Chăm sóc ngô (bắp) - Trồng dặm ngô

Cây trồng liên quan: Cây ngô (cây bắp)

1. Kiểm tra tỷ lệ hạt gieo không nảy mầm/cây chết

Sau khi gieo ngô xong cần chú ý kiểm tra đồng ruộng thường xuyên để có biện pháp xử lý kịp thời, chủ yếu kiểm tra lại số cây mọc trên đơn vị diện tích. Thông thường tỷ lệ mọc của các giống ngô đều khá cao trên 85% và khi gieo thường gieo từ 2 - 3hạt/hốc, nhưng cũng có khi khuyết cây.

Đối với những ruộng ngô có tỷ lệ nảy mầm cao thì cần phải chú ý tỉa bớt cây. Bắt đầu tỉa khi cây có từ 3 - 4 lá, tỉa bớt những cây yếu, chỉ giữ lại mỗi hốc 2 cây, khi cây ngô 5 lá có thể tỉa lần 2 chỉ để lại 1 cây/hốc (lần này gọi là tỉa định cây). Tuy nhiên tùy vào tình hình đất đai, đặc điểm giống, địa hình, kỹ thuật trồng… mới quyết định có áp dụng tỉa lần 2 hay không. Với những nơi đất tốt, địa hình bằng phẳng, giống vừa phải, khoảng cách hàng cách hàng rộng có thể để 2 cây/hốc, với những giống ngô cao lớn, thâm canh cao nên chỉ để 1 cây/hốc, với những nơi địa hình cao, lộng gió thì việc để 2 - 3 cây/hốc lại có tác dụng chống đổ cho cây. Việc tỉa ngô cần thực hiện sớm cây lúc 3 - 4 lá năng suất cao hơn tỉa cây và làm cỏ muộn. Nhưng khi tỉa cây phải chú ý phòng trừ sâu xám để đảm bảo số cây trên đơn vị diện tích.

2. Lên kế hoạch trồng dặm

Trong điều kiện bình thường nếu gieo bằng hạt thì chỉ 3 - 5 ngày sau trồng là cây ngô có thể nảy mầm, khoảng từ 7 - 10 ngày sau trồng là cây ngô có từ 3 - 4 lá nên công việc kiểm tra đồng ruộng để xác định tỷ lệ cây chết, hoặc tỉa định cây phải được tiến hành trong thời gian này. Thông thường sau trồng khoảng 5 ngày là có thể xác định được chính xác số lượng cây cần dặm. Do đó cần tiến hành tính toán lượng giống cần ngâm ủ và tiến hành ngâm ủ ngay để 2 - 3 ngày sau có thể thực hiện dặm kịp thời. Với những vùng trồng ngô mà điều kiện cho phép trước khi trồng có thể tính toán lượng giống cần trồng dặm và tiến hành làm ngô bầu để sau trồng nếu cần trồng dặm có thể dặm bằng ngô bầu để đảm bảo cây trồng dặm sinh trưởng kịp cùng với các cây ngô khác trong ruộng, theo kinh nghiệm cho thấy tỷ lệ trồng dặm thường khoảng 5 - 10% tổng diện tích trồng.

Để lên kế hoạch trồng dặm cần tuân thủ các bước trong lập kế hoạch như sau:

1. Xác định mục tiêu:

Câu hỏi: Lập kế hoạch này để làm gì?

2. Xác định các điều kiện

Cần điều kiện gì để thực hiện được mục tiêu?

3. Xác định các hoạt động, sắp xếp hoạt động Cần làm gì để có điều kiện trên?

Hoạt động nào làm trước là phù hợp?

4. Lên bảng kế hoạch

TT

Hoạt động/ công việc

Thời gian bắt đầu và kết thúc

Nguồn lực

1

     

2

     

3

     

Ví dụ có thể xây dựng kế hoạch trồng dặm cho cây ngô như sau:

1. Mục tiêu: toàn bộ diện tích ngô được trồng dặm đầy đủ, kịp thời

2. Các điều kiện cần thiết:

- Số liệu thống kê về số lượng hạt không mọc hoặc cây chết cần trồng dặm

- Nguồn hạt giống, cây con để trồng dặm

- Nguồn nhân lực và dụng cụ lao động

3. Các hoạt động cần làm:

- Nếu trồng ngô bầu cần làm dư khoảng 5 - 10% bầu ngô cần trồng để đảm bảo có nguồn cây con trồng dặm khi cần thiết.

- Nếu trồng bằng hạt cần tính toán mua dư 1 lượng hạt giống để có hạt giống trồng dặm.

- Sau trồng cần kiểm tra thăm đồng thường xuyên đếm số hốc không mọc, cây con bị chết trong khoảng từ 5 - 7 ngày sau trồng.

