Biện pháp phòng trừ bệnh lùn xoắn lá lúa

Cây trồng liên quan: Cây lúa

Thời gian gần đây cùng với bệnh vàng lùn thì bệnh lùn xoắn lá lúa đã gây hại rất nặng cho ruộng lúa ở địa phương chúng tôi. Xin cho biết có phải đây là một bệnh mới ở nước ta? Xin được nói rõ về chúng và cần phải làm gì với loại bệnh hại nguy hiểm này?Biện pháp phòng trừ bệnh vàng lùn xoắn lá (Rice ragged stunt virus (RRSV))?,....

vàng lùn xoắn lá Rice ragged stunt virus (RRSV)

Trả lời:

- Lùn xoắn lá lúa (Rice ragged stunt virus (RRSV))không phải là một bệnh mới ở nước ta, mà chúng đã gây hại trên lúa ở các tỉnh Nam bộ cách nay khoảng ba chục năm, vào thời điểm mà dịch rầy nâu hại lúa đang hoành hành ở đây (1977-1978).

- Đầu năm 1977, bệnh được phát hiện ở các xã Nhị Quý, Nhị Mỹ, Tân Hội, Tân Phú... (Cai Lậy) và Long Định (Châu Thành) Tiền Giang. Sau đó bệnh tiếp tục được phát hiện ở một số tỉnh ĐBSCL như Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang (cũ), An Giang... và cả một số tỉnh miền đông Nam Bộ như Tây Ninh, Đồng Nai, Sông Bé (cũ), Tp. HCM... đến vụ hè thu 1978 bệnh đã phát sinh trên diện tích rộng ở nhiều địa bàn trồng lúa thuộc các tỉnh phía Nam từ nam đèo Hải Vân đến tận Cà Mau (lúc đó người ta gọi là bệnh xoắn lùn). Đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, sau khi cơ bản đã thanh toán xong đợt dịch rầy nâu này thì tình hình phát sinh, phát triển và gây hại của bệnh cũng tạm thời lắng xuống. Bệnh chỉ còn xuất hiện rải rác và gây hại không đáng kể ở những vùng có rầy nâu. Chính vì thế chúng không được nhắc tới nhiều và thường xuyên như rầy nâu, sâu cuốn lá, bọ trĩ, bệnh đạo ôn, bệnh đốm vằn... nên nhiều bà con nông dân không còn nhớ đến nó, và khi được nhắc tới thì chúng ta lại tưởng đây là một loại bệnh mới.

- Bệnh do siêu vi trùng (virut) có tên là Rice Ragged Stunt Virut gây ra và được lan truyền thông qua tuyến nước bọt của con rầy nâu (Nilaparvata lugens) bằng cách rầy nâu chích hút dịch của cây lúa đã bị bệnh, virut trong cây bệnh sẽ được lưu giữ trong tuyến nước bọt của rầy, đến khi rầy chích hút cây lúa khỏe (chưa bị bệnh) chúng sẽ truyền virut cho cây khỏe làm cho cây khỏe bị nhiễm bệnh, vì thế chừng nào trên đồng ruộng còn rầy nâu và cây lúa mang mầm bệnh thì khả năng xuất hiện của bệnh trên đồng ruộng vẫn còn.

- Như các bạn đã biết vụ lúa đông xuân 2005 - 2006 vừa qua rầy nâu đã xuất hiện và gây hại nặng ở nhiều tỉnh thuộc ĐBSCL. Theo thống kê của trung tâm BVTV phía Nam thì đến đầu vụ hè - thu năm 2006 (24/3/06) trong tổng số khoảng gần 200.000 ha lúa hè thu sớm đang ở thời kỳ mạ đến đẻ nhánh của các tỉnh phía Nam đã có tới gần 7.000 ha bị nhiễm rầy nâu. Đáng chú ý là trên trà lúa này cùng với bệnh vàng lùn, bệnh lùn xoắn lá cũng đã xuất hiện rải rác trên khoảng 460 ha thuộc một số nơi của Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An. Còn theo bà Lê Thị Thủy, phó chi cục trưởng chi cục BVTV tỉnh Đồng Tháp (ngày 30/3/06) thì ở tỉnh này đã có khoảng 400 ha bị nhiễm, tỷ lệ bệnh có chỗ lên đến 80%.

Sau đó bệnh đã lan rộng thành dịch gây hại hàng chục ngàn ha ở các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh miền Đông Nam bộ và một số tỉnh Tây Nguyên. Ngày 19 tháng 10 năm 2006, bộ trưởng bộ NN-PTNT đã có quyết định công bố dịch.

Triệu chứng điển hình nhất của cây bị bệnh lùn xoắn lá (Rice ragged stunt virus (RRSV))là thấp lùn (lá vẫn còn giữ được màu xanh), lá bị xoắn, sinh trưởng chậm và khó trỗ bông.

vàng lùn xoắn lá Rice ragged stunt virus (RRSV)

-  Thấp lùn: Cây lúa bị lùn do tăng trưởng chậm cả về chiều cao cây và bề dài lá (chiều cao cây có thể giảm tới 50% tùy giống và giai đoạn bị nhiễm sớm hay trễ) đây là biểu hiện rõ rệt và ổn định, giúp nhận biết dễ dàng cây bị bệnh trên đồng ruộng.

-  Xoắn lá: Lá lúa vẫn giữ màu xanh bình thường, nhưng bị xoắn lại thành nhiều vòng theo hình lò xo hoặc trôn ốc (giống hình mũi khoan). Những lá đã già hoặc bánh tẻ mới bị nhiễm bệnh thì thường chỉ bị xoắn nhẹ ở phần đỉnh, những lá non mới sinh ra đã bị bệnh thì bị xoắn tít lại như lò xo, ngoài ra lá bệnh có thể bị rách ở mép thành những đoạn ngắn có hình chữ V hoặc răng cưa, mặt lá nhăn nhúm, mép lá biến màu thành dải sọc trắng. Gân phiến lá và phía trên bẹ lá bị sưng từng đoạn ngắn tạo các bướu có màu trắng hay màu vàng nhạt, đôi khi có màu nâu hay nâu đậm, bướu có thể rộng 0,5-1mm và dài từ vài mm đến vài cm (ảnh 5,6).

-  Hình dáng bụi lúa bệnh: có vẻ thô cứng và có xu hướng đẻ nhánh nhiều hơn cây lúa bình thường. Cây bệnh thường mọc ra nhiều chồi từ những đốt ngang thân, những chồi này cũng cho hạt nhưng hạt bị lép, lửng. Cây lúa bệnh trỗ bông muộn hơn cây bình thường và thường trỗ không thoát, nếu trỗ thoát thì bông cũng ngắn và lép nhiều. Ruộng bị hại nặng số cây bị bệnh có thể lên đến 90-100%, làm giảm năng suất đến 90% hoặc mất trắng không cho thu hoạch.

Ngoài lúa, còn gặp bệnh trên một số loại cỏ dại mọc phổ biến ở đồng ruộng như cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng, cỏ ống và cỏ chát.

Để bà con có thể nắm rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh và đặc điểm phát sinh phải triển của bệnh bà con có thể tham khảo bài viết này: Bệnh lùn xoắn lá (Rice ragged stunt virus (RRSV)

Do đây là một bệnh virut nên chưa có thuốc để chữa trị. Như đã nói ở phần trên, bệnh lùn xoắn lá lúa do môi giới truyền bệnh là con rầy nâu, vì thế để hạn chế tác hại của bệnh các bạn phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp để làm giảm mật số rầy nâu và làm giảm nguồn bệnh trên đồng ruộng. Cụ thể như sau:

-  Không trồng lúa liên tục trên đồng ruộng, đảm bảo thời gian cách ly (không có lúa trên đồng ruộng) ít nhất từ 20-30 ngày, không để vụ lúa chét. Thời vụ trong cùng một vùng phải tập trung, không được gieo sạ kéo dài.

-  Sau khi thu hoạch lúa cần cày bừa, trục gốc rạ kịp thời để diệt lúa chét (đặc biệt là ở những ruộng vừa bị bệnh), vệ sinh đồng ruộng, chú ý diệt cả những loại cỏ dại là ký chủ phụ của bệnh trên bờ ruộng, mương dẫn nước.

-  Sử dụng giống lúa kháng rầy nâu, lúa giống có chất lượng tốt, không lấy lúa thịt để làm giống, nếu có điều kiện nên xử lý hạt giống trước khi gieo sạ.

-  Không gieo sạ quá dầy trên 120kg/ha.

-  Gieo sạ lúa vào thời gian có thể né rầy, thường mỗi tháng có một đợt rầy nâu trưởng thành vào đèn rộ kéo dài 5-7 ngày, để né rầy các bạn nên gieo sạ ngay sau đỉnh cao rầy vào đèn. Làm được như vậy thì khi lúa non sẽ tránh được rầy trưởng thành truyền bệnh.

-  Để bảo vệ cây lúa non, sau khi sạ nên cho nước vào ruộng và duy trì mực nước thích hợp để hạn chế rầy chích hút thân cây lúa.

-  Không bón thừa phân đạm (ure), tăng cường thêm phân lân và kali để nâng cao sức chống chịu đối với bệnh.

-  Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm sự xuất hiện của rầy nâu trên cây lúa. Khi phát hiện có rầy thì phun xịt thuốc BVTV để diệt rầy. Cụ thể như sau: giai đoạn lúa từ lúc xuống giống cho đến 20 ngày tuổi nếu thấy rầy nâu xuất hiện thì phun thuốc. Giai đoạn từ 20 ngày tuổi trở đi, nếu mật số rầy từ 3 con/tép trở đi thì phun xịt thuốc. Lưu ý khi sử dụng thuốc phải sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng như đã được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn.

-  Ở giai đoạn lúa còn non (0-40 ngày sau sạ) nếu ruộng lúa bị bệnh gây hại nặng (trên 10% số khóm bị bệnh) thì phải tiêu hủy ngay bằng cách cày trục cả ruộng để diệt mầm bệnh, trước khi cày vùi phải phun thuốc trừ rầy nâu để tránh rầy nâu phát tán truyền bệnh cho ruộng khác.

Nếu ruộng bị bệnh nhẹ (dưới 10% số khóm bị bệnh) phải nhổ bỏ kịp thời những cây bị bệnh vùi xuống bùn hoặc đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy, không bỏ tràn lan trên bờ ruộng

Nguồn: Vũ Văn Tình và một số nông dân ở Tân Phú (Đồng Nai)
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status