Nhiệt độ và độ ẩm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây dược liệu

nhiệt độ và độ ẩm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây thuốc

1. Ảnh hưởng của nhiệt độ

Mỗi loài cây thuốc đều có nguồn gốc từ những vùng sinh thái khác nhau, có điều kiện sinh trưởng và phát triển trong một giới hạn nhất định về nhiệt độ (tổng nhiệt độ, tổng tích ôn, nhiệt độ thấp, nhiệt độ tối ưu). Trong quá trình sinh trưởng, phát triển nhiệt độ ảnh hưởng rõ rệt ở các thời kỳ sau:

- Nhiệt độ ảnh hưởng đến quá trình mọc mầm:

VD: Ngưu tất gieo cần nhiệt độ 20 – 25ºC, hạt sẽ mọc mầm sau 7 – 10 ngày, nếu nhiệt độ thấp 10 – 13ºC phải sau 10 – 15 ngày cây mới mọc. Hạt Sa sâm phải gieo vào mùa đông nhiệt độ <12ºC) mới mọc. Đương quy mọc mầm thích hợp ở 20ºC, nếu nhiệt độ lớn hơn 25ºC tỷ lệ mọc mầm thấp (<50%).

- Nhiệt độ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây:

Đối với những cây yêu cầu một tổng tích ôn nhất định để sinh trưởng, cùng một loại nếu trồng ở miền núi cây sẽ có thời gian sinh trưởng dài hơn ở đồng bằng:

- Đương quy trồng ở Hà Giang yêu cầu hơn 1 năm để cho thu hoạch (> 12 tháng). Tuy nhiên, nếu cây đem trồng ở đồng bằng thì chỉ sau 6 – 7 tháng đã cho thu hoạch. Cát Cánh trồng ở miền núi phải 2 năm mới cho thu hoạch, trong khi đó nếu trồng ở đồng bằng 1 năm đã cho thu hoạch.

- Cây ích mẫu trồng ở đồng bằng, nếu gieo muộn vào tháng 4 gặp nắng nóng, sau trồng 1 tháng (tháng 5) cây chỉ cao thêm 30cm đã ra hoa cần phải thu hoạch ngay, năng suất không đáng kể. Vì vậy cần chọn cho từng loại cây thời vụ trồng thích hợp và cần có biện pháp chống nắng như che vườn ươm, phủ tro hoặc rơm rạ...

Nhìn chung mỗi loại cây thuốc chỉ có thể sinh trưởng và phát triển trong một giới hạn nhất định về nhiệt độ không khí và nhiệt độ đất. Đa số cây thuốc ưa nhiệt độ ôn hòa, thích hợp trong khoảng nhiệt độ từ 18 – 28ºC.

2. Độ ẩm

Cần chú ý 2 loại độ ẩm: Độ ẩm đất và độ ẩm không khí, cả 2 loại này đều cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây thuốc. Cần chú ý đến lượng mưa và sự phân bố mưa trong năm. Nếu thiếu ẩm mặt đất và cây trồng đều tăng cường thoát hơi nước dẫn đến cây bị khô héo cằn cỗi. Tuy nhiên ở từng thời kỳ sinh trưởng cây thuốc có những yêu cầu khác nhau về độ ẩm. Lúc mới gieo trồng cây còn non yếu phải có đủ ẩm thường xuyên, nhưng khi cây ra hoa kết hạt nếu độ ẩm quá cao sẽ làm cho hoa nở ít, hạt lép. Điều kiện thời tiết khô ráo sẽ cho hoa nở đều tập trung nhiều quả, chắc hạt rất có ý nghĩa tới chất lượng các hoạt chất trong cây thuốc.

- Đa số cây thuốc đều ưa ẩm nhưng lại sợ úng, đặc biệt đối với cây lấy củ dễ thối. Nếu trời mưa liên tục độ ẩm không khí cao, sâu bệnh nhiều, củ, rễ, hoa quả bị thối.

- Úng nước thì cây chết như cây Thanh Hao, Bạc Hà, 2 – 3 ngày úng dẫn đến cây chết. Bạch chỉ, Sinh địa bị úng thì thối toàn bộ củ. Do vậy vào mùa mưa cần khơi rãnh tháo nước lên luống cao (cho cây lấy củ). Căn cứ vào mức độ chịu hạn chia ra:

+ Cây chịu hạn tốt: như Sả, Bạch đàn, Sim, Mua. Trong cùng loài thì khả năng chịu hạn cũng khác nhau. Sả Srilabca chịu hạn hơn sả Jave, nhưng cho năng suất tinh dầu thấp hơn.

+ Cây ưa ẩm: Mần tưới, Mã đề, Lô hội,...

+ Cây mọc ở ao nước sình lầy: Trạch tả, Thủy xương bồ....

Nhìn chung nhiều loài cây thuốc có nhu cầu độ ẩm thích hợp không quá khô hoặc không quá ẩm. Cần một lượng vừa phải khoảng 1.500 – 2.000mm và phân bố đều trong năm.

Nguồn: Giáo trình cây thuốc
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status