Cẩm nang phân bón: Phân đa yếu tố

phân đa yếu tố

1. Vai trò của phân đa yếu tố trong sản xuất nông nghiệp

Từ bấy lâu nay người nông dân thường sử dụng các loại phân đơn để cung cấp các nguyên tố dinh dưỡng cho cây trồng sinh trưởng, phát triển. Do không có những hiểu biết đẩy đủ về nhu cầu cân đối của cây trồng họ đã không những không đáp ứng được yêu cầu dinh dưỡng cân đối của cây trồng để đạt năng suất cao phẩm chất tốt, mà còn có thể ảnh hưởng xấu tới hiệu quả sản xuất và môi trường.

Nhằm giúp người nông dân khắc phục tình trạng trên, các công ty phân bón đã và đang sản xuất những loại phân bón chứa nhiều chất dinh dưỡng theo một tỉ lệ xác định.

- Phân đa yếu tố: Các loại phân đa yếu tố có những vai trò trong sản xuất nông nghiệp như:

+ Việc bón phân, đảm bảo cùng 1 lúc cung cấp đầy đủ chủng loại và lượng cân đối các chất dinh dưỡng, đúng theo yêu cầu của cây trồng, không chỉ có tác dụng làm cây trồng sinh trưởng phát triển mạnh, cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn, mà còn tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

+ Các loại phân bón này, có thể đáp ứng cùng 1 lúc nhu cầu về các chất dinh dưỡng của cây và giúp cho người nông dân không hiểu biết tường tận về phân bón cân đối, vẫn có thể bón phân cân đối cho cây trồng.

+ Như vậy, sản xuất và sử dụng phân đa yếu tố, còn là phương tiện quan trọng mà xã hội tạo ra, nhằm giúp tất cả nông dân có thể phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững (Vì bất kỳ người nông dân nào cũng có thể bón phân cân đối). Để phù hợp với thực tế này, các nhà sản xuất phân bón đang rất quan tâm sản xuất và cung ứng các loại phân bón chuyên dùng cho từng đối tượng sử dụng (từng thời kỳ bón của mỗi loại cây trồng trên các loại đất khác nhau).

2. Khái niệm chung về phân đa yếu tố

Phân đa yếu tố là loại phân bón mà trong thành phần của nó có chứa ít nhất 2 yếu tố dinh dưỡng chính (đa lượng). Ngoài ra trong phân còn có thể có các nguyên tố dinh dưỡng trung lượng, vi lượng, thuốc trừ cỏ, chất kích thích sinh trưởng,... để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón. Phân đa yếu tố, còn có thể gọi là phân phức tạp.

2.1. Cách gọi tên phân đa yếu tố

Tên phân của phân đa yếu tố được ghét tên của các nguyên tố đa lượng có trong phân thành 1 tên chung.

Tên phân còn có thể cho biết dạng nguyên tố dinh dưỡng có trong phân, đặc biệt cần thiết đối với nguyên tố N. Thí dụ: Nitrophos gồm 2 nguyên tố N và P mà N ở dạng Nitrat, còn Diamonphos – DAP cũng gốm 2 nguyên tố N, P trong đó N - ở dạng amon NH4.

2.2. Cách gọi tên phân đa yếu tố

- Tên của phân đa yếu tố còn thể hiện thành phần và tỉ lệ (%) của các nguyên tố dinh dưỡng có trong phân, được biểu thị bằng vị trí của các chữ số, theo quy ước thứ tự vị trí số thứ nhất là N, vị trí thứ 2 là P2O5 và vị trí thứ 3 là K2O.

- Nếu trong thành phần của phân có chứa các nguyên tố khác (S, Mg,...) thì viết số biểu thị tỉ lệ của nguyên tố đó tiếp theo và phải ghi thêm ký hiệu nguyên tố ngay sau chữ số đó. Thí dụ: Phân phức tạp 20.10.10 cần hiểu là loại phân phức tạp có 20%N, 10%P2O5, 10% K2O, còn 20-10-10-5(Mg) là loại phân có tỉ lệ N, P, K nhưng có thêm 5%Mg.

2.3. Hàm lượng và tỉ lệ các yếu tố dinh dưỡng của phân đa yếu tố

- Hàm lượng dinh dưỡng của phân đa yếu tố là tổng số các đơn vị N, P2O5, K2O có trong 100kg phân bón.

VD: Loại phân 5.10.3 có tổng hàm lượng dinh dưỡng là 18%.

- Hàm lượng dinh dưỡng trong phân bón có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả, đặc biệt là hiệu quả kinh tế của phân bón. Xu hướng hiện nay trên thế giới người ta sản xuất những loại phân có hàm lượng dinh dưỡng cao.

- Trong phân đa yếu tố còn có hàm lượng của từng loại yếu tố dinh dưỡng đa lượng (là phần cấu thành hàm lượng dinh dưỡng của phân) đồng thời tạo nên tỷ lệ các chất dinh dưỡng có trong phân bón. Vì vậy hàm lượng từng yếu tố dinh dưỡng và tỉ lệ giữa các chất dinh dưỡng có ảnh hưởng lớn tới giá trị, đối tượng và kỹ thuật sử dụng của phân đa yếu tố.

2.4. Phân loại phân đa yếu tố

- Việc phân loại phân đa yếu tố có thể theo 2 cách:

+ Phân loại theo dạng sử dụng: dạng lỏng và dạng rắn.

+ Phân loại theo quy trình sản xuất: phân hỗn hợp (phân trộn) và phân hóa hợp (phân phức hợp).

* Phân hỗn hợp (phân trộn):

- Khái niệm: Phân hỗn hợp là loại phân đa yếu tố được tạo thành do sự trộn cơ giới các loại phân đơn với nhau (ở dạng rắn cũng như dạng lỏng), không thông qua bất kỳ một phản ứng hóa học nào. Thí dụ: Để có 100kg phân hỗn hợp chứa 30% chất dinh dưỡng có tỷ lệ NPK 8 – 12- 10 người ta trộn các loại phân đơn sau: (NH4)2SO4: 40kg; Apatit nghiền (34%P2O5): 28kg; Supe lân (17%P2O5): 15kg.

KCl (60% K2O): 17kg.

Các phân hỗn hợp, theo quy trình sản xuất có thể chia ra: phân hỗn hợp một hạt và phân hỗn hợp ba hạt hay 3 ‘ba màu’ (loại phân này sản xuất đơn giản mà không tốt bằng loại phân 1 hạt).

- Nguyên tác trộn phân hỗn hợp: Tránh trộn các phân mà sau khi trộn làm ảnh hưởng xấu đến thành phần và tính chất phân, do vậy cần lưu ý:

+ Không trộn các phân mà sau khi trộn làm cho đặc tính vật lý của hỗn hợp phân xấu đi: chảy nước rữa ra hay rắn chắc lại không tơi xốp khó vãi phân khi bón. Tuy nhiên có thể khắc phục hiện tượng này bằng cách đem bón ngay sau khi trộn.

+ Không trộn các phân mà sau khi trộn làm giảm chất lượng của hỗn hợp phân: Mất chất dinh dưỡng hay chuyển dạng dinh dưỡng thành dạng khó tan hơn. Để thuận lợi cho người sản xuất người ta xây dựng bảng hướng dẫn trộn phân.

- Ưu điểm phân hỗn hợp: Sản xuất khá đơn giản, không đòi hỏi công nghệ và thiết bị đặc biệt, dễ dàng thay đổi tỷ lệ dinh dưỡng có trong phân theo yêu cầu, vì vậy loại phân này đang rất phổ biến ở Việt Nam.

- Nhược điểm phân: Chất lượng không đồng đều do có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng, kể cả việc Nhà sản xuất có thể không trung thực. Vì vậy trong thực tế có những cơ quan kiểm tra chất lượng phân bón để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

* Phân phức hợp:

- Khái niệm: Phân phức hợp là loại phân đa yếu tố mà trong đó, các chất dinh dưỡng được tác động với nhau theo những phản ứng hóa học cụ thể, để tạo thành 1 sản phẩm mới.

Thí dụ: Dùng NH3 trung hòa axit photphoric để tạo thành amophos

- Ưu điểm: Là chất lượng đảm bảo đồng đều, thường được vê viên nên có tính chất vật lý tốt, hàm lượng dinh dưỡng cao và ổn định (hàm lượng dinh dưỡng thường đạt trên 50%).

- Nhược điểm: Chủng loại sản phẩm không đa dạng, giá thành phẩm cũng cao hơn, sản xuất đòi hỏi thiết bị và công nghệ phức tạp hơn.

3. Tính chất của phân đa yếu tố

Tính chất của phân đa yếu tố có thể tập hợp thành ưu và nhược điểm của phân như sau:

3.1. Ưu điểm của phân đa yếu tố

- Các yếu tố dinh dưỡng tác động lên cây trồng và tác động lẫn nhau một cách tốt nhất (do trong thành phẩm của cùng một hạt phân có tập trung nhiều yếu tố dinh dưỡng). Kết quả làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng tốt hơn bón từng phân đơn với lượng tương ứng.

- Tránh được sự thiếu hụt quá mức một nguyên tố dinh dưỡng nào đó, điều này đặc biệt có lợi khi người nông dân chưa thật hiểu về bón phân cân đối mà vẫn có thể bón cân đối cho cây trồng, thâm canh đạt hiệu quả cao mà không sợ ảnh hưởng xấu tới môi trường.

- Tiết kiệm chi phí vận chuyển, tiết kiệm công bón, chi phí bảo quản thao tác lại đơn giản nhanh. Do vậy nâng cao được hiệu quả kinh tế trong sử dụng phân bón.

- Phân đa yếu tố có hàm lượng dinh dưỡng cao, ít chất phụ gia nên phân cũng đặc biệt thích hợp cho sử dụng trên đất mặn.

- Phân trộn được đồng nhất hơn, tránh được sai sót có thể dẫn đến việc làm mất dinh dưỡng.

3.2. Hạn chế của phân đa yếu tố

- Tỷ lệ các chất dinh dưỡng có trong phân cố định, nên không thể thỏa mãn đầy đủ yêu cầu dinh dưỡng ở các thời kỳ khác nhau của 1 cây trồng, càng không thể đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng của các cây trồng khác nhau trên các loại đất khác nhau. Để khắc phục nhược điểm này, nhà sản xuất phân có nhiều loại phân bón chuyên dùng cho từng đối tượng cụ thể.

VD: Công ty cổ phần phân bón Sông Mã đã sản xuất ra nhiều loại phân chuyên dùng cho các loại cây khác nhau, ở các thời kỳ sinh trưởng khác nhau.

- Không đáp ứng đủ được yêu cầu của kỹ thuật bón. P và K thích hợp cho việc bón lót còn N thường thích hợp cho việc bón thúc, trong khi đó chúng lại được sử dụng cùng 1 lúc. Vì vậy sẽ có yếu tố dinh dưỡng kém phát huy được hiệu quả.

- Do hàm lượng dinh dưỡng chính có trong phân cao, nên không có những yếu tố phụ (vi lượng, chất kích thích sinh trưởng,...) là những chất cần thiết cho cây trồng. Ngoài ra giá thành phân bón cao nên có phần hạn chế người nông dân có ít vốn sử dụng.

4. Kỹ thuật sử dụng phân đa yếu tố

4.1. Điều kiện sử dụng phân đa yếu tố

Để hạn chế nhược điểm của phân ĐYT, giúp phân ĐYT phát huy hết hiệu quả và ưu điểm của nó, khi sử dụng phân này đòi hỏi phải đáp ứng những điều kiện sử dụng, cụ thể như sau:

- Phải sử dụng phân ĐYT cho đúng cây, đúng đất và đúng lúc – thời kỳ bón (do phân được chế biến nhằm phụ vụ cho từng đối tượng sử dụng cụ thể: đất trồng, cây trồng, thậm chí cho từng thời kỳ bón của 1 cây trên 1 loại đất nào đó).

- Việc sản xuất và sử dụng phân đa yếu tố phải dựa trên cơ sở những nghiên cứu đầy đủ về đất trồng, đặc điểm dinh dưỡng của cây, kỹ thuật bón phân, sau khi đã có quy hoạch vùng sản xuất.

- Cây trồng không chỉ hút các chất dinh dưỡng từ phân bón, mà còn hút 1 phần khá lớn dinh dưỡng từ đất. Vì vậy sau 1 thời gian sử dụng 1 loại phân đã được xác định là phù hợp, do khả năng cung cấp chất dinh dưỡng của đất bị thay đổi cần phải chế biến lại phân mới.

4.2. Kỹ thuật sử dụng

- Cần chú ý tới dinh dưỡng có chứa trong phân: Về số lượng, tỷ lệ giữa các chất và đặc điểm các chất dinh dưỡng để sử dụng và đánh giá giá trị của phân. Phân có tổng hàm lượng dinh dưỡng cao, sẽ có giá trị cao hơn và kỹ thuật sử dụng khác. Vd: Loại phân NPK với tổng tỷ lệ dinh dưỡng là 30% có thể có thể có tỷ lệ dinh dưỡng khác nhau: 8 – 12 – 10, 12-8-10, hay 15 – 5 – 10,... dạng lân có trong thành phần của phân có thể là apatit nghiền, supe lân hay PLNC sẽ có giá trị và cách sử dụng khác nhau.

+ Đối với các phân đa yếu tố chỉ có 2 nguyên tố P, K: có điều sử dụng giống nhau thường dùng bón lót và nên bón sớm, không sợ bón thừa. Trong thực tế, có thể gặp các phân NPK, nhưng có hàm lượng đạm thấp, cũng có điều kiện sử dụng phân PK, thích hợp cho việc bón lót là chính. Các loại phân có chưa PK dùng bón về sau trong quá trình sinh trưởng của cây phải chứa các dạng lân và kali dễ tiêu với cây trồng.

+ Đối với các phân ĐYT có chưa N: Phải lưu ý đến đặc tính linh động của N và khả năng gây hậu quả xấu khi bón thừa, cho nên khi sử dụng các loại phân này cần cẩn thận. Phải chọn loại phân có tỷ lệ N thích hợp với từng loại cây trồng đồng thời định lượng N chặt chẽ theo nhu cầu của cây và cân đối giữa N – P, N – K, và NPK theo yêu cầu của cây và khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất.

- Cần tránh bón phân quá sớm và thừa đối với yếu tố đạm hay bón quá muộn đối với P và K. Khi bón phân ĐYT có chứa đạm cần bón vào thời kỳ tối thích đối với yếu tố đạm.

- Khi chưa có các loại phân đa yếu tố phù hợp với đối tượng sử dụng, trong trường hợp cần thiết vẫn phải bón phân đơn bổ sung cho phân đa yếu tố, theo nhu cầu của cây, để cung cấp đủ và kịp thời dinh dưỡng cho cây trồng, mới có thể đạt năng suất cao, phẩm chất tốt.

Vậy:

Việc sử dụng phân ĐYT chỉ đem lại lợi ích thực sự khi có những điều kiện sử dụng (có phân phù hợp với đối tượng), việc sử dụng phân ĐYT như một tiến bộ kỹ thuật sẽ tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của người sản xuất và cơ sở sản xuất.

Nguồn: Giáo trình phân bón
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status