Nạn phân bón giả, phân bón nhái cần mạnh tay xử lý
Mới đây, đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: "Chúng tôi đang quyết liệt ra quân kiểm tra, xử lý nạn phân bón giả nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy, để phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả nạn sản xuất, phân phối và mua bán hàng giả, hàng nhái các phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cần tập trung kiểm soát và có các chế tài đủ mạnh để chấn chỉnh xử lý nghiêm minh hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)".
Trên thực tế, công tác xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam có nhiều phức tạp. Pháp luật về SHTT tại Việt Nam được thực thi chủ yếu bởi các cơ quan hành chính thay vì tòa án như thông lệ của nhiều nước trên thế giới. Sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT còn ở mức độ đơn lẻ, theo vụ việc và không mang tính hệ thống, thường xuyên với những cách thức, biện pháp và mục tiêu đã được xác định trước cho toàn bộ hệ thống. Đặc biệt, chế tài xử phạt hành chính nói chung là còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm về SHTT được quy định ở nhiều văn bản khác nhau, ít nhiều đã gây khó khăn cho công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Từ các vụ làm giả, nhái nhãn hiệu bao bì phân bón
Công ty Yara International ASA là một trong những công ty sản xuất và kinh doanh phân bón hàng đầu thế giới. Các sản phẩm phân bón mang nhãn hiệu “dấu vân tay” và nhãn hiệu “NITRABOR” vốn đã trở nên quen thuộc với nông dân Việt Nam. Vừa qua, Công ty phải nhờ sự can thiệp của cơ quan Quản lý thị trường tỉnh Long An để xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT của Công ty TNHH quốc tế Nông Nghiệp Vàng tại Lô B211, đường số 5, khu công nghiệp Thái Hòa, ấp Tân Hòa, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.
Theo đó, ngày 14/03/2017, đội Quản lý thị trường số 1, chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh của Công ty TNHH quốc tế Nông Nghiệp Vàng do Bà Nguyễn Thị Lến làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật. Tại đây, Đội quản lý thị trường số 1 đã phát hiện và lập biên bản tạm giữ 1.200 bao phân bón chứa các dấu hiệu “hình vân tay” và dấu hiệu “NITRATNAUYBO” trên tổng số 4.000 bao của lô hàng trị giá hơn 500 triệu đồng.
Nhãn hiệu “dấu vân tay” và “NITRABOR” của Công ty Yara International ASA.
Bao bì xâm phạm quyền SHTT của Công ty TNHH quốc tế Nông Nghiệp Vàng.
Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Lến đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Đội quản lý thị trường số 1, Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm phân bón có bao bì chứa các dấu hiệu “hình vân tay” và “NITRATNAUYBO” xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Công ty Yara International ASA. Hiện, hồ sơ đã được chuyển đến cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH quốc tế Nông Nghiệp Vàng và buộc tiêu hủy toàn bộ các bao bì chứa các dấu hiệu xâm phạm quyền.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 4, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An cũng đã tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần quốc tế Nông nghiệp Sài Gòn Xanh tại Lô số 1, đường số 1, khu công nghiệp Quốc Quang, xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An do Ông Phạm Lương Thiện làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật. Tại đây, Đội quản lý thị trường số 4 đã phát hiện và lập biên bản tạm giữ gần 150 bao bì phân bón NPK 20-20-15 + TE AVS dạng thành phẩm, hơn 2.000 bao bì phân bón NPK 25-25-5 + TE AVS và NPK 20-20-15 + TE AVS chưa sử dụng chứa dấu hiệu “Hình hai con cò” và “AVS”, xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ của Công ty TNHH BACONCO.
Hình ảnh bao bì phân bón của BACONCO
Hình ảnh bao bì chứa các dấu hiệu “Hình hai con cò” và “AVS” xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu
Qua quá trình làm việc của cơ quan chức năng, ông Phạm Lương Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Nông nghiệp Sài Gòn Xanh đã thừa nhận hành vi vi phạm. Theo đó, ngày 23/11/2016, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty Sài Gòn Xanh số tiền 60 triệu đồng. Các sản phẩm chứa dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu bị đình chỉ trong vòng 1 tháng và tiêu hủy số bao bì chứa các dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT.
Đến chế tài xử lý chưa đủ tính răn đe
Hai vụ việc xâm phạm quyền SHTT đã được các cơ quan có thẩm quyền xử lý, nhưng chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính với khung hình phạt tiền rất nhẹ, không đủ sức răn đe và ngăn chặn. Trong khi đó, thiệt hại của người nông dân khi mua hàng giả mạo cùng với tổn thất về uy tín, và hoạt động kinh doanh của các chủ thể quyền là nặng nề hơn rất nhiều so với mức xử phạt và giá trị bao bì/ hàng hóa bị tiêu hủy.
Ông Sigmund Stromme và Ông Pierre Siquet, Tổng giám đốc Công ty TNHH BACONCO
Theo ông Sigmund Stromme, Chủ tịch Công ty TNHH BACONCO, trong khi công ty này phải đầu tư hàng triệu đô la Mỹ để mua bản quyền công nghệ sản xuất phân bón, để quảng bá sản phẩm và hỗ trợ tư vấn cho người nông dân, để đạt được vị thế thương hiệu trên thị trường. Còn các tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền chỉ cần sao chép nhãn hiệu, mẫu mã gây nhầm lẫn cho người mua, người sử dụng và hưởng lợi bất chính.
Ông Sigmund Stromme và Ông Pierre Siquet, Tổng giám đốc Công ty TNHH BACONCO, kiến nghị rằng Chính phủ Việt Nam cần thiết lập một cơ sở dữ liệu mở, trong đó công bố rộng rãi danh tính, địa chỉ của các cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm quyền và kết quả xử lý tương ứng của cơ quan có thẩm quyền. Thông tin này sẽ giúp ích cho người sử dụng sản phẩm cảnh giác và cẩn trọng khi mua sản phẩm. Hai ông cũng đề nghị xem xét gia tăng mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm theo hướng đánh mạnh vào lợi ích kinh tế của các cá nhân, tổ chức xâm phạm. Đồng thời, tăng cường và nâng cao hiệu quả xử lý vụ việc xâm phạm quyền SHTT tại tòa án và có cơ chế bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho các chủ thể quyền.
Theo Ông Dương Thành Long, Giám đốc Công ty ALIAT LEGAL là đại diện của Công ty TNHH BACONCO và Yara International ASA: Việc tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự đối với vụ việc xâm phạm quyền SHTT còn khá phức tạp, kéo dài. Trong đó, không thể yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn hành vi xâm phạm, tẩu tán hàng hóa, phương tiện xâm phạm.
Việc tham gia của cơ quan chức năng cũng chỉ xử phạt biện pháp hành chính. Biện pháp này đang phát huy tốt hiệu quả trong việc xử lý và đấu tranh phòng ngừa các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, đây lại là một gánh nặng đối với cơ quan chức năng luôn bị quá tải và trong tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên môn.
Vì vậy, cần áp dụng các quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành về SHTT, đơn giản hóa thủ tục tố tụng. Theo đó, doanh nghiệp bị vi phạm có thể khởi kiện bên xâm phạm ra tòa án dân sự để nghiêm cấm các bên vi phạm SHTT.
Yên Nội
-
Sóc Trăng: Nghi án “giải cứu” phân bón “dởm" khiến người dân bức xúc!
Những ngày qua, một số nông dân và hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp ở thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) bức xúc trước việc một cơ sở kinh doanh ở địa phương này...
-
Người dân Đồng Tháp lo lắng vì phát hiện phân bón nghi là giả
Phân bón giả đang là nỗi ám ảnh với nhiều nông dân, bởi thiệt hại về kinh tế là không hề nhỏ...
-
Vĩnh Long: Nghi án nông dân mua nhầm phân bón giả
Qua 4 ngày, thấy phân bón không tan mà chìm xuống đáy ruộng, 2 người dân đã trình báo công an vì nghi mua phải phân giả...
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau