Hỗn loạn thị trường phân bón: Đối phó doanh nghiệp “cuốc, xẻng”
Tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng ngày càng nhức nhối, số vụ vi phạm năm sau cao hơn năm trước, thậm chí đang có lợi ích nhóm “tiếp tay” cho phân bón giả hoành hành, đặc biệt là ở các vùng quê, nông thôn miền núi. Bao giờ mới “trị tận gốc” vấn nạn phân bón giả - là một câu hỏi không dễ trả lời.
Có sự tiếp tay của “nhóm lợi ích”?
Khi được hỏi về câu chuyện có hay không “nhóm lợi ích” trong việc làm lơ cho tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan, hầu hết những người được hỏi hiện là quản lý, cán bộ thị trường của các hãng phân bón lớn đều có cách trả lời khá... uyển chuyển. Một cán bộ của doanh nghiệp (DN) phân bón lớn tại khu vực Đông Nam Bộ thẳng thắn: “Anh trả lời được nhưng đừng ghi âm, cũng đừng nói tên anh vì sẽ ảnh hưởng nhiều. Nói thật, câu chuyện của phân bón Thuận Phong là một điển hình đó, qua chỉ đạo của 2 nhiệm kỳ Thủ tướng, 7 bộ, mà đến nay dường như vụ việc đang rơi vào ngõ cụt...”.
Nông dân huyện Thạch Thất (Hà Nội) bón phân cho lúa hè thu (ảnh minh họa). Ảnh: NHẬT ANH
Cũng theo cán bộ này, tình hình kiểm soát vấn đề phân bón giả, phân bón kém chất lượng hiện nay rất khó khăn do các hình thức chế tài chưa đủ mạnh, sự dễ dãi của chính quyền địa phương đã vô tình tiếp tay cho các DN phân bón kém chất lượng, ngoài ra một phần còn do hiểu biết của không ít nông dân trong việc phân biệt, đấu tranh với phân bón giả, phân kém chất lượng còn hạn chế…
“Theo phản ánh của cán bộ thị trường khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, thời gian qua có nhiều DN phân bón “cuốc, xẻng” về các địa phương để tiếp thị sản phẩm dưới hình thức khuyến mãi quà tặng; đóng góp giúp chính quyền địa phương xây dựng trụ sở mới… Sau đó, các địa phương giúp DN tập trung người nông dân đến nghe quảng cáo và mua, sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Tình trạng này đang ngày càng phổ biến” - cán bộ này nói.
Trong khi đó, một cán bộ từng làm quản lý thị trường khu vực Đăk Lăk của Công ty Phân bón Bình Điền khẳng định: Có sự tiếp tay của chính quyền, ban ngành ở địa phương cho việc tiêu thụ phân bón kém chất lượng. Chẳng hạn có những công ty sản xuất ra phân bón có giá rẻ, đi đôi với nó là chất lượng cũng giảm lại. Để đưa ra thị trường, họ thông qua một số kênh khác với kênh truyền thống (đại lý, hệ thống phân phối) như bán trực tiếp thông qua, khuyến nông địa phương hay bằng những cuộc hội thảo, giao lưu.
“Mặc dù những người đi tuyên truyền bán hàng cho các DN trên không có ý xấu nhưng thông qua các DN đó, họ nhận được chiết khấu nên nhiều khi họ cũng không nghĩ đến chất lượng sản phẩm họ bán sẽ ảnh hưởng đến người nông dân” - vị này nói.
Doanh nghiệp chân chính phải “tự bơi”
Trước tình hình các DN “cuốc, xẻng” hoành hành dẫn đến tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan, các DN phân bón làm ăn chân chính phải tìm cách “tự bơi” để đứng vững trước thị trường. Anh Ngô Đức Tú - cán bộ thị trường khu vực Tây Nguyên của nhãn hiệu phân bón Mặt Trời Mới - cho biết, để tránh tình trạng phân bón giả, kém chất lượng “nhái” thương hiệu, DN này đã tổ chức kênh phân phối rõ ràng, độc quyền chứ không bán đại trà. Vì vậy hàng hóa đảm bảo được chính hãng và người nông dân mua trực tiếp được sản phẩm chất lượng thông qua kênh phân phối độc quyền.
“Mặt Trời Mới có những đặc trưng riêng về nhận diện thương hiệu, bao bì sản phẩm nên khó có thể bị “nhái” thương hiệu. Ví dụ như đường chỉ bao phân ở thị trường miền Nam sử dụng đường chỉ khác với miền Bắc, Tây Nguyên và đường chỉ này khác với những công ty phân bón khác nên chúng tôi kiểm soát được sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường. Tất nhiên, tất cả những đặc điểm nhận biết thương hiệu, bao bì sản phẩm này sẽ được công ty tổ chức tuyên truyền cho người nông dân qua các cuộc hội thảo, hội nghị, các đài truyền hình khu vực Tây Nguyên” - anh Tú thông tin.
Trong khi đó, cách mà Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đang làm trong việc hạn chế các sản phẩm phân bón giả cũng là một gợi ý với các doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính. Cụ thể, bên cạnh sản phẩm đạm Phú Mỹ, đối với những loại phân bón Việt Nam buộc phải nhập khẩu do chưa sản xuất hoặc sản xuất chưa đủ như Kali, SA, DAP..., PVFCCo đặt gia công, nhập khẩu từ những nguồn uy tín, đảm bảo chất lượng rồi cung cấp ra thị trường dưới thương hiệu kali Phú Mỹ, SA Phú Mỹ, DAP Phú Mỹ... và chịu trách nhiệm với nông dân về chất lượng của những sản phẩm đó.
Quốc Hải
-
Dẹp nạn sản xuất phân bón theo công nghệ “cuốc xẻng”
Nhiều quy định mới về điều kiện SX, KN, KD phân bón được cho là những giải pháp hữu hiệu nhằm siết chặt quản lý phân bón, chặn đứng các cơ sở sản xuất phân bón theo công nghệ “cuốc xẻng”.
-
Nạn phân bón giả, phân bón nhái cần mạnh tay xử lý
Ngày 14/03/2017, đội quản lý thị trường số 1 đã phát hiện và lập biên bản tạm giữ 1.200 bao phân bón chứa các dấu hiệu “hình vân tay” và dấu hiệu “NITRATNAUYBO” trên tổng số 4.000 bao...
-
Tăng cường phòng chống sản xuất kinh doanh phân bón giả
Theo đại diện Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia, tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trên cả nước...
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau