Kỹ thuật chăm sóc cây chè: Quy trình kỹ thuật đốn chè

Cây trồng liên quan: Cây chè (trà)

Bài viết hướng dẫn quy trình kỹ thuật đốn chè thời kỳ kiến thiết cơ bản và thời kỳ kinh doanh, thực hiện các phương pháp đốn chè tại các thời kỳ đúng qui trình kỹ thuật, làm cho cây chè có bộ khung tán đồng đều, sinh trưởng, phát triển tốt, thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hái.

1. Cở sở khoa học của việc đốn chè

- Dựa vào giai đoạn phát dục của cây chè

Các vị trí của cành trên cây khác nhau thì có tuổi phát dục khác nhau, cành phía trên cao thường có tuổi phát dục lớn nên nhanh ra hoa kết quả, sinh trưởng dinh dưỡng yếu. Vì vậy cần được đốn đi để kích thích các mầm phía dưới mọc lên sinh trưởng dinh dưỡng khỏe hơn, chậm ra hoa hơn.

- Dựa vào quá trình sinh trưởng của cây chè

Thông thường, ở bất kỳ loại cây trồng nào cũng có hiện tượng: khi chồi ngọn (chồi đỉnh) còn tồn tại thì chồi nách (chồi bên) ngừng sinh trưởng, nếu ngắt bỏ chồi ngọn thì chồi nách sẽ đua nhau mọc ra. Hiện tượng đó gọi là tương quan ức chế sinh trưởng. Các chất dinh dưỡng được ưu tiên vận chuyển đến chồi đỉnh nên chồi đỉnh sinh trưởng mạnh hơn (ưu thế sinh trưởng ngọn). Ở cây chè cũng vậy, các cành ở phía mặt tán có ưu thế sinh trưởng mạnh đã kìm hãm sự phát triển của cành dưới. Đốn chè sẽ phá vỡ ưu thế sinh trưởng đỉnh, các chồi nách sẽ phát triển mạnh tăng số lượng cành và búp chè.

- Toàn bộ cây chè là một thể thống nhất. Bộ tán lá là nơi quang hợp để sản xuất ra chất dinh dưỡng (gọi là chất hữu cơ hay nhựa nguyên). Chất nhựa nguyên này được vận chuyển trong vỏ cây xuống nuôi rễ. Ngược lại, bộ rễ cây lại hút nước và các chất dinh dưỡng (nhựa nguyên) trong đất để vận chuyển trong phần gỗ lên nuôi thân lá cây. Nếu như vì một lí do nào đó mà rễ không nhận được chất nhựa luyện từ lá vận chuyển tới; hoặc lá không nhận được các thứ mà rễ hút được từ đất đưa lên thì cây sẽ dần dần héo úa mà chết. Nhìn vào tán lá cây chúng ta có thể biết được bộ rễ cây đang sinh sống tốt hay xấu. Nếu cây có bộ tán lá tươi tốt, rậm rạp thì chứng tỏ bộ rễ cây đang sống rất tốt. Ngược lại tán lá vàng úa, thưa thớt thì chứng tỏ bộ rễ cây đang sống trong tình trạng rất tồi tệ. Như vậy, lá cây là cơ quan kích thích rễ cây sinh trưởng, phát triển và ngược lại. Mối quan hệ như vậy giữa bộ phận trên với bộ phận dưới đất gọi là tương quan kích thích. Giữa bộ phận trên và dưới mặt đất của cây chè luôn có tỷ lệ cân đối, đốn chè là hình thức phá vỡ thế cân bằng giữa hai bộ phận đó, tạo điều kiện cho bộ phận trên mặt đất phát triển.

- Dựa vào điều kiện thời tiết, khí hậu của từng vùng. Miền Bắc nước ta về mùa đông khí hậu khô, nhiệt độ và ẩm độ thấp, cây bị bốc thoát nước nhiều nếu cây có cành lá rậm rạp. Đốn là biện pháp nhằm giảm bớt số cành lá nhất định để hạn chế sự thoát hơi nước của cây.

2. Tác dụng của việc đốn chè

2.1. Mặt tốt

- Làm cho cây luôn ở trạng thái sinh trưởng dinh dưỡng, hạn chế sự ra hoa, kết quả.

- Loại trừ các cành già yếu, sâu bệnh không còn khả năng phát sinh và nuôi dưỡng những cành búp tươi.

- Tăng đường kính tán chè, tăng mật độ cành và búp trên tán tạo cơ sở cho sản lượng búp cao.

- Đối với những nương chè già cỗi, đốn nhằm thay thế một phần hoặc toàn bộ khung tán tăng cường sức sống cho cây.

- Tạo bộ khung tán ngang tầm người hái, nâng cao năng suất lao động.

- Tùy theo ý muốn, chúng ta có thể đốn tạo cho cây chè có các dạng tán cây chủ yếu như sau:

Cây chè

Các dạng tán chè: 1. Đứng thẳng, 2. Trung gian, 3. Nằm ngang

Các dạng hình của tán cây chè

2.2. Mặt xấu:

Thường chỉ xảy ra khi khi chúng ta đốn sai quy trình. Ví dụ như làm tổn thương cây, những vết thương đó sẽ là nơi sâu hại, bệnh hại dễ dàng xâm nhập. Hay khi đốn không đúng mùa vụ, đốn sai mục đích...

3. Kỹ thuật đốn chè

3.1. Đốn chè thời kỳ kiến thiết cơ bản

3.1.1. Ý nghĩa

Đốn chè là biện pháp kỹ thuật quan trọng trong thời kỳ nương chè KTCB, nhằm tạo cho cây chè có bộ khung tán vững chắc, rộng, nhiều cành, hình dáng cân đối, nương chè mau khép tán, có khả năng cho năng suất cao và nhiệm kỳ kinh tế dài.

3.1.2. Kỹ thuật đốn

- Mức đốn:

Cây chè sau trồng 2 năm có chiều cao 65 - 70 cm, đường kính gốc 1,0 cm trở lên ta bắt đầu đốn lần 1:

+ Đốn lần I (2 tuổi): Thân chính cách mặt đất 13 - 15cm, đốn cành bên cách mặt đất 30 - 35cm, giữ bộ lá.

+ Đốn lần II (3 tuổi): Cách mặt đất 30 - 35cm, giữ bộ lá.

+ Đốn lần III (4 tuổi): Cách mặt đất 40 - 45cm, tán bằng hay mâm xôi tùy theo đốn máy hoặc đốn cưa.

Về thực chất đốn lần 1 là hình thức trẻ lại, đốn lần 2 và 3 là đốn lửng mà ta sẽ áp dụng ở thời kỳ chè KD.

- Dụng cụ: Dao đốn, kéo đốn, máy đốn.

- Thời vụ đốn: Đốn trước khi đốn chè sản xuất vào tháng 11 đến tháng 12 hàng năm.

Đốn chè thời kỳ kiến thiết cơ bản
Đốn chè thời kỳ kiến thiết cơ bản

- Kỹ thuật đốn:

Khi đốn vết đốn vát 450, nhẵn, không dập nát, tán phẳng đều. Khi đốn lần 1 các cành xung quanh có vết đốn vát quay về tâm cây chè để cây phân tán đều. Đốn xong cần tiến hành kiểm tra vết đốn, nếu chưa đảm bảo kỹ thuật phải sửa lại cho đúng kỹ thuật.

Chú ý: Đốn tạo tán có mặt phẳng nghiêng theo sườn dốc.

3.2. Đốn chè thời kỳ kinh doanh

3.2.1. Ý nghĩa

- Phá bỏ ưu thế sinh trưởng đỉnh của cây và kích thích các chồi ngủ, chồi nách mọc thành nhiều cành non mới.

- Tạo ra bộ khung tán trẻ, khỏe, tăng diện tích bề mặt tán cho nhiều búp, vừa tầm hái, tăng năng suất lao động.

- Làm cho cây trẻ lâu, hạn chế sự ra hoa, kết quả, kích thích sinh trưởng búp non, tăng mật độ búp và trọng lượng búp.

3.2.2. Thời vụ đốn chè

Thời vụ đốn tốt nhất từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau, khi cây chè ngừng sinh trưởng. Tập trung vào tháng 1, nên đốn sau các đợt sương muối 10 - 15 ngày.

Đốn khi trời râm mát hoặc có mưa nhỏ là tốt nhất. Không đốn khi tiết trời nắng hanh sẽ làm cho chè bị khô đầu cành.

Ở vùng có ẩm độ tốt, chủ động tưới nước thì có thể áp dụng biện pháp đốn 1 phần diện tích vào tháng 4 - 5 sau đợt chè xuân để rải vụ thu hoạch.

