Dẹp nạn sản xuất phân bón theo công nghệ “cuốc xẻng”
Nhiều quy định mới về điều kiện sản xuất, khảo nghiệm, kinh doanh phân bón được cho là những giải pháp hữu hiệu nhằm siết chặt quản lý phân bón, chặn đứng các cơ sở sản xuất phân bón theo công nghệ “cuốc xẻng”.
Ngày 19/4, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị góp ý dự thảo nghị định quản lý phân bón khu vực phía Bắc. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, sau khoảng 3 năm thực hiện Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón, việc quản lý mặt hàng này đã có hiệu quả nhất định.
Sản xuất phân bón trong nước không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất mà còn dư thừa và hệ thống nhà máy sản xuất phân bón được xây dựng hiện đại. Bên cạnh đó, hệ thống phòng kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng phân bón được xây dựng khá nhiều với 79 phòng kiểm nghiệm, công nhận cả phân bón vô cơ và hữu cơ.
Tuy nhiên, Nghị định 202 còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại, kẽ hở, chưa bắt kịp theo yêu cầu thực tiễn dẫn đến sản phẩm phân bón phát triển ồ ạt, không theo định hướng. Tính đến thời điểm 1/1/2017, cả nước có 6.052 sản phẩm phân bón được thống kê nhưng trên thực tế có khoảng 10.000 sản phẩm. Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan nhưng không kiểm soát được trở nên khá phổ biến. Hơn nữa Nghị định 202 tập trung vào công tác hậu kiểm nhưng chưa thực hiện được nhiều.
Mới đây, Chính phủ đã có văn bản chính thức giao cho Bộ NN&PTNT tiếp nhận nhiệm vụ quản lý phân bón từ Bộ Công Thương, đồng thời giao Bộ NN&PTNT xây dựng nghị định mới về quản lý phân bón, thay thế cho Nghị định 202. Hiện, Bộ NN&PTNT chỉ đạo Ban soạn thảo Nghị định quản lý phân bón xây dựng dự thảo lần 2, dựa trên kế thừa Nghị định 202 và có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Điểm mới của dự thảo Nghị định là trong phạm vi điều chỉnh có thêm quy định đăng ký, đóng gói, quảng cáo phân bón. Đối với khảo nghiệm phân bón, quy định những loại phân bón đơn, phân bón phức hợp không phải khảo nghiệm nhưng phân bón lá, hữu cơ và phân bón khác phải được khảo nghiệm tại các tổ chức đủ điều kiện. Đặc biệt, DN sản xuất phân bón phải có thêm phòng kiểm nghiệm được chỉ định đạt tiêu chuẩn. Dự thảo cũng quy định rõ về điều kiện buôn bán, kinh doanh, bao bì, đóng gói phân bón… Với những quy định này, nhiều đại biểu kỳ vọng sẽ dẹp được nạn sản xuất phân bón giả, kém chất lượng theo công nghệ “cuốc xẻng”. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định các nhân, tổ chức sản xuất phân bón phải có dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật, đánh giá tác động về môi trường hay như quy mô vốn điều lệ. “Cần quy định điều kiện sản xuất phân bón như thành lập ngân hàng, chẳng hạn phải có vốn tối thiểu là 10 tỷ đồng để tránh có đơn vị 500 triệu đồng cũng sản xuất phân bón” - Tổng Giám đốc Công ty Công nông nghiệp Tiến Nông Nguyễn Hồng Phong chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, nghị định mới được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để các vấn đề nhức nhối trong sản xuất kinh doanh phân bón. Nghị định này sẽ tập trung làm cụ thể chi tiết các vấn đề phân công phân cấp trong quản lý phân bón, khảo nghiệm, sản xuất đóng gói phân bón, điều kiện kinh doanh, quy định đặt tên và nhãn mác phân bón. Đặc biệt, để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Nghị định thay thế Nghị định 202 sau khi ban hành sẽ được áp dụng luôn, không cần thêm thông tư hướng dẫn. DN sẽ có 24 tháng để chuẩn bị thực hiện theo đúng nghị định mới.
Dự thảo Nghị định Quản lý phân bón gồm 55 điều, 9 chương, 6 phụ lục. Dự kiến, sau khi lấy ý kiến góp ý khu vực miền Trung và phía Nam, tháng 6/2017 Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện trình Chính phủ để ban hành.
-
Dự thảo (Lần 1) Nghị định quản lý phân bón (thay thế NĐ202)
Nghị định này quy định về quản lý phân bón bao gồm: Đăng ký; khảo nghiệm; sản xuất, đóng gói, buôn bán; xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý chất lượng; ghi nhãn; quảng cáo; sử dụng phân bón ở Việt Nam...
-
Tháng 5, hoàn thành dự thảo nghị định mới về quản lý phân bón
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu chậm nhất đầu tháng 5 phải xong dự thảo sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón để xin ý kiến các Bộ, ngành...
-
TỜ TRÌNH: Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý phân bón (Bộ NN&PT NT trình Thủ tướng Chính Phủ)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý phân bón thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP, xin báo cáo Chính phủ, Thủ tướng...
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau