Trồng và chăm sóc cây ổi: Tưới và tiêu nước cho ổi

Cây trồng liên quan: Cây ổi

1. Xác định nhu cầu nước của cây ổi

Vai trò của nước đối với cây trồng

Nước hòa tan các chất khoáng (dinh dưỡng cây trồng) cung cấp cho cây trồng qua rễ cây. Cây hấp thụ nước qua rễ cùng với các chất dinh dưỡng đi lên lá cây. Sự chuyển đổi hóa học các chất hữu cơ trong tế bào dưới sự giúp đỡ của nước. Nước tham gia trực tiếp vào nuôi dưỡng cây và đi vào mọi phần của cây, đồng thời giữ các tế bào trong trạng thái kéo căng nở. Khi không đủ nước trong đất cây sẽ héo và kém phát triển, thiếu nước kéo dài chúng sẽ khô héo hoàn toàn.

Cây ăn quả nói chung và cây ổi nói riêng hấp thụ nước trong đất theo bộ rễ, nước trong đất nằm trong các khe rỗng. Rễ cây hô hấp (hấp thụ không khí) cũng qua khe rỗng. Như vậy để cây ổi phát triển bình thường, thì trong khe rỗng của đất phải có cả nước và không khí.

Cây ổi cần một lượng mưa từ 1.500 - 4.000 mm phân bố tương đối đều thì không phải tưới. Nếu lượng mưa không đáp ứng được đầy đủ đặc biệt trong mùa khô cần có sự hỗ trợ thêm của các biện pháp canh tác như tưới nước vào mùa khô, che tủ đất...

- Khi cây còn nhỏ, chưa ra hoa kết quả:

+ Cần tưới đủ ẩm cho cây.

+ Thiếu nước, cây có thể chết héo.

+ Thừa nước rễ không phát triển được, có thể bị thối và chết.

Vào giai đoạn này nhu cầu về ẩm độ của cây ổi là 65 - 80% độ ẩm tối đa.

Ở giai đoạn mới trồng nếu tưới kịp thời và đầy đủ, cây con sẽ nhanh bén rễ, phát triển xanh tốt .

- Khi cây ra hoa, kết quả: Yêu cầu nước cao hơn, nếu thiếu nước trong thời gian này cành và lá phát triển yếu, hoa ra chậm, chóng tàn, quả nhỏ, chín sớm và chóng rụng. Trong trường hợp độ ẩm quá thừa, nước đẩy hết không khí thoát ra ngoài làm cho rễ cây thiếu khí thở, rễ cây bị phồng và thối nát, còn quả phát triển chậm, lá rụng, cây héo và chết dần.

Mặc dù nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng và ẩm với lượng mưa từ 1500 - 2000 mm/năm nhưng lượng mưa này không được phân phối đều ở tất cả các tháng trong năm mà chủ yếu tập trung vào mùa mưa, những tháng còn lại mưa rất ít thậm chí có thể không mưa vào đỉnh điểm mùa khô nên vẫn không đủ cung cấp ẩm độ theo nhu cầu của cây mà ta phải cung cấp thêm cho cây bằng việc tưới nước.

Như vậy, tưới nước là công việc không thể thiếu của người làm vườn và việc xác định khi nào tưới, tưới như thế nào, tưới bao nhiêu thì đủ là rất cần thiết.

Các cách để kiểm tra độ ẩm đất

- Dùng máy đo độ ẩm hoặc dùng tay kiểm tra độ ẩm đất trong từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây ổi

để xác định lượng nước tưới cũng như phương pháp tưới phù hợp.

Máy đo độ ẩm đất

Máy đo độ ẩm đất

- Hoặc quan sát tầng đất mặt và độ cương nước của cành lá, nhất là ở các bộ phận non.

Dễ quan sát nhất là thời gian giữa trưa, khi cây thoát hơi nước nhiều nhất và nếu đất thiếu ẩm thì lá dễ héo.

Nếu độ ẩm đất nhỏ hơn yêu cầu của cây thì phải tiến hành tưới nước, nếu độ ẩm vượt quá cao thì phải tiêu nước.

2. Tưới nước cho cây ổi

2.1 Phương pháp tưới nước cho cây ổi

  • Phương pháp tưới bằng những dụng cụ đơn giản

Dùng thùng, xô ... tưới nước cho từng gốc ổi.

- Ưu điểm: Phương pháp này rất đơn giản, chỉ cần cho nước vào hệ thống mương trong vườn và dùng những dụng cụ đơn giản như xô, thùng tưới hay dụng cụ tự chế để tưới đủ ẩm cho ổi.

- Nhược điểm: Thời gian tưới lâu, khó áp dụng trên diện tích lớn

Tưới bằng bình tưới vòi sen

Tưới bằng bình tưới vòi sen

  • Phương pháp tưới phun

Đây là phương pháp tưới bằng cách phun nước từ dưới mặt nước lên tán cây qua hệ thống máy bơm, ống dẫn nước với các vòi phun cố định, tự động xoay được với góc 360o, được đặt cao khỏi mặt đất 0,5-1,0m (dưới dạng phun sương hay phun mù) thường áp dụng tưới cho cây con trong vườn ươm hoặc vòi phun hạt to di động cầm tay dùng để tưới vào những ngày nắng nóng (phun vào 16-18 giờ chều) để tăng ẩm độ không khí, giảm độ nóng cho quả, cho cây, chống hiện tượng rụng quả do thời tiết khắc nghiệt.

Sơ đồ hệ thống thiết bị phun

Sơ đồ hệ thống thiết bị phun

Tưới phun cho vườn ổi

Tưới phun cho vườn ổi

- Ưu điểm:

+ Khắc phục được hiện tượng thời tiết không thuận lợi (nắng nóng, độ ẩm không khí thấp) bảo đảm năng suất, chất lượng quả và bảo đảm yêu cầu kỹ thuật cao trong việc nhân giống cây con (ươm, giâm cây giống).

+ Tiết kiệm được nhiều lượng nước tưới (có thể giảm 40 - 50% lượng nước so với tưới ngập thông thường), các tổn thất do thấm sâu và chảy tràn được giảm thiểu khá nhiều. Do vậy, hiệu quả sử dụng nước tưới cao.

+ Phương pháp tưới này có thể áp dụng cho hầu hết mọi dạng địa hình cao thấp khác nhau, không cần phải làm phẳng mặt ruộng.

+ Tưới phun còn giảm thiểu chi phí xây dựng kênh mương nội đồng, do vậy có thể gia tăng diện tích canh tác.

+ Cách tưới này có thể kết hợp với việc bón phân và phòng trừ sâu bệnh bằng cách hoà tan các chất này vào nước.

+ Tưới phun mưa còn tạo cảnh quan đẹp, góp phần gia tăng độ ẩm và giảm nhiệt độ không khí khu vực. Năng suất cây trồng trong phạm vi tưới thường được nâng cao.

- Nhược điểm:

+ Chi phí lắp đặt thiết bị tưới ban đầu thường lớn.

+ Người vận hành hệ thống tưới phải có kỹ thuật điều khiển hoạt động.

+ Hệ thống phải thường xuyên được theo dõi, điều chỉnh tốc độ phun hoặc di chuyển theo hướng gió. Gió mạnh gây khó khăn trong điều chỉnh lưu lượng phun mưa.

+ Các đầu phun thường hay bị nghẽn nếu nguồn nước có nhiều chất bùn cặn.

+ Nếu tưới nhiều bằng vòi phun cầm tay di động hạt nước to mặt đất cũng bị ghí chặt, phá vỡ kết cấu mặt đất, chất dinh dưỡng bị rửa trôi theo dòng nước chảy trên mặt đất.

+ Ngoài ra, việc bố trí đường ống có thể làm hạn chế cơ giới hóa và một số hoạt động canh tác khác.

  • Phương pháp tưới phun mưa bằng cơ giới

Đây là phương pháp tưới rất phổ biến tại nhiều nơi của Việt Nam và tưới cho nhiều loại cây trồng.

