Cây Quế

Ngoài công dụng là gia vị, quế còn được biết đến như một loại dược liệu tự nhiên có mùi thơm, tính ấm và có tính dược cao.
Tên tiếng anh/Tên khoa học: Cinnamo

Tên khác: Quế, Quế đơn, Quế Trung Quốc, Quế Thanh, Ngọc thụ, Nhụ Quế, Mạy quẻ (Tày), Kía (Dao), ...

Họ Long não: Lauraceae

1. Cây quế có nguồn gốc từ đâu?

- Cây quế là một trong những loại gia vị cổ nhất, được biết đến khoảng 2000 năm trước công nguyên. Người Trung Quốc là người phát hiện và sử dụng đầu tiên trên thế giới. Sau đó, được đưa sang Châu Âu theo con đường tơ lụa. Thời gian đó quế được xem là một dược liệu hữu ích và được sử dụng chủ yếu trong việc chế biến thuốc cũng như được dùng trong một số nghi thức tôn giáo.

Cánh rừng quế

- Trên thế giới: Quế được trồng ở nhiều nơi như Miền Nam Trung Quốc, Lào, Myanmar. Đã được gây trồng tại Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka, Nam Mỹ, miền Nam Hoa Kỹ và Hawaii…

- Ở Việt Nam: Phân bố khắp các vùng trên cả nước như Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tây, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó có bốn vùng trồng quế tập trung là Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa – Nghệ An và Quảng Nam – Quảng Ngãi.

2. Đặc điểm thực vật học của cây quế

- Cây quế là loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cây trưởng thành có thể cao trên 15 m, đường kính có thể đạt đến 40 cm.

- Hệ rễ: Phát triển mạnh, rễ cọc cắm sâu vào lòng đất, rễ dàng lan rộng, đan chéo nhau vì vậy cây quế có khả năng sinh sống tốt trên các vùng đồi núi dốc.

- Hệ thân: Quế có tán lá hình trứng, thường xanh quanh năm, thân cây tròn đều, vỏ ngoài màu xám, hơi nứt rạn theo chiều dọc.

Đặc điểm thực vật học của cây quế

- Hệ lá: Quế có lá đơn mọc cách hay gần đối, lá có 3 gân gốc kéo dài đến tận đầu lá và nổi rõ ở mặt dưới của lá, các gân bên gần như song song, mặt trên của lá xanh bóng, mặt dưới lá xanh đậm, lá trưởng thành dài khoảng 18 – 20 cm, rộng khoảng 6 – 8 cm, cuống lá dài khoảng 1 cm.

Lá cây quế

- Hoa quế: Mọc ở nách lá đầu cành, hoa tự chùm, nhỏ chỉ bằng nửa hạt gạo, vươn lên phía trên của lá, màu trắng hay phớt vàng.

- Quả quế: Khi chưa chín có màu xanh, chín chuyển sang màu tím than, quả mọng trong chứa một hạt, quả dài 1 - 1,2 cm, hạt hình bầu dục.

- Hạt quế: Hình bầu dục, trong hạt có dầu, 1 kg hạt quế có khoảng 2500 – 3000 hạt.

Hoa, quả cây quế

- Trong các bộ phận của cây quế như vỏ, lá, hoa, gỗ, rễ đều có chứa tinh dầu, đặc biệt trong vỏ có hàm lượng tinh dầu cao nhất, có khi đạt đến 4 – 5%.

3. Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh của cây quế

- Cây quế là cây ưa khí hậu nhiệt đới ẩm, mưa nhiều, nắng nhiều.

- Nước: Cây quế thường mọc tự nhiên những vùng có lượng mưa từ 2000 – 4000 mm/năm. Lượng mưa thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển là từ 2000 – 3000 mm/năm. Lượng mưa hàng năm ở các địa phương trồng cây quế thông thường khoảng 1600 – 2500 mm; độ ẩm không khí trên 85%.

- Nhiệt độ: Là cây thích hợp với khí hậu nóng ẩm. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng, phát triển tốt là 20 – 30oC. Tuy nhiên cây quế vẫn có khả năng chịu lạnh (tới 0oC  - 1oC) hoặc chịu nhiệt độ cao tối đa từ 37 – 38oC. Các vùng trồng quế ở nước ta có nhiệt độ bình quân hàng năm từ 20 – 29oC.

Rừng quế ở Yên Bái

- Đất: Cây quế có thể mọc được trên nhiều loại đất có nguồn gốc đá mẹ khác nhau (sa thạch, phiến thạch,…), đất ẩm nhiều mùn, tơi xốp, đất đỏ, vàng, đất cát pha, đất đồi núi, đất chua (PH 4 – 6), đất nghèo dinh dưỡng nhưng thoát nước tốt (trừ đất đá vôi, đất cát, đất ngập úng). Để cây quế sinh trưởng phát triển tốt nên trồng những nơi còn tính chất đất rừng, đất có tầng trung bình đến dày, đất rừng mới phục hồi sau nương rẫy, rừng còn cây bụi mọc rải rác. Những vùng đồi núi trọc, đất xấu, đất thoái hóa, đất đã mất tầng thảm mục, tầng mùn bị rửa trôi, nghèo dinh dưỡng, mất tính chất đất rừng thì không thích hợp với cây quế.

- Ánh sáng: Là cây gỗ ưa sáng, nhưng ở giai đoạn còn non cây cần được che bóng. Khi trưởng thành 3 – 4 tuổi cây cần được chiếu sáng đầy đủ. Ánh sáng càng nhiều, cây sinh trưởng càng nhanh và chất lượng tinh dầu càng cao.

- Độ cao: Quế thường được trồng ở những nơi có độ cao so với mực nước biển như miền Bắc: 200 m; miền Trung 500 m; miền Nam 800 m. Cây quế trồng những vùng cao có xu hướng thấp lùn, chậm lớn nhưng vỏ dày và có nhiều dầu, xuống thấp cây quế thường dễ bị sâu bệnh, vỏ mỏng và ít dầu trong vỏ, vòng đời cũng ngắn hơn.

 

Xem thêm < 4-CPA-NA 98% Hạn chế rụng trái non, tăng năng suất >

4. Đặc điểm sinh trưởng phát triển của cây Quế

- Cây quế là loài cây có khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh, nhanh.

- Cây có thể mọc trên nhiều loại đất khác nhau. Giai đoạn từ 1 đến 5 tuổi cây thích bóng râm cần cây che bóng, khi trưởng thành cây cần chiếu sáng đầy đủ. Ánh sáng càng nhiều, cây sinh trưởng càng nhanh và chất lượng tinh dầu càng cao.

Khu nhân giống cây quế

- Cây quế trồng từ hạt đến giai đoạn 3 – 5 năm tuổi có thể đạt chiều cao trung bình 2,2 m (tối đa 2,7 m). Cây 9 năm tuổi có chiều cao trung bình 6,9 – 7,0 m, với đường kính trung bình 20 – 21 cm. Cây quế có khả năng tái sinh chồi từ gốc khá mạnh. Trong sản xuất, sau khi chặt cây thu vỏ, từ gốc sẽ sinh nhiều chồi non. Có thể để lại một chồi và tiếp tục chăm sóc để sau này lại cho thu hoạch vỏ.

- Mùa hoa tháng 4 – 8, mùa quả tháng 10 – 12 hoặc tháng 1 – 2 năm sau.

5. Một số giống cây quế phổ biến hiện nay

- Trên thế giới phổ biến hai loại chính: Quế Trung Quốc (Cinnamomum cassia BL) và quế Srilanca (Cinnamomum zeylacium).

- Ở Việt Nam ngoài hai loại quế trên còn có một số giống quế khác như quế Thanh (Cinamomum loureiri ness) thường được trồng ở Nghĩa Lộ, Yên Bái… Vậy ở nước ta có khoảng 10 loại giống quế nhưng đa phần đều lá quế quý.

Cây quế cổ thụ hơn 200 tuổi tại Tiền Giang

* Đặc điểm một số giống quế phố biến hiện nay

Giống quế Ciamomum cassia BL: Còn gọi là quế đơn thân, cao từ 12 – 17 m, lá quế dài, sáng bóng và nhẵn ở mặt trên, có một lớp lông mịn ở dưới lá. Gân lá nhỏ, mọc ngang song song. Hoa mọc thành chùm, quả hình bầu dục. Loại quế này thường được trồng ở các tỉnh Quảng Ninh, Yên Bái và Quảng Nam. Sản phẩm chủ yếu làm gia vị và thực phẩm. Được đánh giá là loại quế tốt nhất, quế đặc sản, giá thành cao, thường để làm dược liệu và làm thuốc bổ. Tuy nhiên giống quế này chất lượng thay đổi theo từng vùng trồng. Nếu trồng ở Yên Bái thì có mùi cay dịu còn trồng ở Quảng Ninh hay Quảng Nam thì có mùi cay đậm. Năng suất cây quế trồng ở Yên Bái khi 10 năm tuổi có đường kính đạt từ 15 – 20 cm cho thu hoạch từ 15 – 30 kg vỏ tươi (tương đương 8 – 15 kg vỏ khô), 0,3 – 0,5 m3 gỗ và 30 kg lá có thể chưng cất được 0,21 kg tinh dầu.

Giống quế Ciamomum cassia BL

- Giống quế Srilanca: Có thân cây cao khoảng 20 - 25 m, cành non vuông, có lông ngắn, rải rác. Lá quế mọc đối, dài và có hình bầu dục, nhẵn bóng, hơi nhọn ở gốc. Hoa mọc thành chùm, quả mọc hình bầu dục. Loại quế này thích ứng rộng nên được trồng ở các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Vũng Tàu và Tây Ninh. Giống quế Srilanca không được thị trường ưa chuộng vì đây là loại quế thân nhỏ, hàm lượng tinh dầu ít và kém năng xuất.

Quế Srilanca

- Giống quế Thanh: Cây thường cao từ 12 –­ 20 m. Lá cây hình bầu dục, thuôn dài ở hai đầu, mọc đối mũi nhọn ba gân rõ. Hoa quế hợp thành chùm, quả hình tròn, khi non có màu lục, khi chín có màu nâu tím và sáng bóng. Đây là loại quế có giá trị dược liệu rất cao và để bồi bổ sức khỏe. Năng suất quế Thanh: Cây quế 15 - 20 tuổi thì sẽ có đường kính từ 20 - 30 cm, cho 30 - 50 kg vỏ tươi (15 - 20 kg vỏ khô), 0,3 - 0,5 m3 gỗ và 50 kg lá chưng cất được 0,28 - 0,35 kg tinh dầu.

Cây quế thanh

- Ngoài các giống quế trên, nước ta còn có một số loại quế khác mọc tự nhiên ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình… như quế Nâu hay quế Đỏ (Cinamomum tetregomum Chev), quế Rãnh (Cinamomum caryophyllus Moore), quế Lớn (Cinamomum iners Reinw)… các loại quế này thường sống lâu năm và mọc sâu trong rừng rậm.

6. Bộ phận sử dụng và thành phần hóa học

- Bộ phận sử dụng gồm: Vỏ thân, vỏ cành. Đây được gọi là nhục quế.

- Thành phần hóa học: Hàm lượng tinh dầu trong vỏ quế khá cao (1,0 – 4,0%), còn trong lá và cành non thường thấp (0,3 – 0,8%). Tinh dầu từ vỏ có màu vàng nâu nhạt, sánh, vị cay, thơm, ngọt, nóng, nặng hơn nước; Với thành phần chính là (E) – cinnamaldehyd (70 – 95%); Ngoài ra còn khoảng 100 hợp chất khác. Tinh dầu từ lá quế thường có màu nâu đậm và thành phần chủ yếu là (E) – cinnamaldehyd (60 – 90%). Hàm lượng (E) – cinnamaldehyd quyết định chất lượng của tinh dầu quế. Tinh dầu quế thương phẩm trên thị trường thế giới đòi hỏi hàm lượng (E) – cinnamaldehyd 70 – 95% (ISO: >80% (E) – cinnamaldehyd). Ngoài tinh dầu, trong vỏ quế còn chứa tannin, chất nựa, đường, calci oxalat, coumarin và chất nhầy…

Xem thêm < Phân bón NPK Humax rong biển >

7. Giá trị kinh tế và y học của cây quế

7.1 Giá trị kinh tế từ cây quế

- Các sản phẩm từ cây quế như tinh dầu quế, vỏ quế hay bột quế đang được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm, trong y học cũng như trong đời sống thường nhật hàng ngày của con người. Những giá trị sử dụng đa dạng đã thúc đẩy người tiêu dùng và đang đem lại giá trị kinh tế rất lớn cho người trồng, người chế biến.

- Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, cây quế đang là nguồi kinh tế lớn, chủ đạo, gắn liền với đời sống của người dân tộc như Dao, Thái, H’Mông của tỉnh Yên Bái, Thái, Mường của tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Cà tu, Cà toong của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thanh Y, Thanh Phán của tỉnh Quảng Ninh.

Vùng nguyên liệu quế xuất khẩu

- Đánh giá về tính phù hợp các chuyên gia cho rằng: Những vùng đồi núi của nước ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp với cây quế nên cần phát triển tổ chức sản xuất thành nguồn hàng lớn, ổn định lâu dài và hướng tới mục tiêu xuất khẩu để thu về lợi ích kinh tế tương xứng.

7.2 Giá trị sử dụng trong y học của cây quế

- Dược tính của cây quế đều được đánh giá rất cao. Tinh dầu quế là thuốc tự nhiên có công dụng kích thích khả năng tuần hoàn hô hấp, tăng nhu động ruột, hỗ trợ tiêu hóa, bài tiết, làm thư giãn mạch, tăng miễn dịch, kháng histamin và kháng khuẩn mạnh mẻ.

Tinh dầu quế

- Được xem là một trong bốn vị thuốc hàng đầu cho sức khỏe. Quế có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh vừa có khả năng bồi bổ sức khỏe hiệu quả. Quế được dùng làm thuốc trị các bệnh như đau bụng, tiêu hóa kém, hôn mệ, mạch chậm nhỏ, đau lưng, mỏi gối, ho hen…

- Ngoài ra, hàng loạt nghiên cứu y học hiện đại đã chứng minh quế có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như: Giảm lượng nồng độ glucose trong máu và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, hỗ trợ hệ tim mạch, hệ tiêu hóa, tăng cường trí nhớ và năng lực nhận thức, hỗ trợ điều trị đau răng, hỗ trợ trị chứng đau đầu và đau nửa đầu…

Quế quan (Cannelier de Ceylan)

Nguồn: Admin tổng hợp - NO
DMCA.com Protection Status