Bệnh tuyến trùng hại hành tỏi
Tuyến trùng hại thân có phổ ký chủ rất rộng và có ý nghĩa kinh tế lớn. Số loài trong nhóm này gồm 50 loài khác nhau ký sinh phần mô mềm đó là thân (củ) của cây trồng, đặc biệt D. dipsaci gây hại hành tỏi trong những vùng có độ ẩm cao. Có mặt trên các loại cây trồng như: khoai tây, củ cải, hành tỏi, đậu, dâu tây... chúng gây hại chủ yếu trên hành, tỏi và các cây cảnh trồng bằng củ, còn trên các cây ký chủ phụ tuyến trùng sinh sản yếu và không gây hại, chúng có thể là nơi trú ngụ của tuyến trùng. Trong điều kiện thuận lợi tuyến trùng hại thân phá huỷ mô cây non, ngăn cản thân phát triển bình thường và có khả năng sinh sản, di chuyển từ nơi này sang nơi khác.
1.Triệu chứng
Cây bị hại thì tế bào phát triển phình to, tế bào bị phân chia và bị phân huỷ, vỏ tế bào bị nứt và tạo nhiều khoảng trống. Cây do tuyến trùng gây hại thường để lại triệu chứng cong queo, thấp lùn, lá bị biến dạng méo mó, củ bị thối rữa. Cây bị phân nhánh bởi những thay đổi các chất kích thích sinh trưởng. Tuyến trùng dùng các men: pectinaza, protopectinaza, invectaza... đặc biệt là phân giải pectin, làm cấu trúc mô bị phá vỡ cây chết lụi, củ tóp khô. Đối với loài tuyến trùng D. dipsaci (hoặc D. allii Beijer) chỉ ở tuổi trưởng thành mới phân giải pectin còn ở tuổi khác chúng không phân giải được, quá trình này cũng phù hợp với phương thức ký sinh của chúng là tác động làm thay đổi mạnh mẽ trong mô tế bào và cấu trúc do hoạt động phân giải pectin của men pectinaza.
2.Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh do tuyến trùng Ditylenchus dipsaci (Kuhn, 1857) Filipjev, 1936.
Tuyến trùng hại thân hành tỏi con trưởng thành có dạng hình sợi mảnh, chiều dài 0-1,6 mm và rộng 40 - 60 µm, kim chích hút dài 11 - 13 µm (ngắn so với các loài khác), đuôi nhọn, trứng thon dài 70 - 100 µm; rộng 30 - 40 µm.
3.Đặc điểm phát sinh phát triển
Tuyến trùng tồn tại trong đất hoặc trên tàn dư cây trồng có thể tới 7 năm, ở trong đất 7 năm, trên củ (tỏi, hành) có thể tồn tại tới 32 tháng, trong điều kiện khô hạn tồn tại tới 23 năm. Chúng xâm nhập vào tế bào thực vật qua mắt thân, củ, sinh sản và di chuyển trong cây.
Sau khi thu hoạch tỏi chúng tồn tại ở cây bệnh, trong đất, còn một phần nằm trong củ, thân và lá. Nếu trong 0,5 kg đất có 10 tuyến trùng thân thì đất đó nhiễm nặng tuyến trùng và cây trồng sẽ bị nhiễm nặng do vậy không nên trồng hành, tỏi.
Nhiệt độ thích hợp: 12 - 18°c. Ở điều kiện nhiệt độ cao (20 - 25°C) thì tuyến trùng hoạt động ít hơn là ở nhiệt độ thấp (4 - 7°C). Tuyến trùng đẻ trứng trong phạm vi nhiệt độ 2 - 27°C, nhưng thích hợp ở nhiệt độ 13 - 19°C, tuyến trùng cái có thể đẻ 200 - 400 trứng hoặc 500 trứng trong suốt giai đoạn sinh trưởng của cây.
Giai đoạn trứng phát triển ở nhiệt độ 24°C là 3 - 7 ngày, ở nhiệt độ 20°C là 11 - 18 ngày, nhiệt độ thích hợp cho trứng nở là 19 - 21°C. Tuyến trùng hoàn thành chu kỳ phát triển trong 19 - 20 ngày ở nhiệt độ 20 - 22°C.
Nhiệt độ quyết định khả năng sống của tuyến trùng: ở nhiệt độ 21°C sau 7 năm thì 100% tuyến trùng D. dipsaci hại tới đều bị chết, ở 2 - 4C thì 78% tuyến trùng còn sống.
4.Biện pháp phòng trừ
Dùng giống sạch bệnh: Có thể xử lý củ giống trước khi trồng bằng cách ngâm nước 2 - 3 ngày và cứ 24 giờ lại thay nước 1 lần hoặc xử lý dung dịch nước vôi lưu huỳnh 25° Bômê trong 6 - 12 giờ. Có thể xử lý tỏi bằng nước nóng 50°C trong 10 phút, có hiệu quả như xử lý ngâm trong nước.
Luân canh với cây trồng khác: Trên diện tích nhiễm tuyến trùng D. dipsaci cần luân canh (3 - 4 năm) với cây trồng không phải là ký chủ của loài này.
Biện pháp hóa học: Đất nhiễm tuyến trùng xử lý bằng Dazomet 88 kg/ha; Vydate (EK - 25%) 0,5 - 0,7%; Nemacur tưới 5 lít/1000m2 có hiệu quả tốt. Tuy nhiên nhiều loại thuốc hoá học đều có độc tính cao nên hạn chế sử dụng.
- Bệnh tuyến trùng ngoại ký sinh dạng hình xoắn (Helicotylenchus dihystera)
- Bệnh tuyến trùng hại củ khoai tây (Ditylenchus destructor Thorne)
- Bệnh tuyến trùng thối rễ vàng lá cà phê (Pratylenchus coffea)
- Bệnh tuyến trùng hại rễ cam chanh (Tylenchulus semipenetrans)
- Bệnh tuyến trùng bào nang hại khoai tây (Globodera rostochiensis Wollenweber, 1923,G.pallida Stone, 1973)
- Bệnh tuyến trùng khô đầu lá lúa (Aphelenchoides beseyi Christie, 1942)