- Ưu điểm:

+ Có thể cơ động trên những địa hình khác nhau, nhờ đó giúp người dân chủ động và sử dụng hiệu quả;

+ Tiết kiệm kinh phí đầu tư ban đầu cho việc thiết kế và xây dựng, bảo quản;

+ Giảm được nhiệt độ vùng tiểu khí hậu khu vực cây trồng nơi tưới;

+ Thao tác dễ dàng;

- Nhược điểm

+ Mỗi lần tưới phải kéo ống dây xa và tốn công tưới;

+ Không pha chung được với phân bón;

  • Phương pháp tưới nhỏ giọt

Đây là phương pháp tưới hiện đại, thường được áp dụng đối với những vườn cây ăn trái đặc sản có hiệu quả kinh tế cao ở những vùng thiếu nước tưới.

Bố trí tưới nhỏ giọt và các đường ống dẫn nước

Bố trí tưới nhỏ giọt và các đường ống dẫn nước

- Ưu điểm:

+ Cách tưới này tiết kiệm lượng nước tối đa.

+ Đất không bị gí chặt, giữ nguyên hiện trạng kết cấu đất, đất không bị bào mòn, phân bón không bị rửa trôi.

- Nhược điểm: Phương pháp này yêu cầu đầu tư lớn nhất, khó áp dụng trong sản xuất đại trà.

Tưới nhỏ giọt cho ổi

Tưới nhỏ giọt cho ổi

  • Phương pháp tưới rãnh

Là phương pháp tưới nước để nước chảy theo các rãnh được thiết kế giữa các hàng cây. Nước được thấm dần vào đất và cung cấp cho cây trồng.

Sơ đồ tưới rãnh (Hình thức tưới rãnh cho cây trồng)

Sơ đồ tưới rãnh (Hình thức tưới rãnh cho cây trồng)

- Ưu điểm:

+ Tiết kiệm và chủ động được nước tưới cho vườn cây, lớp đất mặt vẫn tơi xốp, không bị gí chặt, kết cấu đất vẫn giữ vững, đất không bị bào mòn, chất dinh dưỡng không bị rửa trôi.

+ Giảm được tổn thất nước do bốc hơi nên cho hiệu quả tưới cao hơn.

+ Nước đi vào cây qua hệ thống rễ, không làm ướt lá nên có thể tránh được một số bệnh cho cây.

Rãnh tưới nước cho ổi

Rãnh tưới nước cho ổi

- Nhược điểm:

+ Chỉ áp dụng được với nơi có địa hình tương đối bằng phẳng (độ dốc <50).

+ Lãng phí một phần nước ở cuối rãnh tưới.

+ Gặp khó khăn trong việc vận chuyển công cụ sản xuất qua rãnh.

+ Chi phí khá lớn nhân công và thời gian cho việc cải tạo các rãnh nước.

Trong các phương pháp trên thì tưới rãnh và tưới phun bằng cơ giới được nông dân áp dụng nhiều nhất. Tuy nhiên hiện nay với những vùng trồng chuyên canh, nông dân đã bắt đầu áp dụng hình thức tưới phun mưa sử dụng đầu phun tự động và tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân giúp giảm chi phí nhân công đem lại hiệu quả kinh tế cao.

2.2. Tưới nước cho ổi

- Tưới sau khi trồng: Sau khi trồng cây rất cần nước, do vậy phải tưới nước ngay để cây chóng hồi phục. Tùy chân đất thấp hay cao, loại đất mà ta có thể tưới để đảm bảo độ ẩm đất cho cây con phát triển. Nên tưới nước cho ổi thường xuyên ngày 2 lần cho tới khi cây đã ra được 2 đợt tược mới thì giảm xuống 1 lần/ngày.

- Mặc dù ổi chịu hạn khá tốt nhưng việc tưới cho cây vào mùa nắng sẽ giúp cây phát triển khỏe. Tưới nước vào lúc cây cho trái giúp tăng năng suất và kích thước trái. Lượng nước tưới và thời gian tưới thay đổi tùy theo tuổi cây và mùa trong năm.Tùy vào điều kiện tự nhiên và kinh tế từng vùng để chọn phương pháp tưới thích hợp.

3. Tiêu nước cho cây ổi

3.1 Tác hại của sự ngập úng đối với cây ổi

Tình trạng ngập úng là nguyên nhân làm đất bị thiếu oxy, đồng thời bị ngộ độc CO2 cùng các độc chất khác, rễ bị "nghẹt" và sau đó bị thối. Hậu quả này làm các loài nấm bệnh trong đất (chủ yếu là Fusarium và Phytophtthora) rất dễ tấn công gây hại cho cây trồng trong và sau mùa lũ. Hiện tượng nghẹt rễ cũng làm cho cây bị "stress", tổng hợp ethylenne bên trong gây ngộ độc, làm lá bị vàng và rụng.

