Bệnh tuyến trùng hại rễ cam chanh
Tuyến trùng hại rễ cam chanh Tylenchus semipenetrans sống ở trong đất và tấn công rễ cây, khiến cho rễ cây bị cứng, nhanh chóng thối đen và chết. Do bộ rễ đã bị phá huỷ nên cây không hấp thu được nước và chất dinh dưỡng. Lá cây sẽ chuyển vàng, lá nhỏ xoắn lại và bắt đầu rụng hàng loạt.
Tuyến trùng gây hại mạnh nhất vào mùa mưa, khi mà độ ẩm trong đất cao khiến tuyến trùng dễ dàng sinh sôi và các dòng nước mang tuyến trùng di chuyển khắp vườn cây.
1. Triệu chứng
Tuyến trùng xâm nhập một nửa phía trước cơ thể vào rễ, phần sau thân tuyến trùng vẫn nằm bên ngoài mô rễ và phát triển phình to hơn so với phần đầu. Chúng thực hiện kiểu bán nội ký sinh tại chỗ tạo ra các tế bào sung phồng xung quanh vùng chúng ký sinh, làm rễ bị biến dạng.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh tuyến trùng hại rễ cam chanh do tuyến trùng Tylenchulus semipenetrans Cobb, 1913.
Con cái dài 0,5 mm, khoảng cách lỗ giao phối nằm gần lỗ bài tiết (V = 90%). Tuyến trùng con tuổi 2 dài 0,28 - 0,34 mm. Con đực dài 0,30 - 0,41 mm, kim chích hút dài 11 µm. Theo Eroshenko et al. (1985), trên mẫu của Việt Nam, con cái có chiều dài từ 0,4 - 0,5 mm, chiều dài kim chích hút là 11,5 - 13 µm.
3. Đặc điểm phát sinh phát triển
Tuyến trùng con cái ký sinh trên rễ và hình thành cá thể cái, ở nhiệt độ 24°C chúng hoàn thành một chu kỳ sống với 6 - 8 lần phân chia. Nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển của tuyến trùng 17,6 - 26°C. Số lượng tuyến trùng tăng trong khoảng nhiệt độ từ 20 - 31°C và cao nhất là ở 25°C. Điều kiện pH thích hợp cho tuyến trùng từ 6,0 - 8,0. Vòng đời của tuyến trùng còn phụ thuộc nhiều vào mùa vụ trong năm và môi trường đất bị thay đổi, chúng có thể hoàn thành 1, 2 chu kì phát triển trong thời gian sinh trưởng trong năm của cây cam vào các lứa ra lộc, đặc biệt giai đoạn ra lộc xuân thì mật độ tuyến trùng tăng cao khi chuyển mùa. Khi tuyến trùng xâm nhập vào rễ làm cho rễ bị thâm đen bám đầy đất, làm giảm sức chịu rét của cây và phẩm chất kém. Tuyến trùng rễ chanh có nhiều chủng khác nhau.
Điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng tới mật độ tuyến trùng và khả năng gây hại rất rõ rệt: giống cam chanh, tuổi cây, cấu trúc của đất trồng cam quýt, ẩm độ, pH, nhiệt độ và thức ăn trong đất. Cây ký chủ và điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng rõ rệt tới quá trình xâm nhiễm gây hại của loài bán nội ký sinh này, đặc biệt là nhiệt độ và ẩm độ đất, chúng thích hợp hơn trong điều kiện khô. Tuyến trùng sinh sản hữu tính hoặc lưỡng tính, có thể sinh sản không cần tuyến trùng đực. Nhiệt độ, ẩm độ đất và tuổi cây cũng ảnh hưởng tới sinh sản của tuyến trùng, rễ bị huỷ hoại, tuyến trùng ra đất và có thể tồn tại một vài năm trong đất mùn giàu chất hữu cơ, đất cát ít phù hợp hơn với loài tuyến trùng này. Tuyến trùng là loài có phổ ký chủ hẹp chủ yếu trên cam và rất ít gặp trên bưởi, mận. Ngưỡng gây hại kinh tế của T. semipenetrans khoảng 850 tuyến trùng non/100 cm đất trên cam.
4. Biện pháp phòng trừ
Sử dụng cây giống sạch tuyến trùng, xử lý cây giống bằng nước nóng 49°C trong 10 phút.
Dùng thuốc Nemagon tưới vào gốc cây. Xử lý đất bằng Methyl bromide 60 g/m có thể diệt tuyến trùng rồi trồng cây trở lại trên đất đã huỷ bỏ cây bị bệnh. Tuyến trùng tồn lại chủ yếu ở trong đất vì vậy việc thay đất và xử lý đất cần thực hiện triệt để.
Trong qua trình chăm sóc phải thường xuyên chăm sóc tốt, lấy mẫu đất và rễ vào các thời điểm quan trọng cho quá trình xâm nhiễm của tuyến trùng, xác định loài tuyến trùng và mật độ số lượng theo ngưỡng gây hại kinh tế theo mùa vụ, điều kiện khí hậu thời tiết thay đổi ở các thời điểm ra lộc, đặc biệt khả năng di chuyển của tuyến trùng để có cơ sở thực hiện phòng trừ.
- Bệnh tuyến trùng ngoại ký sinh dạng hình xoắn (Helicotylenchus dihystera)
- Bệnh tuyến trùng hại củ khoai tây (Ditylenchus destructor Thorne)
- Bệnh tuyến trùng hại hành tỏi (Ditylenchus dipsaci)
- Bệnh tuyến trùng thối rễ vàng lá cà phê (Pratylenchus coffea)
- Bệnh tuyến trùng bào nang hại khoai tây (Globodera rostochiensis Wollenweber, 1923,G.pallida Stone, 1973)
- Bệnh tuyến trùng khô đầu lá lúa (Aphelenchoides beseyi Christie, 1942)