khoáng Fe, Ca, P, Mg, Na, K, Mn, S, Si, và các vitamin B, C. Trong tinh dầu của củ có allyl disulphide.
Tính vị, tác dụng: Vị cay, tính ấm; có tác dụng kích thích, làm long đờm. Người ta còn nói đến các tính chất bổ thần kinh, rất dễ tiêu hoá, lợi tiểu, sát khuẩn, nhuận tràng và bổ dưỡng cơ thể. Nhờ có các muối kiềm mà Tỏi tây lợi tiểu mạnh.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Tỏi tây thường được dùng làm rau xào ăn với thịt bò, thịt lợn, hoặc làm gia vị cho các món canh thịt... Nó cũng được chỉ định dùng trong các trường hợp khó tiêu, thiếu máu, thấp khớp, thống phong, các bệnh đường niệu, sỏi niệu, nitơ - huyết, suy thận, béo phì, vữa xơ động mạch. Dùng ngoài để chữa áp xe, mụn nhọt, viêm bàng quang, bí tiểu tiện, trĩ, mắt cá và chai chân, vết đốt của sâu bọ, vết thương và dùng rửa mặt.
Cách dùng: Ðể dùng trong, có thể ăn sống, thái nhỏ ăn lẫn với các loại rau sống khác; sắc nước uống hay nấu xúp, nấu canh. Dùng ngoài lấy dịch lá, củ pha với nước dừa hay sữa để rửa mặt, giữ da, trị phát ban, giã đắp mụn nhọt, áp xe.
Ðơn thuốc từ tỏi tây
1. Chữa bệnh nitơ - huyết: Nghiền 20g rễ Tỏi tây, ngâm 10 ngày trong 1 lít rượu trắng, mỗi sáng sớm uống 1 ly.
2. Trị giun: Nghiền rễ con ngâm trong sữa cho trẻ uống.
3. Trị bí tiểu tiện, viêm bàng quang: Dùng 6 củ Tỏi tây, cho vào dầu Dừa, nấu riu riu lửa rồi lấy ra để ấm áp vào bụng.
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau
- Một số bài thuốc hay từ gừng và tỏi bạn nên biết
- Hướng dẫn lựa chọn chậu trồng rau/cách làm vườn rau trên sân thượng
- Chuẩn bị nguyên vật liệu trồng rau công nghệ cao
- Xác định loại, lượng phân cần thiết để bón lót cho hành, tỏi, ớt
- Kỹ thuật trồng, chăm sóc và bón phân cho cây tỏi tây