Quan sát tình hình mặt đất, bộ rễ và màu sắc của cây trồng, ta có thể biết được tình trạng úng ngập trong đất và phải nhanh chóng thoát thủy. Các dấu hiệu thông thường là:

Trên mặt đất: đất trở nên nhão nhẹt, nước đọng thành vũng không rút xuống được. Màu đất trở nên xám hoặc có nhiều đốm xám do thiếu sự hiện hiện của oxy hoặc các acid hữu cơ độc hại (ví dụ H2S).

Xuất hiện các loại thực vật ưa nước: như cỏ lông chồn, cỏ lác, rêu, nấm cây, …

Côn trùng: các loại muỗi, bù mắt, sên xuất hiện.

Trên cây: lá cây bị đxoài màu vàng, xám hoặc đen. Thân cây trở nên mềm, dễ đổ ngã, rễ cây cạn, có màu đen, …

Vườn ổi bị ngập úng

Vườn ổi bị ngập úng

3.2 Các phương pháp tiêu nước cho ổi

  • Có hai hệ thống tiêu chính:

- Hệ thống tiêu mặt: Áp dụng để tiêu thoát nước khi có lượng mưa quá lớn hoặc lũ/triều tràn sông gây úng ngập trên mặt vườn. Thông thường áp dụng biện pháp tiêu theo trọng lực, nước sẽ tự chảy đi theo hướng chảy từ nơi cao xuống nơi thấp (mương thoát nước). Nếu nước nguồn quá lớn phải có đê bao và dùng bơm để thoát nước.

Hệ thống tiêu mặt cho ổi

Hệ thống tiêu mặt cho ổi

- Hệ thống tiêu ngầm: Khi mực nước ngầm dâng cao (do mưa, lũ, triều) gây úng bộ rễ cây trồng. Đối với hệ thống tiêu ngầm, phổ biến là hình thức dùng các ống cống chôn ngầm dưới lớp rễ cây và cho nước tập trung vào đường ống rồi dẫn ra ngoài bằng bơm hoặc tự chảy. Tiêu ngầm có thể có lợi thế là ít bị xói mòn hơn tiêu mặt nhưng chi phí đầu tư và bảo trì sẽ lớn hơn.

Hệ thống tiêu ngầm

Hệ thống tiêu ngầm

  • Một số lưu ý khi bố trí kênh tiêu:

+ Tuyến kênh tiêu phải nằm ở vị trí địa hình thấp để có thể dễ tập trung nước bằng hình thức tự chảy theo trọng lực;

+ Tuyến kênh tiêu phải ngắn để nhanh chóng thoát nước ra khỏi khu vực cần tiêu và giảm khối lượng thi công;

+ Tránh để đường kênh tiêu đi qua các vùng đất nhiều chứng ngại vật, công trình và khu vực có nền đất không ổn định.

+ Triệt để lợi dụng các sông rạnh tự nhiên để làm kênh tiêu; nếu cần có thể nạo vét các mương rạch để làm nơi nhận nước tiêu;

+ Có thể kết hợp kênh tiêu nước với kênh - rạch giao thông.

3.3. Tiêu nước cho vườn ổi

a. Tiêu nước cho vườn ổi

Để tiêu nước cho cây ổi cần thực hiện tốt các công việc sau:

- Tạo hệ thống rãnh xung quanh vườn cây. Đối với vùng ĐBSCL thì cần đào mương lên líp, còn đối với các vùng đất cao cần đào rãnh thoát nước xung quanh khu vực trồng.

- Vét rãnh xung quanh vườn cây

- Tiêu nước cho vườn cây:

Phương châm tiêu nước là sự tổng hợp của “Rải nước - Chôn nước - Tháo nước”:

+ Rải nước: Chia nhỏ các khu tiêu nước riêng biệt nhằm phân tán lượng nước cần tiêu theo yếu tố địa hình. Nghĩa là, nước ở tiểu vùng nào thì tiêu ngay ở chỗ đó.