Đốn chè thời kỳ kinh doanh

Đốn chè thời kỳ kinh doanh

3.2.3. Các dạng đốn chè

- Đốn phớt: 2 năm sau khi đốn tạo hình, mỗi năm đốn trên vết đốn cũ 3 - 5 cm. Sau đó mỗi năm đốn cao thêm 2 - 3cm, khi vết đốn cuối cùng cao 70cm, hàng năm đốn cao thêm 1 - 2cm

- Đốn lửng: Những nương chè đốn phớt nhiều năm cao quá 90cm và chè bị sâu bệnh nhiều, búp chè nhỏ, năng suất giảm thì đốn lửng cách mặt đất 60 - 65cm, nếu năng suất còn khá nhưng cây quá cao thì đốn cách mặt đất 65 - 70cm.

Chú ý: Hái đợt đầu sau đốn cần chừa lại 3 - 4 lá chừa để cây duy trì bộ lá cho quang hợp.

- Đốn đau: Những nương chè đã đốn lửng nhiều năm, cây phát triển kém, năng suất thấp, giảm rõ rệt thì đốn cách mặt đất 40 - 45cm. Trước khi đốn đau cần phải bón lót định kỳ theo quy trình. Sau khi đốn cần hái chè theo phương pháp nuôi tán, chỉ hái những búp chè cao hơn 60cm.

- Đốn trẻ lại: Những nương chè già cỗi, đã được đốn đau nhiều lần, năng suất giảm thì đốn trẻ lại cách mặt đất 10 - 12cm. Trước khi đốn phải bón phân chuồng, lân theo quy trình trước 1 năm.

Chú ý: Đốn đau trước, đốn phớt sau; đốn tạo hình chè con trước, đốn chè trưởng thành sau

  • Quy trình đốn chè kiến thiết cơ bản

Bước 1: Xác đinh vị trí đốn

Tuỳ thuộc vào tuổi chè và năng suất chè mà ta xác định vị trí đốn cho phù hợp.

Bước 2: Đốn chè

Dựa vào vị trí đốn đã xác định ở bước 1 ta tiến hành đốn. Dùng dao đốn, kéo sắc hoặc máy đốn.

Vết đốn dứt khoát, không bị dập xước.

  • Giới thiệu kỹ thuật đốn chè bằng máy:

Hiện nay trên thị trường đã có một số loại máy đốn, hái chè. Các loại máy này đều là máy nhập ngoại từ Trung Quốc, Nhật hay Đài Loan. Sử dụng máy thì năng suất lao động cao. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng cho những nương chè có độ đồng đều cao.

Thường có 2 loại máy đốn phớt kiêm hái chè và máy đốn cành la (đốn lửng, đốn đau)

Máy đốn phớt

Máy đốn phớt

Máy đốn cành la

Máy đốn chè cành la

Các máy này có nguyên lý hoạt động tương tự như chiếc tông đơ của thợ cắt tóc hoặc máy cắt cỏ. Chỉ khác là máy được lắp một động cơ xăng để cắt thay vì lực cơ học của bàn tay.

Thông thường, trước khi cho máy hoạt động người thợ phải lắp các linh kiện vào khung máy, động cơ máy. Cho nhiên liệu, dầu máy. Dật dây cho máy nổ. Điều chỉnh tay ga để thay đổi tốc độ cắt. Tốc độ cắt càng nhanh thì vết cắt càng gọn, năng suất càng cao. Nâng tầm cắt đến độ cao theo mức đốn của quy trình và cắt sao cho đồng đều trên mặt tán chè.

Khi sử dụng máy đốn phớt hoặc hái chè, máy được lắp một chiếc bao thu gom sản phẩm. Cần có thêm một người đi theo phía sau để nâng chiếc bao lên, tránh làm tổn hại tán lá chè. Mở đáy bao để lấy sản phẩm ra khi đầy bao.

Sau khi không sử dụng, cần tháo rời các linh kiện ra khỏi giá máy, lau chùi sạch, bôi dầu mỡ và xếp vào hộp máy. Bảo quản nơi khô ráo.

Máy đốn chè Nhật bản

Máy đốn chè Nhật Bản

Sử dụng máy đốn chè

Sử dụng máy đốn, hái chè

Đồi chè đốn máy

Đồi chè đốn máy

Nguồn: Giáo trình nghề trồng chè - Bộ NN&PT NT
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status