Vụ việc Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón “made in USA”: Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo xem xét
Vụ việc Công ty Thuận Phong (Đồng Nai) có dấu hiệu sản xuất phân bón giả đã được Báo Quân đội nhân dân phản ánh liên tục trong 10 số báo đăng vào tháng 12-2015. Ngày 15-4-2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, kiến nghị xử phạt hành chính công ty này.
Tuy nhiên, tháng 6-2016, nhiều bộ, ngành đã phản đối quyết định không khởi tố vụ án, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo họp liên ngành xem xét lại sự việc. Ngày 12-11-2016, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chủ trì hội nghị kết luận về sự việc. Báo Quân đội nhân dân tiếp tục phản ánh nội dung xung quanh kết luận của Phó thủ tướng.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, vấn về phân bón giả đã làm dư luận bức xúc, báo, đài kiến nghị kéo dài, Quốc hội cũng yêu cầu phải xử lý nghiêm
Phải hủy bỏ xử phạt hành chính nếu khởi tố
Ngày 30-11-2016, làm việc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Đình Được, Phó chánh thanh tra Bộ Quốc phòng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng, cho biết: Ngày 12-11-2016 vừa qua, cuộc họp liên ngành dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình để kết luận sự việc được tiến hành. Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Tại cuộc họp lần này, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã đồng ý với ý kiến của 4 bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Quốc phòng tại các văn bản trước cuộc họp và ý kiến tại cuộc họp về việc Công ty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón. Ngày 16-11-2016, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có văn bản kết luận về sự việc.
Thiết bị sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong rất thô sơ, nhếch nhác.
Ảnh do Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cung cấp
Theo kết quả cuộc họp, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, vấn về phân bón giả đã làm dư luận bức xúc, báo, đài kiến nghị kéo dài, Quốc hội cũng yêu cầu phải xử lý nghiêm. Thủ tướng giao cho Phó thủ tướng chỉ đạo giải quyết, xử lý nghiêm túc.
Phó thủ tướng khẳng định, đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan làm rõ những vấn đề như trong phân bón thì hiểu thế nào là chất chính, thế nào là phân bón giả. Nhiều bộ, ngành đã khẳng định đây là hàng giả. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra căn cứ ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng tại các văn bản đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và ý kiến tại cuộc họp để xử lý những vi phạm của Công ty Thuận Phong trong sản xuất, buôn bán phân bón theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công an kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, Bộ Tư pháp phối hợp cùng Ban Chỉ đạo 389 chỉ đạo kiểm tra hồ sơ giám định, trong đó có cả tài liệu ban đầu để “truy cho ra tận gốc”, đồng thời làm rõ có hay không tội kinh doanh trái phép và trốn thuế. Vấn đề có hay không việc kinh doanh cả thuốc trừ sâu, nhập khẩu một số loại phân bón chưa được phép cũng phải làm rõ. Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nêu rõ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cần phối hợp với Bộ Công an rà soát, kiểm tra, nếu khởi tố hình sự vụ án thì hủy quyết định xử phạt hành chính để phục hồi điều tra. Nếu không khởi tố thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vụ việc tuy phức tạp nhưng phải làm quyết liệt, rốt ráo.
Đại diện các bộ, ngành nói gì?
“Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định quan điểm phải khởi tố hình sự vụ án, vì sai phạm đã quá rõ. Nhiều văn bản của các bộ, ngành đã chỉ rõ vi phạm sản xuất hàng giả như thế nào nhưng họp mãi mà chưa giải quyết dứt điểm. Càng họp càng thấy bức xúc, càng thấy mờ nhạt, mất dần vai trò Ban Chỉ đạo 389. Nay, nếu sự việc vẫn chưa được làm rõ thì nên chuyển sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để kiểm sát, nếu cần chuyển sang Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để giám sát”-Thiếu tướng Nguyễn Đình Được kiến nghị.
Tem nhãn sản phẩm phân bón bị cho là giả mạo về nội dung so với tem nhãn gốc.