+ Chôn nước: Cho nước lắng rút xuống tại chỗ ở những nơi trũng hoặc trữ tạm ở các ao, đìa, kênh tiêu để trữ tạm thời.

+ Tháo nước: Dùng biện pháp tiêu thoát nhanh tại những nơi có thể rút tháo nước thuận lợi. Đôi khi tháo nước cần có những biện pháp hỗ trợ như dùng bơm để bơm nước ra ngoài khu vườn.

Sử dụng máy bơm có công suất cao bơm thoát nước cho vườn

Bơm thoát nước cho vườn

Bơm thoát nước cho vườn

b. Để hạn chế tác hại do ngập lụt cần xử lý vườn cây trước mùa mưa lũ

- Tôn cao đất liếp, gia cố đê bao chắc chắn.

- Dùng cuốc ba răng xới mặt liếp cho xốp sau đó rải phân nhằm giúp phân bón tiếp cận cây trồng dễ dàng hơn, hạn chế gây tổn thương rễ cây.

- Tu sửa lại mương máng, cống thoát nước để thoát nước nhanh khi mưa to, đảm bảo mực nước ở mương phải thấp hơn mặt liếp 0,6 m. Chuẩn bị máy bơm để sẵn sàng chống úng.

- Khi mưa liên tục cần thiết phải đào rãnh phụ sâu 40 cm để dẫn nước mưa thoát nhanh từ liếp ra mương.

- Cắt tỉa các cành vô hiệu, chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng, tránh lay động gốc ảnh hưởng đến rễ khi bị ngập.

- Hạn chế đi lại trong vườn làm cho đất bị dí chặt, ảnh hưởng đến bộ rễ cây và khả năng phục hồi của cây sau khi nước rút.

- Không nên bón nhiều phân đạm, vì phân đạm sẽ kích thích cây ra đọt non.

- Không nên bón phân hữu cơ cho vườn cây vì phân hữu cơ sẽ làm tiêu hao nhiều oxy và khi đất bị ngập úng thì rễ cây sẽ không đủ oxy để hô hấp.

- Để tránh hiện tượng rửa trôi thì cắt bớt cỏ chỉ giữ lại gốc. Có thể chọn loại cỏ họ hoà bản như cỏ sả hay cỏ rusi để vừa kết hợp cho đất liếp vườn được tốt vừa tận dụng cho chăn nuôi.

- Có thể bồi sình trả lại lớp đất mặt cho liếp làm hàng năm hoặc hai năm một lần nhưng nên chú ý đến tầng phèn nếu bỏ lên trên mặt liếp thì chắc chắn mặt liếp sẽ bị phèn. Bề dày của lớp sình bồi phải vừa phải (khoảng 5 phân).

- Cần bón thêm vôi để hạ phèn và làm giảm đi mầm bệnh trong đất (Bệnh xì mủ gốc xoài thường dễ xảy ra nếu trên vườn không có hệ thống thoát nước tốt).

- Mùa mưa cỏ dại phát triển mạnh, để hạn chế cỏ nên dùng thuốc Gramoxone làm cháy bộ lá, giữ lại phần gốc làm thảm thực vật cho vườn cây được êm hơn.

c. Một số giải pháp khắc phục hiện tượng nghẹt rễ sau khi ổi bị ngập úng:

- Xới mặt đất (ở vùng tán cây) bằng cuốc răng (dài 8 - 10cm) để phá váng, giúp đất được thông thoáng.

- Bón DAP (2/3) và Clorua kali (1/3) với liều lượng 0,2 - 1kg hỗn hợp/cây (tuỳ loại và tuổi cây) để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới. Việc thực hiện cùng với xới phá váng.

- Cung cấp các dưỡng chất qua lá chứa đường, NPK, Cytokinin... để tăng cường khả năng hồi phục của cây.

- Khai rãnh ở mặt liếp, thoát nước trong mương (dựa vào triều kém hoặc bơm thoát nước) để hạ nhanh mực thuỷ cấp trong liếp, giúp rễ mau thông thoáng hơn.

Chú ý trị các loại bệnh do nấm tấn công ở vùng gốc và rễ cây bằng các loại thuốc thích hợp.

Nguồn: Giáo trình trồng và chăm sóc ổi - Bộ NN&PT NT
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status