Cây hoài sơn
Tên gọi khác: Củ mài, sơn dược
Tên khoa học: Dioscorea persimilis
1. Phân bố và nguồn gốc
Cây hoài sơn phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc Đông và Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây được trồng phổ biến ở các vùng trung du và miền núi từ Bắc vào Nam.
2. Đặc điểm thực vật học
Thân cây: Cây dây leo, thân nhẵn, hơi có cạnh và viền cạnh có màu đỏ.
Lá: Hình tim, đầu lá nhọn, phiến lá dài từ 8-10 cm, rộng 6-8 cm, cuống dài từ 1,5-3,5 cm. Lá có 7-9 gân nổi rõ và đặc trưng của họ củ nâu. Mặt trên của lá màu xanh đậm, mặt dưới nhạt hơn, bề mặt lá mịn hoặc hơi nhám.
Hoa: Hoa mọc thành từng chùm, hoa nhỏ, màu vàng lục nhạt, hoa đực và hoa cái khác gốc, cụm hoa đực dài 40 cm, cụm hoa cái cong dài 20 cm, bao hoa có 6 phiến dài bằng nhau, có 6 nhị.
Củ: Củ hình thành từ chùm rễ tia củ, hình trụ và có khía ở phía dưới, chiều dài củ 30 - 50 cm.
3. Thành phần hóa học
Rễ củ của cây hoài sơn (củ mài) chứa các thành phần dinh dưỡng quan trọng:
Tinh bột: Là thành phần chính trong củ mài.
Musin: Protein thể nhờ, hỗ trợ tiêu hóa.
Axit amin: Nhiều loại axit amin quan trọng có tác dụng dinh dưỡng.
Colin: Hỗ trợ hệ thần kinh.
Vitamin C và men oxy hóa: Tăng cường khả năng kháng oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi sự tổn thương.
4. Công dụng của cây hoài sơn
4.1. Theo y học cổ truyền
Tính chất: Tính bình, vị ngọt, quy vào các kinh tỳ, vị, phế và thận.
Công dụng: Bổ dưỡng, hỗ trợ tiêu hóa, chữa tiêu chảy, ho, hóa khái, tiểu đường, di tinh, phế hư ho hen, mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
4.2. Theo y học hiện đại
Hỗ trợ tiêu hóa: Cây hoài sơn giúp tăng cường chức năng tiêu hóa và bổ sung dưỡng chất cho cơ thể.
Kiểm soát tiểu đường: Cây có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường nhờ vào khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu.
Tăng tuần hoàn, giảm suy nhược cơ thể: Các thành phần trong củ mài giúp tăng cường tuần hoàn máu và giảm cảm giác mệt mỏi, suy nhược.
5. Thu hoạch và sơ chế
Thu hoạch: Hoài sơn thu hoạch vào tháng 11 - 12 trong năm, khi cây tàn lụi tiến hành thu hoạch, cắt bỏ phần thân lá và đào lấy rễ củ
Sơ chế: Đào lấy củ già rửa sạch gọt vỏ ngâm nước phèn chua để loại bỏ chất nhớt (10g phèn chua/1 lít nước) trong khoảng 2 - 4 giờ, vớt ra rửa sạch, cho vào lò sấy lưu huỳnh đến khi củ mềm, tiếp tục sấy lưu huỳnh 20 giờ. Phơi hoặc sấy ở nhiệt độ 50 độ C đến 60 độ C đến khi độ ẩm không quá 12%.
6. Tiêu chuẩn dược liệu
Mô tả: Rễ củ phình to có nhiều hình dạng, thường có hình trụ thẳng hay cong, dài từ 5cm trở lên, đường kính 1 - 3cm có thể 10cm. Mặt ngoài màu vàng nâu, nhẵn, chất chắc, vết bẻ có nhiều tinh bột màu trắng ngà, không có xơ.
Dược liệu phải có độ ẩm không quá 12%; tạp chất lạ không quá 0,5%, tro toàn phần không quá 2,0% và dược liệu không được có màu vàng đỏ.