Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây điều cho năng suất cao
Cây điều là cây công nghiệp dài ngày, có tiềm năng về năng suất và chất lượng cao. Hiện nay, hạt điều rất có giá trị kinh tế cao, hạt điều được sản xuất và nhập khẩu sang các nước trên thế giới. Để có được cây điều cho năng suất cao bà con cần nắm rõ được kỹ thuật trồng cũng như cách chăm sóc cây điều. Bài viết dưới đây Cẩm nang cây trồng sẽ hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc cây điều cho năng suất cao.
1. Yêu cầu ngoại cảnh cây điều
- Ánh sáng: Điều là cây ưa sáng hoàn toàn và ra quả ở đầu cành nên các cây trồng đơn độc hoặc trồng với mật độ thích hợp, bảo đảm chế độ ánh sáng đầy đủ cây cho năng suất khá cao. Trong thời gian cây ra hoa càng đòi hỏi nhiều ánh sáng. Trung bình cây điều cần khoảng 2.000 giờ nắng/năm. Ở miền núi, đặc biệt là ở những thung lũng có núi non che khuất thường xuất hiện sương mù buổi sáng và buổi chiều làm giảm cường độ ánh sáng, cây điều ở đó có thể vẫn sinh trưởng bình thường nhưng ra hoa đậu quả rất kém, sản lượng không đáng kể.
- Nhiệt độ: Điều là loại cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, vì vậy điều rất mẫn cảm với nhiệt độ thấp và sương giá. Điều có khả năng sinh trưởng trong phạm vi giới hạn nhiệt độ khá rộng nhưng chỉ sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 24-280C. Tuy nhiên muốn có năng suất cao, thì không nên chọn những vùng có nhiệt độ trung bình hàng năm dưới 200C.
- Lượng mưa: Từ 1.000-2.000 mm/năm là thích hợp nhất. Sự phân bố mưa trong năm lại ảnh hưởng đến quá trình ra hoa đậu quả hơn là tổng lượng mưa. Mùa điều ra hoa kết trái thường kéo dài khoảng 2 tháng, vào giai đoạn này yêu cầu thời tiết phải thật khô ráo. Nếu ở giai đoạn này nhất là vào thời kỳ cây trổ hoa nếu gặp mưa, dẫu chỉ là mưa nhỏ cũng đủ làm phấn hoa bết lại, khó bám dính vào côn trùng truyền phấn khiến cho quá trình thụ phấn bị ngưng trệ, sự thụ tinh không xảy ra được. Mặt khác, hoa điều chứa nhiều mật ngọt, gặp điều kiện ẩm ướt sẽ là môi trường thuận lợi cho nấm bệnh phát triển gây hư hỏng các chùm hoa và cho các quả non đang hình thành. Vì vậy chế độ mưa thích hợp cho cây điều ra hoa đậu quả là có hai mùa, mùa mưa và mùa khô phân biệt rõ rệt và khô kéo dài 4-5 tháng. Trong mùa mưa cây điều sinh trưởng, tích lũy chất dinh dưỡng để khi bước vào mùa khô sẽ ra hoa đậu quả thuận lợi.
- Đất đai: Cây điều trồng được trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, cây điều chỉ sinh trưởng và cho năng suất cao ở những vùng có tầng đất sâu, thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt. Cây phát triển tốt trên đất sét pha cát không có tầng đất cái, với mực nước ngầm ở độ sâu từ 3-6m. Cây điều cũng có thể phát triển tốt trên đất cát pha, vì đặc tính thoát nước tốt, mặc dù loại đất này có độ màu mỡ không cao. Đất đỏ cũng thích hợp cho cây điều sinh trưởng và phát triển tốt. Trồng điều trên các loại đất sét nặng, bí chặt, đất feralit vùng đồi có tầng đá nổi hoặc tầng sỏi kết gần trên mặt; đất cát rời rạc có tầng nước ngầm ở quá sâu thì cây vẫn sống nhưng không phát triển được và cho cho năng suất rất thấp.
2. Thời vụ trồng điều
- Trồng vào đầu mùa mưa, ngay khi đất được hưởng lượng nước mưa đầu vụ trở nên mềm, dễ làm. Như vậy cây sẽ có điều kiện sinh trưởng thuận lợi suốt cả mùa mưa. Ở Lâm Đồng, thời vụ trồng điều thích hợp nhất là khi mùa mưa ổn định, thường bắt đầu trồng vào tháng 6 đến 15 tháng 8 dương lịch.
