Hỗn loạn thị trường phân bón: DN lo ngại "đẻ" thêm giấy phép con

Nghị định 202/2013 về quản lý phân bón (hiệu lực từ 1.2.2014) đã gặp phải không ít ý kiến phản đối của các doanh nghiệp (DN) chuyên gia về sự chồng chéo, thiếu chặt chẽ và ảnh hưởng đến các DN phân bón làm ăn chân chính. Thế nhưng, Nghị định 108/2017 ra đời mới đây để thay thế lại tiếp tục có những “hạt sạn”...

6 điểm bất cập

Cụ thể, theo ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), có 6 điểm bất cập trong quản lý phân bón theo Nghị định 202/2013. Thứ nhất là bất cập về quản lý theo tiêu chuẩn - quy chuẩn, khiến các sản phẩm phân bón phát triển ồ ạt, thiếu định hướng dẫn tới mất cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ; không kiểm soát được chất lượng, thị trường tràn lan phân bón giả, kém chất lượng, nhiều sản phẩm không công bố hợp chuẩn, hợp quy vẫn lưu thông trên thị trường… Đồng thời, do cơ chế quản lý chú trọng về hậu kiểm, lực lượng kiểm tra mỏng, không kiểm soát được nên các cơ sở sản xuất phân bón càng bùng nổ.

Nông dân vẫn là người thua thiệt nếu mua nhầm sản phẩm kém chất lượng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân vẫn là người thua thiệt nếu mua nhầm sản phẩm kém chất lượng. Ảnh: Nguyên Vỹ


Tính đến thời điểm này, số lượng sản phẩm phân bón được phép lưu hành ở Việt Nam là 14.174 sản phẩm, gồm phân bón vô cơ và hữu cơ; 706 nhà máy, cơ sở sản xuất. Hiện nay các sản phẩm phân bón hợp quy vẫn đang được Bộ Công Thương tiếp tục gửi về Bộ NNPTNT.


Thứ hai là bất cập trong vấn đề khảo nghiệm, còn thiếu tính pháp lý, chưa đầy đủ, đặc biệt là tình trạng làm giả hồ sơ, số liệu kết quả kiểm nghiệm cũng tràn lan.

Thứ ba là bất cập trong quy định về sản xuất phân bón. Chỉ riêng việc hiện có quá nhiều cơ sở sản xuất phân bón “mọc” ra và chưa quản lý chính xác về số lượng cũng là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Thứ tư là bất cập trong quản lý buôn bán phân bón. Thực tế cả 2 Bộ NNPTNT và Công Thương cũng không xác định được cả nước có bao nhiêu cơ sở buôn bán. Thứ năm là bất cập trong quy định về trình diễn, đặt tên sản phẩm, quảng cáo... dẫn đến tình trạng nhiều DN “cuốc, xẻng” lợi dụng tên tuổi các thương hiệu phân bón nổi tiếng để đặt tên gây nhầm lẫn, công dụng trên sản phẩm cũng không đúng như công bố..., gây thiệt hại cho cả những DN làm ăn chân chính lẫn người nông dân.

Cuối cùng là bất cập về quy định sử dụng phân bón. Trong Nghị định 202 cũng chưa có quy định rõ ràng về nguyên tắc sử dụng phân bón khiến việc sử dụng không đúng gây ảnh hưởng đến môi trường, đất đai...

Vẫn còn nhiều “sạn”?

Trước những khó khăn, bất cập của Nghị định 202/2013, Nghị định 108/2017 về quản lý phân bón vừa được Chính phủ ban hành để thay thế, được kỳ vọng sẽ có những thay đổi mang tính “đột phá” cho ngành phân bón. Thế nhưng, bước đầu triển khai Nghị định 108 cho thấy vẫn còn khá nhiều bất cập, gây khó cho DN phân bón cả trong quá trình nhập khẩu lẫn sản xuất, kinh doanh.

Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dẫn giải: “Điều 19, Nghị định 108 có quy định về việc bán phân bón cũng phải có bằng cấp. Người bán phân bón phải có bằng trung cấp nông nghiệp hoặc có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón. Giấy này do Chi cục Bảo vệ thực vật cấp sau quá trình đào tạo 3 ngày. Quản lý như thế này có phần là quá mức”.

Đồng quan điểm, đại diện một thương hiệu phân bón lớn tại khu vực miền Nam, cũng cho rằng Nghị định 108 đang có nhiều yếu tố khiến không ít DN phải... “đau đầu”. Cụ thể, tại Điều 30.1 có quy định toàn bộ phân bón nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng trừ khi nhập khẩu để khảo nghiệm, chuyên dùng, quà tặng, hàng mẫu, triển lãm, nghiên cứu khoa học. Hoặc Điều 27.3 quy định tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón ngoài giấy tờ, tài liệu theo quy định về nhập khẩu hàng hóa còn phải nộp cho cơ quan Hải quan thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng phân bón nhập khẩu đối với trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 30; Điều 31 còn đưa ra yêu cầu, việc kiểm tra phải kéo dài ít nhất 11 ngày, trong đó 1 ngày để kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và 10 ngày còn lại là từ khi lấy mẫu đến trả kết quả...

“Tất cả các quy định này đều khiến thủ tục nhập khẩu thêm rườm rà, dễ nảy sinh giấy phép con hoặc tiêu cực” - đại diện DN này nói.

Ở góc độ khác, TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho rằng, khi Bộ Công Thương tham gia quản lý phân bón, hàng loạt nhà máy đã được cấp phép sản xuất phân bón, vô số loại phân bón được công nhận… khiến cho thị trường phân bón hỗn loạn, phân bón giả, kém chất lượng có cơ hội tung hoành. Tuy nhiên, Nghị định 108 ra đời chỉ tập trung đưa ra các nội dung siết chặt quản lý phân bón, tiện cho nhà quản lý, song không đưa ra hướng giải quyết những tồn đọng trong quản lý phân bón trước đây.


Ông Huỳnh Ngọc Vân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng: Bất cập trong xử lý vi phạm

Thời gian càng về sau thì mặt hàng vật tư nông nghiệp trên thị trường càng nhiều và đa dạng về chủng loại. Hiện nay có tình trạng 2 thương hiệu khác nhau có cùng 1 hoạt chất nhưng tác dụng lại khác nhau. Đây là vấn đề cạnh tranh với nhau giữa các DN mà mình biết là trong đó sẽ có những chất họ không khai báo.
Nhiều nông dân mua vật tư nông nghiệp theo kiểu ghi nợ thường mua theo sự khuyến cáo của đại lý. Có tình trạng bệnh đó chỉ cần sử dụng 1, 2 loại thuốc là được, nhưng đại lý giới thiệu nhiều thứ nhằm bán được hàng khiến cây trồng bị “bội thực”, bệnh càng nặng thêm. Vấn đề này cơ quan chức năng rất khó can thiệp bởi đây là thỏa thuận mua bán 2 bên giữa nông dân và đại lý. Bên cạnh đó, xử lý hành vi vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp là DN sản xuất chứ không xử lý đại lý.

Ông Hà Văn Buôl - Chánh Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu: Bán hàng giả ngày càng tinh vi

Hiện tổng cơ sở bán vật tư nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh là khoảng trên 1.000 cơ sở. Chức năng quản lý phân vô cơ giao cho Sở NNPTNT, khối lượng công việc quá lớn trong khi con người của đơn vị thì quá ít. Áp lực cho lực lượng thanh, kiểm tra của ngành ngày càng cao.

Bên cạnh đó, công tác lấy mẫu kiểm tra vật tư nông nghiệp - thủy sản phải đưa đến các trung tâm do Bộ NNPTNT chỉ định, thường nằm ở TP.HCM và Hà Nội. Thời gian để có kết quả phân tích mẫu thường từ 10-15 ngày, có những sản phẩm đến 1 tháng. Từ đó dẫn đến thực trạng khi kiểm tra chưa phát hiện đó là hàng giả thì lực lượng không dám niêm phong lô hàng, đến khi có kết quả thì lô hàng đó có khi đã được giải phóng, tẩu tán.

Khi lực lượng kiểm tra của mình thực hiện sát sao thì hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ có phương thức bán hàng ngày càng tinh vi hơn. Hiện nay có tình trạng các công ty kinh doanh vật tư nông nghiệp - thủy sản không qua đại lý mà đi xuống tận trang trại của nông dân để bán hàng.

Chúc Ly (ghi)


Quốc Hải

Nguồn: Báo Dân Việt
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status