Khái niệm, đặc điểm và giá trị của cây dược liệu

1. Khái niệm về cây dược liệu

Cây dược liệu là gì? Cây dược liệu là những loài thực vật có tác dụng dùng để chữa bệnh hoặc bồi bổ cơ thể khi con người sử dụng. Việc dùng thuốc trong nhân dân ta đã có từ lâu đời. Từ thời nguyên thủy, tổ tiên chúng ta trong lúc tìm kiếm thức ăn, có khi ăn phải chất độc phát sinh nôn mửa hoặc rối loạn tiêu hóa, hoặc hôn mê có khi chết người, do đó cần có nhận thức phân biệt được loại nào ăn được, loại nào có độc không ăn được.

Kinh nghiệm dần dần tích lũy, không những giúp cho loài người biết lợi dụng tính chất của cây cỏ để làm thức ăn mà còn dùng để dùng làm thuốc chữa bệnh, hay dùng những vị có chất độc để chế tên thuốc độc dùng trong săn bắn hay trong lúc tự vệ chống ngoại xâm. Lịch sử nước ta cho biết ngay từ khi lập nước nhân dân ta đã biết chế tạo và sử dụng tên độc để chống lại kẻ thù.

Bào chê thuốc theo cách truyền thống

Bào chế thuốc theo cách truyền thống (ảnh: planetnatural.com)

Như vậy, việc phát minh ra thuốc đã có từ thời thượng cổ, trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên, tìm tòi thức ăn mà có được. Nguồn gốc tìm ra thức ăn, thuốc và cây có chất độc chỉ là một. Về sau dần dần con người mới biết tổng kết và đặt ra lý luận. Hiện nay đi sâu và tìm hiểu những kinh nghiệm trong nhân dân Việt Nam cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, con người đã sử dụng hàng vạn loài thực vật để làm thuốc. Trong quá trình chữa bệnh bằng kinh nghiệm và hiểu biết của con người, đến ngày nay đã hình thành các khuynh hướng khác nhau, chúng ta có thể phân biệt hai loại người làm thuốc. Một loại chỉ có kinh nghiệm chữa bệnh, không biết hoặc ít biết lý luận. Kinh nghiệm đó cứ cha truyền con nối mà tồn tại, mà phát huy. Những người có khuynh hướng này chiếm chủ yếu tại các vùng dân tộc ít người. Khuynh hướng thứ hai là những người có kinh nghiệm và có thêm phần lí luận, những người này chiếm chủ yếu ở thành thị và những người có cơ sở lí luận cho rằng vị Thần Nông là người phát minh ra thuốc. Truyền thuyết kể rằng: “Một ngày ông nếm 100 loài cây cỏ để tìm thuốc, ông đã gặp phải rất nhiều loài cây có độc nên có khi một ngày ngộ độc đến 70 lần”, rồi soạn ra sách thuốc đầu tiên gọi là “Thần Nông bản thảo”. Trong bộ này có ghi chép tất cả 365 vị thuốc và là bộ sách thuốc cổ nhất Đông Y (chừng 4000 năm nay). 

2. Đặc điểm của cây dược liệu

2.1. Đa dạng về hình thức sử dụng

Các cây dược liệu được chia làm ba nhóm

Nhóm cây cỏ được sử dụng trực tiếp để chữa trị bệnh. Ví dụ: Rau má, gừng, lá lốt, mã đề, kinh giới, tía tô ...

Nhóm cây cỏ trước sử dụng qua bào chế.

Ví dụ: Cây sinh địa (địa hoàng), sâm, gừng, hà thủ ô, tam thất

Nhóm cây cỏ làm nguyên liệu chiết suất các chất có hoạt tính cao.

Ví dụ: Thanh cao hoa vàng, bạc hà, hoa hòe...

2.2 . Đa dạng về chu kỳ sống

+ Cây 1 năm: gừng, ngải cứu, sinh địa...

+ Cây 2 năm: mạch môn, cát cánh, bạch truột, nga truột...

+ Cây lâu năm: Cam, quýt, hồi, sứ, duối, gáo, thông, xoài...

2.3. Đa dạng về dạng cây

+ Thân thảo mềm yếu: mã đề, lá lốt, ba kích, hà thủ ô, bồ công anh...

+ Thân bụi: đinh lăng, nhân trần, hoàn ngọc...

+ Thân gỗ nhỏ: nhóm Citrus, hoa hòe,...

+ Thân gỗ lớn: hồi, quế, đỗ trọng, long não, canhkina...

2.4. Đa dạng về phân bố

Cây dược liệu phân bố trên nhiều địa hình

+ Vùng ven biển: dừa cạn, hương phụ...

+ Vùng đồng bằng: bạc hà, hương nhu, bạch chỉ, sâm đại hành...

+ Vùng giáp ranh đồng bằng và trung du: sả, ngưu tất, rau má...

+ Trung du: quế, hồi, sa nhân...

+ Núi cao: sâm, tam thất, đỗ trọng, sinh địa...

2.5. Đa dạng về bộ phận sử dụng (phương pháp khai thác, thu hái)

+ Các cây dược liệu khai thác rễ củ: sinh địa, hoài sơn, tam thất, sâm đại hành, trinh nữ, cỏ tranh, ngưu tất...

+ Các cây dược liệu khai thác thân cành: quế, long não,...

+ Khai thác để chưng cất tinh dầu: bạc hà, xuyên tâm liên, thanh cao hoa vàng...

+ Khai thác nụ hoa quả: hoa hòe, hoa hồi, bồ kết...

3. Vai trò và giá trị của cây dược liệu.

Hiện nay theo thống kê trên thế giới về cây dược liệu ở Châu Âu có tới 1482 cây chữa bệnh, Á nhiệt đới và Nhiệt đới 3650 cây chữa bệnh với nhiều nhóm công dụng khác nhau:

Hiện có khoảng 30% tổng giá trị thuốc chữa bệnh do cây dược liệu cung cấp được khai thác từ trong tự nhiên và được trồng trọt.

Sau khi khảo sát các cây thuốc về nhiều phương diện khác nhau, chúng ta thấy rằng ngay trong phạm vi riêng biệt của ngành dược, các phương thức sử dụng cũng rất phong phú.

Giá trị sử dụng của cây dược liệu

Ngoài việc sử dụng cổ truyền dùng nguyên dạng hay ở dạng bào chế, càng ngày các cây cỏ càng được sử dụng nhiều để chiết suất các chất có tác dụng sinh lý hoặc có thể chuyển thành thuốc.

Nói chung việc chiết suất các cây trong tự nhiên dễ dàng hơn và rẻ tiền hơn việc tổng hợp hoàn toàn các chất đó. Trong nhiều trường hợp, người ta tìm đến các phương pháp bán tổng hợp. Các cây dược liệu có vô số chất tổng hợp mà việc chiết suất thì mới bắt đầu được đề cập đến. Người ta chỉ mới bắt đầu hướng việc sản xuất (chọn giống, dùng các chất tiền hoạt chất) ở các thực vật hạ đẳng. Ở các thực vật thượng đẳng chỉ mới được nghiên cứu ở một số ít loài. Mặt khác việc thống kê phân loại hệ thực vật ứng dụng trong y học còn thiếu tính hệ thống, trong tương lai sẽ có nhiều triển vọng và đem lại hiệu quả cao.

Ngày nay, chúng ta không thể phủ nhận được tầm quan trọng của việc điều trị bằng hoá học nhưng đồng thời chúng ta vẫn phải công nhận rằng việc điều trị bằng cây cỏ theo nghĩa rộng có giá trị gần bằng hoá trị liệu ngay ở những nước được coi là tiên tiến nhất. Việc điều trị bệnh bằng phương pháp kết hợp đông, tây dưỡng đang được áp dụng ở hầu hết các châu lục, đặc biệt ở các nước Châu Á có hiệu quả rất cao.

Nguồn: Bài giảng cây dược liệu - Đại học nông lâm Huế
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status