Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây tỏi
1. Thời vụ trồng tỏi
1.1. Căn cứ xác định thời vụ trồng tỏi
1.1.1. Căn cứ vào đặc điểm của giống tỏi
Căn cứ vào thời gian sinh trưởng dài hay ngắn, khả năng sinh trưởng, phát triển nhanh hay chậm; khả năng chịu rét, chịu nóng, chịu ẩm của các loại giống tỏi khác nhau để chọn thời vụ trồng cho thích hợp.
1.1.2. Căn cứ vào yêu cầu sinh thái của cây tỏi
Tỏi là cây ưa ánh sáng, ánh sáng đầy đủ cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, chất lượng tốt. Ngược lại thiếu ánh sáng, cây sinh trưởng kém, năng suất thấp.
1.1.3. Căn cứ vào cơ cấu mùa vụ
Những vùng chuyên tỏi, có thể trồng quanh năm đối với giống tỏi ăn lá (tỏi tây). Có thể trồng 2 vụ lúa sớm 1 vụ tỏi Thu - Đông. Hoặc trồng 2 vụ lúa sau đó trồng vụ Đông - xuân .
1.2. Giới thiệu một số thời vụ trồng tỏi chủ yếu
1.2.1. Thời vụ trồng tỏi ta
- Thời vụ trồng tỏi thích hợp ở vùng đồng bằng sông Hồng từ 25 đên 5 tháng 10, thu hoạch 30/1 - 5/2.
- Ở khu vực miền Trung trồng tháng 9 - 10, thu hoạch tháng 1 - 2.
1.2.2. Thời vụ trồng tỏi tây
Tỏi tây dùng để ăn lá, thân nên có thể gieo trồng nhiều vụ trong năm, nhưng thích hợp nhất gồm 2 vụ:
- Vụ đông trồng tháng 9 - 10 thu hoạch tháng 11 - 12
- Vụ xuân trồng tháng 2 - 3 để thu hoạch tháng 4 - 5
2. Chọn tỏi giống và xử lý tỏi giống trước khi cấy
Chọn tỏi giống và xử lý giống trước khi trồng là biện pháp kỹ thuật rất quan trọng được áp dụng nhiều trong sản xuất cây rau nói chung và cây tỏi nói riêng. Xử lý củ trước khi gieo trồng nhằm thúc đẩy mầm, kích thích mầm mọc nhanh, tăng cường sự trao đổi chất trong củ, thúc đẩy sinh trưởng phát triển, hạn chế tác hại của sâu bệnh. Có nhiều phương pháp xử lý như: ngâm nước, xử lý hóa chất…
2.1. Chọn tỏi giống
Tỏi giống chọn những nhánh từ củ chắc, khối lượng củ 12-15g, có 10-12 nhánh. Mỗi ha cần 1 tấn tỏi giống (37kg/sào Bắc Bộ). Củ tỏi giống được chọn từ củ tỏi khoẻ, sạch nguồn sâu bệnh với các biểu hiện: Củ được thu hoạch từ ruộng không bị sâu bệnh, đồng đều, không có vết bệnh, các nhánh (múi) căng đều không thối hoặc đàn hồi, màu sắc vỏ củ sáng.
2.2. Xử lý tỏi giống bằng nước và nước vôi
Xử lý củ giống trước khi trồng với các bước: Tách nhánh, loại bỏ nhánh lép, có dấu hiệu thối hỏng, ngâm nhánh tỏi vào nước hoặc dung dịch nước vôi 5%.
Củ giống được ngâm nước trước khi cấy chắc chắn sẽ mọc mầm nhanh hơn, sinh trưởng tốt hơn, làm tăng độ đồng đều của cây giống.
Dùng nước sạch, ít tạp khuẩn để ngâm. Thời gian ngâm củ tỏi giống từ 2 - 3 giờ, sau đó vớt để cho ráo nước mới đem cấy (trồng). Không nên ngâm nước quá lâu vì sẽ làm các chất hòa tan trong củ bị thất thoát.
