Những điều cần biết khi uống thuốc kháng đông

Van tim nhân tạo có 2 nhóm chính: nhóm van cơ học (làm bằng kim loại) và nhóm van sinh học (Lấy từ van tim của động vật, thường là van heo). Van sinh học thường có đời sống ngắn hơn, nhưng nguy cơ tạo thành cục máu đông ít hơn nên người mang van sinh học không nhất thiết phải dùng thuốc kháng đông suốt đời. Van cơ học thì ngược lại, nguy cơ tạo cục máu đông rất cao nên người mang van loại này phải dùng thuốc kháng đông uống (cụ thể ở Việt Nam thường là Sintrom) suốt đời.

1. Thuốc kháng đông uống là gì? (thuốc chống đông máu là gì?)

Thuốc kháng đông uống (hay còn gọi là thuốc kháng vitamin K) làm cho máu loãng hơn bình thường, ngăn ngừa tạo cục máu đông bất thường trong cơ thể gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tắc tĩnh mạch ở chân hay tắc động mạch phổi.

Thuốc kháng đông máu

 Ở nước ta thường sử dụng 2 loại: Sintrom  (Acenocoumarol)  và Coumadin (warfarin). 

2. Tại sao phải uống thuốc kháng đông?

 Bệnh nhân đã thay van tim cơ học cần phải uống kháng đông suốt đời để duy trì hoạt động của van, tránh bị kẹt van do cục máu đông gây hư van phải mổ lại.

 Bệnh nhân bị loạn nhịp tim (rung nhĩ) dễ tạo cục máu đông  trong tim. Cục máu đông này được tim bóp ra, trôi theo dòng máu lên não gây đột quỵ (nhũn não). Do đó bệnh nhân bị rung nhĩ phải uống thuốc chống đông để ngăn ngừa đột quỵ.

 Bệnh nhân có huyết khối tĩnh mạch chân cần uống thuốc kháng đông từ 3 đến 6 tháng hoặc lâu hơn tùy nguyên nhân gây huyết khối.

 Bệnh nhân thuyên tắc phổi, tăng áp động mạch phổi tiên phát cần điều trị thuốc kháng đông lâu dài.

3. Khi uống thuốc kháng đông cần theo dõi như thế nào?

 Cần đo INR (International Normalized Ratio) mỗi lần tái khám để chỉnh liều thuốc.

 INR thấp: không đạt mục tiêu điều trị, dễ tạo cục máu đông gây kẹt van tim hay đột quỵ.

 INR cao: gây chảy máu như bầm dưới da, chảy máu răng, chảy máu cam, ói ra máu, đi cầu ra máu, đi cầu phân đen, tiểu máu, … nặng nhất là chảy máu não. 

4. INR mục tiêu là gì?

Mỗi bệnh nhân có giá trị INR mục tiêu khác nhau

 Van động mạch chủ cơ học: INR= 2.0 – 3.0

 Van 2 lá cơ học: INR= 2.5 – 3.5

 Van cơ học kèm tiền sử kẹt van: INR= 3.5 – 4.5 hay uống kèm thêm aspirin 75- 100 mg/ ngày

 Rung nhĩ, huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi: INR= 2.0 – 3.0

 Bệnh nhân lớn tuổi, có nguy cơ chảy máu cao (tiền căn xuất huyết tiêu hóa, loét dạ dày tá tràng, polype đại tràng,…), thể trọng nhỏ, uống kèm với aspirin hay clopidogrel  nên duy trì INR= 2.0

5. Bao lâu nên đo INR một lần?

Điều trị với thuốc kháng đông bạn cần theo dõi bác sĩ và thử máu định kỳ (trung bình 1 tháng / lần). Việc tăng giảm liều thuốc kháng đông phải do các bác sĩ tim mạch quyết định, bạn không được tự ý thay đổi liều thuốc. Nếu trong lúc dùng thuốc mà bị chảy máu (máu răng, máu cam, bầm máu trên da...) thì có thể đã dùng quá liều, hay thấy tức ngực, khó thở thì coi chừng bị máu đông làm kẹt van: cả 2 trường hợp này bạn cần tức tốc đi khám bác sĩ tim mạch ngay.

6. Bệnh nhân nên uống thuốc kháng đông như thế nào?

 Uống đúng liều lượng theo toa của bác sĩ.

 Không được tự ý uống thuốc hoặc cho người khác uống mà không có chỉ định của bác sĩ.

 Nên có lịch để chia thuốc trong tuần.

 Có thể uống lúc bụng đói  hay no.

 Nên uống thuốc liên tục đến ngày tái khám. 

7. Nếu quên một liều thuốc thì sao?

 Uống lại liều đã quên ngay khi nhớ ra nếu quên trong vòng 8 tiếng.

 Nếu quên trên 8 tiếng, nên bỏ qua liều đó, chờ uống liều tiếp theo.

 Không được uống gấp đôi liều thuốc để bù lại.

 Nên thông báo với bác sĩ liều thuốc quên khi đến tái khám

 Nếu quên liên tiếp 2 lần nên hỏi ý kiến hướng dẫn của bác sĩ.

8. Tương tác thuốc là gì?

Những thuốc điều trị bệnh khác, dược phẩm chức năng, hoặc các loại thức ăn làm mất tác dụng hay tăng tác dụng của thuốc kháng đông.

Tăng tác dụng đông máu (tăng INR): Aspirin, Paracetamol (Panadol, Tylenol), Advil, Alaxan, Mobic, Ibuprofen, Ticlopidine, Allopurinol, Amiodarone, Bactrim, Metronidazole (Flagyl), Cimetidine, Corticoids (Dexamethasone, Prednisone, Medrol).

