Kỹ thuật trồng cây mía: chuẩn bị đất trồng mía

Cây trồng liên quan: Cây mía , Cây mía

Cây mía chỉ phát triển tốt trên những chân đất đã được chuẩn bị thích hợp. Mục tiêu quan trọng của khâu cải tạo đất và soạn đất là cung cấp điều kiện thuận lợi cho cây mía con phát triển bộ rễ, hấp thu tốt những dưỡng chất, quyết định năng suất của ruộng mía.

1. Chọn đất trồng mía

1.1. Xác định yêu cầu về đất của cây mía

- Đất có thành phần cơ giới trung bình hoặc hơi nhẹ, có khoảng 20% sét; 5 đến 10% chất hữu cơ, phần còn lại là limon và cát. Đất có cấu tượng viên tốt; giữ nước tốt, thường xuyên điều hòa được chế độ nước và chế độ không khí trong đất;

- Đất có điều kiện thoát nước triệt để, không bao giờ bị úng thủy.

- Đất có tầng dày từ 80cm trở lên;

- Đất trung tính - độ pH từ 6 đến 7.

1.2. Lên danh sách các loại đất thích hợp với cây mía

Nếu xét về mức độ thích hợp với cây mía và xét về nguồn gốc hoặc loại đất thì có thể xếp theo thứ tự nhất nhì như sau:

- Đất có nguồn gốc núi lửa;

- Đất phù sa mới ven các sông ngòi, được bổ sung phù sa hàng năm;

- Các loại đất bồi tụ khác, có tỷ lệ mùn cao;

- Các loại đất khác có cấu tượng khá, có tầng canh tác dày và giữ ẩm tốt ...

1.3. Xác định đất để trồng mía

Phải chọn vùng tập trung để có thể xây dựng được một nhà máy đường, nơi giải quyết đầu ra cho cây mía. Nhà máy đường càng lớn (từ 1 nghìn đến 8 nghìn tấn/ngày) thiết bị càng hiện đại thì hiệu quả kinh tế càng cao; càng giúp cho cây mía phát huy hết ưu thế và hiệu quả của mình. Khi đã xác định được vùng hoặc đã có nhà máy đường rồi thì việc chọn đất sẽ được xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:

- Chọn loại đất đồi thấp và tương đối bằng, giàu mùn, có tầng dày trên 1m, có nguồn nước để tưới khi cần thiết.

- Chọn đất lúa không chủ động nước, hoặc đất một vụ lúa 1 vụ màu mà tổng thu nhập các cây lương thực quy ra thóc cả năm dưới 7 tấn/ha (với điều kiện bên dưới không có tầng glây hoặc đất sét nặng).

Loại đất này trồng mía đúng kỹ thuật có thể đạt năng suất 80-90 tấn/ha trở lên một cách ổn định, tổng thu nhập cao và lãi hơn nhiều so với trồng cây lương thực. Muốn trồng mía có hiệu quả cao trên loại đất này phải chú ý các vấn đề sau đây:

+ Phải xây dựng hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh, không được để đọng nước quá 24 giờ sau các trận mưa to;

+ Phải bón vôi hợp lý để cải tạo độ chua;

+ Phải phá tầng đế cày bằng cày không lật;

+ Những nơi có nguồn nước cần tranh thủ tưới trong các tháng hạn nặng.

- Chọn các loại đất đồi có màu đỏ, đất feralit phát triển trên đá mẹ bazan có độ dốc dưới 70 và có tầng dày trên 80cm. Loại đất này dù không có nguồn nước tới, nếu trồng mía thâm canh, đúng kỹ thuật vẫn có thể đạt năng suất trên 80 tấn/ha. Hiệu quả cao hơn trồng các cây khác. Khi trồng mía cần lưu ý:

+ Hàng mía phải vuông góc với hướng dốc để chống xói mòn;

+ Phải trồng sớm để mía giao tán trước mùa mưa.

- Các loại đất đồi khác, có độ dốc dưới 80 và tầng dày trên 80cm đều có thể đưa vào trồng mía.

Các loại đất này có thể chia làm 2 nhóm:

+ Nhóm có hàm lượng mùn và hàm lượng NPK vào loại trung bình hoặc khá, thì có thể đưa vào trồng mía ngay. Loại này tuy năng suất mía không cao nhưng cũng có thể phấn đấu trồng mía có lãi; năng suất trung bình từ 60 tấn/ha trở lên.

+ Nhóm nghèo mùn hoặc nghèo NPK. Nhóm này phải tiến hành cải tạo trước khi trồng mía. Khi trồng mía phải bón đủ phân hữu cơ và NPK theo sự hướng dẫn ở phần phân bón.

Đối với 2 nhóm đất này cần phải lưu ý:

Làm đất sâu 40 đến 50cm để bộ rễ có thể xuống đến độ sâu 50-60cm, tăng khả năng chống hạn trong các tháng thiếu mưa;

Cải tạo độ chua một cách hợp lý; Bón đủ lân và kali;

Áp dụng toàn bộ hệ thống biện pháp chống xói mòn, chống rửa trôi, biện pháp canh tác phòng chống hạn;

Dùng giống mía chịu hạn khỏe.

2. Chuẩn bị đất trồng mía

Thực hiện lúc nắng ráo, vừa đủ ẩm để đất được tơi xốp. Các lần cày bừa cần có khoảng cách đầy đủ để phơi đất diệt cỏ dại. Mục đích cơ bản của chuẩn bị đất:

- Cho phép nước thấm nhanh và giử độ ẩm tốt nhằm duy trì một lượng nước cần thiết trong quá trình mọc mầm, đẻ nhánh và làm lóng của cây mía. Nhất là ở những vùng đất cao thời gian khô hạn kéo dài.

- Đảm bảo một lượng không khí thích hợp và sự trao đổi nhanh không khí trong đất với khí quyển làm cho quá trình hô hấp của cây được bình thường.

- Tạo điều kiện cho bộ rễ của mía mọc sâu và lan rộng vào trong đất thuận lợi tăng khả năng hút nước và dinh dưỡng.

- Chống xói mòn rửa trôi đất

- Tạo thuận lợi cho các khâu công việc tiếp theo như chăm sóc, diệt trừ cỏ dại, tưới, thu hoạch, chăm sóc xử lý mía gốc sau này.

- Cung cấp điều kiện thuận lợi cho cây mía con phát triển bộ rễ, hấp thu tốt những dưỡng chất, giúp tăng năng suất và chất lượng của ruộng mía

Đất mạnh khỏe -> Mía phát triển tốt -> Năng suất cao

2.1. Vệ sinh đất trồng mía

- Phát bụi rậm, diệt sạch cây cỏ mọc hoang bằng cách làm cỏ hoặc phun thuốc diệt cỏ (Hình 3.1).

- Phải sử dụng đủ 400-500 lít nước sạch để pha thuốc diệt cỏ cho 1 ha.

Dọn vệ sinh đất trồng

Dọn vệ sinh đất trồng

2.2. Tiêu diệt mầm mống dịch hại trên đất trồng mía

Đất được xử lý với thuốc Basudin (hình 3.3), nồng độ theo khuyến cáo.

Thuốc Basudin

Thuốc Basudin

Hoặc bón vôi nông nghiệp. Liều lượng từ 1-2 tấn/ha vừa có tác dụng khử trùng vừa có tác dụng khử chua.

Vôi nông nghiệp (Vôi bột) và Bón vôi cho ruộng

Vôi nông nghiệp (Vôi bột) và Bón vôi cho ruộng

3. Làm đất để trồng mía

3.1. Xác định yêu cầu kỹ thuật của đất trồng mía:

Căn cứ vào quy trình kỹ thuật trồng mía của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về yêu cầu kỹ thuật làm đất như sau:

- Làm đất trồng phải kỹ, đảm bảo giử ẩm, sạch cỏ, bằng phẳng, tơi xốp.

- Đất phải cày 2 đến 3 lần. Hướng cày lần sau phải vuông góc với lần trước để tránh lỏi và đạt độ sâu cần thiết. Độ sâu cày máy từ 20 - 25cm; độ sâu cày trâu, bò từ 14 -15cm.

- Sau mỗi lần cày là một lần bừa. Tùy theo tình trạng của đất mà số lần bừa có thể tăng lên để đảm bảo: Loại đường kính viên dưới 3 cm chiếm 80 %, loại đường kính viên dưới 5 cm chiếm 20 %, không có đất to trên 5cm.

- Thời gian giữa các lần cày, bừa tùy thuộc vào tình hình thực tế của đồng ruộng và mùa vụ cụ thể mà xác định. Thông thường thời gian từ lúc bắt đầu chuẩn bị cày (cày vỡ) đến lúc trồng (đặt hom mía) khoảng 40 - 60 ngày.

3.2. Kỹ thuật làm đất của một số loại đất để trồng mía

a. Đất mới khai hoang:

- Đất trồng mới ở vùng cao (Đông Nam Bộ và một số nơi khác): Sau khi cây được chặt, cần đào gốc và nhặt hết những đá cục lớn còn trên ruộng. Dùng máy rà rễ có độ sâu đến 40 cm để dọn sạch gốc, rễ cây và đá cục lớn còn sót lại. Tiếp tục cày, bừa và san phẳng ruộng trước khi rạch hàng để đặt hom mía. Lưu ý: Với những đất có độ dốc cao, hàng mía phải vuông góc với hướng dốc để tránh xói mòn và rửa trôi đất.

Đất mới khai hoang

Đất mới khai hoang

- Vùng đất thấp (Tây Nam Bộ): Cần lên liếp cách mặt thủy cấp trên 50cm. Mỗi liếp rộng 6 - 7m, chiều dài Liếp Mương tùy theo độ dài của mảnh đất.

Lưu ý: Đất mới khai hoang sau khi lên liếp, không nên trồng mía ngay mà phải rửa phèn ít nhất là qua một mùa mưa, hoặc trồng cây họ đậu 1 - 2 vụ rồi trồng mía (Hình 3.5).

Trồng mía ở vùng đất thấp

Trồng mía ở vùng đất thấp

- Đất trước đó trồng cây trồng khác như là cây họ đậu hoặc cây lúa: Ở những loại đất này trước hết phải tiến hành thu gom tàn dư thực vật để xử lý hoặc cày vùi vào đất.

Lưu ý: Để các tàn dư thực vật phân hủy hoàn toàn mới tiến hành làm đất để trồng mía.

Cây họ đậu và Ruộng trồng lúa

Cây họ đậu và Ruộng trồng lúa

b. Đất phá gốc mía trồng lại:

- Phá gốc mía: Cày vuông góc với hàng mía hoặc cuốc để lấy hết tất cả các gốc mía.

- Để 3-4 tuần cho hả đất và các gốc cũ khô chết hoàn toàn rồi mới tiến hành làm đất để trồng mía (hình 3.8).

Phá gốc mía trồng lại

Phá gốc mía trồng lại

3.3. Cày đất

a. Cày sâu phá vỡ lớp đế cày:

- Sau khi diệt cỏ xong, cần thực hiện việc cày sâu để phá vỡ lớp đế cày (nên bỏ ra bìa lô các loại đá, sỏi để tránh hao mòn các nông cụ), làm tăng thêm độ sâu của tầng canh tác, giúp cho bộ rễ hấp thụ tốt các dưỡng chất và nước sẵn có trong đất. Nên áp dụng kỹ thuật cày sâu không lật thay thế việc cày 3 chảo, để có thể cày sâu hơn mà không đảo lật đất, và làm vỡ lớp đế cày, tăng thêm độ sâu của tầng canh tác.

Nếu không có máy công suất lớn và hệ thống cày không lật, thì có thể dùng cuốc hoặc leng (xẻng) cuốc sâu ở đáy rảnh đến khi đạt độ sâu cần thiết, tối thiểu phải phá cho được tầng đế cày. Ngoài khả năng chống hạn, làm đất sâu sẽ tăng khả năng cung cấp dinh dưỡng, nhất là các nguyên tố vi lượng cần thiết cho mía.

- Kinh nghiệm cho thấy ở những khu vực có cơ cấu đất bị dí chặt thì năng suất mía bị giảm một cách đáng kể.

So sánh hai phương pháp :

Cày lật đất (cày 3 chảo)

Cày không lật đất

- Độ sâu cày : 25-30 cm

- Mục đích: Đảo, lật đất

 

- Ảnh hưởng lâu dài: Có

ảnh hưởng xấu, vì đất nghèo chất hữu cơ, cày đảo lật nhiều lần,  chỉ  làm  tản  mác  những chất hữu cơ xuống độ sâu ít hữu dụng.

 

 

 

- Độ sâu: 35-50 cm ở đất khô.

- Mục đích: phá vỡ lớp đế cày, giúp bộ rễ ăn sâu và hấp thụ nước đầy đủ hơn

- Ảnh hưởng lâu dài:

+ Cải thiện lý tính đất, tăng sự thấm nước của đất để cung cấp cho bộ rễ.

+ Cải thiện sự thông thoáng của lớp đất sâu (phát triển hệ sinh vật có lợi trong đất).

+ Giúp bộ rễ phát triển tốt (rễ mía có thể ăn sâu 2-3 m trong đất)

+ Rễ hấp thụ tốt dưỡng chất, nước trong đất.

Cày lật đất (Cày 3 chảo) và Cày không lật đất

Cày lật đất (Cày 3 chảo) và Cày không lật đất

b. Cày vùi trộn những chất cải tạo đất:

Chôn vùi vôi và chất mùn (bằng thủ công hay cơ giới) nhằm:

- Cung cấp đều đặn chất Ca giúp cho đất dễ thấm và xốp hơn, đặc biệt là dạng đất dí chặt, đất thấp, giúp bộ rễ ăn sâu vào trong đất hơn.

- Cung cấp Canxi giúp tăng độ pH cho đất (vốn rất thấp trong phạm vi tỉnh Tây Ninh). Vôi nông nghiệp và bã vôi của nhà máy khi được vùi dưới đất trước lúc trồng mới sẽ giúp tăng dần độ pH của đất.

- Việc bón vôi sẽ giúp phân hủy chất hữu cơ nhanh hơn và với khả năng khử của vôi (phản ứng acid – kiềm) sẽ giúp đất trao đổi, cung cấp các chất dinh dưỡng có thể sử dụng được cho cây mía, hấp thu tốt phân bón.

Chất vôi (Ca), có trong các chất cải tạo đất, dưới dạng CaCO3, là một “thức ăn” rất cần thiết cho cây mía.

Việc bón vôi tạo ra 3 tác động trong đất:

+ Tác động cải tạo cơ cấu đất (lý tính)

Cung cấp đều đặn chất Ca giúp cho đất dễ thấm và xốp hơn, đặc biệt là dạng đất dẽ chặt ,đất thấp, giúp bộ rễ ăn sâu vào trong đất hơn.

+ Tác động đến độ chua của đất (hóa tính)

Với những đặc tính hóa học của Ca giúp tăng độ pH cho đất (vốn rất thấp trong phạm vi Tây Ninh ). Vôi nông nghiệp và bã vôi của nhà máy, một khi được vùi dưới đất trước lúc trồng mới sẽ giúp tăng dần độ pH của đất.

+ Tác động đến sự phân huỷ nhanh chóng của chất mùn (sinh học)

Việc bón vôi sẽ giúp phân huỷ chất hữu cơ nhanh hơn và với khả năng khử của vôi (phản ứng acid – kiềm) sẽ giúp đất trao đổi, cung cấp các chất dinh dưỡng có thể sử dụng được cho cây mía , hấp thu tốt phân bón hơn (Hình 3.11).

Máy băm lá mía

Máy băm lá mía

3.4. Bừa đất:

Công việc bừa đất rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng của việc lấp hom khi trồng, có đủ độ dày cần thiết với đất nhuyễn mịn, để việc nẩy mầm được mạnh mẽ và đồng nhất.

- Bừa dĩa nặng\

+ Độ sâu: 20-30 cm

+ Tác động: Trộn lẫn đất, làm tơi những cục đất lớn nhỏ, vùi những chất cải tạo vào trong đất, làm thông thoáng lớp đất trồng.

+ Nông cụ: Dàn bừa dĩa nặng nhiều cụm chảo răng khế.

+ Ảnh hưởng về lâu dài: Giữ cho đất giàu hữu cơ hơn so với sử dụng dàn cày 7 chảo.

Băm đất bằng bừa đĩa

Băm đất bằng bừa đĩa

- Bừa dĩa nhẹ còn gọi là dàn bừa nhuyễn.

+ Độ sâu: 5-15 cm

+ Tác động: Làm tơi đất, đánh nát vụn những cục đất trên mặt, khử số cỏ dại còn sót, san đất thêm bằng phẳng để chuẩn bị rạch hàng, đặt hom. Giúp cho việc lấp hom được tốt và mía nẩy mầm đều đặn.

Máy bừa dĩa nhẹ

Máy bừa dĩa nhẹ

+ Nông cụ: Dàn bừa dĩa nhẹ đằng trước có chảo răng khế và đằng sau là chảo tròn.

Nếu không có máy móc để bừa đất có thể làm đất nhỏ bằng thủ công với dụng cụ là cuốc, leng, cào hoặc sử dụng trâu bò làm sức kéo … Nhưng lưu ý, sau khi bừa xong mặt đất phải bằng phẳng hoặc trong cao ngoài thấp để thuận tiện cho việc thoát nước. Đáy rảnh phải xốp và mịn, không có cục to, để hom tiếp xúc với đất tốt, tăng tỷ lệ nảy mầm.

4. Phân hàng mía

- Đo chiều rộng giữa các hàng: Khoảng cách hàng trồng mía tùy thuộc vào điều kiện đất đai và chế độ canh tác ở mỗi vùng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh giữa mật độ cây với độ lớn của cây mía có mối tương quan nghịch chặt. Nghĩa là khi mật độ quá dày thì độ lớn của cây mía sẽ giảm đi và ngược lại.

- Giống đóng góp một vai trò rất quan trọng trong việc xác định khoảng cách giữa các hàng trồng. Một số giống đẻ nhánh nhanh thì khoảng cách giữa các hàng chóng phủ kín, một số giống khác cây đứng, phủ hàng chậm có thể trồng dày. Những nơi có dùng máy móc trong chăm sóc như máy cày, máy làm cỏ thì phải trồng thưa để khi sử dụng máy móc được thuận lợi.

Dưới đây là khoảng cách hàng ở một số vùng trồng mía:

+ Vùng mía ở các tỉnh phía Bắc:

Vùng đồng bằng: Khoảng cách hàng 1,2m.

Vùng mía đồi, trung du (chuẩn bị đất và chăm sóc bằng cơ giới): Khoảng cách hàng 1,3 - 1,4m.

+ Vùng mía Quảng Ngãi và các tỉnh miền Trung: Khoảng cách hàng 1,0 -1,2m (có nơi trồng dày hơn).

+ Vùng mía Đông Nam Bộ:

Canh tác thủ công: Khoảng cách hàng 1,0 -1,2m (cũng có nơi trồng dày hơn). Canh tác cơ giới: Khoảng cách hàng 1,3 -1,4m.

+ Vùng mía Tây Nam Bộ

Vùng mía lên liếp: Khoảng cách hàng 0,8 -1m.

Vùng mía không lên liếp: Khoảng cách hàng 1,0 -1,2m.

- Nếu rạch hàng thủ công thì nên cắm ranh giữa các hàng để khi đánh rãnh sẽ thẳng và đều, tiện cho quá trình trồng, chăm sóc cũng như thu hoạch.

Cắm cọc, căng dây để đánh rảnh thủ công

Cắm cọc, căng dây để đánh rảnh thủ công

5. Bón lót cho cây mía

Bón lót toàn bộ phân nền hữu cơ (10 – 20 tấn phân chuồng/ha), phân lân (330 – 440 kg supe lân/ha) trước khi trồng mía.

Phân hữu cơ được rải đều trên mặt ruộng trước lần bừa cuối cùng, sau đó rạch hàng rải hom trồng. Còn phân lân thông thường là bón sâu lấp kín và chỉ bón lót một lần vào rãnh mía khi đặt hom trồng mới.

Bón lót trước khi trồng mía

Bón lót trước khi trồng mía

3.6. Xử lý đất trước khi trồng:

Đất được xử lý với thuốc Basudin (nồng độ theo khuyến cáo) trước khi đặt hom 1 – 2 ngày.

Nguồn: Giáo trình cây mía đường - Bộ NN&PTNT
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status