Sau khi ngâm nước các ánh tỏi giống được cắm vào đất có đủ độ ẩm. Nếu đất khô quá phải được tưới đảm bảo đủ ẩm mới được cắm tỏi.
2.3. Xử lý tỏi giống bằng chất hóa học
Xử lý các ánh hành bằng chất hóa học là biện pháp kỹ thuật rất quan trọng được ứng dụng rộng rãi trong trồng trọt nhằm hạn chế nấm bệnh.
- Xử lý củ giống bằng dung dịch thuốc Nativo 750 WG nồng độ 1% (3gr/3lít nước) + thuốc trừ vi khuẩn Kasumin 2L (1%) phun ướt đều cho củ hành giống trước khi trồng.
- Hoặc xử lý củ giống bằng cách ngâm vào dung dịch Rovral 50 WP 2% + Kasumin 2 L (1%) trong thời gian 5 - 10 phút.
3. Khoảng cách trồng cây tỏi
3.1. Căn cứ xác định mật độ khoảng cách trồng tỏi
Tùy theo tình hình cụ thể để lựa chọn mật độ và khoảng cách trồng cho phù hợp.
Nguyên tắc chung là:
- Không trồng quá dầy, cây sẽ sinh trưởng, phát triển yếu
- Không trồng quá thưa, lãng phí đất, nhiều cỏ dại, năng suất trên đơn vị diện tích thấp.
Các căn cứ chủ yếu để xác định mật độ khoảng cách trồng hợp lý:
* Dựa vào thời gian sinh trưởng và khả năng sinh trưởng của giống:
Giống có thời gian sinh trưởng dài, khả năng sinh trưởng mạnh thì trồng thưa hơn.
* Dựa vào độ màu mỡ của đất đai:
- Đất tốt, nhiều dinh dưỡng, tưới tiêu thuận lợi thì trồng thưa.
- Đất xấu, nghèo dinh dưỡng, không chủ động được tưới tiêu thì trồng dày để tăng số cây, tăng năng suất tổng thể.
* Dựa vào khả năng đầu tư thâm canh:
- Nếu có khả năng chăm sóc tốt, mức độ đầu tư thâm canh cao thì nên trồng mật độ thưa hơn.
- Nếu khả năng chăm sóc, mức độ đầu tư thâm canh có hạn thì nên trồng mật độ vừa phải đến trồng dầy hơn.
* Dựa vào phương thức canh tác:
- Nếu trên luống chỉ trồng thuần một mình cây tỏi thì mật độ khoảng cách trồng dày hơn.
Ruộng tỏi trồng thuần và tỏi trồng xen
3.2. Khoảng cách trồng cụ thể
* Khoảng cách trồng tỏi ta:
Khoảng cách trồng tỏi ta
- Hàng cách hàng trồng tỏi ta: 20cm
- Khoảng cách mỗi nhánh tỏi trên một hàng: 8 - 10 cm
* Khoảng cách trồng tỏi tây:
-Tỏi tây trồng khoảng cách cây cách cây 10-15cm.
Khoảng cách trồng tỏi tây
4. Kỹ thuật trồng tỏi
4.1. Kỹ thuật trồng tỏi ta
Trồng tỏi củ được tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Chọn củ giống
- Để cây tỏi sinh trưởng, phát triển tốt, cần chọn những củ tỏi chắc, trọng lượng củ từ 12 - 15g, có 10 - 12 nhánh.
Bước 2: Tách và lựa chọn các ánh
Tách ánh tỏi
- Chọn những ánh tỏi to đều, chắc, loại bỏ những ánh lép, nhỏ, ánh sâu bệnh và giập nát
Bước 3: Ngâm tỏi vào nước
- Ngâm các ánh tỏi vào nước sạch khoảng 2 - 3 giờ rồi vớt cho ráo và cắm vào luống.
