TỜ TRÌNH: Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý phân bón (Bộ NN&PT NT trình Thủ tướng Chính Phủ)
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2000/VPCP-NN ngày 07/3/2017 của Văn phòng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón và trình Chính phủ trong tháng 6/2017.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý phân bón thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP, xin báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH
1. Tình hình thực hiện Nghị định số 202/2013/NĐ-CP
1.1. Đánh giá tình hình quản lý phân bón
a) Đặc điểm, quy mô, loại hình doanh nghiệp sản xuất phân bón
- Các đơn vị sản xuất phân bón quy mô lớn đều thuộc Tập đoàn Hoá chất (Phân bón Bình Điền, phân bón Miền Nam, DAP Hải Phòng, DAP Lào Cai, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc…), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ…) và một số doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (Phân bón Việt Nhật, Ba Con Cò..). Các doanh nghiệp này được đầu tư đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện sản xuất phân bón và đã được cấp phép sản xuất.
- Doanh nghiệp tư nhân chiếm đa số trong các doanh nghiệp sản xuất phân bón nhưng hầu hết đều nhỏ lẻ, mức đầu tư thấp, sản xuất theo mùa vụ, công nghệ đơn giản và một số doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về điều kiện sản xuất phân bón (quy mô, nhân lực, trang thiết bị, nhà xưởng, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, an toàn, môi trường).
b) Về công nghệ sản xuất
- Nhóm 1: Các loại phân bón được tạo ra từ các phản ứng hóa học hoặc biến đổi đặc tính hóa lý của sản phẩm (phân lân nung chảy), Việt Nam mới chỉ chủ động sản xuất được một số loại phân bón Urê, Super phosphate, DAP, phân lân nung chảy, một số phân bón lá. Các nhà máy này đều được đầu tư lớn, công nghệ và chất lượng sản phẩm khá ổn định. Trong đó, một số dây chuyền sản xuất của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau được đầu tư hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực;
- Nhóm 2: Các loại phân hỗn hợp như NPK, trung lượng, vi lượng, phân bón lá các loại. Hầu hết các cơ sở sản xuất chỉ tập trung sản xuất phân bón theo dạng phối trộn cơ học giữa các thành phần dinh dưỡng để tạo thành sản phẩm. Công nghệ khá đơn giản, thậm chí chỉ cần sử dụng một số thiết bị đơn giản như máy trộn, thùng khuấy dạng lỏng hoặc chảo quay, ống sấy và sàng phân loại để tạo thành sản phẩm;
- Nhóm 3: Các loại phân bón đơn vừa sử dụng làm phân bón trực tiếp vừa sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất các dạng phân hỗn hợp như kali clorua, kali nitrat, natri nitrat, kali sulphat, amôni sulphat… Việt Nam chưa sản xuất được, nhập khẩu hoàn toàn với số lượng lớn, vì vậy lệ thuộc nhiều vào sự biến động của thị trường thế giới.
Thực tế, có khoảng 10% các cơ sở sản xuất được đầu tư theo công nghệ tiên tiến như công nghệ tạo hạt bằng hơi nước thùng quay, urê hóa lỏng. Một số đơn vị lớn sử dụng công nghệ này như Công ty phân bón Việt Nhật, Công ty Ba con cò, Công ty cổ phần Phân bón và Dịch vụ tổng hợp Bình Định, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Công ty Tiến Nông Thanh Hóa...Hiện nay, có một số cơ sở đang đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất phân hỗn hợp NPK từ phản ứng hóa học, công nghệ tạo hạt bằng tháp cao tuy nhiên mới đang ở giai đoạn khảo sát hoặc dự án.
Trong vài năm trở lại đây, xuất hiện một số loại phân bón có bổ sung thêm các chất bọc, chất phụ gia, chất điều hòa sinh trưởng có tính năng mới: Tăng cường hiệu quả sử dụng phân bón, phân bón chậm tan …, tuy nhiên chủ yếu được nhập khẩu để sản xuất theo chỉ định hoặc công thức chuyển giao của nước ngoài nên trên thực tế các cơ sở sản xuất chỉ nhập khẩu và gia công, đóng gói.
d) Phân bố theo địa lý:
- Các cở sở sản xuất tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam (chiếm khoảng 70% số lượng doanh nghiệp và lượng tiêu thụ cả nước), tập trung tại một số tỉnh Long An (nhiều nhất cả nước, khoảng 80 cơ sở), Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang và thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra một số cơ sở sản xuất còn nằm rải rác tại một số địa bàn: Đồng Tháp, Bến Tre, Đăk Lăk, Đăk Nông, Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Phước, Huế, Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, KonTum, Khánh Hòa, Bình Định, Hậu Giang,…
- Khu vực Miền Trung chủ yếu phân bố tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá;
- Khu vực Miền Bắc chủ yếu phân bố tại Bắc Giang, Ninh Bình, Hà Nội và nằm rải rác một số địa phương như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nam Hà, Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Sơn La, Lào Cai, …
đ) Về đầu tư phòng thử nghiệm chất lượng phân bón
Một số cơ sở sản xuất đã có phòng thử nghiệm chất lượng phân bón, tuy nhiên các phòng thử nghiệm này không phân tích, thử nghiệm được hết các chỉ tiêu chất lượng mà chỉ thử nghiệm chủ yếu cho nguyên liệu đầu vào, hầu như các sản phẩm xuất xưởng đều phải ký hợp đồng thử nghiệm chất lượng phân bón với các tổ chức được cơ quan có thẩm quyền chỉ định.
e) Về xây dựng quy chuẩn kỹ thuật chất lượng phân bón vô cơ
Trước mắt, khi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được ban hành thì thực hiện theo quy định tại Phụ lục 13 Thông tư 29/2014/TT-BCT và Phụ lục 8, 10 Thông tư 41/2014/TT-BNNPTNT. Hiện nay, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì xây dựng dự thảo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón để lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan. Dự kiến, cuối năm 2017 sẽ ban hành.
