TP.HCM: Thiếu rác để sản xuất điện và phân bón

Từ năm 2013, Sở TNMT TP.HCM phối hợp với UBND quận 1 tổ chức thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn cho khoảng 100 hộ dân tại phường Bến Nghé, quận 1. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa TP.HCM và thành phố Osaka (Nhật Bản) về bảo vệ môi trường tại TP.HCM.

Tạo vòng tuần hoàn của rác

Theo Sở TNMT, mỗi ngày TP.HCM phát sinh khoảng 7.500 tấn rác, 75% lượng rác này đang được xử lý theo công nghệ chôn lấp tại bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM), gây ra nhiều sự cố môi trường. Để giảm thiểu lượng rác chôn lấp, giảm sức ép lên môi trường, giảm khí thải nhà kính… UBND thành phố đã đồng ý cho một công ty của Nhật Bản hợp tác với Công ty Môi trường đô thị thành phố thử nghiệm mô hình nhà máy xử lý chất thải hữu cơ, tái sinh năng lượng phát điện và làm phân bón.

Mô hình thử nghiệm được đặt tại bãi chôn lấp Phước Hiệp, huyện Củ Chi với nhà máy có công suất 200 kg/ngày, sử dụng chất thải thực phẩm được lấy từ chương trình phân loại chất thải rắn tại phường Bến Nghé.

 Xử lý chôn lấp rác tại bãi rác Đa Phước, TP.HCM. Ảnh: T.L

  Xử lý chôn lấp rác tại bãi rác Đa Phước, TP.HCM. Ảnh: T.L

Theo đại diện Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản), mục đích của chương trình là xây dựng vòng tuần hoàn xử lý rác, bắt đầu từ các hộ dân phân loại rác (rác hữu cơ và thành phần còn lại). Sau đó, rác hữu cơ đi qua công đoạn lên men khí mê tan nhằm tái tạo năng lượng phát điện, chất cặn bị loại sau khi xử lý sẽ được tái tạo làm phân bón.

Khu phố 1, phường Bến Nghé được chọn là mô hình thí điểm thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn. 86 hộ gia đình tại đây được phát 2 thùng rác để chứa chất thải thực phẩm (hữu cơ) và chất thải vô cơ... Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Diễm Thúy - Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TNMT TP.HCM) cho biết qua quá trình thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn cho thấy người dân vẫn chưa chủ động phân loại theo hướng dẫn. “Nguyên nhân do người dân chưa thấy được lợi ích khi tham gia chương trình, hễ tuyên truyền thường xuyên thì làm tốt, ngừng tuyên truyền thì làm không tốt. Ngay cả hệ thống thu gom rác dân lập cũng chưa nhiệt tình tham gia cũng vì chưa thấy được lợi ích” - bà Thúy nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TNMT TP.HCM, tuy chương trình đang trong giai đoạn thí điểm nhưng nếu thành công và triển khai rộng trên toàn thành phố thì có nhiều kết quả tích cực. Trong đó, rác được phân loại sẽ giảm được lượng chôn cất, giảm sức ép lên môi trường, giảm khí thải nhà kính… Ngoài ra, còn tái tạo năng lượng điện và phân bón.

Thiếu rác để thử nghiệm


Trước khi hợp tác với TP.Osaka của Nhật Bản, TP.HCM đã triển khai thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn cho   6 quận: 1, 3, 5, 6, 12, Bình Thạnh. Dù UBND thành phố quyết liệt chỉ đạo, Sở TNMT cùng các quận tích cực tổ chức triển khai chương trình, tổ chức tuyên truyền đến từng người dân biết về chương trình, tổ chức hệ thống thu gom riêng chất thải của chương trình... nhưng kết quả thực tế vẫn còn thấp. 


Đó là than phiền của các đại diện phía Nhật Bản tại hội nghị tổng kết chương trình thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn ở TP.HCM do Sở TNMT TP.HCM tổ chức sáng 14.3. Theo các chuyên gia Nhật, lượng rác hữu cơ hiện chuyển về nhà máy Phước Hiệp chỉ khoảng 70kg/ngày không đủ để thí nghiệm công nghệ tái tạo năng lượng điện. “Để có kết quả thực tiễn đanh giá chương trình thí điểm thì nhà máy cần khoảng 200kg rác/ngày” - một chuyên gia Nhật nêu ý kiến. Cũng theo chuyên gia này, nếu xử lý được 100 tấn rác/ngày thì mỗi năm sẽ tạo được 6,5 triệu kWh điện.

Ông Nguyễn Minh Hoàng - Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP.HCM cho biết, lượng rác hữu cơ (chủ yếu là rác thực phẩm)  của thành phố mỗi ngày có hàng ngàn tấn. Nhưng đang do nhiều đường dây thu gom, trong đó có việc người dân tận dụng để nuôi lợn, vì vậy lượng rác mang về nhà máy thí nghiệm rất thiếu hụt, muốn nhà máy có thêm nhiều rác thì Sở TNMT phải thiết kế lại việc thu gom hỗ trợ nhà máy đủ lượng rác để hoàn thành chương trình thí nghiệm.

Riêng về chất cặn sau xử lý dùng tái tạo phân bón đang được Phòng Nghiên cứu khoa học đất (thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) trồng thí nghiệm trên cây cải. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Tám- Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học đất, mức độ an toàn thì đạt nhưng hàm lượng dinh dưỡng trong loại phân bón này rất ít thành phần, thua xa phân bón truyền thống hiện nay. Ngoài ra, giá thành và chi phí vận chuyển cũng cao hơn phân bón truyền thống, chưa phù hợp với túi tiền nông dân.

Hồ Văn

Nguồn: danviet.vn
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status