Sóc Trăng: Nghi án “giải cứu” phân bón “dởm" khiến người dân bức xúc!
Những ngày qua, một số nông dân và hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp ở thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) bức xúc trước việc một cơ sở kinh doanh ở địa phương này bán hàng trăm bao phân bón bị nghi là “dỏm”. Vụ việc bị phát hiện nhưng cuối cùng cơ sở này vẫn… thoát hiểm, mà nhiều người đặt nghi vấn đã có sự “giải cứu” từ ai đó có thẩm quyền.
Theo phản ánh của người dân và điều tra của chúng tôi, tháng 4/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành vật tư nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành kiểm tra doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hồ Mỹ Nhiên do ông Giang Công Tại làm chủ, tọa lạc tại khóm 1, phường 1, thị xã Ngã Năm.
Sau khi kiểm tra, nhận thấy phân bón của cơ sở này “có vấn đề”, nên đoàn đã lấy 3 mẫu phân bón gồm: Siêu D.A.P Super DIAMONIUM-PHOSPHATE CARBON USA 20.46 có xuất xứ từ Công ty Phú Châu, địa chỉ: Lô B7, đường số 4, KCN Nhị Xuân, TPHCM (ngày sản xuất 06/9/2015); Victoria HO-CCV 30.30.0 + TE có xuất xứ từ Công ty Con cò vàng, địa chỉ: Lô B7, đường số 4, KCN Nhị Xuân, TPHCM (ngày sản xuất 06/12/2015); N.P.K 30-30-0+BO+TE có xuất sứ là Sản phẩm của Tập đoàn Quốc tế Pháp Việt, địa chỉ: Lô B7, đường số 4, KCN Nhị Xuân, TPHCM (ngày sản xuất 15/01/2016), gửi đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ).
Theo Phiếu kết quả thử nghiệm ngày 25/4/2016 của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 và Phiếu đánh giá kết quả ngày 06/5/2016 của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Sóc Trăng, các mẫu phân bón lấy từ DNTN Hồ Mỹ Nhiên đều “không đạt chất lượng” (tức là phân bón dỏm).
Cụ thể, với mẫu Siêu D.A.P Super DIAMONIUM-PHOSPHATE CARBON USA 20.46 có xuất xứ từ Công ty Phú Châu, hàm lượng oxit photphoric (P2O5) ghi trên nhãn là 30, nhưng kết quả thử nghiệm chỉ đạt 12, thấp hơn mức cho phép.
Còn với mẫu Victoria HO-CCV 30.30.0 + TE có xuất xứ từ Công ty Con cò vàng, hàm lượng oxit photphoric (P2O5) ghi trên nhãn là 30, nhưng kết quả thử nghiệm chỉ đạt 17,5, thấp hơn mức cho phép; Hàm lượng nitơ (N) ghi trên nhãn là 30, nhưng kết quả thử nghiệm chỉ đạt 26,6, thấp hơn mức cho phép; Tổng hàm lượng nitơ (N), oxit photphoric (P2O5) hữu hiệu và oxit kali (K2O) ghi trên nhãn là 60, nhưng kết quả thử nghiệm chỉ đạt 44,28.
Với mẫu N.P.K 30-30-0+BO+TE có xuất sứ là Sản phẩm của Tập đoàn Quốc tế Pháp Việt, hàm lượng oxit photphoric (P2O5) ghi trên nhãn là 30, nhưng kết quả thử nghiệm chỉ đạt 19,6, thấp hơn mức cho phép; Tổng hàm lượng nitơ (N), oxit photphoric (P2O5) hữu hiệu và oxit kali (K2O) ghi trên nhãn là 60, nhưng kết quả thử nghiệm chỉ đạt 51,6.
Không đồng ý với kết quả thử nghiệm lần thứ nhất, DNTN Hồ Mỹ Nhiên yêu cầu gửi mẫu đi thử nghiệm lần thứ 2 ở một đơn vị khác. Lần này, các mẫu phân bón nói trên được gửi đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ. Kết quả, cả 3 mẫu gửi đi đều thấp hơn mức chất lượng ghi trên nhãn. Từ đó, kết luận “mẫu không đạt chất lượng”.
Theo quy định, với kết quả qua 2 lần thử nghiệm cho thấy phân bón của DNTN Hồ Mỹ Nhiên không đạt chất lượng, thì phải xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, giữa tháng 6/2016, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng lại tiếp tục gửi mẫu thử nghiệm (lần 3) tại Trung tâm khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (gọi là Trung tâm kiểm nghiệm Nam Bộ, thuộc Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT). Ngày 17/6/2016 Trung tâm này nhận mẫu. Đến ngày 27/6/2016 có kết quả thử nghiệm, thì cả 3 mẫu phân bón gửi đi đều “đạt chất lượng”. Với kết quả này, DNTN Hồ Mỹ Nhiên… thoát nạn.
Tuy nhiên, theo điều tra riêng cũng như hồ sơ chúng tôi có được cho thấy, đã có sự “bất thường” trong thử nghiệm lần thứ 3 tại Trung tâm kiểm nghiệm Nam Bộ.
Cụ thể, ngày 17/6/2016, Trung tâm kiểm nghiệm Nam Bộ nhận mẫu phân bón thử nghiệm của Chi cục Quản lý thị trường Sóc Trăng, thì cũng đúng ngày này, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc “Hủy bỏ Quyết định số 8788/QĐ-BCT ngày 02 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc chỉ định tổ chức thử nghiệm phân bón vô cơ đã cấp cho Trung tâm Khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ; Hủy bỏ Quyết định số 8888/QĐ-BCT ngày 03 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc chỉ định tổ chức chứng nhận phân bón vô cơ đã cấp cho Trung tâm Khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ”. Quyết định do Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng ký.
Thật oái oăm, ngày 17/6/2016, Trung tâm kiểm nghiệm Nam Bộ đã chính thức bị “khai tử”. Nhưng ngày 27/6/2016, Giám đốc trung tâm này là ông Trần Quốc Tuấn vẫn ký Phiếu kết quả thử nghiệm các mẫu phân bón do Chi cục Quản lý thị trường Sóc Trăng gửi đi thử nghiệm, để từ kết quả này, DNTN Hồ Mỹ Nhiên được… an toàn.
Bất thường thứ 2 thể hiện ở sự “đánh tráo” số lần thử nghiệm. Theo hồ sơ, “Danh sách phân bón thử nghiệm” lần thứ nhất ghi rõ ngày 04/5/2016; lần thứ 2 ghi ngày 02/6/2016; nhưng lần gửi đi thử nghiệm thứ 3 ngày 05/7/2016 thì được ghi là lần 2. Đây chính là mấu chốt của nghi án “giải cứu” phân bón “dỏm” mà dư luận đặt câu hỏi cho cơ quan chức năng, yêu cầu làm rõ sự thật của vấn đề, để có câu trả lời cho nông dân và các cơ sở kinh doanh khác.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Trung - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Chúng tôi đã nhận được thông tin này và đang tổ chức xác minh làm rõ. Nếu đúng như phản ánh thì sẽ xử lý nghiêm những cán bộ có liên quan. Trong kỳ họp Hội đồng nhân dân kỳ này, cử tri sẽ chất vấn và chúng tôi phải giải trình cho cử tri hiểu về vấn đề trên”.
Ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, thông tin: “Lãnh đạo Sở cũng đã nhận được thông tin này và đang cho Thanh tra Sở tiến hành thanh tra làm rõ trong thời gian sớm nhất để xử lý theo quy định”.
Ông Trần Văn Linh (một nông dân ở thị xã Ngã Năm) bức xúc: “Chúng tôi là nông dân, mua phân bón để sản xuất, khi nghe nói phân bón dỏm, không đạt chất lượng thì chúng tôi rất hoang mang không biết đâu là sự thật. Bà con nông dân sợ nhất là mua phải phân dỏm, tiền mất tật mang. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm có kết luận chính thức cho nông dân chúng tôi yên tâm sản xuất”.
Được biết, số lượng phân bón bị nghi ngờ là phân “dỏm” tại DNTN Hồ Mỹ Nhiên ở thời điểm kiểm tra lên đến con số hàng trăm bao, giá bán mỗi bao lúc đó là 460.000 đồng.
-
Đồng Tháp: Xử phạt 12 vụ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả
Theo Chi cục Quản lý thị trường Đồng Tháp, trong 11 tháng đầu năm 2016, đơn vị đã kiểm tra và xử lý 12 vụ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả không có giá trị sử dụng...
-
Hậu Giang: Phát hiện hàng loạt đại lý bán phân bón, thuốc trừ sâu giả
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Hậu Giang vừa có đợt kiểm tra tình hình kinh doanh của các đại lý bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh...
-
Cần Thơ: Tiêu hủy hàng chục tấn phân bón quá hạn sử dụng, kém chất lượng
Bằng cách đổ trực tiếp vào nước, gần 24 tấn phân bón không đảm bảo chất lượng, quá hạn sử dụng đã được Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP. Cần Thơ...
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau