Kỹ thuật chăm sóc cây măng cụt: Tưới và tiêu nước cho măng cụt

Cây trồng liên quan: Cây măng cụt

1. Xác định nhu cầu nước của cây

Măng cụt là cây có nhu cầu nước rất lớn, đồng thời do hệ thống rễ cây không có lông hút và phát triển kém nên rễ măng cụt khi tiếp xúc với đất khó hút nước vì vậy cần tưới nước thường xuyên, nhất là trong giai đoạn cây con và cây đang mang quả.

Cây măng cụt không thể sinh trưởng phát triển tốt ở vùng quá khô hay quá ẩm. Cây yêu cầu lượng mưa thấp nhất phải đạt 1.270 mm/năm, phân bố đều trong năm và không mưa ở giai đoạn cây mang quả. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn phát triển nhu cầu nước cũng khác nhau:

- Giai đoạn kiến thiết cơ bản:

+ Cần tưới đủ ẩm.

+ Thiếu nước cây có thể chết héo, lá cháy khô, còi cọc, ốm yếu.

+ Thừa nước rễ không phát triển được hoặc có thể bị chết thối.

Cây măng cụt bị thiếu nước ở giai đoạn cây con

Cây măng cụt bị thiếu nước ở giai đoạn cây con

Vào giai đoạn này nhu cầu về ẩm độ của cây măng cụt là 65 - 80% độ ẩm tối đa.

Ở giai đoạn mới trồng nếu tưới kịp thời và đầy đủ, cây con sẽ nhanh bén rễ, phát triển xanh tốt.

Măng cụt mới trồng

Măng cụt mới trồng

- Giai đoạn kinh doanh:

+ Trước khi ra hoa yêu cầu ẩm độ thấp.

+ Khi đã đậu quả, đặc biệt khi quả lớn nhanh yêu cầu ẩm độ cao nếu thiếu nước quả sẽ bị rụng, quả nhỏ, làm giảm chất lượng cũng như sản lượng.

+ Thừa nước: Ức chế hoạt động của rễ, rụng hoa, rụng quả.

Măng cụt được tưới nước đầy đủ cho quả tốt

Măng cụt được tưới nước đầy đủ cho quả tốt

Giai đoạn này độ ẩm đất mà cây yêu cầu là 70 - 90%. Khi quả sắp chín, yêu cầu về ẩm độ lại thấp (khoảng 50 - 60%). Nếu ẩm độ cao sẽ làm giảm chất lượng quả và quả chín muộn.

Do đó, cần phải tưới nước cách ngày cho cây nhất là ở giai đoạn sau khi trổ hoa và giai đoạn mang quả.

2. Tưới nước cho măng cụt

2.1. Xác định thời điểm tưới nước cho cây

a. Giai đoạn cây con:

Phải tưới đầy đủ nước nhất là trong những tháng mùa khô để giúp cây mạnh khoẻ, nhanh phát triển. Tuy nhiên nếu cây con bị ngập úng sẽ chết nên cần chú ý thoát nước tốt cho vườn cây.

b. Giai đoạn cây ra hoa và mang quả:

- Cần tưới nước cách ngày cho cây nhất là lúc sau khi cây trổ hoa, đậu quả giúp hoa phát triển tốt, đậu quả nhiều và quả nhanh phát triển.

- Trong giai đoạn cây mang quả nên chú ý tưới đều vừa đủ ẩm, tránh trường hợp vườn quá khô lại quá ướt bất thường sẽ đưa đến hiện tượng rụng quả non.

- Khi quả măng cụt hết giai đọan phát triển quả thì ngưng tưới nước, giảm mực thủy cấp trong mương và kết hợp với việc đậy gốc khi có mưa nhiều sẽ giảm đi hiện tượng mủ quả và sượng quả măng cụt .

2.2. Tưới nước

Bước 1. Xác định độ ẩm đất đối chiếu với nhu cầu của cây

Dùng máy đo độ ẩm hoặc dùng tay kiểm tra độ ẩm đất trong từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây măng cụt để xác định lượng nước tưới cũng như phương pháp tưới phù hợp.

Cách đo độ ẩm bằng máy:

+ Cắm đầu đo xuống đất sao cho 3 vòng kim loại của đầu đo ngập trong đất, nhấn nút trắng.

+ Đọc chỉ số đo độ ẩm theo kim chỉ trên màn hình (thang đo bên dưới tương ứng từ 10 - 80% độ ẩm).