- Theo dõi tình hình thời tiết để xác định thời gian trồng dặm thuận lợi nhất. 4. Lên bảng kế hoạch

TT Hoạt động/công việc Thời gian bắt đầu và kết thúc Nguồn lực
1 Làm ngô bầu dư khoảng 5 - 10% số bầu cần trồng Làm cùng với bầu ngô để trồng đủ diện tích  
2 Tính toán dư hạt giống, hoặc xác định nơi có thể cung cấp hạt giống khi cần thiết Trước khi mua hạt giống  
3 Kiểm tra thăm đồng xác định số hạt không mọc, cây chết Thường xuyên cho đến 5 - 7 ngày sau trồng  
4 Theo dõi tình hình thời tiết Hằng ngày  
5 Thực hiện trồng dặm Sau trồng từ 5 - 7 ngày  

2.1. Lượng giống ngô cần trồng dặm

Lượng giống ngô cần trồng dặm có thể tính theo công thức sau: X = Số hốc/cây chết *(2 - 3 hạt)/hốc * P100 hạt * 10-3

Trong đó:

X là lượng giống ngô cần gieo, trồng dặm (kg) P100 là trọng lượng trăm hạt (gam)

2.2. Thời gian trồng dặm ngô

Việc trồng dặm được tiến hành càng sớm càng tốt đảm bảo cho cây ngô trồng dặm sinh trưởng đồng đều với các cây ngô khác trong cùng ruộng. Thời gian trồng dặm nên tiến hành khoảng 5 - 7 ngày sau trồng và không được muộn quá 10 ngày sau trồng đối với ngô trồng bằng bầu.

3. Thực hiện trồng dặm ngô

Trước khi trồng dặm cần tính toán lượng giống cần gieo, trồng để bố trí nguồn nhân công cho đủ đảm bảo việc trồng dặm có thể kết thúc trong cùng 1 ngày hoặc 1 buổi, tránh trồng dặm kéo dài trong nhiều ngày ảnh hưởng đến chất lượng hạt giống, cây con và độ đồng đều của cây trồng dặm. Quá trình trồng dặm nên thực hiện cùng với quá trình tỉa định cây.

Trồng dặm ngô

Trồng dặm cho ngô

4. Tưới nước cho ngô sau trồng

Ngô sau khi trồng dặm cần được cung cấp nước đầy đủ để đảm bảo sinh trưởng thuận lợi và bén rễ nhanh chỉnh cách dòng (đối với ngô bầu). Nếu số lượng ngô trồng dặm không lớn thì có thể áp dụng hình thức tưới hốc vừa tiết kiệm được nước và công lao động.

5. Chăm sóc khác

Cây ngô sau gieo (gieo bằng hạt) sống chủ yếu vào chất dinh dưỡng dự trữ trong hạt còn với ngô bầu thì đã bắt đầu sử dụng được các nguồn dinh dưỡng có từ trong đất, nhưng sau trồng cũng phải bén được rễ vào đất mới ngoài bầu thì mới sử dụng được nguồn dinh dưỡng từ trong đất nên việc chăm sóc chủ yếu sau trồng dặm là đảm bảo đủ ẩm và tránh bị sâu xám, chuột, côn trùng khác phá hại.

Nguồn: Giáo trình nghề trồng ngô - Bộ NN&PT NT
Bài liên quan
  • Kỹ thuật trồng ngô, bắp bằng phương pháp gieo hạt Kỹ thuật trồng ngô, bắp bằng phương pháp gieo hạt
    Kỹ thuật chọn và làm đất trồng ngô, giới thiệu thời vụ trồng ngô tại các vùng miền của Việt Nam, phân bón cho cây ngô, kỹ thuật gieo trồng ngô đúng phương pháp...
  • Kỹ thuật làm ngô bầu, ngô bánh Kỹ thuật làm ngô bầu, ngô bánh
    Xác định thời vụ làm ngô bầu, ngô bánh; hướng dẫn kỹ thuật làm ngô bầu, hướng dẫn tra hạt vào bầu ngô, kích thước bầu ngô, phân bón chuyên dùng làm ngô bầu, ngô bánh...
  • Kỹ thuật trồng, bón phân cho ngô bầu, ngô bánh Kỹ thuật trồng, bón phân cho ngô bầu, ngô bánh
    Xác định ưu nhược điểm của kỹ thuật trồng ngô bầu, xác định được quy trình trồng ngô bầu, lượng phân bón và cách bón phân cho cây ngô, thực hiện thành thạo các thao tác kỹ thuật trồng ngô bầu...
DMCA.com Protection Status