Thế nào là bón phân hợp lý cho cây trồng

Bón phân hợp lý là sử dụng lượng phân bón thích hợp bón cho cây đảm bảo tăng năng suất cây trồng với hiệu quả kinh tế cao nhất, không để lại các hậu quả tiêu cự lên nông sản và môi trường sinh thái.

Thê nào là bón phân hợp lý

Nói một cách ngắn gọn, bón phân hợp lý là thực hiện 5 đúng và bón cân đối:

1. Đúng loại phân

- Cây cần phân gì bón đúng loại phân đó. Phân có nhiều loại, mỗi loại có những tác dụng riêng. Bón không đúng loại phân không những phân không phát huy được hiệu quả, mà còn có thể rây ga những hậu quả xấu.

- Bón đúng loại phân không những phải tính cho nhu cầu của cây mà còn phải tính đến đặc điểm và tính chất của đất. Đất chua không bón các loại phân có tính axit. Ngược lại, trên đất kiềm không nên bón các loại phân có tính kiềm.

2. Bón đúng lúc

- Nhu cầu đối với các chất dinh dưỡng của cây thay đổi tùy theo các giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Có nhiều giai đoạn sinh trưởng cây cần đạm hơn kali, có nhiều giai đoạn cây cần kali hơn đạm. Bón đúng lúc cây cần phân mới phát huy được tác dụng.

thế nào là bón phân hợp lý

- Cây trồng cũng như các loại sinh vật khác, có nhu cầu đối với các chất dinh dưỡng thường xuyên, suốt đời. Vì vậy, để cho cây có thể sử dụng tốt các loại phân bón, tốt nhất là chia ra bón nhiều lần và bón vào lúc cây hoạt động mạnh. Bón tập trung vào một lúc với nồng độ và liều lượng phân bón quá cao, cây không thể sử dụng hết được, lượng phân bị hao hụt nhiều mà phân còn có thể gây ra nhiều tác động xấu đối với cây.

3. Đúng thời tiết, mùa vụ

- Thời tiết có ảnh hưởng đến chiều hướng tác động và hiệu quả của phân bón. Mưa làm rửa trôi phân bón gây lãng phí lớn. Nắng gắt cùng với tác động của các hạt phân bón có thể gây cháy lá, hỏng hoa, quả.

- Trong điều kiện khí hậu, thời tiết và sản xuất của nước ta đối với các loại cây ngắn ngày, mỗi năm có 3-4 vụ, thậm chí 8-9 vụ sản xuất. Đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây trồng ở từng vụ có khác nhau, cho nên nhu cầu đối với các nguyên tố dinh dưỡng cũng như phản ứng đối với tác động của từng yếu tố dinh dưỡng cũng khác nhau.

- Lựa chọn đúng loại phân, dạng phân và thời vụ bón hợp lý có thể nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón. Việc sử dụng các loại phân phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết của mùa vụ được trình bày ở phần II của sách này.

4. Bón đúng cách

- Có nhiều phương pháp bón phân: bón vào hố, bón vào rãnh, bón rải trên mặt đất, hòa vào nước phun lên lá, bón phân kết hợp với tưới nước...

+ Có nhiều dạng bón phân: rắc bột, vo viên đút vào gốc, pha thành dung dịch để tưới.

+ Có nhiều thời kỳ bón phân: bón lót, bón thúc đẻ nhánh, thúc ra hoa, thúc kết quả, thúc mẩy hạt...

- Lựa chọn đúng cách bón thích hợp cho loại cây trồng, cho vụ sản xuất, cho loại đất... có thể làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón lên gấp nhiều lần.

- Cách bón thích hợp vừa đảm bảo tăng năng suất và cây trồng, tăng hiệu quả phân bón, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng cơ sở sản xuất phù hợp với từng trình độ của người nông dân.

5. Bón phân cân đối

- Cây trồng có yêu cầu đối với các chất dinh dưỡng ở những lượng nhất định với những tỷ lệ nhất định giữa các chất. Thiếu một chất dinh dưỡng nào đó, cây sinh trưởng và phát triển kém, ngay cả những khi có các chất dinh dưỡng khác ở mức thừa thãi.

- Các nguyên tố dinh dưỡng không chỉ tác động trực tiếp lên cây mà còn có ảnh hưởng qua lại trong việc phát huy hoặc hạn chế tác dụng của nhau.

- Đối với mỗi loại cây tròng có những tỷ lệ khác nhau trong mức cân đối các yếu tố dinh dưỡng. Tỷ lệ cân đối này cũng thay đổi tùy thuộc vào lượng phân bón được sử dụng. Tỷ lệ cân đối giữa các nguyên tố dinh dượng cũng khác nhau ở các loại đất khác nhau.

- Điều cần lưu ý là không được bón phân một chiều, chỉ sử dụng một loại phân mà không chú ý đến việc sử dụng các loại phân bón khác.

- Bón phân không cân đối không những không phát huy được tác dụng tốt của các loại phân, gây lãng phí mà còn có thể gây ra những tác dụng không tốt đối với năng suất cây trồng và đối với môi trường.

Bón phân cân đối có các tác dụng tốt là:

- Ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của đất. Bảo vệ đất chống rửa trôi, xói mòn.

- Tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả của phân bón và của các biện pháp kỹ thuật canh tác khác.

- Tăng phẩm chất nông sản.

- Bảo vệ nguồn nước, hạn chế khí thải độc hại gây ô nhiễm môi trường.

Nguồn: GS. TS Đường Hồng Dật
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status