Đơn giản nhất là quan sát tầng đất mặt và độ cương nước của cành lá, nhất là ở các bộ phận non. Dễ quan sát nhất là thời gian giữa trưa, khi cây thoát hơi nước nhiều nhất và nếu đất thiếu ẩm thì lá dễ héo.

Nếu độ ẩm đất nhỏ hơn yêu cầu của cây thì phải tiến hành tưới nước. Ví dụ: Giai đoạn cây con mà độ ẩm đất là 50% thì phải tưới ngay để đưa độ ẩm lên 65 - 80%... Nhưng nếu giai đoạn chín mà độ ẩm đất là 80% thì phải tiêu nước ngay.

Bước 2. Chọn phương pháp tưới nước

Tưới nước là biện pháp kỹ thuật quan trọng ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng kinh doanh cây măng cụt. Tùy theo điều kiện cụ thể mà chọn phương pháp tưới phù hợp. Sau đây là một số phương pháp tưới nước cho cây măng cụt:

1, Tưới bằng thùng, xô (tưới thủ công): Dùng thùng, xô tưới nước ... cho từng gốc măng cụt.

Phương pháp này rất đơn giản, chỉ cần cho nước vào hệ thống mương trong vườn và dùng những dụng cụ đơn giản như xô, thùng tưới hay dụng cụ tự chế để tưới đủ ẩm cho măng cụt.

Tưới nước cho măng cụt bằng phương pháp thủ công

Tưới nước cho măng cụt bằng phương pháp thủ công

2, Tưới bằng dây mềm (tưới bán thủ công): Dùng ống nhựa mềm có gắn bơm tưới để phun nước vào gốc cây.

Đối với phương pháp tưới bằng dây mềm thì cần chuẩn bị máy bơm, hệ thống điện, đường ống dẫn nước và dây tưới.

Tưới nước cho măng cụt bằng dây mềm

Tưới nước cho măng cụt bằng dây mềm

Cách lắp đặt:

- Lắp đặt hệ thống điện;

- Đặt máy bơm ở ngoài vườn trồng;

- Đặt đường ống dẫn nước đến khu vực cần tưới;

- Nối ống dây mềm với đường ống dẫn nước đến cây cần tưới.

Nói chung, tưới thủ công và bán thủ công rất dễ thực hiện nhưng tốn nhiều công sức và khó có thể áp dụng trên diện tích lớn.

3, Tưới nhỏ giọt (chi tiết tham khảo ở bài kỹ thuật tưới và tiêu nước cho sầu riêng).

Tưới nhỏ giọt thấm từ từ vào trong đất, đi ngay vào hệ thống rễ, không phí nước vào những vùng không có sự sinh trưởng.

Do nước chỉ tưới ngay vùng có rễ nên lượng nước ít hơn, nhưng lại luôn giữ được lượng nước ổn định, ít mất nước do gió và nắng.

Dòng nước chảy rất chậm và sử dụng hiệu quả qua hệ thống tưới nhỏ giọt cho phép tưới trên diện tích rộng hơn so với phương pháp truyền thống từ cùng một nguồn nước. Bên cạnh đó, tưới nhỏ giọt không cần áp suất lớn để cung cấp nước, hạn chế cỏ dại.

Thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt phân bón có thể được cung cấp thường xuyên cho cây với lượng nhỏ nên hiệu suất sử dụng sẽ rất cao, từ đó cũng tiết kiệm được phân bón và công lao động.

Nếu có điều kiện đầu tư thì với cây măng cụt tưới nước theo phương pháp này rất tốt.

4, Tưới rãnh:

Là phương pháp tưới nước để nước chảy theo các rãnh được thiết kế giữa các hàng cây. Nước được thấm dần vào đất và cung cấp cho cây măng cụt.

Cách tưới nước này tiết kiệm và chủ động được nước tưới cho vườn cây, lớp đất mặt vẫn tơi xốp, không bị dí chặt, kết cấu đất vẫn giữ vững, đất không bị bào mòn, chất dinh dưỡng không bị rửa trôi.

Nhưng tưới theo kiểu này lãng phí một phần nước ở cuối rãnh tưới; gặp khó khăn trong việc vận chuyển công cụ sản xuất qua rãnh; phải chi phí khá lớn nhân công và thời gian cho việc cải tạo các rãnh nước.

