Đốm nâu cà chua

Cây trồng bị hại: Cây cà chua
Tên khoa học: Stemphilium solani G. F. Weber

1. Triệu chứng bệnh

đốm nâu cà chua

- Bệnh hại trên lá, thân, hoa, quả nhưng chủ yếu ở trên lá.

- Trên lá, vết bệnh lúc đầu là chấm nâu nhỏ, khi vết bệnh to có màu nâu nhạt hoặc nâu đậm, bề mặt hơi lõm, xung quanh vết bệnh có quầng vàng hẹp, vết bệnh to, nhỏ không đều, hình tròn hoặc có hình nhiều cạnh, kích thước vết bệnh 1 – 2mm. Trên lá có nhiều vết bệnh, các vết có thể phát triển rộng liên kết với nhau.

- Bệnh xuất hiện chủ yếu ở lá già và lá bánh tẻ đôi khi cả lá non, bệnh thường xuyên xuất hiện trên lá già trước.

- Trên thân, vết bệnh hình tròn hoặc hình bầu dục, thường ở phần thân già.

- Trên quả, vết bệnh hình tròn, màu nâu, lúc đầu nhỏ sau đó lan rộng, đường kính vết bệnh từ 5 – 10mm, trên vết bệnh có lớp nấm màu nâu đen đó là sợi nấm, cành bào tử và bào tử phân sinh.

2. Nguyên nhân gây bệnh

hình ảnh sợi nấm đốm nâu cà chua

- Bệnh do nấm Stemphilium solani: Sợi nấm phân nhánh, có vách ngăn, đa bào. Dễ dàng hình thành bào tử trên một số môi trường như: PDA, PGA, MA. Cành bào tử phân sinh mọc đơn, không phân nhánh, đa bào, đầu hơi tù, bào tử phân sinh hình quả dâu tây, nâu đậm, có nhiều vách ngăn ngang dọc, kích thước bào tử phân tử phân sinh (48 – 53) x (20 – 22) micromet.

3. Đặc điểm phát sinh phát triển

- Bệnh phát sinh từ giai đoạn cây con trong vườn ươm đến cây trồng ngoài đồng. Bệnh phá hại chủ yếu trên lá. Vụ xuân hè bệnh nặng hơn vụ đông xuân.

- Điều kiện thời tiết thích hợp cho bệnh phát sinh, phát triển và gây hại là nhiệt độ 25 – 30 độ C và ẩm độ 85 – 95%.

- Trong vụ cà chua xuân hè, giống cà chua múi bị bệnh nặng hơn cà chua hồng, các giống cà chua Balan, Hồng lan, P375, HP5 đều bị nhiễm đốm nâu từ trung bình đến nặng. Giống cà chua vàng có khả năng chống bệnh đốm nâu.

- Trong điều kiện giọt nước hoặc sương, bào tử nấm nấm nảy mầm nhanh và xâm nhập vào cây, sau khoảng 5 ngày, triệu chứng bệnh xuất hiện trên đồng ruộng.

4. Biện pháp phòng trừ

- Chăm sóc tốt cho cây sinh trưởng, phát triển khỏe.

- Chọn và trồng các giống kháng hoặc giống nhiễm bệnh đốm nâu.

- Khi bệnh chớm xuất hiện có thể dùng một trong những thuốc như: TopsinM 70WP (0,6 kg/ha), Antracol 70 WP (0,4%), Boocđo 0,75 – 1%.

Nguồn: Giáo trình bệnh bệnh cây chuyên khoa
DMCA.com Protection Status