Tỏi giống ngâm nước trước khi cắm
Bước 4: Cắm các ánh tỏi trên luống theo khoảng cách đã định
- Ấn sâu xuông đất 2/3 nhánh tỏi, phủ đất nhỏ lên trên
Luống được trộn phân và đất - Cắm tỏi vào luống
Trồng tỏi ở đảo Lý Sơn
4.2. Kỹ thuật trồng tỏi tây
4.2.1. Trồng tỏi tây bằng gieo hạt
Các bước và cách thức thực hiện công việc:
Bước 1: Chuẩn bị đất để gieo
Đất để gieo ươm cây giống cần làm nhỏ, san phẳng mặt luống
Bước 2: Gieo hạt
Gieo với lượng hạt giống 2-3g/m2
Luống gieo tỏi tây
Bước 3: Phủ luống
Phủ một lớp đất bột mỏng và một lớp rơm rạ dày 1-2cm được cắt nhỏ 4-5cm để giữ ẩm và tránh bị xói hạt khi tưới nước.
Bước 4: Làm giàn che
Làm giàn che bằng khung tre, phủ nilon để che khi bị mưa to.
4.2.2. Trồng tỏi tây bằng cây con
Luống gieo tỏi tây
Bước 1:
Khi cây giống mọc được 20-25 ngày, có 2-3 lá thì nhổ, cắt bớt một ít rễ và lá ngọn.
Bước 2:
Trồng theo hàng đã bón phân lót, theo khoảng cách đã định, dùng ngón tay moi một hố sâu khoảng 3 - 4 cm, rộng 4 - 5 cm để đặt cây con.
Bước 3:
Đặt cây con vào hố trồng và giữ cây con thẳng đứng.
Bước 4:
Hai bàn tay ấn nhẹ đất xung quanh gốc cây con
Bước 5:
Dùng tay xoa phẳng đất mặt luống. Tiếp tục trồng cây khác.
5. Tủ luống tỏi tây
Sau khi trồng xong cần tiến hành tủ kín đất mặt luống để giữ ẩm, giữ nhiệt (về mùa đông) cho đất, giúp cây chóng bén rễ hồi xanh; hạn chế được cỏ dại mọc trên luống.
- Vật liệu dùng để tủ:
Tùy điều kiện cụ thể, có thể dùng các vật liệu như: Rơm, rạ, trấu... để tủ lên mặt luống ngay sau khi trồng xong.
Tủ rạ cho luống tỏi
- Yêu cầu cần đạt:
+ Tủ kín đều mặt luống
+ Độ dầy lớp vật liệu phủ: 4 - 5 cm
+ Không che lấp, không làm gãy nát cây con
6. Tưới nước cho cây tỏi sau khi trồng
Tưới nước sau khi tủ rạ
Sau khi cấy, tủ rơm rạ xong thì tưới nước ngay đều khắp mặt luống và tưới đều để giữ độ ẩm đất 70 - 75% đến khi cây mọc, hồi xanh.
-
Tỏi Đen là gì? Công dụng của tỏi đen
Tỏi đen (Black garlic) là tỏi tươi (tỏi trắng bình thường) được lên men từ men vi sinh, trong một thời gian dài từ 30-40 ngày với độ ẩm được kiểm soát và nhiệt độ...
-
Đang bị 5 loại bệnh này thì không nên ăn tỏi
Người bị bệnh về mắt, bệnh nhân viêm gan, bệnh tiêu chảy, bệnh thận, người có sức đề kháng yếu không nên ăn tỏi, không ăn cả tép tỏi nguyên, không nuốt cả tép tỏi...
- Hướng dẫn xử lý tuyến trùng trên cây ổi bằng phương pháp sinh học
- Kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng ra hoa đậu trái đạt hiệu quả cao
- Biện pháp khắc phục, hồi sinh cây cà phê bị ngộ độc phân bón
- Hướng dẫn ủ rác thải nhà bếp làm phân bón đơn giản tại nhà
- Giải pháp kích thích trái to và nâng cao năng suất trước khi bao trái xoài
- Hướng dẫn chăm sóc, bón phân và sử dụng hormone sinh trưởng cho cây hồ tiêu trong mùa khô