Khoanh nợ cho hai nhà máy đạm: nên hay không?
Theo dự báo, ngành phân bón, nhất là mảng sản xuất phân đạm sẽ rất khó khăn trong thời gian tới. Sự khó khăn đó đối với một số dự án lớn của Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) như đạm Ninh Bình, Hà Bắc…lại càng chồng chất hơn.
Đạm Ninh Bình đang ngập trong nợ nần, thua lỗ. ẢNH: NGÂN AN
Trước thực tế này, Vinachem đã xin chính phủ nhiều ưu đãi… Liệu những ưu đãi đó có giải quyết được những khó khăn?
Đạm Ninh Bình lỗ chồng lỗ
Được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 1/2008, Đạm Ninh Bình có công suất 560.000 tấn/năm với số vốn đầu tư 10. 673 tỷ đồng, sử dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới như công nghệ khí hóa của Shell (Hà Lan), công nghệ tinh chế khí của Linder (Đức)…
Theo tính toán, sau khi hoàn thành vào giữa năm 2011, Nhà máy sẽ đạt sản lượng 1760 tấn urê/ngày, nhưng đến ngày 30/3/2012, Đạm Ninh Bình mới cho ra tấn urê đầu tiên và bắt đầu đi vào sản xuất kinh doanh từ ngày 15/10/2012. Theo báo cáo của Cty, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Đạm Ninh Bình lỗ triền miên từ năm 2012 – 2015 với tổng lỗ lũy kế đến nay khoảng 1600 tỷ đồng.
7000 tỷ đồng là số nợ vay hiện nay của đạm Hà Bắc, một trong những nguyên nhân khiến Cty đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Hiện mỗi năm, Đạm Ninh Bình phải trả lãi vay khoảng 800 tỷ đồng, khấu hao khoảng 680 tỷ đồng, cộng giá nguyên liệu cao khiên cho Cty khó cạnh tranh được với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các Cty trong nước. Nhà máy hiện còn tồn hơn 50.000 tấn phân urê.
Theo ông Vũ Văn Nhẫn – GĐ Nhà máy đạm Ninh Bình, từ khi đi vào hoạt động, Đạm Ninh Bình rơi vào giai đoạn giá đạm urê thế giới xuống thấp nhất. Đặc biệt, nguồn cung thời gian qua lớn (Nhà máy đạm Cà Mau đi vào hoạt động, Đạm Hà Bắc mở rộng…) trong khi tổng nhu cầu của VN chỉ khoảng 2,2 triệu tấn/năm nên sản phẩm của Đạm Ninh Bình gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ.
Đạm Hà Bắc nợ vay 7000 tỷ đồng
Năm 2010, Cty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Hanichemco) triển khai dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc với tổng vốn đầu tư 568 triệu USD. Khi đó nguồn vốn tự có chỉ có khoảng 102 triệu USD, nên phải đi vay tổng cộng hơn 5.000 tỷ đồng.
Theo đó, công suất nhà máy phân Đạm Hà Bắc lên mức 500.000 tấn urê, trong đó đầu tư một dây chuyền sản xuất mới có công suất 320.000 tấn urê, và cải tạo dây chuyền sản xuất hiện có sang sử dụng nguyên liệu than cám có công suất 180.000 tấn urê một năm.
Nhưng năm 2015, khi dự án đi vào hoạt động, cũng là lúc Cty thua lỗ nặng với con số 675 tỷ đồng, năm 2016 số lỗ dự kiến khoảng 488 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2019, Đạm Hà Bắc sẽ hết lỗ luỹ kế. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá phân đạm giảm mạnh cùng sự cạnh tranh quyết liệt, thì số lỗ của Cty có nguy cơ sẽ lớn hơn nhiều lần so với dự báo ban đầu.
Nợ vay của Đạm Hà Bắc hiện đã lên tới trên 7.000 tỷ đồng. Chi phí lãi vay, khấu hao lớn khiến Cty vẫn đứng trước nguy cơ chìm trong thua lỗ.
Trong Báo cáo xây dựng kế hoạch năm 2017 vừa được gửi đến Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Vinachem cho biết tình hình hoạt động của tập đoàn đang hết sức khó khăn và có thể kéo dài đến năm 2017, trong đó khó khăn nhất là hai nhà máy Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc. Vinachem cũng dự báo những tháng cuối năm nay, tập đoàn sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với nhóm ngành phân bón do nguồn cung dồi dào, nhu cầu thấp dẫn đến giá phân bón liên tục giảm. Tập đoàn dự kiến mức doanh thu đạt xấp xỉ 42.560 tỉ đồng, giảm 9,4% so với kế hoạch. Lợi nhuận dự kiến âm 806 tỉ đồng. Để giải quyết khó khăn, đặc biệt để cứu hai nhà máy đạm Ninh Bình và Hà Bắc, Vinachem đưa đã đưa ra tới 14 đề xuất, kiến nghị lên Chính phủ với hàng loạt ưu đãi. Nhưng, theo các chuyên gia, kể cả khi 14 đề xuất, kiến nghị này được chấp thuận thì chưa chắc hai nhà máy này sẽ hết khó khăn.
Loay hoay ưu đãi
Đối với Đạm Ninh Bình, Vinachem đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thành vốn đầu tư của Nhà nước.. Trong trường hợp không được, tập đoàn đề nghị cho phép khoanh nợ khoản vay trong 5 năm. Theo đó từ 2016 đến 2020 không trả nợ gốc và không tính lãi vay phát sinh trong 5 năm. Vinachem cũng đề nghị khoanh nợ tương tự đối với khoản nợ vay của dụ án Đạm Ninh Bình tại ngân hàng Eximbank Trung Quốc.
Đối với Đạm Hà Bắc, tập đoàn cũng đề nghị khoanh khoản vay của dự án cải tạo, mở rộng nhà máy tại VDB với dư nợ tính đến ngày 29.2 là 3.957 tỉ đồng trong thời gian 5 năm. Vinachem cũng đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng trước mắt trong thời gian xem xét cho phép điều chỉnh giảm đối với toàn bộ dư nợ gốc vay tại VDB cho dự án Đạm Ninh Bình và dự án cải tạo mở rộng Đạm Hà Bắc về mức 8,55%. Ngoài ra, tập đoàn còn kiến nghị đơn vị này được giãn trích khấu hao 50% cho 2 năm 2016, 2017 và 30% cho 2018.
Bên cạnh đó, Vincahem cũng đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo NHNN yêu cầu người đại diện vốn tại các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, VietinBank tiếp tục cho Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc vay vốn để đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, Vinachem đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị Thủ tướng trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật số 71 “đưa phân bón urê vào đối tượng chịu thế giá trị gia tăng với mức thuế suất 0%”, đồng thời kiến nghị Thủ tướng ban hành cơ chế bán than của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho sản xuất phân bón bằng 80% so với giá than hiện nay TKV đang bán cho sản xuất phân bón, đặc biệt đối với phân bón urê…Theo các chuyên gia đây chỉ là những giải pháp tình thế tạm thời thoát lỗ, khó có thể vực dậy 2 Nhà máy này…
-
Đạm Hà Bắc lỗ nghìn tỷ: Máy châu Âu, thầu Trung Quốc
Những doanh nghiệp nhà nước thường khá bị động, kém nhạy bén đối với cơ chế thị trường nên càng mở rộng dự án càng thua lỗ
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau