Sâm ngọc linh
Tên khoa học: Panax vietnamensis Ha et Grushv
Thuộc họ Nhân sâm: Araliaceae
Tên gọi khác: Sâm K5, Nhân sâm Việt Nam, thuốc giấu (dân tộc Tây Nguyên)
1. Đặc điểm thực vật học của cây sâm Ngọc Linh
(Mô tả sơ bộ về cây sâm Ngọc Linh)
Đặc điểm hình thái sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh là một loại cây thân thảo sống lâu năm, cao 40 - 100cm, có dạng thân khí sinh thẳng đứng, màu lục hoặc hơi tím, nhỏ, có đường kính thân độ 4 - 8mm, thường tàn lụi hàng năm tuy thỉnh thoảng cũng tồn tại một vài thân trong vài năm. Thân rễ mập có đường kính 3 - 5 cm, mọc bò ngang như củ hoàng tinh trên hoặc dưới mặt đất độ 1 - 3 cm, mang nhiều rễ nhánh và củ. Các thân mang lá và tương ứng với mỗi thân mang lá là một đốt dài khoảng 0,5 - 0,7 cm, đốt trên cùng của thân rễ tồn tại 1 - 4 thân; tuy sâm chỉ có một lá duy nhất không rụng suốt từ năm thứ 1 đến năm thứ 3 và chỉ từ năm thứ 4 trở đi mới có thêm 2 đến 3 lá.
Cây sâm Ngọc Linh
Lá mọc vòng, thường có 4 (ít khi 3, 5, 6). Lá kép chân vịt có 5 (ít khi 6, 7) lá chét, lá dài 7 - 12cm (ít khi 15cm). Lá chét trên cùng hình trứng ngược hoặc hình mũi mác, dài 8 - 14cm, rộng 3 - 5cm, đầu lá thường nhọn đột ngột, mũi nhọn kéo 1,5 - 2cm, góc lá hìm nêm, mép lá có răng cưa nhỏ đều, gân bên 19 (ít khi 8 - 11) cặp dọc theo gân chính và gân bên ở mặt trên của lá chét có nhiều lông cứng dạng gai dài đến 3mm, mặt dưới ít hơn.
Lá và hoa sâm Ngọc Linh
Cụm hoa mọc tập trung ở trung tâm lá, dài 25cm, gấp 1,5 - 2 lần chiều dài của cuống lá, thường mang tán đơn độc ở tận cùng, đôi khi có thêm 1-4 tán phụ hoặc một hoa đơn độc. Tán hoa chính đường kính 2,5 - 4cm, có 50 - 120 hoa. Hoa màu vàng lục nhạt, đường kính hoa nở 3 - 4mm. Bầu 1 ô, 1 vòi (chiếm 80%) đôi khi có 2 ô, 2 vòi (chiếm 20%).
Quả sâm Ngọc Linh
Quả khi xanh có màu xanh, xanh thẫm, vàng lục đến lúc chín có màu đỏ, thường có một chấm đen ở trên đỉnh quả. Quả 1 hạt hình thận, quả 2 hạt có hình cầu hơi dẹt dài 7 - 10mm, rộng 4 - 6mm.
2. Đặc điểm sinh thái của cây sâm Ngọc Linh
Trong tự nhiên, sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu hẹp, phân bố trong vùng xuất xứ núi Ngọc Linh, thường mọc dưới tán rừng ẩm, nhiều mùn, thích hợp với nhiệt độ ban ngày từ 20°C - 25°C, ban đêm 15°C - 18°C, sâm Ngọc Linh có thể sống rất lâu, thậm chí trên 100 năm sinh trưởng khá chậm.
Là cây thuốc quý của Việt Nam, với những tác dụng đặc biệt, hiện nay Sâm Ngọc Linh đã được đưa vào qui trình trồng làm cây dược liệu. Sâm Ngọc Linh thích hợp trồng trong các điều kiện đặc trưng của vùng xuất xứ.
- Về điều kiện khí hậu: Nhiệt độ thích hợp trung bình năm dao động từ 14-180C (thấp nhất 8-110C, cao nhấtt 20-250C); độ ẩm trung bình từ 85-90%; lượng mưa trung bình từ 2.800 - 3.400 mm/năm và có lượng mưa khá trong các tháng mùa khô (từ tháng 3-7).
- Về điều kiện tự nhiên và đất đai: Sâm Ngọc Linh thích hợp trồng ở vùng với những đặc điểm về điều kiện khí hậu kể trên và có độ cao so với mực nước biển từ 1.500m trở lên, thuận lợi ở độ cao từ 1.800m trở lên. Đất có đủ ẩm, giàu dinh dưỡng, lượng mùn hữu cơ trong đất cao, còn giữ cấu trúc rừng nguyên sinh và có độ tán che từ 70-90%.
3. Phân bố và thu hái sâm Ngọc Linh
- Sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm của đất nước Việt Nam, được phát hiện ở độ cao từ 1.800 m dưới tán rừng già, và cho tới nay chỉ có hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam là có cây sâm này.
Củ sâm Ngọc Linh
- Bộ phận sử dụng: Thân rễ, củ của cây là bộ phận làm thuốc chủ yếu. Ngoài ra lá và thân cũng có nhiều hợp chất quý, có thể dùng làm trà sâm.
- Thu hái: Vào đầu tháng 1 hàng năm, sâm xuất hiện chồi mới sau mùa ngủ đông, thân khí sinh lớn dần lên thành cây sâm trưởng thành có 1 tán hoa. Từ tháng 4 đến tháng 6, cây nở hoa và kết quả. Tháng 7 bắt đầu có quả chín và kéo dài đến tháng 9. Cuối tháng 10, phần thân khí sinh tàn lụi dần, lá rụng, để lại một vết sẹo ở đầu củ sâm và cây bắt đầu giai đoạn ngủ đông hết tháng 12. Chính căn cứ vào vết sẹo trên đầu củ mỗi mùa đông đến mà người ta có thể nhận biết cây sâm bao nhiêu tuổi, phải ít nhất 3 năm tuổi tức trên củ có một sẹo (sau 3 năm đầu sâm chỉ rụng một lá) mới có thể khai thác, khuyến cáo là trên 5 năm tuổi. Mùa đông cũng là mùa thu hoạch tốt nhất phần thân rễ của sâm.
4. Thành phần hóa học trong sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh có chứa 50 hợp chất saponin, trong đó có 26 hợp chất có cấu trúc đã biết, còn tới 24 saponin pammaran có cấu trúc riêng biệt chưa từng xuất hiện ở loại sâm khác. Thành phần Sâm Ngọc Linh chứa đa phần là các saponin triterpen với hàm lượng saponin khung pammaran thuộc mức cao nhất với số lượng saponin lớn nhất . Bên trong thành phần cây sâm rừng Ngọc Linh đã được nghiên cứu còn có 14 axít béo, 16 axít amin với 8 axít amin không thay thế cùng 18 nguyên tố đa lượng, vi lượng.
Trong lá và cọng của cây sâm Ngọc Linh đã chiết xuất được 19 saponin pammaran, với 8 saponin có cấu trúc hóa học đặc biệt cùng 1 hàm lượng tinh dầu lớn, là 0,1%.
5. Tác dụng dược lý của sâm Ngọc Linh
Trong hai năm 1974 và 1975, Viện Dược liệu thuộc Bộ Y tế nghiên cứu thấy thành phần saponin triterpen của tam thất, nhân sâm và sâm Ngọc Linh có 9 hoặc 11 chất có Rf ngang nhau, màu giống nhau ở hai hệ dung môi khác nhau. Theo đánh giá của Nguyễn Minh Đức, Võ Duy Huấn trong nǎm 1994 thì từ sâm Ngọc Linh đã chiết được 50 hợp chất, xác định cấu trúc hóa học cho thấy 26 hợp chất có cấu trúc đã biết (thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật) và 24 saponin pammaran có cấu trúc mới không bắt gặp tại các loại sâm khác trên thế giới. Sâm Ngọc Linh chứa chủ yếu các saponin triterpen, nhưng cũng là một trong những cây sâm có hàm lượng saponin khung pammaran cao nhất (khoảng 12-15%) và số lượng saponin nhiều nhất so với các loài khác của chi Panax. Ngoài ra trong sâm Ngọc Linh còn có 14 axít béo, 16 axít amin (trong đó có 8 axít amin không thay thế được) và 18 nguyên tố đa lượng, vi lượng.
Từ năm 1978 đến năm 1984, nhiều tác giả đã nghiên cứu tác dụng dược lý của Sâm Ngọc Linh. Về độc tính đã nghiên cứu thấy với liều 34g/kg thể trọng của bột chiết toàn phần rễ củ sâm Ngọc Linh và với liều 10,6g/kg thể trọng của saponin toàn phần của rễ củ Sâm Ngọc Linh đều không gây trên súc vật thực nghiệm những triệu chứng ngộ độc nào. Những thí nghiệm tác dụng của sâm Ngọc Linh trên hệ thần kinh trung ương, tác dụng tăng lực, tăng sức bền của cơ thể, trên nội tiết sinh dục, trên hệ tim mạch….đều cho kết quả gần như tương đương với khi thí nghiệm với nhân sâm Triều Tiên. Tuy nhiên sâm Ngọc Linh không gây tăng huyết áp như sâm Triều Tiên. Tác dụng này sâm Ngọc Linh giống với tác dụng của cây tam thất. Có thể dùng chữa bệnh cho trẻ sơ sinh đến người già với liều dùng từ 50mg đến 200mg cho 1kg thể trọng, nghĩa là người cân nặng 50kg có thể dùng 10gr một ngày. Nếu dùng 20gr một ngày có tác gây ngủ. Nếu dùng với liều 30gr đến 40gr thì có tác dụng như một thuốc giảm đau rất kỳ diệu. Trong vòng hơn 30 năm theo dõi lâm sàng đối với những bệnh nhân K giai đoạn cuối, nếu dùng 30gr-40gr ngày không còn thấy đau đớn.
Những kết quả nghiên cứu mới nhất bổ sung thêm danh sách saponin và axít amin dài hơn nữa. Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt cán bộ Viện Dược liệu thì về mặt hoá học, thân rễ và rễ củ sâm Ngọc Linh hiện nay (2007) đã phân lập được 52 saponin trong đó 26 sanopin thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật. Trong lá và cọng đã phân lập được 19 saponin pammaran, trong đó có 8 saponin có cấu trúc mới. Đã xác định được trong sâm Ngọc Linh 17 axít amin, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng tinh dầu là 0,1%.
6. Tính năng và công dụng của sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh khi nếm đầu tiên thấy vị đắng, sau vẫn thấy đắng, đắng nên trong đông y thương gọi tiền khổ, hậu khổ, hậu khổ khổ. Khác với Nhân sâm Triều Tiên khi nếm củ sâm trước hết thấy vị ngọt, sau thấy đắng, rồi lại ngọt và ngọt (tiền cam, hậu khổ, hậu cam, cam).
Sâm Ngọc Linh là nhân sâm của Việt Nam, là cây thuốc quý, trong nhiều năm trước dayd được khai thác triệt để và là cây có đặc tính khí hậu đặc thù, phổ rất hẹp và cần được bảo tồn, nhân giống, giữ giống. Nhiều tài liệu nói về công dụng của Sâm Ngọc Linh, tựu trung lại Sâm Ngọc Linh có những công dụng cơ bản sau:
- Tác dụng của Sâm Ngọc Linh dựa trên nghiên cứu dược lý thực nghiệm: những kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm Sâm Ngọc Linh đã chứng minh Sâm Ngọc Linh có tác dụng chống stress vậy lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống oxy hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan.
- Tác dụng của Sâm Ngọc Linh dựa trên nghiên cứu dược lý lâm sang: những nghiên cứu dược lý lâm sàng của Sâm Ngọc Linh cũng cho kết quả tốt: các bệnh nhân được thử nghiệm sử dụng Sâm Ngọc Linh để hỗ trợ điều trị bệnh của mình đều ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp người bị huyết áp thấp. Củ Sâm Ngọc Linh Ngoài những tác dụng nói trên, theo Dược sĩ Đào Kim Long - người phát hiện ra Sâm Ngọc Linh vào năm 1973 - Sâm Ngọc Linh có những tác dụng tuyệt hảo như tăng lực, phục hồi sự suy giảm chức năng giúp cho tình trạng của cơ thể trở lại bình thường, kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. Đặc biệt, theo PGS.TS. Nguyễn Thới Nhâm - người có công thẩm định thành công giá trị của Sâm Ngọc Linh vào năm 1976 tại Ba Lan và giới thiệu sâm trong các hội nghị tại Nhật, Mỹ, Canada - thì Sâm Ngọc Linh có những tác dụng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có như kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu (stress), chống oxy hóa và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường.
7. Một số cách sử dụng sâm Ngọc Linh
- Sử dụng Sâm Ngọc Linh theo kiể pha trà: Thái mỏng sâm Ngọc Linh thành nhiều lát, khi pha cho vài lát sâm (khoảng 1g - 2g) vào ấm, đổ nước sôi vào như pha trà. Đợi 5 phút có thể uống. Dùng đến khi nước nhạt thì lấy bã ra nhai và nuốt như ăn bình thường.
Trà sâm Ngọc Linh xay bột: Sâm Ngọc Linh sấy khô, tán bột thật mịn hoặc có thể đun sôi nhỏ lửa để phát huy hết tối đa dược tính, công dụng của sâm Ngọc Linh, mỗi lần dùng từ 1g - 2g.
- Sử dụng sâm Ngọc Linh bằng cách ngậm trong miệng: Những người bệnh lâu ngày, chán ăn, mệt mỏi, mắc chứng phế hư (phổi yếu, hen suyễn, thở gấp, chức năng hô hấp kém) thường sử dụng theo cách này.
Thái sâm Ngọc Linh thành từng lát thật mỏng. Ngậm lát sâm trong miệng cho đến khi mềm rồi nuốt. Mỗi lần ngậm 1 lát, ngày ngậm 3-4 lát.
- Sử dụng sâm Ngọc Linh dưới dạng thuốc sắc: Dùng cho bệnh nhân mất máu sau phẫu thuật, cấp cứu khẩn cấp, cơ thể suy yếu.
Thái lát sâm Ngọc Linh cho vào nồi, cho thêm 20 - 30g đường, sắc nhỏ lửa khoảng 20 - 30 phút để uống. Ngày dùng 5 - 10g, chia làm nhiều lần ăn trong ngày (ăn cả nước lẫn cái). Trường hợp bệnh nhân cấp cứu tăng thêm 30 - 60g sắc uống hết trong một lần.
- Sử dụng sâm Ngọc Linh dưới dạng ngâm rượu: Dùng để bồi bổ sức khỏe, nhất là với nam giới thường xuyên phải uống bia rượu, thì nên thay thế bằng rượu sâm Ngọc Linh để bảo vệ gan, thận.
Cách ngâm rượu: Sâm Ngọc Linh rửa sạch, để ráo nước, tráng lại với rượu. Chọn bình thủy tinh vừa với lượng sâm cần ngâm. Thả nguyên củ sâm vào bình. Sau đó đổ rượu trắng 30 độ ngập củ sâm và đậy kín nắp bình lại. Ngâm Sâm Ngọc Linh theo tỉ lệ 100g Sâm Ngọc Linh ngâm với 2 - 3 lít rượu. Ngâm trong khoảng thời gian từ 2-3 tháng là có thể uống được.
Ngày dùng 50 - 100ml. Không dùng rượu sâm Ngọc Linh trong trường hợp đau bụng thể hàn, đau bụng tiết tả, lạnh bụng. Không nên dùng vào buổi tối vì có thể gây mất ngủ.
- Sử dụng sâm Ngọc Linh bằng cách nấu cháo: Thường dùng cho người già suy yếu hay người mắc các bệnh mãn tính đường tiêu hóa. Thái lát 3g sâm Ngọc Linh rồi sắc với nước. Tiếp tục thêm gạo và nước vào nồi nấu thành cháo.
- Sâm Ngọc Linh hấp với trứng gà: Trứng gà rửa sạch, khoét 1 lỗ nhỏ trên đỉnh. Cho 1 - 2g bột Sâm Ngọc Linh vào bên trong quả trứng, trộn đều. Lấy một miếng khăn giấy thấm ướt hoặc một mảnh vải để dán kín lại rồi hấp chín. Mỗi ngày dùng 1 quả.
- Dùng sâm ngâm mật ong: rửa thật sạch sâm, để ráo, cắt thành lát mỏng cho vào bình thủy tinh đậy kín ngâm với mật ong nguyên chất. Sau 2-3 tháng là dùng được. Mỗi ngày dùng 1-2 lát sâm Ngọc Linh ngâm mật ong rất tốt, vị ngọt củaa mật ong làm dịu vị đắng của sâm, lại thơm ngon bổ dưỡng tốt cho sức khỏe.
Những lưu ý khi sử dụng sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh rất tốt với sức khỏe, tuy nhiên để nâng cao tác dụng của Sâm Ngọc Linh, cần phải có cách dùng hợp lý với liều lượng vừa phải để phát huy tối đa công dụng của sâm Ngọc Linh. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng sâm Ngọc Linh:
- Phụ nữ đang mang thai tuyệt đối không được sử dụng sâm Ngọc Linh vì sâm có tác dụng tăng cường nội tiết tố sinh dục và co bóp thành tử cung nên sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi.
- Cũng như các loại sâm khác, sâm Ngọc Linh cũng không được dùng trong các trường hợp: đau bụng (thể hàn, tiết tả...), lạnh bụng, chướng bụng sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
- Ngoài ra, những người cao huyết áp cũng không nên sử dụng sâm Ngọc Linh. Tránh dùng Sâm vào buổi chiều hoặc tối đối với người mất ngủ.
- Khi dùng sâm với trẻ em, sâm chỉ được dùng (thường là dùng bổ sung) khi trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu máu, suy nhược cơ thể,... Còn với các trẻ có thể chất khỏe mạnh, phát triển bình thường, không mắc các bệnh lý thuộc hư chứng thì không được dùng sâm Ngọc Linh.
- Đối với Sâm Ngọc Linh tươi nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
- Trường hợp muốn dùng lâu dài thì ngâm với mật ong nguyên chất (không lẫn nước) để bảo quản và dùng lâu dài. Rửa thật sạch, thái lát mỏng và ngâm với mật ong. Phương pháp này khi ngâm có thể sử dụng liền. Mật ong là chất chóng mốc và còn là thuốc bổ nên sẽ tăng cường tác dụng của sâm Ngọc Linh.
N.Ha Tổng hợp từ: snnptnt.quangnam.gov.vn, vi.wikipedia.org, nhansamviet.com, Cây thuốc và những vị thuốc Việt Nam - GS.TS Đỗ Tất Lợi