Kỹ thuật trồng mới cây sầu riêng và cây măng cụt

Cây trồng liên quan: Cây sầu riêng , Cây măng cụt

1. Đặt cây vào hố

  • Bước 1. Đảo phân trong hố trước khi trồng

Dùng các dụng cụ đơn giản như dao, leng, cuốc ... để đảo phân. Nên đảo từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong giữa hố.

Đảo phân trong hố trước khi trồng

  • Bước 2. Tạo điểm để đặt cây trong hố

Tùy theo cở bầu cây mà đào hố có kích thước phù hợp.

Đào 1 lỗ giữa mô đất có độ sâu 20 cm, đường kính vừa với bầu cây con, tốt nhất lớn hơn bầu cây con một chút.

Tạo điểm đặt cây

Tạo điểm đặt cây

  • Bước 3. Kiểm tra cây giống trước khi đặt vào hố trồng

Trước khi đặt cây xuống cần phải kiểm tra xem cây con có đạt tiêu chuẩn hay không, nếu đạt mới đặt cây xuống hố:

* Cây măng cụt

- Cổ rễ thẳng, vỏ không bị tổn thương đến phần gỗ.

- Đường kính (đo tại nơi cách mặt nền bầu ươm 2 cm) từ 0,6 cm trở lên.

- Bộ rễ phát triển tốt, có nhiều rễ thứ cấp. Rễ cọc không cong vẹo.

- Thân cây thẳng và vững chắc, không bị chảy nhựa.

- Có từ 1 cặp nhánh ngang trở lên.

- Có 12 cặp lá trưởng thành trở lên. Các lá ngọn đã trưởng thành, xanh tốt và có hình dạng, kích thước đặc trưng của giống.

- Chiều cao cây giống (từ mặt giá thể bầu ươm đến đỉnh chồi) từ 70 cm trở lên.

- Bầu ươm còn chắc chắn, nguyên vẹn và có mặt trong màu đen.

- Không bị sâu bệnh.

Cây giống măng cụt

Cây giống măng cụt

* Cây sầu riêng

- Thân và cổ rễ phải thẳng và vững chắc. Vỏ không bị thương tổn. Vết ghép tiếp hợp tốt. Bộ rễ phát triển tốt, có nhiều rễ tơ. Rễ cọc không cong vẹo.

- Có từ 3 cành cấp 1 trở lên. Số lá trên thân chính phải có từ 1/3 chiều cao của cành giống đến đỉnh chồi. Các lá ngọn đã trưởng thành, xanh tốt và có hình dạng, kích thước đặc trưng của giống.

- Chiều cao cây giống (từ mặt giá thể bầu ươm đến đỉnh chồi) từ 80 cm trở lên. Đường kính của cây giống (đo phía trên vết ghép khoảng 2 cm) từ 0,8 cm trở lên.

Cây giống sầu riêng

Cây giống sầu riêng

  • Bước 4. Đặt cây:

- Dùng dao hoặc kéo bén cắt rời phần đáy bầu và cắt bỏ phần rễ cái bị cong (nếu có).

Cắt đáy bầu

Cắt đáy bầu

- Dùng dao rạch một đường trên bao bầu cây (bao nilon) từ miệng bầu xuống đáy bầu trước khi đặt cây.

Rạch bao nilon

Rạch bao nilon

- Đặt bầu cây vào giữa hố, chỗ lỗ mới khoét sao cho bầu cây cao hơn miệng hố 2 - 3 cm.

Đặt cây vào hố

Đặt cây vào hố

- Nhẹ nhàng tháo bọc nilon ra, tránh làm vỡ bầu gây hư hại rễ cây.

Lưu ý, đặt cây sao cho cây trồng phải thẳng, cổ rễ ngang mặt đất hoặc cao hơn 5 cm là vừa, tránh trồng quá sâu hoặc quá cạn.

Lấy bọc nilon ra sau khi đặt cây

Lấy bọc nilon ra sau khi đặt cây

2. Lấp đất

- Sau khi đặt cây vào hố, cho đất và phân hữu cơ đã trộn sẵn đến quá nửa hố, nén chặt kết hợp tưới nước để cho cây đứng vững, đủ ẩm.

Lấp một phần đất vào hố

Lấp một phần đất vào hố

- Tiếp tục lấp đất cho đến khi đất phủ toàn bộ mô, phủ lên miệng bầu cây 2 - 3 cm và nén chặt (phủ đất ở bên ngoài thấp hơn miệng bầu cây 1 chút để khi tưới nước không đọng lại trong bầu cây gây thối rễ).

Lưu ý: Không nên đợi lấp đất đầy hố rồi mới nén chặt và tưới một lượt, nước sẽ không ngấm đều khắp bầu cây, đất chung quanh cây không được dẽ chặt, cây dễ bị nghiêng ngã.

Bầu cây đã lấp đất

Bầu cây đã lấp đất

Trong quá trình lấp đất cần chú ý điều chỉnh cho thân cây ở tư thể thắng đứng vuông góc với mặt đất.

Cây măng cụt được trồng thẳng đứng

Cây măng cụt được trồng thẳng đứng

3. Cắm cọc giữ cho cây đứng vững

- Chuẩn bị cọc: Thông thường ta nên dùng các vật liệu tre, nứa, gỗ để làm cọc có đường kính 1,5 - 2,0 cm, dài 1,0 - 1,2m.

Tuỳ theo kích thước của cây giống, điều kiện thời tiết khí hậu của vùng mà có thể chuẩn bị số lượng và kích thước cọc cho thích hợp. Số cọc chuẩn bị ít nhất là bằng số lượng cây trồng và nhiều nhất là gấp 3 lần số lượng cây cần trồng.

Ở vùng hay có gió mạnh, về vụ mưa, cây giống to cao thì nên sử dụng 3 cọc cho 1 cây.

- Dây buộc: Dùng các loại dây mềm như nylon, lạt tre…

- Đóng cọc và cố định cây: Cọc được vót nhọn, đóng chắc chắn theo thế chân kiềng, tạo góc 45 - 50o so với thân cây.

Điểm tiếp xúc của thân cây với cọc ở trạng thái tự nhiên để khi cố định cây vào cọc không làm ảnh hưởng xấu đến tư thế cây và bộ rễ.

Cố định cây

Cố định cây

Dùng dây cột chặt vừa phải cọc với thân cây không gây tổn thương lớp vỏ thân chỗ tiếp xúc. Thông thường ta buột cọc chống cây khoảng 2/3 chiều cao thân cây là vừa.

4. Tưới nước giữ ẩm cho cây sau trồng

Sau khi trồng phải tưới nước ngay để cây chóng hồi phục.

Dùng thùng tưới để tưới nhẹ nhàng quanh gốc.

Lượng nước tưới vừa đủ ẩm, không được tưới nước bằng ống nước có dòng nước xối mạnh làm rửa trôi, tróc gốc, đất bị váng, cây khó ra rễ.

Tưới thường xuyên mỗi ngày (trừ những ngày mưa dầm) từ gốc đến ngọn để đảm bảo cây được xanh tốt.

Tưới nước cho cây mới trồng

Tưới nước cho cây mới trồng

5. Che nắng cho cây sau trồng

  • Tác dụng

- Giảm cường độ ánh sáng trực tiếp, tránh lá và cành non bị cháy nắng. - Cản gió để tránh lá bị tổn thương cơ giới.

- Giảm sự thay đổi đột ngột ẩm độ không khí và đất chung quanh cây.

* Vật liệu dùng che nắng: Là các vật liệu sẵn có ở địa phương như tranh, lá chuối, cây ngô, bao xác rắn, lá dừa khô, lưới cước.

Che nắng cho cây bằng lá dừa và che nắng cho cây bằng lưới

Che nắng cho cây bằng lá dừa và che nắng cho cây bằng lưới

  • Cách che nắng

Dùng vật liệu che nắng tạo thành mái che, sao cho che khoảng 35 - 40% ánh sáng mặt trời trực tiếp và mái che cao hơn ngọn sầu riêng, măng cụt để không ảnh hưởng đến sự phát triển của ngọn cây.

6. Phủ (tủ) gốc cho cây mới trồng

Tủ gốc là biện pháp tốt để giữ ẩm độ đất ổn định, duy trì sự hoạt động hữu hiệu của tầng rễ ngang sát mặt đất, giảm số lần tưới, tránh cỏ mọc vào mùa khô và hạn chế đất văng do mưa, hạn chế sự phát tán mầm bệnh nằm trong đất.

Khi lớp phủ hoai mục sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng cho cây và cải tạo tính chất của đất theo hướng có lợi. Tuy nhiên, cần lưu ý là lớp phủ hữu cơ này cũng là môi trường tốt cho mối phát triển và các loại côn trùng có hại ẩn nấp. Do đó, cần theo dõi thường xuyên để có biện pháp phòng trừ khi cần thiết.

Dùng rơm rạ khô, lá cây khô ... tủ quanh gốc cây một lớp dày khoảng 5 - 10 cm và cách xa gốc khoảng 10 - 20 cm để giảm sự bốc thoát hơi nước và chống xói mòn.

Ở những vùng khan hiếm nước, về mùa khô có thể dùng nilon để che phủ vùng đất quanh gốc cây sau khi tưới đủ nước.

Tủ gốc cho sầu riêng bằng rơm khô

Tủ gốc cho sầu riêng bằng rơm khô

Nguồn: Giáo trình nghề trồng cây sầu riêng và măng cụt - Bộ NN&PTNT
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status