Bọ cánh cứng
Đặc điểm của bọ cánh cứng Antitrogus sp.
Bọ cánh cứng là một loài sâu cánh cứng, phạm vi phổ biến của loài sâu này chưa rộng. Tuy vậy, ở những nơi chúng xuất hiện thường bị hại nặng.
Bọ cánh cứng sống và đẻ trứng dưới đất. Trên các vườn dứa đang sinh trưởng mạnh, sắp cho quả, kể cả vụ 1 và vụ 2, sâu non thường hoạt động mạnh, trong khi ở các vườn dứa mới trồng sâu ít gây hại.
Ấu trùng bọ cánh cứng
Ấu trùng nở ra có thân cong, màu trắng sữa, đầu có mảnh sừng cứng màu nâu, trên thân có lông tơ màu trắng, dài khoảng 35mm, phá hại bộ rễ làm cây bị héo và dễ đổ ngã. Vòng đời của chúng từ 1 - 2 năm.
Bọ cánh cứng trưởng thành
Con trưởng thành màu nâu vàng có vân vạch ở cánh trước
Sau khi vũ hóa, các con trưởng thành giao phối và tìm đến các vườn dứa xanh tốt để đẻ trứng. Sâu non khi nở ra đã có sẵn thức ăn tốt.
Triệu chứng gây hại của bọ cánh cứng Antitrogus sp.
Sâu non cắn rễ tạo thành các vết thương làm cho rễ hoạt động kém, không cung cấp đủ nước và chất khoáng cho cây . Đáng chú ý là từ các vết thương do sâu gây ra, một số loài tuyến trùng và một số loài nấm gây bệnh xâm nhập gây hại cho cây. Đặc biệt trong số này có nấm Thielaviopsis paradoxa xâm nhập và gây ra bệnh thối trái, thối gốc chồi làm cho vườn dứa tàn lụi nhanh chóng.
Biện pháp phòng trừ bọ cánh cứng Antitrogus sp.
Nên xử lý đất trước khi trồng dứa thường xuyên, rải thuốc ngừa bọ cánh cứng bằng các loại thuốc dạng hạt như Regent, Basudin 10 H hoặc dùng thuốc nước tưới gốc cây như Pyrinex 20EC, Fenbis 25EC. Oncol 20EC. Tưới thuốc Oncol 20EC hoặc rải thuốc Lorsban 15G vào gốc dứa.
Luân canh dứa với các loại cây trồng. Thời gian trồng dứa trở lại 2 - 3 năm.
Cày bừa kỹ, thu dọn sạch tàn dư thực vật, phơi khô.
Dùng thuốc để phun trừ sâu trưởng thành. Có thể dùng thuốc Basudin, Sevidol 8G, bón vào chung quanh vùng rễ để diệt sâu non.