Bệnh thán thư hại chuối
Bệnh thán thư là bệnh quan trọng và phổ biến trên chuối ở giai đoạn chín, bảo quản và vận chuyển. Bệnh hại mạnh trên chuối xuất khẩu của Đài Loan. Ở Ấn Độ, tỷ lệ bệnh trên các giống thương phẩm khoảng 10 - 15%.
1. Triệu chứng
Vết bệnh là các đốm nâu hình tròn hoặc bầu dục trên quả đã chín vàng. Lá, hoa, lá bắp cũng có thể bị nhiễm bệnh.
Trên vết đốm có các đĩa cành màu hồng hoặc da cam, hơi dính. Một số vết đốm bắt đầu phát triển ở cuống quả gây hiện tượng thối quả. Kích thước vết bệnh có thể lên tới 0,8 - 3 cm.
Những quả sây sát, giập nát dễ bị nhiễm bệnh hơn những quả lành lặn.
Hình ảnh: Bệnh thán thư trên quả chuối
2. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh thán thư do nấm Gloeosporium musarum Cooke & Massee, 1887 (tên khác là Colletotrichum musae Berk & Curt. họ Melanconiaceae, bộ Melanconiales), giai đoạn hữu tính là Glomerella cingulata thuộc lớp nấm túi.
Đĩa cành trên vết bệnh thường có hình tròn, đôi khi dài, đường kính khoảng 400 µm màu nâu tối không có lông đệm.
Cành bào tử phân sinh được hình thành trên ổ bào tử dạng đĩa cành, không màu, phân nhánh và có ngăn ngang ở dưới, kích thước 30 x 3 - 5 µm thường có lỗ ở trên đỉnh.
Bào tử phân sinh không màu, đơn bào, hình trứng hoặc hình bầu dục dài, đầu tròn, kích thước 11 - 17 x 3 - 6 µm. Đĩa cành sinh ra chất màu vàng hoặc hồng da cam.
Trên mỗi bào tử phân sinh có chấm sáng dạng hạt thường xuất hiện ở gần tâm của bào tử. Bào tử nảy mầm và hình thành vòi bám, đầu cong, không tròn, mép gồ ghề vách dày màu tối. Kích thước 6 - 12 x 5 - 10 µm, có một số chủng Gloeosporium musarum được phân lập từ quả thuộc giống Gross Michel ở Trinidad có giai đoạn hữu tính Glomerella cingulata,
Nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển là 28°C. Bào tử phân sinh của C. musae phát triển và sinh bào tử thích hợp nhất ở nhiệt độ 27 – 30°C. Bào tử nảy mầm sau 6 - 12 giờ ở độ ẩm 98 - 100%.
Nấm có thể tồn tại ở dạng tiềm ẩn trên quả chuối còn xanh.
3. Đặc điểm phát sinh phát triển
Bào tử phân sinh hình thành nhiều trên lá già trong giai đoạn khô có thể tồn tại vài tuần tới 60 ngày. Hợp chất phytoalexin dạng phenalenone được tách từ Musa acuminata có hiệu lực ức chế nấm gây bệnh.
Nấm phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm, chuối bảo quản không tốt. Các giống chuối tiêu nhiễm bệnh nặng hơn chuối tây, chuối lá và chuối ngự.
4. Biện pháp phòng trừ
Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch lá già, lá bệnh, tạo độ thông thoáng cho vườn chuối.
Trong quá trình đóng gói các phương tiện, nhà xưởng phải sạch sẽ, chuối được bao bằng polyetylen, Benomyl và một số loại thuốc nội hấp khác như Triazol có hiệu lực đối với bệnh, nhúng quả vào dung dịch Thiabendazole 300 - 400 ppm có hiệu quả tốt.
Xử lý quả bằng Imazilin 500 ppm cho kết quả tốt. Nhúng quả vào nước nóng 55°C trong 2 phút.
Phương pháp phòng trừ sinh học đối với nấm C. musae đã được nghiên cứu ở Đài Loan trong đó một số vi khuẩn và nấm men có thể ức chế được nấm gây bệnh.