Vẫn nan giải nạn phân bón kém chất lượng
Thực tế cho thấy, địa bàn Tây Nguyên là mảnh đất màu mỡ để phân bón kém chất lượng, trôi nổi xâm nhập. Bởi lượng phân bón tiêu thụ ở khu vực này lên đến hàng trăm ngàn tấn mỗi năm. Mặc dù các lực lượng chức năng đã không ngừng kiểm tra, kiểm soát, nhưng tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn hoành hành và diễn biến phức tạp.
Đơn cử, chỉ trong tháng 7/2016, Đoàn liên ngành số 30 của tỉnh Đăk Lăk đã phát hiện 2 vụ vận chuyển phân bón lậu, kém chất lượng, tịch thu gần 24 tấn phân và xử phạt hành chính gần 300 triệu đồng.
Trong số đó, có xe ôtô tải đầu kéo BKS 78C 045.39 vận chuyển 13,75 tấn phân bón NPK 16-16-8-13S+TE do Công ty TNHH MTV Minh Tân nhập lậu từ Philippines, có khối lượng hơn 13 tấn, xử phạt vi phạm hành chính 180 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số hàng trên. Hay như, xe ôtô tải mang BKS 82C 029.19 vận chuyển 26,7 tấn phân bón NPK của CTCP Phân bón Miền Nam sản xuất, trong đó có 10 tấn đã hết hạn sử dụng.
Qua đấu tranh, phát hiện công ty TNHH Khánh Hiền (tỉnh Gia Lai) kinh doanh số phân bón quá hạn sử dụng này và đang trên đường vận chuyển về tiêu thụ tại Đăk Lăk. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính DN này 100 triệu đồng, đồng thời tịch thu số hàng trên để tiêu hủy theo quy định.
Phân bón kém chất lượng (ảnh minh họa)
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk, hiện địa phương này có khoảng 1.100 cửa hàng, đại lý, hộ kinh doanh phân bón. Trong đó, có trên 250 đại lý kinh doanh lớn. Những vi phạm trong kinh doanh phân bón trên địa bàn thường rơi vào các lỗi như không chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, hóa đơn, chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn chất lượng phân bón…
Điều đáng nói, vì chạy theo lợi nhuận, nhiều đại lý phân phối cố tình cung ứng phân bón ra thị trường không bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng đúng theo quy định. Một số đại lý còn nhập hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng về bán lại để trục lợi, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trên thực tế, mỗi năm cơ quan chức năng các địa phương khu vực Tây Nguyên phát hiện và tịch thu hàng hàng trăm tấn phân bón giả, kém chất lượng, xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng. Song các đối tượng kinh doanh gian lận vẫn không ngừng tìm mọi cách để cung ứng mặt hàng này ra thị trường…
Theo cơ quan chức năng của các địa phương này, trong các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này trên diện rộng, hầu như đợt nào cũng phát hiện vi phạm. Lượng lớn mặt hàng này được vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Trung như Bình Định, Phú Yên đến Tây Nguyên tiêu thụ.
Thông thường, phân bón kém chất lượng ít khi được bày bán mà được cất giấu kỹ, chủ hàng không trực tiếp giao dịch tại địa điểm kinh doanh mà chỉ liên lạc qua điện thoại, khi có khách hàng mua là vận chuyển tới tận nơi giao hàng.
Do phân bón kém chất lượng được làm tinh vi từ khâu sản xuất đến lưu thông, tiêu thụ, do đó ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng, bản thân người tiêu dùng khi chọn mua phân bón nên chú ý xem kỹ nhãn mác, nơi sản xuất, hàm lượng dinh dưỡng ghi trên bao bì và nên chọn mua ở các đại lý đáng tin tưởng. Người mua chú ý phải lấy hóa đơn, chứng từ mua hàng để có cơ sở khiếu kiện sau này nếu phát hiện DN bán phân bón kém chất lượng.
-
Tây Nguyên: Tiêu chết có phải do phân bón – Nông dân điêu đứng (kỳ 1)
Thời gian gần đây, nhiều vườn tiêu các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông đã bị thiệt hại nặng. Nhiều nhà vườn bị mất trắng, một số vườn còn cầm cự chờ giải pháp...
-
Đăk Lăk: Phân bón kém chất lượng vẫn tràn lan
Mặc dù các lực lượng chức năng đã không ngừng kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn “tuồn” ra thị trường và diễn biến phức tạp.
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau