Vinachem lỗ nặng vì bị 4 công ty phân bón "thổi bay" hơn 3.000 tỷ lợi nhuận

Từ vị thế là một tập đoàn kinh tế hàng đầu với lợi nhuận mỗi năm lên đến vài nghìn tỷ đồng, Vinachem bất ngờ báo lỗ 627 tỷ đồng trong năm 2016.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Vinachem cần phải có những giải pháp quyết liệt và triệt để nhằm xử lý dứt điểm đối với 4 đơn vị đang làm ăn thua lỗ, làm ảnh hưởng lớn đến 20 đơn vị đang làm ăn có hiệu quả.

Phó Thủ tướng lưu ý, Vinachem là một trong những tập đoàn kinh tế nhà nước trong việc sản xuất và cung ứng các mặt hàng về hóa chất nên phải thể hiện được vị thế của mình.

4 cục nợ của Vinachem (Hình minh họa)

4 cục nợ của Vinachem (Hình minh họa)

4 cục nợ của Vinachem

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là một trong những tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước, vốn có phong độ tốt và sở hữu rất nhiều doanh nghiệp lớn, làm ăn có hiệu quả như Phân bón Lâm Thao (LAS), phân bón Bình Điền (BFC), Cao su Đà Nẵng (DRC), Casumina (CSM)…

Tuy nhiên, Tập đoàn này đang phải gánh 4 doanh nghiệp thua lỗ, vẫn được nhiều người gọi là 4 “cục nợ”. Đó là bộ tứ ngành phân bón bao gồm DAP-Vinachem, DAP Lào Cai, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình được nữa.

Từ Quý 2/2015, Đạm Hà Bắc và DAP Lào Cai đã lỗ kế hoạch do dự án mới đi vào hoạt động nhưng lợi nhuận hợp nhất năm 2015 của Vinachem vẫn đạt 1.467 tỷ đồng.

Đến năm 2016, lợi nhuận từ một loạt doanh nghiệp làm ăn tốt đã không thể bù nổi cho những khoản lỗ quá lớn từ bộ tứ ngành phân bón được nữa. Theo đó, Đạm Ninh Bình lỗ 457 tỷ đồng, DAP số 2-Vinachem (DAP Lào Cai) lỗ 281 tỷ đồng và DAP - Vinachem (DAP Đình Vũ) lỗ 212 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016. Con số lỗ của Đạm Hà Bắc chưa được công bố nhưng doanh nghiệp này đã đặt mục tiêu lỗ 488 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Phân hóa và Hóa chất Lâm Thao - từng là công ty lãi nhất ngành phân bón của Vinachem - cũng chứng kiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm 2/3 so với cùng kỳ, chỉ còn 61 tỷ đồng.

Tập đoàn hóa chất Việt Nam đặt kế hoạch lỗ 806 tỷ đồng trong năm 2016. Nhưng thật may mắn, báo cáo kết quả chung tại hội nghị, Tổng Giám đốc Vinachem Nguyễn Gia Tường cho biết, năm 2016 so với năm 2015, doanh thu của Tập đoàn đạt 41.931 tỷ đồng, giảm 8,4% nhưng Lợi nhuận hợp nhất “chỉ lỗ” 627 tỷ đồng, trong đó lãi phát sinh 2.745 tỷ đồng, lỗ phát sinh 3.372 tỷ đồng. Con số lỗ 627 tỷ đồng như vậy đã thấp hơn con số 806 tỷ trong kế hoạch.

Ông Tường cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ của bộ tứ ngành phân bón là giá bán phân bón giảm mạnh, đặc biệt phân u rê và DAP do ảnh hưởng từ giá dầu giảm.

Bước sang năm 2017, Vinachem đặt mục tiêu doanh thu đạt 43.567 tỷ đồng, tăng 3,9%; lợi nhuận 155 tỷ đồng.

Chính sách thuế có là cứu cánh?

Cũng tại Hội nghị trên, Vinachem đề nghị Bộ Tài chính sớm báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất từ 0-5% theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đây cũng là kiến nghị mà Bộ Công tương đã đề đạt lên Thủ tướng.

Từ ngày 01/1/2015 Bộ Tài chính đã phân loại mặt hàng phân bón từ danh mục chịu thuế Giá trị gia tăng (VAT) tăng 5% sang danh mục không chịu VAT (Luật thuế 71 sửa đổi). Quy định này khiến các doanh nghiệp phân bón không còn được khấu trừ thuế đầu vào và tác động xấu đến lợi nhuận.

Kỳ vọng sẽ có chính sách hỗ trợ trong tương lai khiến các cổ phiếu ngành phân bón tăng trưởng tích cực trong những phiên giao dịch vừa qua. Tuy nhiên, theo CTCK SSI, nếu sửa luật thì sẽ phải lấy ý kiến của các Bộ ngành liên quan, đối với trường hợp thuế suất đối với phân bón sẽ lấy ý kiến từ Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tư Pháp. Về cách thức sửa luật, Quốc hội có thể ban hành luật sửa đổi bổ sung hoặc ban hành luật mới thay thế và sẽ mất khoảng thời gian rất dài.

Bên cạnh đó, khoản lỗ lớn của Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc không chỉ bởi nguyên nhân do giá phân bón giảm mà còn vì những khoản chi phí khấu hao rất lớn khi xây dựng nhà máy vào đúng thời kỳ thoái trào của ngành.

Chính vì thế, hành trình của Vinachem có lẽ còn rất gian nan.

Hà Phương

Nguồn: Trí thức trẻ
Xem thêm chủ đề: phân bón, thua lỗ, vinachem
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status