Cây mận

Tên tiếng anh/Tên khoa học: Damson

1. Nguồn gốc, phân loại

- Tên tiếng anh: Damson

- Tên khoa học: Prunus salicina

- Loài: P. Salicina

- Chi: Prunus

- Họ: Rosaceae

2. Giá trị của cây mận

2.1. Giá trị dinh dưỡng

- Mận chứa 82 % nước, 8-10 % đường bột, 1,5 % axit, Vitamin A, chất khoáng như Fe, Ca, P, Mg, K, Mn... có 0,6 %.

- Đối với những giống mận ngon, trong một 100g thịt quả có: 3,9g Gruxit, 0,6g Protit, 1,3g Axit, 2,8mg Canxi, 20mg P, 3mg Vitamin C, 0,1mg Caroten, đồng thời còn có các vitamin B1, B2 và PP.

2.2. Giá trị kinh tế

- Mặc dù khâu chế biến, tiêu thụ đối với cây ăn quả trong đó có cây mận, chưa có những giải pháp cơ bản song cây mận đã được coi là cây xóa đói giảm nghèo, giúp cho nhiều gia đình nông dân tăng thu nhập một cách đáng kể. Trồng cây mận trong vườn mang lại kinh tế khá cao so với các loại cây khác như: Cam, chuối, hồng xiêm…Trên cùng một đơn vị diện tích như nhau nếu trồng cây mận sẽ thu được giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây lúa.

- Ví dụ: Vùng mận Tam Hoa (Bắc Hà-Lào Cai), một cây mận ở thời kỳ cao sản có thể cho thu hoạch tới 250 kg quả, sản lượng này quy ra tiền mặt có thể tương đương với 2 - 3 sào lúa nước có năng suất trung bình.

- Hoa mận nhiều, có phấn nên mận là nguồn mật cho nghề nuôi ong phát triển có chất lượng cao.

- Ngoài ra, cây mận có bộ khung tán lớn, tán xòe rộng, lá xum xuê vào mùa mưa có thể giúp phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải thiện môi sinh, tăng độ che phủ đất và giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục vạn lao động ở các vùng trung du miền núi.

2.3. Giá trị y học

- Cây mận còn được sử dụng trong đông y để chữa các bệnh táo bón, nhuận tràng, mày đay, thiếu máu, bệnh lị, đái đường…

- Cây mận dân gian còn gọi là lí tử, lí thực, gia khánh tử... Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, vỏ rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

- Quả mận vị chua ngọt, tính bình, có công dụng thanh can điều nhiệt, sinh tân lợi thuỷ, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như hư lao cốt chưng, âm hư nội nhiệt, mũi khô họng khát, tiêu khát, tiểu tiện bất lợi.

- Rễ mận vị đắng, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt giải độc, chuyên trị chứng tiêu khát (đái đường), lị tật (bệnh kiết lị), đau răng, nhọt độc...

-  Vỏ rễ có vị đắng, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt hạ khí, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như tiêu khát tâm phiền, đau răng...

- Lá mận vị chua, tính bình, chuyên trị trẻ em sốt cao, co giật, thuỷ thũng, vết thương do sang chấn.

- Nhân hạt mận vị ngọt đắng, tính bình, có công dụng tán ứ, lợi thuỷ, nhuận tràng, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như tổn thương bầm tím, ho khạc đờm nhiều, bụng đầy chướng, táo bón...

- Nhựa mận vị đắng, tính lạnh, có công dụng tiêu thũng, giảm đau, chuyên chữa chứng mục ế (mắt mờ có màng) và mày đay.

 



 

 

DMCA.com Protection Status