Các thuốc này trái lại khi dùng chung với SINTROM lại làm giảm hiệu quả chống đông của thuốc, có thể gây tai biến tạo cục máu đông tại van tim làm kẹt van, tắc van. Phải thận trọng, báo bác sĩ để theo dõi và tăng liều SINTROM nếu cần.

9. Giảm tác dụng đông máu (giảm INR):

Barbiturates, Choletyramine, Griseofulvin, Rifampicine, Thuốc ngừa thai

10. Một số loại dược phẩm chức năng hay thuốc bổ cũng có ảnh hưởng đến thuốc chống đông:

Centrum, One a day, Garlic (thuốc tỏi), Ginkgo biloba, Trà  xanh

11. Bệnh nhân uống thuốc kháng đông nên ăn uống ra sao?

Không nên ăn nhiều thức ăn có chứa vitamin K (rau xanh, bắp cải, rau muống, gan heo, …)

Quan trọng nhất là chế độ ăn ổn định, ít thay đổi.

Thức ăn có nhiều vitamin K làm ảnh hưởng đến đông máu như: bắp cải, bông cải, rau diếp, rau muống, cải xoăn, gan heo, gan bò, gan gà vịt, mayonnaise, bơ thực vật, ngò tây, củ hành xanh, đậu nành, dầu đậu nành, dầu hướng dương.

12. Thức ăn có chứa vitamin K

Thức ăn có chứa nhiều vitamin K khi hàm lượng vitamin K từ 0.1 đến 1.6 mg/ 100 g thực phẩm.

* Người bệnh nên hạn chế những thức ăn này.

100g thực phẩm (tươi/chưa nấu)

Vitamin K (mg)

100g thực phẩm (tươi/chưa nấu)

Vitamin K (mg)

Bông cải (súp lơ)

0.3

Cải xanh

0.57

Gà chiên

0.3

Cải bắp đỏ

0.3

Bông cải xanh

0.13

Dưa cải bắp

1.54

Gan gà

0.59

Gan heo

0.24

Gan bê

0.15

Bột đậu nành

02

Rau diếp

0.5

Dầu hướng dương

0.2

Thịt cừu

0.2

Rau muống

0.35

Thịt bò

0.2

Bắp cải trắng

0.125

Gan bò

0.3

Mầm lúa mì

0.3

Thức ăn chứa ít vitamin K khi hàm lượng vitamin K dưới 0.01 mg/ 100g thực phẩm.

* Người bệnh có thể ăn thoải mái hơn.

100g thực phẩm (tươi/chưa nấu)

Vitamin K (mg)

100g thực phẩm (tươi/chưa nấu)

Vitamin K (mg)

Táo

0.0005

Sữa (1.7% béo)

0.0016

0.008

Sữa (3.5% béo)

0.0037

Chuối

0.002

Cam

0.002

Dưa leo chua

0.005

Hạt quác (ít béo)

0.0012

Yoghurt (sữa không kem)

0.0005

Cà chua (chín)

0.008

Khoai tây

0.005

Bắp

0.002

13.  Những dấu hiệu cảnh báo biến chứng khi uống thuốc chống đông?

+ Chảy máu mũi

+ Chảy máu răng

+ Ho ra máu

+ Nôn ói ra máu

+ Nước tiểu hồng, đỏ hoặc nâu

+ Đi cầu ra máu hoặc phân đen

+ Nhức đầu dữ dội và kéo dài

+ Sưng bàn chân hoặc bắp chân dai dẳng (kéo dài > 1 - 2 ngày), nhất là khi có đau

Dấu hiệu và triệu chứng của tai biến mạch máu não: yếu nửa người, nói khó, nuốt sặc,..

14.  Làm gì khi INR quá cao hay bệnh nhân có dấu hiệu chảy máu?

Đo lại INR ngay (nếu có máy đo tại nhà, hoặc đến bệnh viện)

Báo kết quả INR và tình trạng người bệnh qua điện thoại để bác sĩ tư vấn

Hoặc đến bệnh viện khám để bác sĩ đánh giá tình trạng chảy máu cũng như tìm nguyên nhân

15. Bệnh nhân tránh để chấn thương

+ Cẩn thận khi dùng dao, kéo

+ Nên dùng dao cạo điện, bàn chải đánh răng mềm

+ Dùng chỉ nha khoa xỉa răng, không nên dùng tăm

+ Cẩn thận khi cắt móng tay, không nên cắt da thừa xung quanh móng.

+ Trong nhà nên mang dép chống trợt ngã, mang giầy khi ra đường.

+ Mang bao tay khi sử dụng dụng cụ sắc nhọn, khi làm vườn.

+ Không leo trèo, đến những nơi dễ té ngã

BN nên:

Có sổ ghi chép để kiểm tra liều lượng thuốc, ngày thử INR định  kỳ.

Khi uống hoặc ngưng bất kỳ loại thuốc nào kể cả dược phẩm chức năng cũng cần có ý kiến bác sĩ.

Đưa toa thuốc kháng đông khi khám bệnh nơi khác, cần phẫu thuật hay nhổ răng.

Khi bị tai nạn, chấn thương phải báo cho bác sĩ hay điều dưỡng biết mình đang uống thuốc kháng đông.

Không nên:

Ngưng thuốc hoặc để hết thuốc trước khi tái khám hoặc chưa có ý kiến bác sĩ.

Uống thêm thuốc khác mà chưa có ý kiến của bác sĩ

Uống hơn 2 ly rượu mỗi ngày

Thay đổi chế độ ăn quá mức: lúc ăn quá nhiều, lúc lại cữ hoàn toàn thức ăn có chứa nhiều vitamin K.

Chơi các môn thể thao dễ bị chấn thương

Cắt lễ, giác hơi, đấm bóp

Nguồn: BS Huỳnh Thanh Kiều - PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh
DMCA.com Protection Status