Bước 3. Chuẩn bị nguồn nước, trang thiết bị, dụng cụ và vật tư tưới nước

- Nguồn nước tưới: Sông, hồ, kênh mương, đập hay nước giếng... Đảm bảo nước không bị nhiễm mặn hay phèn.

Lưu ý: Không tưới nước bị nhiễm độc từ các nhà máy, cơ sở sản xuất hoặc nước thải từ khu công nghiệp.

Mương lấy nước vào vườn măng cụt

Mương lấy nước vào vườn măng cụt

- Chuẩn bị trang thiết bị dụng cụ tưới nước: Cuốc (hoặc leng), thùng tưới, máy bơm nước, giàn tưới phun, đường ống dẫn nước…

- Vật tư: Dầu, xăng, mỡ...

Bước 4. Tiến hành tưới nước cho măng cụt

Tưới nước cho măng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây măng cụt.

* Tưới sau khi trồng:

- Sau khi trồng phải tưới nước ngay để cây chóng hồi phục. Tùy chân đất thấp hay cao, loại đất mà ta có thể tưới để đảm bảo độ ẩm đất cho cây con phát triển.

- Dùng thùng tưới có gắn vòi sen tưới nhẹ nhàng quanh gốc.

Tưới nước bằng thùng tưới có gắn vòi sen

Tưới nước bằng thùng tưới có gắn vòi sen

- Lượng nước tưới vừa đủ ẩm, không được tưới nước bằng ống nước có dòng nước xối mạnh làm rửa trôi, tróc gốc, đất bị váng, cây khó ra rễ.

- Măng cụt mới trồng nên tưới ngày một lần trong khoảng 4 tháng. Sau đó chỉ tưới khi gặp hạn.

- Tủ gốc bằng rơm, rạ khô sẽ bớt được công tưới; nhưng mùa mưa nên bỏ rơm tủ đi vì dễ gây bệnh và cũng là ổ chứa mối hại cây măng cụt.

Tưới măng cụt giai đoạn mới trồng

Tưới măng cụt giai đoạn mới trồng

* Tưới nước giai đoạn kiến thiết cơ bản:

- Khi thấy cây có hiện tượng thiếu nước phải tiến hành tưới nước.

- Lượng nước tưới tùy theo mức độ khô hạn và phương pháp tưới. Nếu số lần tưới càng nhiều thì lượng nước ít lại và đảm bảo đủ ẩm cho cây măng cụt phát triển.

Tưới nước giai đoạn kiến thiết cơ bản

Tưới nước giai đoạn kiến thiết cơ bản

* Tưới nước giai đoạn kinh doanh:

- Tưới nước cách ngày cho cây măng cụt đặc biệt là sau khi cây ra hoa, đậu quả. Nhưng khi gần thu hoạch thì ngưng tưới nước.

- Lượng nước tưới: Tùy thuộc vào phương pháp tưới nhưng đảm bảo tưới đủ ẩm cho cây măng cụt.

Măng cụt đang ra quả rất cần nước

Măng cụt đang ra quả rất cần nước

3. Tiêu nước cho măng cụt

3.1. Xác định tác hại của sự ngập úng

Khi trồng măng cụt trên vùng đất thấp sẽ dễ bị rủi ro do ngập úng, do tần suất xuất hiện lũ ngày càng cao trong những năm gần đây, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Lũ lụt ĐBSCL thường xảy ra trong ba tháng 9, 10, 11 hàng năm, với đỉnh lũ thường tập trung vào cuối tháng 9, 10.

Hầu hết các vườn măng cụt đều bị ảnh hưởng và thiệt hại với mức độ khác nhau do nước dâng cao hoặc mưa kéo dài.

Nếu vườn măng cụt bị ngập sẽ làm cho những lỗ nhỏ trong đất chứa đầy nước, kém thoáng khí, thiếu oxy cung cấp cho rễ cây hô hấp, đất trở nên bão hòa và rễ dễ bị hủy hoại.

Ngoài ra, trong quá trình bị ngập nước rễ cây còn sản sinh ra khí ethylene làm kích thích ra rễ mới; nhưng với hàm lượng lớn thì sẽ gây ngộ độc cho cây, làm cho lá bị vàng và rụng nhiều. Bên cạnh đó, khi cây bị ngập úng, dễ bị tổn thương đặc biệt là rễ, tính kháng kém nên cũng là cơ hội cho các loại nấm bệnh phát triển.

