Cây ớt
Sâu bệnh hại Cây ớtDanh pháp khoa học: Capsicum
Họ ớt: Solanaceae.
Bộ: Solanales.
Nguồn gốc: Ớt có nguồn gốc từ châu Mỹ; ngày nay nó được trồng khắp nơi trên thế giới và được sử dụng làm gia vị, rau, và thuốc.
Ở Việt Nam: Quỳnh Phụ (Thái Bình) với diện tích 1200 ha, Đại Lộc (Quảng Nam), Phù Mỹ, Phù Cát (Bình Định), Bố Trạch (Quảng Bình), Châu Đốc (An Giang), Thanh Bình (Đồng Tháp), Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định và một số tỉnh thành khác...
+ Diện tích trồng ớt: 2.000 ha/năm (năm 2014)
+ Sản lượng ớt: 80.000 T/năm (năm 2013)
Mô tả sơ bộ về cây ớt
- Rễ: Ớt có rễ trụ, nhưng phân nhánh mạnh và phát triển thành rễ chùm, phân bố chính trong tầng đất cày.
- Thân: Khi cây già, phần gốc thân chính hóa gỗ, dọc theo chiều dài thân có 4-5 cạnh. Thân có lông hoặc không lông, cây cao 35-65 cm, có giống cao 125-135 cm. Ớt phân tán mạnh, kích thước thay đổi theo điều kiện canh tác và giống.
- Lá: Mọc đơn, đôi khi mọc chùm thành hình hoa thị, lá nguyên có hình trứng đến bầu dục, phiến lá nhọn ở đầu, lá màu xanh nhạt hoặc đậm, có lông hoặc không lông.
Hình thái cây ớt
- Hoa: Lưỡng phái, mọc đơn hoặc thành chùm 2-3 hoa. Hoa nhỏ, dài, hoa màu xanh có hình chén, lá đài nhỏ, hẹp và nhọn. Tràng hoa có 6-7 cánh màu trắng hoặc tím. Số nhị đực bằng số cánh hoa và mọc quanh nhụy cái. Phần trong cánh hoa có lổ tiết mật.
Hoa ớt có thể tự thụ phấn hay thụ phấn chéo do côn trùng vì ớt thuộc loại tiền thư, thụ phấn chéo có ý nghĩa lớn ở ớt cay, tỷ lệ thụ phấn chéo từ 10-40% tùy giống, do đó cần chú ý trong việc để giống và giữ giống thuần.
(A); (B) Hình thái hoa ớt; (C) Hình thái trái ớt.
- Trái: Trái có 2-4 thùy, dạng trái rất thay đổi từ hình cầu đến hình nón, bề mặt trái có thể phẳng, gợn sóng, có khía hay nhẵn; trái khi chín có màu đỏ đen vàng; trái không cay hay rất cay.
Chiều dài và dạng trái đóng vai trò quan trọng trong việc chọn giống ớt xuất khẩu dưới dạng quả khô. Ớt quả khô nguyên trái phải dài hơn 9 cm và khi khô không rời cuống. Việc chế biến ớt bột không đòi hỏi tiêu chuẩn cao về kích thước và dạng trái nhưng yêu cầu về màu sắc, độ cay và tỷ lệ tươi/khô khi phơi; ớt trái to ở nước ta có tỷ lệ tươi/khô là 6,5:1 trong khi ớt trái nhỏ có tỷ lệ này là 8:1. Trái chứa nhiều hạt tròn dẹp, nhỏ có màu nâu sáng.
Sinh thái học cây ớt
Ớt là cây chịu nhiệt, nhiệt độ thích hợp cho tăng trưởng là 18-30oC. Nhiệt độ cao trên 32oC và thấp dưới 15oC, cây tăng trưởng kém và hoa dễ rụng. Ớt là cây không quang cảm, tuy nhiên trong điều kiện ngày ngắn các giống ớt cay phát triển tốt và cho năng suất cao. Ớt chịu đựng được điều kiện che rợp đến 45%, nhưng che rợp nhiều hơn ớt chậm trổ hoa và rụng nụ.
Ớt là cây chịu nhiệt tốt.
Thành phần dinh dưỡng trong trái (quả) ớt
Về mặt dinh dưỡng, trang tin MNT ghi nhận 5 g ớt chứa 4 mg vitamin C, 1,6 mg vitamin E, 0,5 mg niacin, 0,1 mg vitamin B6, 7,8 mg canxi, 8 mg magiê, 106 mg kali, 0,1 mg kẽm, 0,1 mg mangan, 0,4 mg sắt, 1,6 mg natri. Về tác dụng không mong muốn, giới y khoa cũng khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp và bệnh tim dùng thuốc ức chế men chuyển (như Captopril và Elaroptril) có thể gặp phản ứng phụ là ho nhiều hơn khi dùng nhiều ớt. Ớt cũng có thể làm tăng tiết axít ở dạ dày, làm giảm hiệu quả của dạng thuốc giảm tiết axít dạ dày (như Famotidine và Cimetidine).
Dược tính của trái (quả) ớt
Lợi ích khác của thực phẩm cay là giúp cải thiện chức năng tim. Vị cay ở lưỡi chúng ta do capsaicin cũng có thể làm hạ mức độ cholesterol tỉ trọng thấp (LDL) còn được gọi là cholesterol xấu. Trong nghiên cứu được Hội Hóa học Mỹ công bố, các nhà khoa học đã phát hiện rằng capsaicin kéo giảm sự tích tụ LDL bằng cách tăng cường dòng chảy của máu, ngăn chặn một loại gien vốn gây hẹp thành mạch máu. Khảo sát của các nhà khoa học thuộc Hội Ung thư Mỹ cho thấy capsaicin có thể làm chậm sự tăng trưởng của tế bào ung thư tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tụy. Capsaicin còn có tác dụng giảm đau ở bệnh nhân viêm khớp, đau cơ và một số dạng đau mạn tính khác. Một số nghiên cứu khác cho thấy capsaicin giúp tăng cường lượng oxide nitric trong dòng máu, giúp kháng viêm và hạ huyết áp. Ít nhất 2 nghiên cứu về da liễu cho thấy ớt có thể giảm bớt ngứa và triệu chứng khác ở bệnh chàm.
Độc tính của trái (quả) ớt
Ăn ớt nhiều và ớt quá cay có thể gây bỏng ở miệng, lở miệng, có thể nổi mụn nhọt, nóng rát vùng dạ dày, đi tiêu có cảm giác nóng rát ở hậu môn..., nên cũng có thể gọi là gây "nóng trong người". Vì vậy, nếu ăn ớt thì nên vừa đủ, không nên dùng quá nhiều.
Ăn nhiều ớt cay cũng ảnh hưởng đến dạ dày: có thể gây viêm dạ dày, nôn ói, ợ chua, đau nóng rát dạ dày hoặc gây trào ngược dịch vị từ dạ dày lên thực quản gây bỏng nóng rát sau xương ức. Ớt cay cũng có thể kích thích khởi phát cơn đau viêm loét dạ dày - tá tràng ở những người có bệnh trước đó.
Có một số nghiên cứu khoa học cho biết, việc sử dụng nhiều ớt và kéo dài có thể gây ung thư dạ dày. Cần lưu ý với bột ớt đỏ, nếu bị nhuộm màu có thể chứa Sudan là chất gây ung thư.
Bột ớt hoặc ớt tươi bị mốc còn chứa chất alfatoxin có khả năng gây ngộ độc và ung thư. Tuy ớt chứa hàm lượng vitamin C phong phú, betacarotene tốt cho sức khỏe, có một số công dụng kích thích tiêu hóa, khẩu vị, nhưng không phải người nào cũng có thể dùng, nhất là những người có hội chứng đại tràng kích thích thì nên hạn chế ăn ớt cay, những người viêm hay loét dạ dày - tá tràng nên hạn chế ớt tối đa, vì vị cay của ớt có hại cho niêm mạc dạ dày, gây tổn thương dạ dày.
Xem thêm Video Clip: Những lợi ích không ngờ khi ăn ỚT mỗi ngày | Vườn Thuốc Nam
Admin tổng hợp từ: Wikipedia, syngenta.com.vn, nld.com.vn, dailo.vn
- Bật mí công thức chuyên dùng cho cây ớt cho giai đoạn ra hoa, đậu trái giúp tăng năng suất của cây
- Cách trồng ớt chỉ thiên Hàn Quốc đạt năng suất cao
- Tìm hiểu nhu cầu dinh dưỡng của cây cà chua và cây họ cà (cà tím, cà pháo)
- Bệnh thán thư, khả năng lây lan giữa các loài cây và các hoạt chất phòng trị phổ biến
- Giải pháp toàn diện phục hồi vườn ớt sau ngập úng và lũ lụt
- Cách trồng ớt trong chậu từ hạt cho quả xum xuê và làm cây cảnh