Bệnh héo rũ cây lạc do nấm
1. Triệu chứng
1.1 Héo rũ gốc mốc đen
Ở cổ rễ, gốc, thân ngầm sát mặt đất, vết bệnh có màu nâu, biểu bì và vỏ vỡ nứt, thối mục. Cành lá héo cong, màu lá xanh vàng, mất sắc bóng.
Trên cổ rễ, gốc thân bị thâm đen mục nát bao phủ một lớp mốc đen. Khi nhổ cây bệnh lên rất dễ bị đứt gốc. Loại héo rũ này do nấm Aspergillus niger và Easiodiplodia theobromae gây ra là chủ yếu.
1.2 Héo rũ gốc mốc trắng (Sclerotium rolfsii Sacc.)
Cây bệnh héo rũ, xanh hoặc hơi vàng. Cổ rễ gốc và đoạn thân bị bệnh có vết màu nâu, thối mục khô xác, nhổ cây dễ bị đứt gốc, trên gốc thân cây bệnh mọc lớp nấm trắng đâm tia lan rộng ra mặt đất, hình thành nhiều hạch nấm hình tròn như hạt cải màu trắng, - về sau có màu nâu hạt chè. Theo Lê Lương Tề (1967 - 1973) khảo sát thấy ở Bắc bộ và Nghệ An do nấm Sclerotium rolfsii Sacc gây ra.
Ngoài ra hiện tượng héo rũ thối gốc lở cổ rễ trên đồng ruộng với nhiều màu sắc khó phân biệt còn có thể do nấm Rhizoctonia, đôi lúc còn gặp cả bệnh do nấm Macrophomina, Fusarium oxysporum hại ở gốc.
Hình ảnh: Bệnh héo rũ cây lạc do nấm
2. Nguyên nhân gây bệnh
Loại héo rũ gốc mốc đen do Aspergillus niger Van Tiegh có sợi nấm đa bào sinh sản vô tính bằng cành bào tử phân sinh không màu, ở đỉnh cành phình to hình cầu màu xám, trên đó mọc ra nhiều cuống nhỏ đâm tia (thể bình), màu nâu, sinh ra từng chuỗi bào tử phân sinh đơn bào, hình hơi tròn.
Loại héo rũ gốc mốc trắng do nấm Sclerotium rolfsii Sacc, có sợi nấm trắng, hạch non màu trắng, hạch già màu nâu, tương đối tròn đồng đều, đường kính 1 - 2 mm.
Nấm Sclerotium rolfsii là loại nấm đa thực, phạm vi ký chủ rất rộng, phá hại trên nhiều loài cây khác nhau như thuốc lá, khoai tây, cà chua, đậu đỗ, đay.
Tất cả các vi sinh vật gây bệnh nói trên phần lớn có nguồn bệnh tồn tại trong đất, tàn dư cây bệnh và trong phân rác. Một số loại nấm như Aspergillus, Sclerotium, acrophomina còn tồn tại ở củ và hạt lạc. Chúng có thể sản sinh các độc tố Aflatoxin ( Aspergillus) và axit oxalic (Sclerotium) gây hại cây và gây độc cho thực phẩm.
Sợi nấm Sclerotium trực tiếp xâm nhập qua biểu bì, qua vết thương mà phát triển thành đám sợi trắng ở cổ rễ, gốc thân làm mô bệnh thối mục, cây khô chết. Nấm phá hại tia củ lạc trong đất làm tóp thối củ, hạt mốc, mất sức nảy mầm hoặc khi gieo mầm mọc yếu, cây sẽ bị bệnh. Trên đồng ruộng những loại nấm nói trên đều nhờ nước tưới, mưa gió mà truyền lan.
3. Đặc điểm phát sinh phát triển
Bệnh phát sinh phát triển trong điều kiện nhiệt độ tương đối cao, ẩm ướt, cây sinh tưởng kém. Trên đất trồng độc canh, đất cát thổ bệnh tương đối nặng hơn. Riêng loại héo rũ gốc mốc đen, mốc trắng còn phát triển mạnh trên đất có nhiều chất hữu cơ, tàn dư cây chưa hoai mục.
Bệnh xuất hiện trong suốt quá trình sinh trưởng của cây nhưng ở mỗi giai đoạn sinh trưởng mức độ bệnh có khác nhau, các loại bệnh héo rũ phá hại cũng khác nhau.
Ở giai đoạn cây con phân cành phần lớn bị héo rũ gốc mốc đen và lở cổ rễ, nhưng đến giai đoạn chớm hoa, củ non bị bệnh héo rũ nặng hơn nhiều, phần lớn là do héo rũ gốc mốc trắng, nhất là đối với lạc xuân và lạc vụ thu (kể cả bệnh gây hại trên một số cây trồng ác như khoai tây, cà chua vụ thu đông và vụ xuân muộn ở đồng bằng Bắc Bộ và miền Trung (Thanh Hoá, Nghệ An).
4. Biện pháp phòng trừ
Trên đồng ruộng các loại héo rũ do nấm thường xuất hiện xen kẽ nhau cho nên biện pháp phòng trừ chung cho bệnh héo rũ cần tiến hành như sau:
- Luân canh: luân canh lạc với lúa, mía và các loại cây trồng khác để hạn chế nguồn bệnh ở đất và cải tạo đất. Thời gian luân canh 2 năm.
- Bón phân hợp lý: cần bón NPK đầy đủ cân đối để cây lạc sinh trưởng, tăng cường sức chống bệnh, đặc biệt ở vùng đất bạc màu cần bón nhiều vôi, dùng phân chuồng hoai mục để bón hoặc trộn với chế phẩm sinh học Trichoderma.
- Để phòng trừ chung các loại vi sinh vật gây bệnh ở hạt giống cần chọn lọc hạt tốt, xử lý khô bằng TMTD 2 kg/tấn hạt, hoặc dùng Bayfidan 10 - 15 gam/1 tạ hạt giống.
- Một số thuốc có thể phun vào gốc cây để chống bệnh héo rũ lạc do nấm như: Sumi-eight 12,5WP (0,02-0,03%); Topsin M - 70WP (0,4-0,6 kg/ha); dithane M45 80WP (1-2 kg/ha); Tilt super 300ND -0,2% (0,3 lít/ha).
- Cẩn nhổ bỏ cây bệnh khi mới chớm phát sinh, rắc vôi bột vào gốc trên mặt luống, hoặc tưới nước vôi loãng 4% vào gốc để hạn chế các loại nấm gây bệnh. Tuy nhiên biện pháp này ít tác dụng nếu nguồn bệnh trên đồng ruộng đã tích luỹ nhiều và có mưa nhiều.
- Bệnh gỉ sắt trên cây sâm ngọc linh: Nguyên nhân, triệu chứng và giải pháp phòng ngừa (Puccinia)
- Bệnh gỉ sắt hại cây cà phê (Hemileia vastatrix Berk et Br)
- Bệnh rỉ sắt trên cây rau má (Puccinia parasitica)
- Bệnh đốm vòng hại hành lá (Alternaria porri)
- Biện pháp phòng trừ bệnh sương mai cho cây khoai môn
- Quản lý bệnh nứt thân xì mủ trên cây sầu riêng