Ở giai đoạn cây con nếu bị ngập úng cây sẽ chết. Ở giai đoạn trưởng thành nếu bị ngập nước nhẹ trong thời gian ngắn thì cây vẫn sống, nhưng phát triển chậm lại, cây bị suy kiệt, cằn cỗi, chất lượng và hiệu quả của hoa và quả kém. Còn bị ngập nặng, độ ẩm trong đất cao vượt quá nhu cầu của cây, thì rễ sẽ bị nghẹt, kém phát triển, thậm chí bị thối và chết, không có khả năng phục hồi trở lại.

3.2. Tiêu nước cho vườn măng cụt

Tiêu nước hay thoát thủy là biện pháp kỹ thuật nhằm rút bớt nước ứ đọng trong đất vườn nhiều quá mức khiến sự sống, tăng trưởng và năng suất cây măng cụt có thể bị ảnh hưởng.

* Tiêu nước ngay khi có dấu hiệu ngập úng

Phương châm tiêu nước là sự tổng hợp của “Rải nước - Chôn nước - Tháo nước”.

- Rải nước: Chia nhỏ các khu tiêu nước riêng biệt nhằm phân tán lượng nước cần tiêu theo yếu tố địa hình. Nghĩa là, nước ở tiểu vùng nào thì tiêu ngay ở chỗ đó.

- Chôn nước: Cho nước lắng rút xuống tại chỗ ở những nơi trũng hoặc trữ tạm ở các ao, đìa, kênh tiêu để trữ tạm thời.

- Tháo nước: Dùng biện pháp tiêu thoát nhanh tại những nơi có thể rút tháo nước thuận lợi. Đôi khi tháo nước cần có những biện pháp hỗ trợ như dùng bơm để bơm nước ra ngoài khu vườn.

Tóm lại, khai rãnh ở mặt liếp, thoát nước trong mương (dựa vào triều kém hoặc bơm thoát nước) ngay để hạ nhanh mực thuỷ cấp trong liếp, giúp đất nhanh thông thoáng hơn và rễ nhanh hồi phục hơn.

* Phục hồi vườn cây sau ngập úng

Sau mùa lũ nếu chăm sóc không đúng quy trình kỹ thuật sẽ rất dễ ảnh hưởng đến năng suất của những vụ sau. Do đó cần áp dụng các biện pháp khắc phục:

- Xới mặt đất (ở vùng tán cây) bằng cuốc răng (dài 8 - 10 cm) để phá váng, giúp đất được thông thoáng

- Đào mương để nước rút nhanh ra khỏi vườn cây.

- Nên sử dụng phân bón lá có chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cây trồng như: N, P, K, Ca, Mg, S, Fe... để phun trên lá, thân cây. Cắt tỉa cành non, lá non ra trong giai đoạn vườn cây bị ngập úng.

- Có thể sử dụng tổ hợp phân DAP (dạng công nghiệp) cộng với Cloruakali (phân muối ớt) với tỉ lệ: 2 phần DAP, 1 phần Cloruakali trộn đều, sau đó lấy từ 100 - 150 g hoà tan trong một bình 10 lít và phun đều lên trên lá.

- Cần cung cấp thêm chất vôi cho vườn cây măng cụt trong giai đoạn này với liều lượng từ 0,5 - 1 kg cho mỗi gốc (khoảng 500 kg - 1.000 kg/ha) để vừa giải phóng các dinh dưỡng bị đất giữ chặt, hóa giải các độc tố trong đất, mà còn cung cấp Can-xi trực tiếp cho cây măng cụt để cây sinh trưởng khỏe hơn.

Chú ý trị các loại bệnh do nấm tấn công ở vùng gốc và rễ cây bằng các loại thuốc thích hợp.

Nói chung để bảo vệ và chăm sóc tốt vườn cây măng cụt trong mùa mưa lũ, nên quan tâm đến vấn đề xây dựng bờ bao bảo vệ vườn cây chắc chắn, việc này cần phải làm trước tiên, để giúp cây măng cụt không bị ngập úng. Ngoài ra còn phải thực hiện chăm sóc vườn măng cụt đúng qui trình kỹ thuật, nhằm giúp cho cây măng cụt phát triển khỏe, nâng cao sức chống chịu với điều kiện bất lợi.

Nguồn: Giáo trình nghề trồng cây măng cụt - Bộ NN&PT NT
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status