Mong Nghị định không ‘làm khổ’ doanh nghiệp

Việc sửa đổi Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón trong thời gian tới cần phải tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, DN, nhà báo, nông dân, phản biện của xã hội trước khi ban hành, áp dụng nhằm đi đến quyết định đúng đắn cuối cùng, đừng để xảy ra tình trạng như Nghị định 202 vừa qua, sẽ là tai họa cho bà con nông dân và DN.

Ông La Hoàng Đức - Chủ tịch HĐQT/Tổng Giám đốc công ty thương mại dịch vụ Ngọc Tùng: DN chỉ mong từ nay về sau sẽ không còn ban hành những Nghị định gây đau khổ cho DN nữa.

Ông La Hoàng Đức

Ông La Hoàng Đức

Nghị định 202 gây ra rất nhiều khó khăn, phiền hà, tốn kém cho DN. Tuy nhiên, các DN lớn làm ăn chân chính luôn phải tuân thủ, thực hiện đầy đủ những qui định của Chính phủ, cho dù những qui định đó không phù hợp với thực tế.

Và Ngọc Tùng JSC cũng đã tuyệt đối chấp hành thực hiện đúng, đầy đủ Nghị định 202 nói trên. DN chỉ mong từ nay về sau sẽ không còn ban hành những Nghị định gây đau khổ cho DN nữa.

Điển hình trong Nghị định 202 là việc quy định quản lý theo quy chuẩn tiêu chuẩn, nhưng Nhà nước lại chưa ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn đầy đủ cho các loại phân bón. Khiến DN và các cơ quan quản lý Nhà nước không biết dựa vào đâu để áp dụng.

Tiếp đến, qui định SX kinh doanh phân bón, được chia ra làm nhiều loại phân bón và nhiều cơ quan quản lý cấp phép, mỗi cơ quan quản lý cấp phép một hoặc hai loại phân bón là vô cùng bất cập, đã khiến cho DN phải lao đao khốn đốn trong thời gian vừa qua.

Đặc biệt, việc quy định tiêu chuẩn phân bón đạt từ 80% đến > 95% là phân kém chất lượng. Từ dưới 80% trở xuống là phân bón giả. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị SX kém chất lượng trục lợi khi SX phân bón chỉ đạt 80% tiêu chuẩn, để cạnh tranh không lành mạnh với các DN làm ăn chân chính, SX đạt 100% tiêu chuẩn qui định. Vì vậy nên bỏ quy định này.

Theo tôi, nên qui định SX kinh doanh phân bón, phải đạt tiêu chuẩn 100% +-5%. Nếu dưới mức này được xem là hàng giả phải bị chế tài xử lý theo luật định (qui định này nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân, tránh việc nông dân mua nhầm hàng kém chất lượng và tạo sự công bằng cho các DN SX làm ăn chân chính, cạnh tranh lành mạnh).

Nên cô đọng tên phân bón để nông dân dễ hiểu, dễ sử dụng. Ví dụ phân NPK; DAP; UREA; KALI; MAP; SA. Quy định các DN đặt tên thương phẩm phải theo qui định như: NPK 16-16-8 + tên DN (Ví dụ: NPK 16-16-8 Ngọc Tùng hoặc NPK 16-16-8 Bình Điền…), còn các thành phân trung, vi lượng nên tạo sự bí mật của mỗi DN để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình và cũng là bí mật trong SX đặc thù của từng DN.

Hiện nay, chúng ta cho công bố lung tung trên bao bì là tạo điều kiện cho các DN lợi dụng lừa bịp nông dân thiếu hiểu biết để bán giá cao hơn trục lợi, thay vì vậy hãy để cho nông dân tự sử dụng khám phá, tự đánh giá sản phẩm qua quá trình sử dụng. Cái nào tốt sẽ phát triển, cái nào xấu sẽ bị tẩy chay. Theo tôi tìm hiểu, trên nhãn hàng ghi lung tung hàm lượng trung vi lượng… chắc chỉ có ở Việt Nam, chứ thế giới chưa thấy ai làm giống mình.

Theo tôi, không xóa bỏ hoàn toàn Nghị định 202 bằng một Nghị định khác và không xóa bỏ tất cả những gì DN đã bị bắt buộc tuân thủ Nghị định trước đây. Xem xét những điều nào DN đã thực hiện tốt thì giữ lại, việc gì còn bất cập phải điều chỉnh sửa đổi phù hợp hơn.

Ví dụ: Việc bắt buộc phải có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, hiện nay DN đã thực hiện đi vào hệ thống ổn định rồi, không nên thay đổi nữa…

Ông Nguyễn Đức Vinh - Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Giang: Quan trọng là người xây dựng văn bản phải có tâm

Nguyễn Đức Vinh - Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Giang

Nguyễn Đức Vinh

Theo tôi, Bộ Công Thương hay Bộ NN-PTNT, Bộ nào là đơn vị đầu mối giúp Chính phủ quản lí nhà nước về phân bón đều được, quan trọng là các đơn vị và những người trực tiếp tham mưu, soạn thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lí nhà nước về phân bón phải thực sự có tâm với nông dân và nền nông nghiệp nước nhà.

Là đơn vị ở cấp cơ sở, chúng tôi luôn tuân thủ và chấp hành sự thay đổi, điều chỉnh ở cấp trên. Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, việc phân công Bộ NN-PTNT quản lí nhà nước về phân bón phù hợp với xu thế phát triển hơn. Bởi hiện nay chúng ta đang từng bước thiết lập các hệ thống quản lí an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi liên kết nên việc thống nhất một đơn vị quản lí sẽ tốt hơn phân chia, cắt khúc như Nghị định 202 trước đây.

 Việc thống nhất quản lí một đầu mối giúp việc điều hành, thanh kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sau này thuận lợi hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, mặc dù chuyển giao về Bộ NN-PTNT, nhưng thực tế khâu quy hoạch, quản lí nhà máy sản xuất phân bón và thanh kiểm tra trên thị trường bên Bộ Công Thương vẫn quản lí trực tiếp qua các Tập đoàn và lực lượng quản lí thị trường các cấp.

Nguồn: Nguyên Huân/Báo Nông nghiệp Việt Nam
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status