Ảnh do Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cung cấp
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc bức xúc nói rõ quan điểm của bộ đã nhiều lần khẳng định bằng văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, việc Công ty Thuận Phong có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân khác, ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa; chai phân bón 1 lít của Công ty Thuận Phong đã giả mạo bao bì, giả mạo nơi sản xuất, đóng gói, là hàng giả. “Nếu kết luận không phải hàng giả thì dư luận thế giới sẽ phản ứng, sẽ là “quả bom” chấn động dư luận, sẽ là căn cứ để người ta không tuân thủ bất kỳ một luật chơi nào của thế giới. Không có luật nào sản phẩm sản xuất ở Mỹ về Việt Nam đóng chai lại ghi “made in USA”. Hàng giả thì làm một cái cũng là giả, đây lại là số lượng lớn”-ông Phạm Công Tạc khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tiếp tục tái khẳng định quan điểm của Bộ Tư pháp tại Công văn số 1706/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 26-5-2016 gửi Văn phòng Chính phủ cho ý kiến về sự việc. Có nhiều căn cứ chứng minh Công ty Thuận Phong không chỉ vi phạm hành chính mà đủ căn cứ vi phạm sản xuất hàng giả, thể hiện cả ở vấn đề chất chính và tổng lượng dinh dưỡng đều vi phạm. Không chỉ có một điều kiện mà rất nhiều điều kiện vi phạm. Bộ Tư pháp từng kiến nghị, cần tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ số lượng phân bón sản xuất trong nước của Công ty Thuận Phong và hậu quả của việc sử dụng số lượng phân bón này. Nếu thuộc trường hợp “hàng giả có số lượng lớn” hoặc “gây hậu quả nghiêm trọng” thì có thể xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự. Theo kết quả điều tra, riêng 7 sản phẩm phân bón dạng nước thương hiệu Huma Gro trị giá hơn 800 triệu đồng. Đây là hành vi sản xuất hàng giả, thuộc trường hợp “số lượng lớn”, có dấu hiệu cấu thành tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi” quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự. Hành vi sang chiết từ bồn nhựa có dung tích 1.000 lít vào loại chai 1 lít, đóng chai, nhãn chính bằng tiếng Anh, tem nhãn phụ tiếng Việt tại địa điểm chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là hành vi kinh doanh không đúng đối với nội dung đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thuộc trường hợp hàng phạm pháp có giá trị lớn (100 triệu đồng trở lên), có dấu hiệu cấu thành tội phạm kinh doanh trái phép theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Làm việc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cũng là người được mời dự hội nghị cho biết: Hội nghị đã rất nghiêm túc, thảo luận rất kỹ, bàn đi bàn lại rất nhiều và nhận thấy việc làm phân bón giả là không phải bàn cãi, đã rất rõ rồi. Phó thủ tướng cũng nhắc đi nhắc lại đây là cuộc họp cuối cùng để xử lý sự việc đã kéo dài hơn một năm qua, không thể để lặp đi lặp lại mãi được. Làm phân bón giả thì phải truy cứu hình sự. Chứ làm phân bón giả mà xử phạt hành chính thì không ai sợ cả, chỉ phạt hành chính thì không có nghĩa lý gì. Vụ việc này có bao nhiêu bộ kiểm soát mà không xử lý được thì còn biết bao nhiêu vụ sản xuất phân bón giả ở địa phương bị che giấu. Vụ việc này cần phải được trừng trị nghiêm khắc để làm gương, góp phần lập lại thị trường phân bón Việt Nam vốn đã “bát nháo” nhiều năm qua.
Công Minh
-
Xử phạt trên 60 tỷ đồng cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra 4.542 vụ, phát hiện, xử lý 1.434 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính các cở sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng... số tiền...
-
An Giang: Bắt một cơ sở sản xuất phân bón giả quy mô lớn
Chiều 28.11, Văn phòng Công an An Giang xác nhận về việc bắt cơ sở sản xuất phân bón giả quy mô lớn vào ngày 27.22 tại Tp Long Xuyên, thu giữ...
-
Phía sau phân bón kém chất lượng
Sản phẩm phân bón chưa được 10kg nhưng mua với giá 2,7 triệu đồng, sau khi bón có những nọc trở thành tiêu điên nhưng chưa rõ nguyên nhân do đâu...
-
Hiệp hội Phân bón Việt Nam quanh năm suốt tháng chỉ đi thu tiền phí...
Đó là ý kiến bức xúc của Cử tri Đặng Hữu Xuân tại buổi tiếp xúc Cử tri của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh...
-
Bán giống lúa giả trục lợi người nông dân
Lúa thương phẩm (lúa ăn) chỉ có giá 5.000 đồng/kg, khi được "phù phép" thành lúa giống, các cơ sở, thương lái bán lại cho nông dân với giá cao gấp 3-4 lần...
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau