Trồng cây quế mang lại giá trị kinh tế cao

1.Giá trị kinh tế của cây quế

- Quế là loài cây đa tác dụng. Vỏ và quả Quế dùng làm thuốc, lá và vỏ khô cho tinh dầu và làm gia vị, gỗ dùng trong xây dựng và làm đồ dùng gia đình.

- Đây là loài cây cho hiệu quả kinh tế cao và được trồng ở nhiều nơi. Theo tài liệu thống kê cho thấy: Nếu 1ha Quế sau chu kỳ 15 - 20 năm thu được 1,5 - 2 tấn vỏ trị giá 15 - 20 triệu đồng tương ứng với 10 tấn thóc. Để thu được 10 tấn thóc phải canh tác trên 10ha lúa nương (sản lượng lúa nương 1tấn/ha/năm) hoặc 20 ha sắn hoặc ngô.

- Tuy nhiên trồng cây trên đất dốc không tiến hành liên tục trong 10 năm được vì sau 3 - 5 năm lại bỏ hoang rồi mới trở lại canh tác. Như sau trong 10 năm 1ha lúa nương chỉ canh tác được 3 - 5 năm và cho sản lượng 3 - 5 tấn thóc. Ngoài ra trồng cây lương thực trên đất dốc liên tục còn làm tăng xói mòn đất, giảm độ phì đất, trong khi đó rừng Quế thuần loài ở 5 - 6 tuổi đã khép tán, dưới tán rừng Quế cây bụi thảm tươi phát triển, đất được bảo vệ và lượng lá rơi rụng có tác dụng cải tạo đất.

- Trong những năm 2000 - 2001 tại Yên Bái trồng Quế với mật độ ban đầu là 3300 cây/ha.

- Chi phí cho 4 năm đầu là 7 - 8 triệu đồng/ha - Lợi nhuận bình quân : 20 - 22 triệu đồng/ha. Xác định hiệu quả trồng Quế tại Na Mèo, Thanh Hóa cho thấy: Sau 15 năm lợi nhuận thu được từ 1ha quế là > 21 triệu đồng. Như vậy trồng Quế ở các địa phương đều mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trồng cây quế mang lại giá trị kinh tế cao

Trồng cây quế mang lại giá trị kinh tế cao

2. Công dụng của quế

2.1. Trong y học

- Theo nghiên cứu của hội hóa học Hoa Kỳ “Mùi hương của tinh dầu Quế giúp cải thiện trí tuệ con người”. Khi ngửi mùi hương này giúp nâng cao sức tập trung, ghi nhớ và xử lý các hình ảnh nhanh và chính xác khi đang làm việc với máy tính.

- Có tác dụng kích thích tuần hoàn máu, hô hấp tăng lên, kích thích tăng bài tiết, tăng cường co bóp tử cung, tăng nhu động ruột.

- Tinh dầu quế dùng để xoa bóp vùng đau bầm tím do chấn thương, đánh gió khi cảm.

- Tinh dầu quế có tác dụng làm ấm toàn thân, khử mùi hôi, trừ cảm cúm, cảm lạnh, tiêu chảy, có tác dụng kích dục, giảm buồn phiền, chống đau cơ.

- Quế được coi là một trong bốn vị thuốc rất có giá trị (Sâm, Nhung, Quế, Phụ). Nhục quế có vị ngọt cay, tính nóng, thông huyệt mạch làm mạnh tim, tăng sức nóng, chữa các chứng trúng hàn, hôn mê mạch chạy chậm, nhỏ, yếu (trụy mạch, huyết áp hạ) và dịch tả nguy cấp.

- Tinh dầu quế có tính sát trùng mạnh làm ức chế nhiều loại vi khuẩn đặc biệt là vi khuẩn tả. Ở các nước Châu Âu quế được sử dụng là thuốc chữa các bệnh đau bụng tiêu chảy, sốt rét, ho và một số bệnh khác.

2.2. Trong công nghiệp, thực phẩm.

- Quế được sử dụng một khối lượng lớn để làm gia vị vì quế có vị thơm, cay và ngọt có thể khử bớt được mùi tanh, gây của cá, thịt, làm cho các món ăn hấp dẫn hơn, kích thích được tiêu hoá.

- Quế còn được sử dụng trong các loại bánh kẹo, rượu: như bánh quế, kẹo quế, rượu quế được sản xuất và bán rất rộng rãi. Bột quế còn được nghiên cứu thử nghiệm trong thức ăn gia súc để làm tăng chất lượng thịt các loại gia súc, gia cầm.

- Quế được sử dụng làm hương vị, bột quế được trộn với các vật liệu khác để làm hương khi đốt lên có mùi thơm được sử dụng nhiều trong các lễ hội, đền chùa, thờ cúng trong nhiều nước châu á nhất là các nước có đạo phật, đạo Khổng Tử, đạo Hồi.

- Gần đây nhiều địa phương còn sử dụng gỗ quế, vỏ quế để làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như bộ khay, ấm, chén bằng vỏ quế, đĩa quế, đế lót dầy có quế.

- Một số dân tộc Châu Á dùng quả chín và nụ hoa quế lấy hương thơm làm bánh và ướp chè hay thay nước hoa. 

- Ở Ấn Độ, Quế được sử dụng rộng rãi như một thứ gia vị chủ yếu để chế thức ăn.

- Gỗ Quế được dùng làm đồ gia dụng và ván ép. Người Dao ở miền Bắc và một số dân tộc ở huyện Trà My (Quảng Nam) và Trà Bồng (Quảng Ngãi).

Nguồn: Giáo trình Mô - đun 02: Trồng cây quế, hồi, sả lấy tinh dầu (Bộ NN và PTNT)
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status