1.2. Kết quả đạt được
- Ngày 01 tháng 02 năm 2014, Nghị định số 202/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Cùng với việc thi hành Nghị định số 202/2013/NĐ-CP là: Thông tư số 29/2014/TT-BCT ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ; hướng dẫn về cấp phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón; Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Hơn 2 năm qua, kể từ ngày Nghị định số 202/2013/NĐ-CP áp dụng vào thực tiễn, hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón đang dần vào nền nếp:
+ Công tác thẩm định, kiểm tra đánh giá tình hình để cấp giấy phép sản xuất phân bón cho các tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón cũng được tiến hành khẩn trương nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện cả nước có 570 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện được phép hoạt động tại Việt Nam, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã cấp 451 Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp Giấy phép sản xuất phân hữu cơ và phân bón khác cho 119 nhà máy, cơ sở sản xuất.
+ Công tác quản lý chất lượng phân bón: Theo quy định tại Nghị định 202/2013/NĐ-CP phân bón là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, phân bón sản xuất và nhập khẩu phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường. Theo các quy định này, công tác quản lý chất lượng phân bón được thắt chặt từ đầu nguồn, tại khâu sản xuất, nhập khẩu. Công tác chỉ định các phòng thử nghiệm, giám định, chứng nhận chất lượng phân bón đã được thực hiện kịp thời. Cho đến nay, Bộ Công Thương đã chỉ định 38 tổ chức thử nghiệm, 8 tổ chức giám định và 14 tổ chức chứng nhận phân bón vô cơ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ định 10 tổ chức chứng nhận, 9 phòng thử nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác. Các tổ chức thử nghiệm được chỉ định phân bố tại các địa bàn trên cả nước, đáp ứng được nhu cầu thử nghiệm chất lượng phân bón, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm nghiệm sản phẩm hàng hóa.
+ Công tác tiếp nhận để thông báo xác nhận công bố hợp quy: Các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực thực hiện thông báo xác nhận công bố hợp quy cho các sản phẩm phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ và phân bón khác thuộc địa bàn quản lý.
+ Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón: Công tác này luôn được tăng cường, có sự vào cuộc, phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị chức năng từ trung ương đến địa phương (Ban chỉ đạo 389 Trung ương, địa phương, lực lượng Quản lý thị trường, các cơ quan có thẩm quyền khác), phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm về chất lượng phân bón, vi phạm nhãn mác….
+ Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý phân bón: Các tổ chức, cá nhân có ý thức trong việc chấp hành các quy định về sản xuất, kinh doanh phân bón đã được nâng cao đáng kể. Hầu hết các đại lý chỉ nhận phân phối sản phẩm của các doanh nghiệp đã được cấp phép sản xuất, các phân bón đã được công bố hợp quy. Nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón đã tiến hành đầu tư, cải tạo nhà xưởng, máy móc, thiết bị đáp ứng đủ điểu kiện theo quy định để được cấp phép.
1.3. Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 202/2016/NĐ-CP còn một số hạn chế. Những hạn chế này được tổng kết, đánh giá thông qua nghiên cứu rà soát văn bản pháp luật, thông qua tình hình kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất phân bón, thông qua kiến nghị của các tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón, kiến nghị phản ánh của các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, cụ thể:
- Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Nghị định số 202/2013/NĐ-CP điều chỉnh và áp dụng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón; quản lý chất lượng, kiểm nghiệm, khảo nghiệm, đặt tên phân bón; trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón. Xuất phát từ tình hình thực tế, cần điều chỉnh thêm các quy định về đăng ký, khảo nghiệm phân bón; đóng gói phân bón; quảng cáo, hội thảo giới thiệu sản phẩm, trình diễn phân bón; đặt tên phân bón, nhãn và sử dụng phân bón để có cơ sở pháp lý quản lý hoạt động này;
- Về các thuật ngữ cần giải thích: Nghị định số 202/2013/NĐ-CP chưa giải thích từ ngữ như “Sản xuất phân bón”, “đóng gói phân bón”, do đó cần bổ sung quy định này để làm cơ sở quản lý, phân biệt với các loại sản phẩm, hàng hóa khác cho phù hợp;
- Việc thực hiện quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý thực tế, sản phẩm phân bón phát triển ồ ạt, thiếu định hướng dẫn tới mất cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ; việc đăng ký và công bố chất lượng chưa phù hợp với mục đích sử dụng của phân bón. Không thể kiểm soát được chất lượng phân bón (phân giả, phân kém chất lượng) do thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế quản lý chú trọng về hậu kiểm trong khi lực lượng thanh kiểm tra còn mỏng và các công thức phân bón mới được phép lưu thông tràn lan mà không được cơ quan nào thẩm định tính khoa học, xác thực và hiệu quả.
- Quy trình khảo nghiệm phân bón chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ. Việc cho phép các cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu phân bón tự khảo nghiệm, tự đánh giá và công nhận kết quả khảo nghiệm theo quy định hiện nay không bảo đảm tính khoa học, khách quan, chưa chặt chẽ, thống nhất và chưa được cơ quan quản lý kiểm chứng, dẫn tới nhiều loại phân bón không bảo đảm hiệu lực, nhiều doanh nghiệp làm giả hoặc sửa đổi hồ sơ khảo nghiệm để phục vụ cho việc hợp chuẩn hợp quy.
- Quy định về tên gọi của “Giấy phép sản xuất phân bón”: Nghị định số 202/2013/NĐ-CP quy định các tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện về sản xuất phân bón được cấp Giấy phép sản xuất phân bón. Tên gọi của Giấy phép chưa phù hợp với việc cấp phép, do Điều 8 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất phân bón, đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, yêu cầu về nhân lực mới được cấp phép. Do đó, để phù hợp với Điều 8 thì tên gọi cần được điều chỉnh theo hướng đủ điều kiện sản xuất để tránh hiểu khác nhau về việc cấp phép.
Thời gian qua, việc cấp phép là do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện, chưa phân cấp cho địa phương nên chưa gắn trách nhiệm quản lý của địa phương đối với phân bón thuộc địa bàn quản lý. Cần phân cấp cho địa phương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng gói, buôn bán phân bón (đổi tên Giấy phép sản xuất phân bón cho phù hợp với thẩm quyền cấp phép của địa phương);
- Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước: Qua rà soát công tác quản lý nhà nước về phân bón, việc quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương quản lý phân vô cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý phân hữu cơ và phân bón khác có những hạn chế nhất định. Trong thực tiễn sản xuất kinh doanh phân bón, có nhiều tổ chức, cá nhân đồng thời sản xuất phân vô cơ, hữu cơ, phân bón khác, đều chịu sự quản lý của hai Bộ về chất lượng, về sản xuất, kinh doanh, về kiểm tra, thanh tra, dẫn đến chồng chéo về thủ tục hành chính. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần phân công quản lý phân bón theo đầu mối, không phân biệt phân vô cơ hay phân hữu cơ vì đều là phân bón, các thủ tục hành chính cần phân cấp cho địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm của địa phương trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này và đề nghị nên giao một Bộ quản lý phân bón.
- Quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân trong việc để xảy ra tình trạng phân bón giả, phân bón không đảm bảo chất lượng trên địa bàn;
- Quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, đóng gói, gia công, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thực hiện chế độ báo cáo trực tiếp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc địa bàn quản lý. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đóng gói, buôn bán, sử dụng phân bón cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu phân phân bón theo hướng xuất nhập khẩu phân bón không phải là điều kiện;
- Quy định về hành vi bị nghiêm cấm: Nghị định số 202/2013/NĐ-CP quy định cấm đối với hành vi “Sản xuất phân bón khi chưa được cấp Giấy phép sản xuất phân bón”, quy định này chưa phù hợp với trường hợp sản xuất phân bón với mục đích nghiên cứu, khảo nghiệm, do đó cần sửa đổi theo hướng không áp dụng đối với hoạt động này.
Hành vi cấm đối với “phân bón đã bị cấm sử dụng” cũng cần được loại bỏ do Nghị định số 202/2013/NĐ-CP và một số văn bản quy phạm pháp luật không có điều khoản nào quy định danh mục hoặc loại phân bón bị cấm sử dụng là phân bón như thế nào nên chưa có cơ sở thực hiện;
- Yêu cầu về chủ thể sản xuất, buôn bán phân bón: Nghị định số 202/2013/NĐ-CP quy định “Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về sản xuất phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp”. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề về kinh doanh phân bón không còn phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2014 (Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp).
Quy định về chủ thể đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;
- Yêu cầu về nhân lực (Điểm a Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP): Quy định đội ngũ quản lý, kỹ thuật, điều hành sản xuất phân bón có trình độ chuyên môn về hóa, lý hoặc sinh học, trong đó Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật của cơ sở sản xuất phân bón phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. Quy định này chưa phù hợp với tình hình thực tế khi Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật của cơ sở sản xuất phân bón nhìn chung chưa đảm bảo yêu cầu. Yêu cầu cơ sở sản xuất phân bón phải có người có trình độ chuyên môn là cần thiết để điều hành hoặc phụ trách quá trình sản xuất, phát triển sản phẩm với hàm lượng các chất dinh dưỡng theo tỷ lệ khoa học. Tuy nhiên, quy định Giám đốc hoặc Phó Giám đốc phải có trình độ chuyên môn về lý, hóa hoặc sinh học là chưa thiết thực. Thực tế, trong hoạt động sản xuất phân bón, với các cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ (chiếm đại đa số), chỉ cần có một hoặc hai cán bộ kỹ thuật trở lên có trình độ chuyên môn về lý, hóa hoặc sinh học hoặc nông nghiệp trồng trọt, khoa học cây trồng, nông hóa thổ nhưỡng là đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Quy định về yêu cầu nhân lực đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 77/2016/NĐ-CP.
Tuy nhiên, yêu cầu đối với “Người lao động trực tiếp sản xuất phân bón phải được huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về phân bón” là chưa phù hợp và còn chồng chéo với quy định khác về đào tạo an toàn trong lao động. Thực tế, người lao động của cơ sở sản xuất phân bón phải tham gia nhiều khóa đào tạo như an toàn trong sản xuất, huấn luyện về phòng cháy chữa cháy, huấn luyện về an toàn hóa chất, … cần nghiên cứu để bỏ quy định về huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức phân bón cho người lao động trực tiếp sản xuất phân bón nhằm tránh chồng chéo và mang tính hình thức, đối phó, mặt khác gây lãng phí không cần thiết cho tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón;
- Quy định về phòng thử nghiệm, phân tích phân bón: Điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị định 202/2013/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất phân bón “Có phòng thử nghiệm, phân tích hoặc có thỏa thuận với tổ chức thử nghiệm, phân tích được chỉ định hoặc công nhận và đã đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm, phân tích theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa để quản lý chất lượng sản phẩm”. Quy định này phù hợp với thực tiễn sản xuất phân bón ở nước ta. Một số doanh nghiệp sản xuất phân bón có phòng thí nghiệm, phân tích, tuy nhiên chỉ phân tích được một số chỉ tiêu lý hóa, không đủ năng lực để phân tích tất cả các chỉ tiêu bắt buộc đối với các sản phẩm phân bón do mình sản xuất theo đúng phép thử quy định. Do đó, nhiều cơ sở tuy đã có phòng thí nghiệm, phân tích nhưng vẫn phải gửi mẫu phân bón đến các tổ chức thử nghiệm được chỉ định để kiểm tra chất lượng. Đây là những tổ chức đã được Văn phòng công nhận chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận có đủ năng lực tiến hành đánh giá và chứng nhận sản phẩm phù hợp theo yêu cầu. Hiện nay, cả nước có nhiều tổ chức thử nghiệm, phân tích được Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định để phân tích, kiểm tra chất lượng phân bón. Yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất phân bón phải có phòng thử nghiệm là không cần thiết, sẽ gây lãng phí trong đầu tư đồng thời làm giảm quá trình xã hội hóa đối với hoạt động này. Tuy nhiên, nếu các cơ sở sản xuất phân bón trang bị phòng thí nghiệm, phân tích để phân tích một số chỉ tiêu lý hóa (N, P, K) và độ ẩm cho nguyên liệu đầu vào, đầu ra sẽ chủ động hơn trong việc kiểm soát chất lượng phân bón trước khi đưa lưu thông trên thị trường. Do đó, cần điều chỉnh quy định này theo hướng đưa ra lộ trình để các tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón trang bị phòng thí nghiệm, phân tích phục vụ cho hoạt động của mình, hạn chế phân bón không đảm bảo chất lượng;
- Quy định về cơ giới hóa đối với dây chuyền sản xuất phân bón vô cơ: Nghị định số 202/2013/NĐ-CP, Nghị định số 77/2016/NĐ-CP quy định dây chuyền sản xuất phải được cơ giới hóa, tuy nhiên quy định này chưa được cụ thể hóa dẫn đến hạn chế trong quá trình thực hiện. Cần chỉnh lý theo hướng các công đoạn, hệ thống bắt buộc phải sử dụng máy, thiết bị được cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất phân bón vô cơ để làm cơ sở pháp lý thực hiện, tránh tình trạng sản xuất thủ công, cuốc xẻng;
- Quy định về nhà xưởng sản xuất, sắp xếp nguyên liệu, thành phẩm phân bón: Thực tế nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón thường xếp thành phẩm, nguyên liệu phân bón (trừ nguyên liệu, sản phẩm ở dạng rời) trên nền nhà, nền đất ẩm ướt sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng phân bón. Trong nhà xưởng sản xuất không có đủ nội quy sản xuất, các biển chỉ dẫn, cảnh báo an toàn, quy trình vận hành, thao tác máy, điều này sẽ khiến việc vận hành máy thiết bị không theo quy trình, dẫn đến mất an toàn trong sản xuất. Cần bổ sung quy định này để các cơ sở sản xuất phân bón tuân thủ quy trình sản xuất, vận hành máy thiết bị, đảm bảo an toàn trong sản xuất phân bón. Mặt khác, Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón, vật liệu nổ công nghiệp đã quy định xử phạt đối với hành vi này, do đó cần bổ sung quy định nội dung để làm cơ sở xử phạt;
- Quy định về nội dung của Giấy phép: Nghị định số 202/2013/NĐ-CP quy định nội dung của Giấy phép có “loại hình, công suất, chủng loại, danh mục phân bón sản xuất”. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón thường xuyên thay đổi loại phân bón được cấp phép, điều này gây khó khăn cho cơ quan cấp phép do sẽ phải điều chỉnh Giấy phép liên tục, làm tăng thêm thủ tục hành chính, mất thời gian cho tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón. Thực tế, một loại phân bón có rất nhiều tên thương mại khác nhau, các loại phân bón này đều được sản xuất trên cùng một dây chuyền. Ví dụ: Chủng loại phân hỗn hợp bón rễ NPK có thể sản xuất với nhiều tên thương mại khác nhau như NPK 10-10-8, NPK 20-20-15, NPK 7-8-3, NPK 12-12-2, NPK 9-7-9,… Cần điều chỉnh nội dung nêu trên theo hướng không cấp phép theo danh mục phân bón sản xuất mà theo chủng loại để đảm bảo phù hợp với máy móc, thiết bị, dây chuyền để sản xuất chủng loại phân bón đó;
- Quy định về cơ quan cấp phép: Theo quy định tại Điều 14, việc cấp giấy phép sản xuất đồng thời phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ và phân bón khác do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép. Tuy nhiên, thực tế triển khai việc cấp Giấy phép sản xuất đồng thời phân vô cơ, phân bón hữu cơ và phân bón khác theo quy định của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP còn vướng mắc, do quy định của hai Bộ về hồ sơ, thủ tục cấp phép có những điểm khác nhau dẫn đến những khó khăn trong việc phối hợp để thực hiện. Một số doanh nghiệp đáp ứng điều kiện và hoàn thành đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác hoặc ngược lại, dẫn đến tình trạng chưa cấp phép được cho các doanh nghiệp này, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tính đến nay, Bộ Công Thương chưa cấp được Giấy phép sản xuất đồng thời phân vô cơ, phân hữu cơ và phân bón khác. Trước tình hình đó, nhiều tổ chức, cá nhân đề nghị được cấp riêng Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ hoặc cấp riêng Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Số lượng cấp phép phân bón hiện nay chủ yếu cấp độc lập cho các tổ chức, cá nhân, trong số này có nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất đồng thời phân vô cơ, phân hữu cơ và phân bón khác.
Thực tế, tại một số địa bàn trong cả nước vẫn còn tình trạng phân bón giả, kém chất lượng. Để nâng cao trách nhiệm quản lý địa bàn thì các cơ quan chuyên môn liên quan đến lĩnh vực phân bón phải sát sao nắm tình hình, diễn biến của hoạt động này. Do đó, cần nghiên cứu theo hướng phân cấp quản lý nhà nước sản xuất, kinh doanh phân bón về một Bộ và ủy quyền việc cấp phép trực tiếp cho địa phương để nâng cao trách nhiệm quản lý trên địa bàn;
- Về san chiết, sang chai, đóng gói phân bón (hay còn gọi chung là đóng gói phân bón): Trên thị trường hiện nay có nhiều tổ chức, cá nhân không hoạt động sản xuất phân bón, mà thực hiện việc đóng gói phân bón nhập khẩu hoặc mua trong nước từ bao bì đóng gói lớn sang bao bì nhỏ, từ chai lớn sang chai nhỏ, lẻ với mục đích kinh doanh, phân phối. Hoạt động đóng gói cần được quản lý chặt chẽ, để ngăn chặn hành vi sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng nhưng lại chưa được quy định tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP;
- Về quản lý buôn bán phân bón bị buông lỏng do không quy định các cơ sở kinh doanh phân bón phải có Giấy chứng nhận (Giấy phép) kinh doanh phân bón do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có thẩm quyền cấp, nên dẫn đến tình trạng kinh doanh phân bón tràn lan, chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ là kẽ hở gây ra tình trạng phân bón giả, kém chất lượng không thể kiểm soát được trên thị trường trong thời gian qua.
- Việc đánh giá hợp quy phân bón nhập khẩu: Phân bón nhập khẩu khi đánh giá hợp quy được thực hiện theo phương thức 7 quy định tại Điều 5 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, theo đó kết quả chứng nhận hợp quy chỉ có giá trị cho một lô phân bón nhập khẩu cụ thể. Điểm a Khoản 2 Điều 15 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN quy định: “Thông báo tiếp nhận công bố hợp quy có giá trị theo giá trị của giấy chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp hoặc có giá trị 3 năm kể từ ngày lãnh đạo tổ chức, cá nhân ký xác nhận báo cáo đánh giá hợp quy (đối với trường hợp tự đánh giá hợp quy)”. Như vậy, Thông báo tiếp nhận công bố hợp quy phân bón nhập khẩu có giá trị theo giá trị của giấy chứng nhận hợp quy và chỉ có giá trị cho một lô phân bón cụ thể. Với mỗi lô phân bón nhập khẩu, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện chứng nhận hợp quy để được thông quan, sau đó tiếp tục thực hiện công bố hợp quy trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường, làm chậm tính thời vụ của sản phẩm, dẫn đến việc phải thực hiện công bố hợp quy nhiều lần cho một loại phân bón nhập khẩu với nhiều lô khác nhau;
- Quy định về thông báo tiếp nhận công bố hợp quy phân bón: Hiện thủ tục thông báo tiếp nhận công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa đang được Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát để giảm các TTHC cho doanh nghiệp. Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng nên bỏ TTHC này để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Dự thảo Nghị định quy định theo hướng này theo góp ý của Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón: Do Nghị định số 202/2013/NĐ-CP chưa quy định khi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được ban hành, hoạt động thử nghiệm, chứng nhận hợp quy phân bón vô cơ được thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương; hoạt động thử nghiệm, chứng nhận hợp quy phân bón hữu cơ được thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do đó cần bổ sung quy định này để làm cơ sở thực hiện;
- Về quảng cáo sản phẩm phân bón: Nghị định số 202/2013/NĐ-CP chưa quy định về quảng cáo phân bón. Theo quy định của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo thì quảng cáo phân bón do các Bộ chuyên ngành có trách nhiệm xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực được phân công nên cần bổ sung quy định về trình tự thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo vào dự thảo Nghị định;
- Về giới thiệu trình diễn phân bón: Nghị định số 202/2013/NĐ-CP chưa quy định về việc giới thiệu trình diễn sản phẩm phân bón tại các địa phương. Trong thực tế, trước khi đưa sản phẩm phân bón lưu thông trên thị trường, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón thường tổ chức hội nghị giới thiệu trình diễn sản phẩm phân bón cho người sử dụng tại địa bàn nơi tổ chức, cá nhân sẽ phân phối sản phẩm. Hoạt động này cần được quy định tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP để cơ quan địa phương quản lý, nhằm hạn chế trường hợp giới thiệu sản phẩm phân bón kém chất lượng hoặc chưa có trong Danh mục phân bón lưu hành tại Việt Nam đến người sử dụng;
- Về đặt tên phân bón: Nghị định số 202/2013/NĐ-CP quy định việc đặt tên phân bón còn chung chung, chưa cụ thể. Trong thực tế, có nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón thường đặt tên phân bón hay còn gọi là tên thương mại phản ánh không đúng bản chất, thành phần của phân bón, dẫn đến làm hiểu sai công dụng của sản phẩm hay gây nhẫm lẫn. Quy định này cần phải được điều chỉnh kịp thời để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực cho người sử dụng;
- Việc quản lý về nội dung ghi nhãn phân bón và quảng cáo phân bón chưa được chú trọng (như chưa có các quy định cụ thể về nhãn phân bón, về xác nhận nội dung quảng cáo) dẫn đến tình trạng nhiều sản phẩm thông tin không đầy đủ, chính xác, thiếu trung thực gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng dẫn đến kết quả sử dụng không như mong muốn.
- Nghị định 202/2014/NĐ-CP không quy định về sử dụng phân bón, việc quản lý sử dụng phân bón chưa được các ngành, các cấp quan tâm, chưa đề ra nguyên tắc sử dụng, nghĩa vụ của người sử dụng cũng như trách nhiệm của cơ sở sản xuất đối với người sử dụng phân bón nên đã dẫn đến tình trạng sử dụng phân bón lãng phí, không hiệu quả, mất cân đối giữa phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ (không coi trọng đúng mức phân hữu cơ) làm ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất.
Từ những căn cứ pháp luật và tình hình thực tiễn nêu trên cho thấy việc nghiên cứu, ban hành Nghị định về quản lý phân bón thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP là cần thiết nhằm hạn chế bất cập, giúp công tác quản lý nhà nước về phân bón đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
II. MỤC ĐÍCH VÀ QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
1. Dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm mục đích: Đảm bảo sự phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các bộ quản lý chuyên ngành; đảm bảo sự phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành; thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính; quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất phân bón nhằm hạn chế đến mức tối đa tình trạng phân bón giả, phân bón không đảm bảo chất lượng.
2. Việc xây dựng dự thảo Nghị định được thực hiện theo những quan điểm chỉ đạo: Bảo đảm tính kế thừa các quy định đã đi vào ổn định và phù hợp thực tế của các văn bản đã ban hành, đồng thời giải quyết những vướng mắc trong quy trình thực hiện của các Bộ, ngành liên quan đến công tác quản lý phân bón; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính đồng thời cũng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với phân bón, đặc biệt là hoạt động sản xuất phân bón; bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của hệ thống pháp luật về quản lý phân bón; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành có liên quan.
III. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các hoạt động xây dựng dự thảo Nghị định:
1. Thành lập Tổ biên tập gồm các bộ ngành có liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội phân bón VN.
2. Xây dựng dự thảo Nghị định, dự thảo Tờ trình Chính phủ.
3. Đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 202/2013/NĐ-CP và kết quả đạt được, hạn chế khó khăn.
4. Tổ chức họp Tổ biên tập.
5. Đăng tải dự thảo Nghị định trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, SPS để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân và lấy ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan.
6. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị có liên quan, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Nghị định.
7. Gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định.
8. Trên cơ sở ý kiến thẩm định, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
IV. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
1. Bố cục
- Dự thảo Nghị định gồm 55 Điều, 10 Chương, 36 Phụ lục.
- Dự thảo Nghị định đã bố cục toàn bộ các quy định về phân bón tại Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương để đưa về dự thảo Nghị định này, cụ thể: Yêu cầu về nhân lực có trình độ chuyên môn trong sản xuất phân bón; quy định về điều kiện sản xuất phân bón vô cơ; điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ; quy định về điều kiện kinh doanh phân bón (vô cơ, hữu cơ); quy định về khảo nghiệm phân bón. Việc bố cục các quy định tại Nghị định số 77/2016/NĐ-CP vào dự thảo Nghị định sẽ thuận lợi cho việc vận dụng và tra cứu, hạn chế phải tra cứu nhiều văn bản khác nhau, đỡ mất thời gian.
- Đã đưa các quy định trong các văn bản hiện hành khác về bố cục tại dự thảo Nghị định như: Xuất nhập khẩu, chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp, khảo nghiệm phân bón, nhãn phân bón, quảng cáo phân bón được quy định tại các văn bản hiện hành nhằm có bức tranh tổng thể về quản lý phân bón.
- Các thủ tục hành chính như: Thành phần hồ sơ, thủ tục cấp phép và các biểu mẫu, quy định chi tiết được đưa thành các Phụ lục kèm theo dự thảo Nghị định nhằm đảm bảo sự phù hợp với Luật Đầu tư và đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
2. Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định
2.1. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
- Bổ sung: Đăng ký; khảo nghiệm; sản xuất, đóng gói, buôn bán; xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý chất lượng; ghi nhãn; quảng cáo; sử dụng phân bón ở Việt Nam vào phạm vi điều chỉnh của Nghị định, đồng thời quy định rõ phân hữu cơ truyền thống không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định.
- Bổ sung đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động được quy định ở phạm vi điều chỉnh.
2.2. Về giải thích từ ngữ
Bổ sung giải thích từ ngữ “sản xuất phân bón”, “đóng gói phân bón”,... để phân định rõ các loại hình hoạt động này, cụ thể như sau:
- Sản xuất phân bón là việc tạo ra sản phẩm phân bón thông qua phản ứng hóa học, sinh hóa hoặc các quá trình vật lý như nghiền, trộn, sàng, sấy, bọc, tạo hạt, viên hoặc khuấy trộn, lọc.
- Đóng gói phân bón là việc sử dụng máy, thiết bị để chiết rót phân bón từ dung tích lớn sang dung tích nhỏ, từ bao bì lớn sang bao bì nhỏ hoặc là hình thức đóng gói từ dung tích, khối lượng cố định vào bao bì theo một khối lượng nhất định mà không làm thay đổi bản chất, thành phần, hàm lượng, màu sắc, dạng phân bón.
- Phân bón không đảm bảo chất lượng (theo quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa); Bản sao hợp lệ (theo quy định của Luật Đầu tư).
2.3. Sửa đổi một số cụm từ trong Nghị định
- Cụm từ “Giấy phép sản xuất phân bón” được sửa đổi thành “Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón” để phản ánh đúng bản chất của việc cấp phép.
- Để đảm bảo phù hợp với từ ngữ được sử dụng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, điểm d khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 4, Điều 19 đã được sửa đổi, trong đó cụm từ “kiểm nghiệm” được thay thế bằng “thử nghiệm”.
2.4. Bổ sung các quy định về đăng ký phân bón
- Phân bón là loại hàng hóa buôn bán có điều kiện, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đăng tải vào Danh mục phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Danh mục) trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Quy định các nguyên tắc chung để đăng ký phân bón và trình tự thủ tục đăng ký phân bón.
2.5. Bổ sung các quy định về khảo nghiệm phân bón
- Các loại phân bón phải được khảo nghiệm trước khi đưa vào Danh mục. Đối với các loại phân bón vô cơ có chứa chất dinh dưỡng trung lượng, vi lượng; phân bón hữu cơ và phân bón khác việc khảo nghiệm để đăng ký vào Danh mục phải do các tổ chức đủ điều kiện quy định tại Điều 15 của Nghị định này thực hiện.
Đối với các loại phân bón không thuộc trường hợp nêu tại Khoản 2 Điều này tổ chức, cá nhân có thể tự tiến hành khảo nghiệm theo Quy phạm khảo nghiệm phân bón tại Mẫu số 04 và báo cáo kết quả khảo nghiệm theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
- Quy định các nguyên tắc chung để khảo nghiệm phân bón.
- Quy định điều kiện của tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm phân bón và trình tự thủ tục công nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm phân bón.
2.6. Bổ sung các điều khoản quy định về điều kiện:
- Bổ sung quy định về điều kiện sản xuất, đóng gói, buôn bán phân bón, trong đó:
+ Sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện sản xuất phân bón theo hướng đầu ra phải đảm bảo chất lượng phân bón nhằm hạn chế phân bón không đảm bảo chất lượng (đến hết tháng 3 năm 2018, cơ sở sản xuất phân bón phải có phòng thử nghiệm, phân tích để phân tích được một số chỉ tiêu cơ bản của phân bón).
+ Cơ sở đóng gói phân bón phải có tư cách pháp nhân, có địa điểm, máy móc, thiết bị định lượng và đóng gói, đáp ứng điều kiện về môi trường và phòng cháy chữa cháy. Việc đóng gói phải tuân thủ các quy định về ghi nhãn hàng hóa và sở hữu trí tuệ. Tổ chức, cá nhân đóng gói phân bón có trách nhiệm ghi và lưu nhật ký quá trình đóng gói; lưu mẫu và lưu hồ sơ thử nghiệm; thực hiện ghi nhãn, quảng cáo, thông tin về sản phẩm đúng quy định; thu hồi, xử lý và đền bù thiệt hại đối với phân bón không đảm bảo chất lượng; thực hiện chế độ báo cáo và chấp hành sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền.
+ Bổ sung điều kiện buôn bán phân bón: Người trực tiếp quản lý buôn bán phân bón và người trực tiếp bán phân bón phải có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón. Trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành khoa học kỹ thuật.
- Bổ sung quy định về cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng gói phân bón, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón và thời hạn có hiệu lực của Giấy chứng nhận là 05 năm.
- Bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận.
2.7. Bổ sung các quy định về xuất nhập khẩu phân bón, quản lý chất lượng phân bón
- Các trường hợp phải cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón cũng như hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón.
- Quy định về quản lý chất lượng phân bón nhập khẩu, về chất lượng phân bón trong sản xuất, lưu thông.
2.8. Bổ sung quy định về đặt tên và nhãn phân bón
- Quy định chung về đặt tên phân bón.
- Quy định nguyên tắc chung về ghi nhãn phân bón và hướng dẫn cụ thể các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn phân bón.
2.9. Về văn bản xác nhận quảng cáo thực hiện theo quy định của Luật Quảng cáo và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, phân bón là sản phẩm, hàng hóa đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực được phân công quản lý hoặc theo phân cấp thẩm quyền xác nhận theo quy định.
2.10. Bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của người sử dụng phân bón, trong đó quy định rõ: Sử dụng phân bón đảm bảo nguyên tắc: đúng chân đất, đúng loại cây, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách bón; sử dụng phân bón bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm; chỉ được sử dụng phân bón trong Danh mục phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam theo đúng hướng dẫn đã ghi trên nhãn.
2.11. Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, đóng gói, buôn bán phân bón: Như phân tích ở trên việc cấp Giấy phép sản xuất đồng thời phân vô cơ, phân bón hữu cơ và phân bón khác theo quy định của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP còn vướng mắc, thực tế chưa triển khai được. Dự thảo Nghị định không quy định phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ và phân bón khác mà quy định là phân bón. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng gói, buôn bán phân bón là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2.12. Về phân công quản lý nhà nước: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước về nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) nên rất hiểu về sử dụng phân bón. Ngoài ra, việc khảo nghiệm phân bón, công tác khuyến nông, sử dụng phân bón có hiệu quả là thế mạnh của ngành nông nghiệp nên dự thảo Nghị định đã quy định theo hướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý theo chuỗi từ đăng ký, khảo nghiệm đến sản xuất, buôn bán, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng phân bón là phù hợp với Luật Hóa chất, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và phù hợp với thực tế quản lý.
IV. THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
1. Các thủ tục hành chính mới được bổ sung vào dự thảo Nghị định:
1.1. Quyết định công nhận phân bón được phép lưu hành;
1.2. Quyết định công nhận lại phân bón được phép lưu hành;
1.3. Văn bản về việc đồng ý hoặc không đồng ý cho phép khảo nghiệm;
1.4. Quyết định chỉ định tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm phân bón;
1.5. Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng gói phân bón;
1.6. Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng gói phân bón;
1.7. Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón;
1.8. Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
2. Các thủ tục hành chính đã quy định trong các Nghị định nhưng nay đổi tên, hoàn thiện
2.1. Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón đã quy định trong Nghị định 202/2013/NĐ-CP: Không phải là thủ tục hành chính mới mà chỉ chuyển tên từ cấp Giấy phép sản xuất phân bón (phân vô cơ; phân hữu cơ và phân bón khác).
2.2. Chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy: Không phải là thủ tục hành chính mới mà chỉ chuyển từ các quy định về chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ và phân bón khác (theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản quy định Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa).
2.3. Văn bản xác nhận quảng cáo phân bón: Không phải là thủ tục hành chính mới, đã được quy định trong Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo mà chỉ quy định về nơi nộp hồ sơ, trình tự giải quyết, cơ quan có thẩm quyền cấp và các mẫu đơn, mẫu tờ khai.
2.4. Giấy phép nhập khẩu phân bón: Không phải thủ tục hành chính mới mà đã được quy định trong Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài nay chỉ hoàn thiện trình tự, thủ tục cấp và quy định mẫu đơn, mẫu giấy phép theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Như vậy, dự thảo Nghị định có thêm 08 thủ tục hành chính mới so với Nghị định số 202/2013/NĐ-CP. Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, nếu không quy định thành các thủ tục hành chính sẽ rất khó quản lý, do ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán phân bón chưa được nâng cao, bên cạnh đó tình trạng sản xuất, buôn bán phân bón không đảm bảo chất lượng, phân bón giả còn tồn tại đang gây ảnh hưởng đến người sử dụng.
V. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN XIN Ý KIẾN
Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định, cơ quan chủ trì soạn thảo thấy còn một số vấn đề sau đây có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Chính phủ, cụ thể:
1. Vấn đề thứ nhất:
Đề nghị không quy định cấp phép cho hoạt động đóng gói phân bón, nghĩa là không cho phép tồn tại hoạt động này. Do các cơ sở sản xuất phân bón nhỏ lẻ lợi dụng việc đóng gói phân bón để làm không đảm bảo chất lượng.
Ý kiến cơ quan chủ trì soạn thảo: Mục đích quản lý phân bón là hạn chế phân bón giả, không đảm bảo chất lượng, hạn chế các tổ chức, cá nhân sản xuất cuốc xẻng, không có nhà xưởng, hệ thống dây chuyền, máy thiết bị sản xuất phân bón thông qua việc cấp phép. Trong thực tế có khá nhiều tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón hoặc mua bán phân bón trong nước để đóng gói phân phối trên thị trường. Nếu không cho phép, công khai hoạt động này để quản lý sẽ dẫn đến việc hoạt động lén lút, trốn tránh càng gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong kiểm soát thị trường phân bón.
2. Vấn đề thứ hai:
Quy định tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón không cần cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón
Ý kiến cơ quan chủ trì soạn thảo: Nghị định số 202/2013/NĐ-CP quy định điều kiện buôn bán phân bón nhưng không cấp phép, nên dẫn đến tình trạng kinh doanh phân bón tràn làn, chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ là kẽ hở gây ra tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường trong thời gian qua. Nên Dự thảo lần này đã quy định buôn bán phân bón phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện và giao cho địa phương cấp mới đẩy mạnh được công tác quản lý phân bón tại địa phương.
3. Vấn đề thứ ba:
Đề nghị Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, Giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng gói phân bón, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón không có thời hạn.
Ý kiến cơ quan chủ trì soạn thảo: Hầu hết các nước trên thế giới như Canada, Philippine, Trung Quốc, Myanmar, Thái lan…. đang quản lý phân bón bằng danh mục, việc sản xuất, buôn bán phân bón phải được cấp phép, thời hạn của giấy phép từ 3-5 năm tùy nước. Đối với nước ta hiện nay, cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng dự thảo Nghị định cần quy định thời hạn của các Giấy chứng nhận như các nước, sau này khi ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân được nâng cao, tình trạng phân bón giả, phân bón không đảm bảo chất lượng giảm nhiều thì sẽ giảm, hạn chế các thủ tục hành chính này và đẩy mạnh hậu kiểm.
VI. Ý KIẾN CỦA CƠ QUAN THẨM ĐỊNH
Ý kiến của cơ quan thẩm định sẽ được giải trình bằng văn bản khác theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Trên đây là những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định về quản lý phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
Xem toàn văn tại file Word TỜ TRÌNH: Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý phân bón
-
Dự thảo (Lần 1) Nghị định quản lý phân bón (thay thế NĐ202)
Nghị định này quy định về quản lý phân bón bao gồm: Đăng ký; khảo nghiệm; sản xuất, đóng gói, buôn bán; xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý chất lượng; ghi nhãn; quảng cáo; sử dụng phân bón ở Việt Nam...
-
Tháng 5, hoàn thành dự thảo nghị định mới về quản lý phân bón
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu chậm nhất đầu tháng 5 phải xong dự thảo sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón để xin ý kiến các Bộ, ngành...
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau