Kỹ thuật thu hoạch và chế biến Đương quy

Cây trồng liên quan: Cây Đương quy

thu hoạch và chế biến đương quy

1. Thu hoạch

- Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, thu hoạch dược liệu vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.

- Ở vùng núi cao, thu hoạch dược liệu vào tháng 11 hoặc tháng 12.

- Khi thu hoạch, cắt bỏ lá đào củ bằng cuốc hoặc thuổng, tránh làm đứt rễ củ. Củ đào xong phơi ngay trên ruộng 1 - 2 ngày (thu tháng 11 - 12 không có mưa) hoặc đưa về buộc thành bó 5 - 6 củ, sau đó treo trên dàn 2 ngày cho củ hơi héo, trong củ đã được lên men chuyển hóa. Rửa sạch dược liệu, cắt bỏ rễ con, phân loại to nhỏ đưa chế biến.

- Phơi nắng nhẹ hoặc làm giàn sấy nhẹ. Sấy khô 8/10 thì bớt lửa để dược liệu tự khô. Cần xông lưu huỳnh chống mối và chứa vào thùng có chống ẩm. Khi dùng lại cần phun qua rượu (1 lít rượu cho 10 kg hạt). 1 ha có thể thu được 3.000 kg rễ củ khô.

- Quy cách, phẩm chất: Đương quy phải thật khô, có đầu, đầu rễ hình tròn có vân vòng đỏ, màu đen hoặc nâu vàng bên trong màu trắng, vàng hoặc màu vàng có dầu, không bị mọt, không có tạp chất, rễ lớn hơn 1,7mm là đạt quy cách phẩm chất.

2. Chế biến

- Xông diêm sinh cho mềm, rửa thật sạch, xông lại một mồi diêm sinh nữa sau đó đem phơi đến khô, độ ẩm còn 13 - 14% là được.

- Hiện nay Đương quy được rửa sạch bằng nước Ozon cho vào sấy ngay không xông sinh. Cách chế biến này giúp dược liệu khô cứng, màu nâu bạc không được mềm nhuận và màu vàng cánh dán như xông sinh.

- Phương pháp chế biến dùng trong đông y:

+ Quy đầu: Đương quy đã trồng được 2 - 3 năm, đào vào mùa thu, cắt bỏ rễ, phơi trong bóng râm hoặc sấy nhẹ trong thùng cho đến khô.

+ Đương quy phiến: Đương quy rửa sạch, ủ mềm. Thái lát hoặc bào mỏng thành phiến có độ dày 1 - 3 mm. Phơi sấy nhẹ.

+ Đương quy tẩm rượu: Đương quy trộn với rượu, ủ mềm, thái phiến, phơi khô (hoặc sau khi tẩm rượu, đem chưng 4 h cho đến khi ngoài sẫm, trong vàng, thái phiến).

+ Đương quy sao rượu: Tẩm rượu vào đương quy phiến (tỉ lệ 1/10), ủ 30 phút cho ngấm rượu. Sao nhỏ lửa cho đến khi màu vàng đậm, mùi thơm đặc trưng. Có thể sao Đương quy trước, cho tới khi nóng già và đều, phun rượu và tiếp tục sao cho tới khi phiến chuyển sang màu vàng đậm, mùi thơm đặc trưng.

+ Đương quy sao hoàng thổ: 3 kg bột hoàng thổ hoặc bột phục long can sao nóng, cho tiếp 10 kg Đương quy phiến vào, sao đến khi phiến có màu vàng đen.

+ Đương quy sao xén cạnh: Đương quy phiến sao trên lửa to, đảo nhanh và đều cho đến khi phiến có màu vàng, cạnh cháy, phun 1 ít nước vào.

+ Đương quy thán: Sao Đương quy phiến cho đến khi bề mặt phiến màu đen, trong vàng là được.

+ Đương quy tẩm mật ong: Đem mệt luyện trong nồi, cho đương quy phiến vào (2 kg mật cho 10 kg Đương quy). Sao nhỏ lửa cho đến khi miếng Đương quy không dính vào tay được.

3. Bảo quản và vận chuyển

- Bảo quản Đương quy trong túi polyetylen ngoài có bao tải, hoặc bảo quản kín trong chum vại. Dược liệu đương quy rất dễ bị mốc mọt, cần kiểm tra thường xuyên để xử lý. Bao tải ngoài ghi đầy đủ thông tin sản xuất gồm mã số lô sản xuất, đơn vị sản xuất, ngày đóng gói, khối lượng...

- Bảo quản trong kho khô, thoáng, có kệ kê bao dược liệu cách nền và tường, theo hàng cho thuận tiện kiểm tra định kỳ đánh giá độ ẩm, mốc mọt...

- Vận chuyển trong xe tải kín, tránh mưa nắng làm hỏng dược liệu.

Nguồn: Giáo trình cây thuốc
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status