Kỹ thuật nhân giống hoa hồng

Trồng hoa hồng có hai cách để nhân giống: nhân giống hữu tính và nhân giống vô tính.

Nhân giống hữu tính là cách gieo hạt để có cây con mà trồng. Còn nhân giống vô tính là cách chiết cành, ghép cành và giâm cành...

Cây hoa hồng nhân giống theo cách hữu tính cũng dễ, không tốn kém công sức cũng như tiền của, sản xuất được nhiều cây con, nhưng đa số cây con lại không mang được những đặc tính tốt của cây cha mẹ. Đó là điều không ai trong chúng ta cảm thấy hài lòng. Mặt khác, thời gian từ khi hoa của cây hồng mẹ thụ phấn đến khi hột già đề gieo xuống đất phải mất một thời gian khá dài: khoảng 6 tháng! Đó là chưa nói đến việc thụ phấn cũng không phải là việc giản đơn, dễ làm.

Còn cách chiết cành, ghép cành và giâm cành tuy đòi hỏi chút công sức, sự khéo léo tay, lai tạo được ít cây con, nhưng những cây lai tạo được thường mang đúng những đặc tính tốt của cây mẹ. Chính vì ưu điểm này mà ngày nay ít ai nghĩ đến việc nhân giống hồng theo cách hữu tính nữa.

Tuy vậy, chúng tôi cũng xin đề cập sơ qua cách thức nhân giống hữu tính của hoa hồng để quí vị nào mới bước vào nghề nắm bắt được cách thức.

nhân giống hoa hồng

1. Nhân giống hữu tính

Ngày xưa, người mình trồng hoa hồng cũng bằng cách gieo hột (để mặc cho côn trùng như ong bướm đến hút mật hoa giúp hoa thụ phấn lấy), và cũng thành thạo đến cách giâm cành, chiết cành. Chỉ có điều ai kinh nghiệm nhiều thì cây con lai tạo có khả năng sống với tỉ lệ cao, còn người ít kinh nghiệm thì gặt hái kết quả ở mức ... khiêm nhượng!

Như quí vị đã biết, cây hoa hồng là giống cây có hoa lưỡng tính: nhị được và nhụy cái nằm chung một hoa. Nhụy cái là một bầu lớn nằm giữa hoa (duy nhất chỉ một nhụy), còn nhị đực thì số nhiều vây quanh nhụy cái.

Nói rõ ra, nhị hoa là cơ quan sinh dục đực, và nhụy hoa là cơ quan sinh dục cái.

Nhị hoa nhỏ mang bao phấn trong chứa nhiều phấn hoa. Còn nhụy hoa gồm có bầu nhụy khá to, trên bầu nhụy là đầu nhụy, nơi sẽ tiếp nhận phấn của nhị đực để thụ phấn.

bộ phân sinh sản của hoa hồng

Thông thường, nhị đực và nhụy cái của một hoa ít khi “chín” cùng một lúc, cho nên chúng thường thụ phấn chéo nhờ vào côn trùng vô tình mang phấn của hoa này sang “gieo” cho nhụy hoa khác. Thế nhưng, nếu nhờ vào cách thụ phấn này thì ta làm sao có được cây hồng lai đẹp như ý mong mốn!

Vì vậy, ta phải tiến hành cách thụ phấn nhân tạo như sau:

  • Trước tiên, ta lựa những cây hồng mang những đặc tính tốt như sai hoa, hoa to và thơm, hợp khí hậu, ít sâu bệnh... để làm cây giống.
  • Bước kế tiếp là lựa trong số những cây mẫu đó, những cây nào làm “cây đực” và cây nào dùng làm “cây cái”. Với “cây đực” thì chỉ dùng đến túi phấn của nó không thôi. Với “cây cái” thì chỉ dùng bầu nhụy không thôi.

Nói rõ hơn:

  • Với “cây đực” ta cắt hết các bao phấn (hay túi phấn) đem chứa vào một cái lọ khô ráo. Các bao phấn này khi chín sẽ bung hết các hột phấn ra. Những hột phấn này bên trong chứa một ít nhựa dẻo, đó là “tinh dịch” truyền nòi giống...
  • Với “cây cái” ta cũng cẩn thận cắt bỏ hết các bao phấn của nhị đực ra, chỉ chừa lại phần nhụy (tức bầu noãn). Sau đó, dùng bao nilon trùm kín phần nhụy này lại, ngăn ngừa côn trùng mang nhị đực của các hoa khác đến...

Chờ khi nhụy hoa cái “chín”, ta bỏ bao nilon ra rồi khéo léo tìm cách đưa phấn hoa đực (để trong lọ) cho “tiếp xúc” với đầu nhụy. Cần rắc phấn nhị đực dính nhiều vào đầu nhụy cái để sự thụ phấn có kết quả tốt.

Nếu việc thụ phấn nhân tạo này thành công, bầu noãn của hoa sẽ có màu noãn và phát triển lớn dần. Thường thì ba tháng sau hột đã già, mỗi bầu noãn chứa số lượng hột không nhất định, có thể chỉ một hai, mà cũng có thể đến vài ba chục hột. Hột sau khi gieo xuống đất sẽ nẩy mầm trở thành những cây hồng con lai, mang đặc tính chung của cả cây cha lẫn cây mẹ.

Tất nhiên quí vị sẽ có sự ghi chép cẩn thận để sau này biết được “gia phả” của chúng. Nếu cây lai vừa ý thì ta tiếp tục nhân giống tiếp, còn ngược lại ta sẽ không dùng hai giống cây trên làm cây cha mẹ nữa mà dùng cây khác để thí nghiệm...

Công việc thụ phấn nhân tạo không khó lắm, nhưng phải nói là nhiêu khê, việc tiến hành đến đâu ta phải ghi chép cẩn thận. Vì vậy, chỉ người sẵn thú đam mê mới đủ hứng khởi để theo đuổi từ công đoạn đầu đến công đoạn cuối...

Nguồn: Theo Việt Chương, Lâm Thị Mỹ Hương (kỹ thuật trồng, chiết, ghép, giâm cành hoa hồng).
Bài liên quan
  • Tổng hợp: Hướng dẫn trồng cây hoa hồng từ củ khoai tây Tổng hợp: Hướng dẫn trồng cây hoa hồng từ củ khoai tây
    Nghe có vẻ vô lý, nhưng thực tế trong cách trồng hoa hồng này, khoai tây đóng vai trò là một loại phân bón tuyệt vời khi củ thối đi, cung cấp rất nhiều dinh dưỡng và...
  • Hướng dẫn chọn giống cây hoa hồng Hướng dẫn chọn giống cây hoa hồng
    Con người sinh ra, mỗi người mỗi tính nết khác nhau, sự đam mê cũng khác nhau, ít ai giống ai. Hoa hồng cũng có nhiều giống, mỗi giống lại có nhiều loại mang những đặc tính...
  • Có phải hoa hồng là cây trái tính trái nết? Có phải hoa hồng là cây trái tính trái nết?
    Nhiều người cho rằng cây hoa hồng là giống cây trái tính trái nết, nó không đến nỗi “nắng không ưa mưa không chịu”, nhưng phải trồng trong điều kiện đất đai và khí hậu thích hợp thì mới phát triển tốt, hoa mới đạt yêu cầu....
  • Loại đất nào phù hợp với hoa hồng Loại đất nào phù hợp với hoa hồng
    Nói chung, với đất thì cây hồng không kén chọn lắm. Bằng chứng là nước ta, từ Nam chí Bắc nơi nào cũng trồng được hoa hồng. Giống hoa này có khả năng sống được và phát triển mạnh một cách bình thường trên nhiều loại đất có cấu tượng khác nhau như đất đồi,
DMCA.com Protection Status