3. Kỹ thuật trồng cây điều
3.1. Chọn giống cây điều
- Đặc điểm một số giống điều chọn lọc: Giống điều phải đạt các tiêu chuẩn sau: Năng suất cao và ổn định (1,5-2 tấn/ha); Tỷ lệ nhân lớn hơn 28%; Kích cỡ hạt ít hơn 170 hạt/kg; Số trái/chùm từ 5-10 trái. Tỷ lệ chồi ra hoa lớn hơn 75%, cây sinh trưởng khỏe, phát tán đều và ít sâu bệnh.
- Do đó hiện nay đa phần các hộ canh tác thường sử dụng các giống điều ghép, ngoài các giống đã được định danh và cho phép lưu hành trên thị trường như giống điều PN1, giống điều AB29, giống điều AB0508, MH4/5, MH5/4…
Chọn giống điều cho năng suất cao
3.2. Kỹ thuật nhân giống điều
– Nhân giống hữu tính (từ hạt)
+ Chọn hạt giống to, đều, đủ độ già từ những cây mẹ có thông số như đã kể trên
+ Phơi hạt 2-3 nắng cất giữ nơi khô thoáng để duy trì tỷ lệ nảy mầm
+ Trước khi ươm hạt cần thả hạt trong nước muối 3-5%, loại bỏ những hạt nổi
+ Ngâm hạt trong 24-48 tiếng, rửa lại bằng nước sạch
+ Hạt có thể ươm trực tiếp trong bầu ươm không cần qua khâu ủ hạt chờ nảy mầm
+ Khi đặt hạt vào bầu ươm, cho chiều cong úp xuống, cuốn hạt quay về phía trên, lấp đất vừa phủ hạt. Sau khoảng 45-60 ngày có thể mang ra trồng
+ Ưu điểm của nhân giống từ hạt là dễ tiến hành, chi phí thấp, tỷ lệ sống cao, đôi khi có thể lai tạo ra giống năng suất vượt trội nhờ ưu thế lai, nhược điểm là tỷ lệ phân ly giống cao, khó đạt được năng suất mong muốn
– Nhân giống vô tính (ghép chồi)
+ Để duy trì được đặc tính của cây mẹ, bà con nên nhân giống bằng phương pháp ghép chồi
+ Chồi ghép được lựa chọn từ những cây mẹ đã được định danh hoặc có chỉ tiêu giống như đã nêu ở phần trên
+ Phương pháp ghép chính là ghép nêm chồi, có thể thực hiện trên cây con trong bầu ươm hoặc cây đã trồng ngoài đồng ruộng
+ Nếu ghép trên cây con nên chọn những cây có độ tuổi trên 60 ngày trở lên, đường kính thân tương đương hoặc lớn hơn đường kính chồi ghép
+ Kỹ thuật ghép tương tự như kỹ thuật ghép bơ, bà con có thể tham khảo tại bài viết sau >>> Hướng dẫn kỹ thuật ghép chồi bơ
+ Ưu điểm của nhân giống vô tính là giữ được gần như toàn vẹn đặc tính của cây mẹ, nhược điểm là kỹ thuật tiến hành phức tạp, tỷ lệ cây sống khi trồng chưa cao.
3.3. Chuẩn bị đất trồng cây điều
- Sau khi kiểm tra thổ nhưỡng loại trừ những chỗ có lớp đất mặt quá mỏng hoặc có quá nhiều đá, đất thoát nước kém hoặc đất có những yếu tố bất lợi khác và tiến hành dọn sạch thực bì hoang dại trên toàn bộ lô đất của vườn điều. Các loại cây bụi ưa sáng, mắc cỡ, cỏ tranh là những loài cây hoang dại phát triển rất mạnh trong mùa mưa và chết đồng loạt vào mùa khô lại có thể tái sinh mạnh hơn vào năm sau vừa làm đất bạc màu thêm vừa gây nguy cơ cháy là nhân tố bất lợi cho vườn điều. Đối với loại cây bụi lớn có hệ rễ ăn sâu dùng máy ủi sạch sau đó cày tơi lại 1 lần và bừa 1 lần, đối với cây bụi nhỏ và cỏ dại có thể cày 1 lần và bừa 1 lần. Công việc làm sạch thực bì phải được tiến hành vào đầu mùa mưa khi phần lớn các loại cây, cỏ dại mới tái sinh đồng loạt và chưa kịp ra hoa, kết hạt.
Xem thêm - 4-CPA-Na 98% (Hạn chế rụng trái non, tăng năng suất) |
- Đối với đất đồi núi không cày bừa được phải chặt cây đánh gốc rồi mới cuốc hố trồng theo bậc thang tại chỗ để hạn chế tình trạng xói mòn rửa trôi đất trong mùa mưa. Việc làm đất kỹ lưỡng và kịp thời vụ chi phí có thể hơi cao, song tính toán lâu dài thực ra lại có hiệu quả cao vì giảm được công chăm sóc sau này đồng thời tạo điều kiện cho vườn điều sinh trưởng thuận lợi và sớm được thu hoạch.
- Xây dựng vườn điều: Để bảo đảm việc chăm sóc và bảo vệ đất, vườn cây cần được được thiết kế, xây dựng trước khi trồng. Trong quá trình phân chia lô trên vườn điều phải chú ý đến đường vận chuyển. Việc chuẩn bị hố trồng phải được đánh dấu trước để bảo đảm khoảng cách trồng đúng như dự kiến.
- Thiết kế băng chống xói mòn: Trên những vùng đồi, có độ dốc lớn cần tiến hành làm bậc thang cho từng gốc điều. Tốt nhất là tiến hành làm bậc thang tại chỗ bằng cách lấy phần đất ở phần dốc phía trên gốc cây (a) đem đắp vào gốc cây phía dốc bên dưới (b) bán kính vòng bậc thang rộng khoảng 1,5 m.
3.4. Mật độ và khoảng cách trồng điều
- Điều rất nhanh cho thu hoạch đặc biệt là điều ghép, sau khi trồng khoảng 18 tháng là bắt đầu có bông, một số giống cao sản năm thu bói có thể đạt từ 5-8 tạ/hecta
- Do đó để tận dụng tối đa năng suất và hạn chế lãng phí đất trống, khi trồng điều bà con nên trồng dày ban đầu, về sau khi cây giao tán thì tỉa bỏ bớt các cây ở giữa. Khoảng cách ban đầu là 8x6m hoặc 10x5m (tương đương mật độ là 200 cây/ha) về sau tỉa thưa các cây ở giữa tạo khoảng cách 8×12 hoặc 10x10m (tương đương mật độ là 100-120 cây/ha)
3.5. Đào hố và chuẩn bị hố trồng điều
- Trước khi trồng nên thiết kế để định hướng và định cự ly trồng cho chính xác. Nếu trồng theo hàng, cần thiết kế các hàng theo hướng Bắc - Nam để cây tận dụng tối đa điều kiện ánh sáng cho sự phát triển bộ tán lá và sự ra hoa kết quả sau này. Đào hố theo hình hộp có kích thước 50x50x50cm hoặc 60x60x60cm. Khi đào hố cần chú ý để lớp đất mặt tơi xốp, nhiều mùn sang một bên miệng hố, phần đất dưới sâu để riêng ở miệng hố bên kia.
- Đào hố xong, trộn lớp đất mặt đã để riêng với 10-20kg phân chuồng hoai + 0,5kg phân lân để bón lót. Sau khi đã trộn đều, kéo xuống lòng hố. Việc trộn phân lấp hố phải hoàn tất trước khi trồng ít nhất từ 20 -25 ngày.
3.6. Kỹ thuật trồng điều
- Khi mưa ổn định, đem cây con đã đủ tiêu chuẩn xuất vườn ra trồng.
- Đối với đất xám hàm lượng sét cao, thoát nước kém phải vun đất đắp gốc để nước không đọng trong hố trồng sau những cơn mưa lớn.
- Khi trồng, rải 10-20g Furadan/hố (để hạn chế kiến mối phá hoại cây con), tiến hành móc trộn lại hố, đặt bầu cây xuống cạnh hố dùng dao sắc cắt bỏ đi khoảng 2-3cm dưới đáy bầu, đặt bầu cây xuống chính giữa hố, rạch 1 đường theo chiều dọc của bầu và kéo bầu nilon ra, nén chặt đất quanh gốc cây.
- Trồng xong nếu không gặp mưa, cần tiến hành tưới nước cho điều với lượng tưới ít khoảng 20 - 30 lít/hố để rễ và đất trong bầu liên kết với đất trong hố và cung cấp đủ nước cho cây con phòng khi gặp hạn trong những ngày đầu.
4. Kỹ thuật chăm sóc vườn điều
4.1. Bón phân cho cây điều
- Có thể chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn kiến thiết (1-3 năm) và giai đoạn kinh doanh (năm thứ 4 trở đi).
- Ở giai đoạn kiến thiết: Bón phân NPK có lượng đạm và lân cao (N,P cao) chia thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau 1-2 tháng, nên hòa vào nước tưới vào gốc. Lượng phân tương ứng mỗi năm là 100g/gốc (năm 1), 200g/gốc (năm 2), 300g/gốc (năm 3). Từ năm thứ 2 cây bắt đầu cho bói, giai đoạn cây nuôi quả nên dùng phân NPK có lượng Kali cao để tăng chất lượng trái và hạt.
- Ở giai đoạn kinh doanh: Bón mỗi gốc 300-500g phân NPK chia làm 2-3 đợt trong năm, thường là đầu và cuối mùa mưa. Giai đoạn cây nuôi trái bón nhiều Kali, giai đoạn cây ra chồi mới bón nhiều N,P. Khi cây chưa giao tán, bón theo rãnh dựa vào hình chiếu của tán cây xuống đất, khi cây giao tán, bón dọc theo rãnh giữa 2 hàng cây
- Ngoài ra hàng năm nên phun các loại phân bón lá bổ sung trung vi lượng, 1-2 tháng/lần. Có thể kết hợp pha chung với thuốc trừ sâu để tiết kiệm nhân công
- Phân chuồng 2-3 năm bổ sung 1 lần, bón theo rãnh đối xứng quanh cây, mỗi cây từ 20-30kg
4.2. Tưới nước cho cây điều
- Linh động dựa theo tình hình khô hạn, nếu có điều kiện có thể đánh bồn đường kính 2-4m quanh gốc để tưới nước hoặc tưới bằng béc phun cũng được.
Kỹ thuật chăm sóc vườn điều
4.3. Cắt tỉa cành tạo tán
- Khi cây cao khoảng 0,8-1m, tiến hành hãm ngọn, nuôi 3-5 cành chính mọc lên từ thân, tạo tán phát triển cân đối về các hướng, sau đó hàng năm sau vụ thu hoạch cắt tỉa cành sâu bệnh, cành khô, chồi vượt sát thân, cành hết khả năng mang trái
4.4. Làm cỏ
- Giai đoạn cây còn nhỏ, có thể xen canh các loại cây ngắn ngày họ đậu, vừa giúp tăng thu nhập vừa giảm bớt cỏ dại, lưu ý khi trồng nên trồng các loại cây có chiều cao vừa phải, trồng cách cây điều 1-1,5 m để tránh cạnh tranh ánh sáng và không gian sinh trưởng của cây.
- Khi cây lớn, phần vỏ và thân đã gỗ hóa, có thể sử dụng thuốc trừ cỏ tiếp xúc hoặc lưu dẫn để phun xịt hàng năm
5. Thu hoạch cây hạt điều
Việc thu hoạch, bảo quản ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và giá trị các sản phẩm hạt và trái. Vì vậy đòi hỏi phải thu hái đúng kỹ thuật, kịp thời và bảo quản tốt nhằm duy trì tối đa chất lượng sản vốn có của sản phẩm.
5.1. Xác định độ chín của hạt và quả
- Cần phân biệt giữa chín hình thái và chín sinh lý.
- Chín sinh lý là giai đoạn hoàn thành sự phát triển của phôi và hạt có thể nẩy mầm để phát triển thành cây khi có điều kiện thích hợp nhưng chưa hoàn tất quá trình biến đổi hóa sinh bên trong sản phẩm thu hoạch.
- Chín hình thái là giai đoạn quả chín hoàn toàn và thường hoàn thành sau khi chín sinh lý. Vì vậy để bảo đảm sản phẩm có chất lượng cao cần phải thu hoạch khi quả chín hình thái. Với trái điều dấu hiệu chín hình thái biểu thị khi màu sắc bên ngoài của trái đã chuyển sang màu đỏ hoặc vàng (tùy theo giống). Ở thời điểm này trái có độ chát thấp nhất, thịt trái mềm, mọng nước, ngọt và có hương thơm đặc trưng của trái. Với hạt, dấu hiệu chín hình thái biểu thị khi vỏ hạt chuyển từ màu xanh lá cây sang màu nâu xám.
- Thông thường hạt chín muộn hơn quả vài ngày vì vậy khi hạt chín thì quả đã quá chín và rụng xuống đất. Đối với điều, hạt là bộ phận có giá trị kinh tế lớn nhất vì vậy có thể thu hoạch bằng cách nhặt hạt dưới đất sau khi quả rụng sẽ bảo đảm hạt có chất lượng cao nhất. Trước khi sắp bước vào vụ thu hoạch cần dọn sạch cỏ, lá khô dưới tán cây để dễ phát hiện trái điều rụng.
5.2. Phương pháp thu hoạch
Tùy theo yêu cầu của sản xuất có thể chọn lựa một trong hai phương pháp thu hoạch sau:
- Thu hái trên cây: Nếu cần thu hoạch cả hạt và trái điều thì việc thu hái được tiến hành ngày ngay trên cây. Phương pháp này thường tốn công nhưng thu được cả trái để sử dụng vào mục đích khác. Quả khi hái xuống được tách riêng hạt và trái. Trái cần đưa vào sử dụng hay chế biến ngay do rất dễ bị hư hỏng vì quá trình lên men xảy ra trong vòng 24-36 giờ sau khi thu hái. Đây là trở ngại chính trong việc vận chuyển, chế biến trái điều.
Xem thêm - Cytokinin DA-6 98% (Tăng cường sức khỏe cây trồng) |
- Thu nhặt dưới đất: Nếu không cần sử dụng trái điều thì để quả rụng xuống đất và thu nhặt quả dưới đất với định kỳ 2-3 ngày một lần nếu không có mưa hoặc thu nhặt hàng ngày khi trời mưa. Đây là phương pháp thu hoạch phổ biến ở các vườn trồng điều. Phương pháp thu hoạch này tiết kiệm được công thu hoạch và bảo đảm được chất lượng hạt nhưng phải có biện pháp chống thất thu và mất mát.
5.3. Phương pháp tách quả và hạt
- Quả thu hoạch về phải tách riêng hạt và trái ra. Hạt phải được loại bỏ cuống, làm sạch phần thịt trái dính ở cuống hạt và có thể rửa cho thật sạch. Sau đó làm sạch đất cát để không gây trở ngại cho việc phân loại hạt trong quá trình chế biến.
5.4. Phơi hạt điều
- Sau khi làm sạch, hạt điều được phơi từ 2-3 ngày để bảo đảm độ ẩm hạt xuống dưới 9% (bấm ngón tay vào vỏ hạt không có vết) rồi dùng sàng (lỗ sàng 1cm) loại bỏ những dị vật trong hạt. Kết quả nghiên cứu cho thấy hạt điều ở độ ẩm 9% có thể bảo quản dễ dàng mà không ảnh hưởng đến chất lượng nhân điều bên trong. Việc sơ chế này rất quan trọng cả về mặt kỹ thuật lẫn kinh tế vì hạt điều là nguyên liệu cần được cung cấp quanh năm cho nhà máy chế biến.
- Nếu hạt có độ ẩm quá cao sẽ bị nấm mốc phá hại trong quá trình bảo quản mặt khác nhân điều chứa nhiều chất béo (38-47%) rất bị hư hỏng và màu sắc của nhân điều sẽ chuyển từ màu trắng sang vàng làm giảm giá trị của sản phẩm. Những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt điều là thu hoạch khi hạt chưa chín hoàn toàn (hạt còn non), độ ẩm trong hạt còn cao (> 9%) và nơi cất giữ không đạt yêu cầu thông thoáng và mát.
-
Kỹ thuật trồng bí xanh năng suất cao
Kỹ thuật trồng cây bí xanh, thời vụ trồng bí xanh cho năng suất cao, cách phòng trừ sâu bệnh hại cây bí xanh, kỹ thuật thu hoạch bí xanh, công tác bảo quản bí xanh hiệu quả cao.
-
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa đào bạch
Cây đào bạch là giống cây hoa cảnh, được du nhập về Việt Nam mới có mấy năm gần đây và được rất nhiều người ưa chuộng.
-
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cải thảo cho năng suất cao
Cải thảo là cây ưa khí hậu lạnh, nên trồng cải thảo chỉ nên trồng được vào mùa đông, cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh với độ ẩm từ 70-80%. Cây cải thảo có thể thu hoạch sau 75-90 ngày gieo trồng, tùy vào thời tiết và cách chăm sóc.
- Hướng dẫn xử lý tuyến trùng trên cây ổi bằng phương pháp sinh học
- Kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng ra hoa đậu trái đạt hiệu quả cao
- Biện pháp khắc phục, hồi sinh cây cà phê bị ngộ độc phân bón
- Hướng dẫn ủ rác thải nhà bếp làm phân bón đơn giản tại nhà
- Giải pháp kích thích trái to và nâng cao năng suất trước khi bao trái xoài
- Hướng dẫn chăm sóc, bón phân và sử dụng hormone sinh trưởng cho cây hồ tiêu trong mùa khô