Sương mai dưa chuột
Bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở CuBa vào năm1868. Sau đó phát hiện thấy ở Bắc Mỹ và đến nay phổ biến hầu như khắp các nước trên thế giới.
1. Triệu chứng
+ Bệnh hại các bộ phận lá, thân cành, thậm trí cả quả nhưng hại lá là chủ yếu.
+ Trên lá vết bệnh lúc đầu chỉ là những chấm nhỏ không màu hoặc màu xanh nhạt sau đó chuyển sang màu xanh vàng đến nâu nhạt, hình tròn, đa giác hoặc hình bất định. Vết bệnh thường nằm rải rác trên lá hoặc nằm dọc các gân lá, vết bệnh có góc cạnh không định hình. Mặt dưới lá chỗ vết bệnh thường hình thành một lớp nấm mốc màu trắng xám đó là các cành và bào tử phân sinh của nấm gây bệnh. Bệnh nặng, nhiều vết hợp lại thành vết lớn, gây rách nứt các mô tế bào bị bệnh, thậm chí làm lá biến dạng, cây phát triển yếu và chết.
2. Nguyên nhân gây bệnh
+ Nấm gây bệnh Pseudoperonospora cubensis (Berkley et Curtis) Rostovzew thuộc bộ Nấm Peronosporales, lớp Oomycetes.
+ Sợi nấm hình ống, đơn bào, phân nhánh, nằm len lỏi giữa các tế bào hình thành vòi hút để hút các chất dinh dưỡng và tạo các cành bào tử phân sinh chui qua lỗ khí ra ngoài. Cành bào tử phân sinh dạng hình cành cây, phân nhánh kép không đều đặn, đơn bào, không màu. Đỉnh nhánh nhọn, uốn cong hình cánh cung. Bào tử phân sinh hình bầu dục hoặc hình trứng, đơn bào, không màu, vỏ mỏng với một núm nhỏ ở trên đỉnh. Khi rơi vào giọt nước bào tử phân sinh nảy mầm và xâm nhập qua lỗ khí vào trong gian bào của mô cây ký chủ.
+ Giai đoạn hữu tính nấm hình thành bào tử trứng hình cầu, màu vàng, màng dày chứa nhiều chất dinh dưỡng dự trữ, tồn tại ở trên lá và tàn dư cây bệnh. Ngoài ra sợi nấm trên tàn dư thân, lá bệnh là nguồn bệnh tồn tại lâu dài cho các vụ sau. Nấm này có nhiều dạng chuyên hoá khác nhau đối với từng loài ký chủ (bầu bí, dưa bở, dưa hấu, dưa chuột, v.v… và các loại cây thuộc họ bầu bí).
3. Đặc điểm phát sinh phát triển
Sự phát triển của bệnh rất thuận lợi khi có điều kiện ẩm độ cao (mưa phùn, mưa nhỏ, gió, sương) và nhiệt độ tương đối thấp thích hợp. Trong điều kiện có giọt nước hoặc ẩm độ bão hoà 100% ở nhiệt độ 180C thời kỳ tiềm dục của bệnh chỉ trong 5 giờ.
4. Biện pháp phòng trừ
Biện pháp có hiệu quả để phòng trừ bệnh này là tiêu diệt tàn dư thân, lá bệnh, làm tốt vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch. Chọn giống tốt, lấy giống từ những ruộng không bệnh. Xử lý hạt giống bằng thuốc hoá học.
Tiến hành phun thuốc kịp thời ngay sau khi bệnh xuất hiện với một trong những loại thuốc sau: Daconil W-75 (0,18-0,2%); Aliette 80WP (0,3%); Score 250ND (0,3-0,5l/ha).
- Bệnh gỉ sắt trên cây sâm ngọc linh: Nguyên nhân, triệu chứng và giải pháp phòng ngừa (Puccinia)
- Bệnh gỉ sắt hại cây cà phê (Hemileia vastatrix Berk et Br)
- Bệnh rỉ sắt trên cây rau má (Puccinia parasitica)
- Bệnh đốm vòng hại hành lá (Alternaria porri)
- Biện pháp phòng trừ bệnh sương mai cho cây khoai môn
- Quản lý bệnh nứt thân xì mủ trên cây sầu riêng