Cơ sở lý luận dùng cây dược liệu làm thuốc trong Đông Y và Tây Y
1. Cơ sở lý luận trong Đông y
Chúng ta biết rằng hiện nay trong giới Đông y có những người chỉ biết một số đơn thuốc gia truyền kinh nghiệm, nhưng lại có rất nhiều người trong khi điều trị tìm thuốc, chế thuốc đều hay vận dụng những cơ sở lí luận rất đặc biệt của Đông y.
Lý luận đó đúng sai thế nào, dần dần khoa học sẽ xác minh. Chỉ biết rằng hiện nay những nhà đông y đã vận dụng lí luận ấy để chữa khỏi cho một số bệnh và phát hiện một số thuốc mới. Cho nên chúng ta nên tìm hiẻu tiếng nói của những nhà Đông y để gần gũi và học tập họ; để trên cơ sở những kinh nghiệm của họ chúng ta thừa kế và phát huy theo khoa học hiện đại.
Điều đáng chú ý là cơ sở lí luận của Đông y đã có từ lâu mà không thay đổi cho nên có điều còn đúng, có điều đã sai. Vì vậy phải đánh giá một cách khách quan các lí luận đó, không nên cái gì cũng cho là sai cả hay đúng cả.
Những nhà Đông y coi người và hoàn cảnh là một khối thống nhất. Con người chẳng qua cũng là cơ năng của trời đất thu nhỏ lại. Cơ sở lí luận của Đông y dựa vào quan điểm vũ trụ chung trong triết học Á Đông thời xưa. Quan niệm về vũ trụ này bao gồm nhiều ngành khoa học khác như khí tượng, tử vi, địa lý v.v...
Theo quan điểm này vũ trụ từ khi mới sinh ra là một khối rất lớn gọi là thái cực: thái cực biến hóa sinh ra hai nghi (lưỡng nghi) là âm và dương. Âm dương kết hợp với nhau để sinh ra 5 hành là kim, mộc, thủy, hỏa và thổ, đó là những thực thể luôn tồn tại trên Trái đất và có liên quan mật thiết với con người, chúng chi phối con người hoặc bị con người chi phối.
Ngũ hành sẽ lại kết hợp với nhau để tạo ra 3 lực lượng bao trùm vũ trụ (tam tài) thiên, địa, nhân. Trong mỗi lực lượng này lại có sự kết hợp chặt chẽ và cân bằng giữa âm dương, ngũ hành. Nếu thiếu sự cân bằng giữa âm và dương trong mỗi lực lượng hoặc thiếu sự cân bằng giữa 3 lực lượng đó người ta sẽ mắc bệnh. Việc điều trị bệnh tật chẳng qua là thiết lập lại sự cân bằng âm dương trong con người, giữa con người và trời đất.
1.1. Thuyết âm dương
Căn cứ nhận xét lâu đời về tự nhiên, người xưa đã nhận xét thấy sự biến hóa không ngừng của sự vật: Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái. Lưỡng nghi là âm và dương; tứ tượng là thái âm, thái dương, thiếu âm và thiếu dương. Bát quái là càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn và đoài. Người ta còn nhận thấy rằng cơ cấu của sự biến hóa không ngừng đó là ức chế lẫn nhau, nương tựa lẫn nhau và thúc đẩy lẫn nhau.
Để biểu thị sự biến hóa không ngừng và quy luật của sự biến hóa đó người xưa đặt ra thuyết âm dương. Âm dương không phải là một thứ vật chất cụ thể nào, mà là thuộc tính mâu thuẫn nằm trong tất cả mọi sự vật. Nó giải thích hiện tượng mâu thuẫn chi phối mọi sự biến hóa và phát triển của sự vật.
Nói chung, những cái gì có tính cách hoạt động, hưng phấn, tỏ rõ, hướng lên, tiến lên, hữu hình, nóng nực, sáng chói, tích cực đều thuộc dương. Những cái gì trầm tĩnh, ức chế, mờ tối, ở trong, hướng xuống, lùi lại, vô hình, lạnh lẽo, đen tối, nhu nhược, tiêu cực đều thuộc âm. Từ những cái to lớn như trời, đất, mặt trời, mặt trăng đến cái nhỏ như con sâu con bọ, cây cỏ... đều được quy vào âm dương.
Âm dương tuy bao hàm ý nghĩa đối lập, mâu thuẫn nhưng còn bao hàm cả ý nghĩa nguồn gốc từ nhau mà ra, hỗ trợ ức chế nhau mà tồn tại, không thể chỉ có âm hoặc chỉ có dương. Người xưa thường nói âm ở trong để giữ gìn cho dương, dương ở ngoài để giúp cho âm. Hoặc có âm mà không có dương, hay có dương mà không có âm thì tất nhiên một mình âm không thể phát sinh được, một mình dương không thể trưởng thành được. Lại có người nói: trong âm có âm dương, trong dương cũng có âm dương, âm đến cực độ sinh ra dương, dương đến cực độ sinh ra âm tức là hàn đến độ sinh ra nhiệt và ngược lại.
1.2. Thuyết ngũ hành.
Thuyết ngũ hành về căn bản cũng là một cách biểu thị luật mâu thuẫn trong thuyết âm dương, nhưng bổ sung vào làm cho thuyết âm dương hoàn bị hơn. Ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Người xưa cho rằng mọi vật trong vũ trụ đều chỉ có 5 chất đó phối hợp với nhau mà tạo nên.
Theo tính chất thì: Thủy là lỏng, là nước thì đi xuống, thấm xuống.
Hỏa là lửa thì bùng cháy, bốc lên.
Mộc là cây, là gỗ thì mọc lên cong hay thẳng.
Kim là kim loại, thuận chiều theo hay đổi thay.
Thổ là đất thì để trồng trọt, gây giống được.
Tinh thần cơ bản của thuyết ngũ hành bao gồm hai phương diện giúp đỡ nhau gọi là tương sinh và chống lại nhau gọi là tương khắc.
Trên cơ sở sinh và khắc lại thêm hiện tượng chế hoá và tương thừa tương vũ biểu thị mọi sự biến hóa phức tạp của sự vật.
Luật tương sinh: Tương sinh có nghĩa là giúp đỡ nhau để sinh trưởng. Đem ngũ hành liên hệ với nhau thì thấy năm hành đó quan hệ xúc tiến lẫn nhau. Theo luật tương sinh thì thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy lại sinh mộc và cứ như vậy tiếp diễn mãi, thúc đẩy sự phát triển mãi không bao giờ ngừng.
Trong luật tương sinh của ngũ hành còn bao hàm ý nghĩa nữa là hành nào cũng có quan hệ về hai phương diện: cái sinh ra nó và cái nó sinh ra tức là quan hệ mẫu tử. Ví dụ như là kim sinh thủy thì kim là mẹ của thủy, thủy lại sinh ra mộc vậy mộc là con của thủy.
Trong quan hệ tương sinh lại có quan hệ tương khắc để biểu hiện cái ý thăng bằng, giữ gìn lẫn nhau.
Luật tương khắc: Tương khắc có nghĩa là ức chế và thắng nhau. Trong quy luật tương khắc thì mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc, mộc lại khắc thổ và cứ như vậy tiếp diễn mãi.
Trong tình trạng bình thường, sự tương khắc có tác dụng duy trì sự thăng bằng, nhưng nếu tương khắc thái quá thì lại làm cho sự biến hóa trở ngại khác thường.
Trong tương khắc, mỗi hành lại có hai quan hệ: Giữa cái thắng nó và cái nó thắng.
Ví dụ hành mộc thì nó khắc thổ, nhưng nó lại bị kim khắc nó.
Hiện tượng tương khắc không tồn tại đơn độc; trong tương khắc đã có ngụ ý tương sinh, do đó vạn vật tồn tại và phát triển.
Luật chế hóa: Chế hóa là ức chế là sinh hóa phối hợp với nhau. Trong chế hóa bao gồm cả hiện tượng tương sinh và tương khắc. Hai hiện tượng này gắn liền với nhau.
Lẽ tạo hóa không thể không có sinh mà cũng không thể không có khắc. Không có sinh thì không có đâu mà nảy nở; không có khắc thì phát triển quá độ sẽ có hại. Cần phải có sinh trong khắc, có khắc trong sinh mới có vận hành liên tục, tương phản, tương thành với nhau.
Qui luật chế hóa ngũ hành là:
- Mộc khắc thổ, thổ sinh kim, kim khắc mộc.
- Hỏa khắc kim, kim sinh thủy, thủy khắc hỏa.
- Thổ khắc thủy, thủy sinh mộc, mộc khắc thổ.
- Kim khắc mộc, mộc sinh hỏa, hỏa khắc kim.
- Thủy khắc hỏa, hỏa sinh thổ, thổ khắc thủy.
Luật chế hóa là một khâu trọng yếu trong thuyết ngũ hành. Nó biểu thị sự cân bằng tất nhiên phải thấy trong vạn vật. Nếu có hiện tượng sinh khắc thái quá hoặc không đủ thì sẽ xảy ra những sự biến hóa khác thường.
2. Cơ sở lý luận trong Tây y
Khi xét tác dụng của một vị thuốc, khoa học hiện đại căn cứ chủ yếu vào thành phần hóa học của vị thuốc, nghĩa là xem trong vị thuốc có những chất gì tác dụng của những chất đó trên cơ thể súc vật và người ra sao.
Hiện nay, người ta biết rằng trong các vị thuốc có những chất có tác dụng chữa bệnh đặc biệt của vị thuốc gọi là hoạt chất. Ngoài ra còn có những chất chung có ở nhiều cây thuốc và vị thuốc khác gọi là những chất độn. Những chất độn không đóng vai trò gì trong việc chữa bệnh. Tuy nhiên có một số chất độn chỉ có ở một số vị thuốc nhất định. Người ta có thể dựa vào việc tìm chất độn để kết luận đó có phải là vị thuốc kết hợp tương ứng hay không.
Các chất chứa trong vị thuốc có thể chia thành hai nhóm chính: Nhóm chất vô cơ và nhóm chất hữu cơ. Cả hai nhóm này đều gặp ở các vị thuốc động vật hay thực vật. Những thuốc nguồn gốc khoáng vật chủ yếu chỉ chứa các chất thuộc nhóm vô cơ.
Những chất vô cơ không nhiều và ít phức tạp. Trái lại, các chất hữu cơ có nhiều loại, đồng thời tác dụng dược lý cũng rất phức tạp. Chúng ta biết rằng khoa học hiện đại ngày nay chưa phân tích được hết các chất có trong cây hay động vật, do đó nhiều khi cũng chư a giải thích được hết tác dụng của mọi thứ thuốc ông cha ta vẫn dùng.
Việc nghiên cứu và xét tác dụng chữa bệnh của một vị thuốc không dễ dàng, vì trong một vị thuốc nhiều khi chứa nhiều hoạt chất có khi có tác dụng phối hợp, nhưng nhiều khi lại có tác dụng trái ngược hẳn nhau. Thay đổi liều lượng nhiều khi cũng dẫn đến những kết quả khác nhau. Trong Đông y lại dùng nhiều những vị thuốc phối hợp với nhau cho nên không phải một chất tác dụng mà là nhiều chất ở nhiều vị thuốc ảnh hưởng và tác dụng lẫn nhau làm cho việc nghiên cứu đánh giá kết quả điều trị lại càng khó.
Khi kết quả nghiên cứu dư ợc lý phù hợp với kinh nghiệm nhân dân, ta có thể yên tâm sử dụng những thuốc đó. Nhưng khi thí nghiệm một vị thuốc không thấy kết quả, ta chưa thể kết luận vị thuốc đó không có tác dụng trên lâm sàng vì nhiều khi cơ thể không hoàn toàn giống nhau. Cho nên chúng ta phải thấy trước giá trị những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cần được xác nhận trên lâm sàng, mà những kinh nghiệm chữa bệnh của ông cha ta thì có từ nghìn năm về trước, đã có những kết quả thực tiễn. Ta phải tìm mọi cách để tìm ra cơ sở khoa học hiện đại của chúng.
Như vậy, ta thấy trình bày cơ sở để xét tác dụng của thuốc theo khoa học hiện đại không đơn giản được mà đòi hỏi những tập sách riêng. Tuy nhiên ở dây chúng ta chỉ trình bày sơ lược một số kiến thức chung cần thiết để hiểu một số vấn đề trình bày.
-
Nhận biết, xử trí ngộ độc cà độc dược
Trong thực tế, ngộ độc cà độc dược cũng hay gặp do ăn nhầm, hoặc chế biến nhầm hoa, lá cây cà độc dược làm thức ăn. Bài viết dưới đây xin cung cấp những thông tin cơ bản về...
- Phương pháp dùng các loại lá cây chữa trào ngược dạ dày hiệu quả tại nhà
- Tác dụng và cách sử dụng cây ngưu tất trong y học cổ truyền và hiện đại
- Công dụng của đậu xanh đối với sức khỏe con người
- Công dụng của cây mã đề đối với sức khỏe
- Công dụng chữa bệnh của lá tía tô
- Công dụng chữa bệnh kỳ diệu từ cây nhàu