Công ty Phân bón Năm Sao - Campuchia bị tố “bội tín” khi thanh toán công nợ cho đối tác
Mặc dù hứa hẹn nhiều lần nhưng Công ty Phân bón Năm Sao - Campuchia vẫn chưa thanh toán dứt điểm khoản công nợ quá hạn từ nhiều tháng qua cho Công ty Lilama 18 như đã cam kết.
Nhà máy Phân Bón Quốc Tế Năm Sao - Vương Quốc Campuchia. (Ảnh: Công ty Phân bón Năm Sao - Campuchia)
Chật vật thu hồi công nợ
Theo phản ánh của Công ty Cổ phần Lilama 18 (Lilama 18) cho biết, ngày 22/7/2012, Công ty TNHH Phân bón Quốc tế Năm Sao - Campuchia (Cty Năm Sao - Campuchia) và Lilama 18 cùng nhau ký kết hợp đồng số 12.LLM18.HĐKT - 90.
Theo hợp đồng, Lilama 18 đồng ý nhận thực hiện thi công xây dựng gói thầu “Thi công lắp đặt, chạy thử, hiệu chỉnh, cấp liệu cho tới khi ra sản phẩm hợp cách của 02 dây chuyền sản xuất phân bón NPK, công suất 100.000 tấn/ năm/01 dây chuyền” theo yêu cầu của Cty Năm Sao - Campuchia. Gói thầu thi công thuộc dự án “Xây dựng mới nhà máy phân bón Quốc tế Năm Sao - Campuchia”. Địa điểm xây dựng tại xã Somrothom, huyện Kean Svay, tỉnh Kandal, Vương Quốc Campuchia.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay Lilama 18 đã có không dưới 10 văn bản đề nghị thanh toán
Sau khi ký kết, Lilama 18 cho biết đã thực hiện các công việc theo các điều khoản đã quy định trong hợp đồng. Khối lượng công việc cũng đã được hai bên xác nhận tại hồ sơ nghiệm thu và thanh toán khối lượng lắp máy đợt 3 (đợt cuối cùng, ký ngày 15/7/2014). Tổng giá trị hợp đồng đã ký: 448.806 USD; Tổng giá trị quyết toán và thanh lý hợp đồng: 430.395 USD. Cty Năm Sao - Campuchia đã thanh toán cho Lilama 18 tổng số tiền: 339.740,3 USD.
Căn cứ theo hợp đồng và số lần xuất hóa đơn của Lilama 18 cho Cty Năm Sao - Campuchia thì công ty này còn phải trả cho Lilama 18 số tiền: 90.654,70 USD, tương đương: 2.063.754.000 VN đồng (tỷ giá Vietcombank ngày 6/10/2017).
Theo Lilama 18, đó là khoản công nợ quá hạn từ tháng 12/2015 đến nay nhưng Lilama 18 vẫn chưa nhận được thanh toán hay phản hồi về tiến độ thanh toán từ phía Cty Năm Sao - Campuchia. Đại diện Lilama 18 cho biết, đã nhiều lần liên hệ nhưng phía Cty Năm Sao - Campuchia chỉ hứa hẹn mà không thực hiện và có biểu hiện không hợp tác khi Lilama 18 yêu cầu thanh toán dứt điểm khoản nợ trên.
Hứa suông nhằm trì hoãn?
Theo Biên bản làm việc ngày 19/8/2015 do Lilama 18 cung cấp về buổi làm việc giữa đại diện hai bên, có thể hiện: “Phân bón Năm Sao sẽ cam kết thanh toán tối thiểu mỗi tháng 25,000.00 USD cho Lilama 18 trước ngày 15 hàng tháng. Thời gian thanh toán bắt đầu kể từ tháng 9”.
Cụ thể từ háng 9/2015 đến tháng 01/2016 sẽ thanh toán mỗi tháng 25.000,00 USD; Tháng 02/2016 thanh toán 25.654,70 USD. Phía Lilama 18 đã đồng ý với kế hoạch thanh toán trên do Cty Năm Sao - Campuchia đề xuất, đồng thời hai bên cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ sau khi ký kết.
Thế nhưng, sau đó theo đại diện Lilama 18 cho biết, Cty Năm Sao - Campuchia chỉ thực hiện một phần như cam kết và số tiền chi trả cũng rất khiêm tốn.
Không hài lòng với cách thanh toán trên, Lilama 18 tiếp tục có Giấy đề nghị thanh toán lần 3/2017, yêu cầu Cty Năm Sao - Campuchia thực hiện đúng cam kết để Lilama 18 giải quyết khó khăn về vấn đề tài chính. Đến ngày 20/4/2017, đại diện Cty Năm Sao - Campuchia do ông Nguyễn Thế Quang, Giám đốc tài chính công ty có bút phê, đề xuất thanh toán cho Lilama 18 mỗi tháng 30.000 USD trong 3 tháng (tháng 5, tháng 6, tháng 7/2017).
Cũng theo đại diện Lilama 18, chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị này đã trên dưới 10 lần ra Công văn yêu cầu thanh toán nhưng phía Cty Năm Sao - Campuchia cũng chỉ hứa hẹn rồi rơi vào im lặng. "Đến nay vẫn chưa có một buổi làm việc chính thức giữa hai công ty để giải quyết dứt điểm cộng nợ trên" , đại diện Lilama 18 cho biết.
Biên bản làm việc trước đó giữa hai công ty
Liên quan đến nội dung phản ánh trên, ngày 16/11/2017, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quốc tế Năm Sao (Tập đoàn Năm Sao) đã có Công văn phản hồi gửi Pháp luật Plus. Phía Tập đoàn Năm Sao cho biết: Về hợp đồng số 12.LLM18.HĐKT-90, là hợp đồng hợp tác giữa Lilama 18 và Cty Năm Sao - Campuchia, được hai bên ký kết tại Campuchia chứ không phải Lilama 18 ký với Tập đoàn Năm Sao. Cũng theo Tập đoàn này, hiện nay Cty Năm Sao - Campuchia đang làm việc với Lilama 18 để giải quyết các điều khoản còn lại trong hợp đồng đã ký, làm cơ sở để thanh quyết toán hợp đồng, hợp tác.
Trước đó, một đại diện của Tập đoàn Năm Sao cho biết, giữa Cty Năm Sao - Campuchia và Tập đoàn Năm Sao là hai đơn vị có pháp nhân độc lập, không liên quan đến nhau. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên được biết, hiện tại Chủ tịch Tập đoàn Năm Sao cũng đồng thời là Tổng Giám đốc Cty Năm Sao - Campuchia và nhân sự giữa hai bên cũng có sự luân chuyển qua lại.
Trình bày với phóng viên, đại diện Lilama 18 bức xúc: "Mặc dù nhiều lần công ty đã tỏ thiện chí hợp tác và tạo điều kiện để Cty Năm Sao - Campuchia chủ động về tài chính cũng như thời gian nhằm sớm thanh toán dứt điểm số tiền còn lại, nhưng không hiểu vì lý do gì phía Cty Năm Sao - Campuchia liên tục bội tín, không thực hiện đúng cam kết. Việc làm trên của Cty Năm Sao - Campuchia đã gây khó khăn rất nhiều cho Lilama 18, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cũng như quan hệ giữa hai bên trở nên có khoảng cách".
Có thể thấy, việc thanh toán khoản công nợ hơn 2 tỷ đồng đối với một ông lớn như Cty Năm Sao - Campuchia thì không phải là vấn đề lớn. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến việc chậm trễ thanh toán trên? Liệu có uẩn khúc nào khó hiểu bên trong vụ việc? Giải đáp cho những câu hỏi trên có lẽ phải trông chờ từ câu trả lời của chính những người trong cuộc.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.
Trọng Vũ
-
Khoanh nợ cho hai nhà máy đạm: nên hay không?
Theo dự báo, ngành phân bón, nhất là mảng sản xuất phân đạm sẽ rất khó khăn trong thời gian tới. Sự khó khăn đó đối với một số dự án lớn của...
-
8 sai phạm lớn của đại dự án thua lỗ ngàn tỷ Nhà máy Đạm Ninh Bình
Theo kết luận thanh tra, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phê duyệt điều chỉnh dự án trên cơ sở kết quả đánh giá hiệu quả tài chính thấp, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro...
-
Cận cảnh những nhà máy phân bón thua lỗ nghìn tỷ đồng của Vinachem
Bốn trong số 12 ông lớn Nhà nước thua lỗ nặng nề năm 2016 đã làm rúng động dư luận khi số lỗ của họ lên đến hàng nghìn tỷ đồng/năm. Sau cơn bàng hoàng...
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau