Sổ tay phòng trừ sâu, bệnh hại cây ăn quả có múi

1. Bọ trĩ hại cây ăn quả có múi (Thripidae)

bọ trĩ hại cây có múi

a, Đặc điểm nhận dạng bọ trĩ hại cây có múi (Thripidae)

Trưởng thành: Có kích thước rất nhỏ, dài khoảng 1,1mm, trưởng thành cái có kích thước lớn hơn trưởng thành đực cơ thể có màu vàng nhạt đến màu vàng đậm, phần bụng đậm hơn phần đầu và ngực. Mắt kép màu nâu đen, cánh hẹp thon dài, hai bên rìa cánh có nhiều sợi lông nhỏ dài.

Trứng: Hình bầu dục, mới đẻ có màu trắng trong, sau chuyển thành trắng ngà, sắp nở màu trắng đục được đẻ trong mô của cánh hoa, mô lá, trứng đẻ rải rác.

Ấu trùng: Râu có 7 đốt, không cánh.

Nhộng: Có màu vàng sậm, mắt kép và mắt nhỏ có màu đỏ, mầm cánh xuất hiện, râu đầu ngắn.

b, Tập tính sinh sống và gây hại của bọ trĩ hại cây có múi (Thripidae)

- Sống trên các bộ phận như cánh hoa, đài hoa, nụ hoa, cuống hoa, lá non, quả non. Bọ sống và gây hại chủ yếu trên hoa quả non. Trưởng thành ít bay, hoạt động mạnh vào buổi sáng và chiều mát.

- Cả trưởng thành và ấu trùng bọ trĩ màu vàng đều cắm vòi hút dinh dưỡng từ hoa, quả non. Nếu bị nặng hoa sẽ bị táp, nhanh tàn, cánh hoa rụng sớm, giảm tỷ lệ đậu quả.

- Trên lá non, bọ trĩ làm lá bị biến màu, cong queo.

- Trên trái, bọ trĩ tạo ra những mảng xám hoặc những phần lồi màu bạc trên vỏ trái.

c, Biện pháp phòng, trừ bọ trĩ hại cây có múi Thripidae

* Biện pháp thủ công:

-  Tỉa cành tạo tán thông thoáng tránh ẩm độ cao.

-  Thu nhặt những trái bị hại đem tiêu hủy.

-   Phun nước lên cây.

* Biện pháp sinh học:

Bảo vệ và lợi dụng thiên địch tự nhiên

* Biện pháp hóa học:

Phun diệt bọ trĩ bằng dầu khoáng hoặc các loại thuốc như: Abamectin, Sagolex, Bassan, Trebon, Confidor, Cypermethrin khi cây bắt đầu ra nụ nếu bọ trĩ có mật độ cao và sau khi hoa rụng 15 ngày.

2. Bọ xít xanh (Rhynchocoris humeralis) hại cây có múi

bọ xit xanh hại cây có múi

a, Đặc điểm nhận dạng bọ xít xanh (Rhynchocoris humeralis) hại cây có múi

Trưởng thành: Có hình ngũ giác màu xanh lá cây, bóng và dài khoảng 21-23mm, có hai gai nhọn ở phía trước hai bên ngực, hai bên mép bụng có rìa hình răng cưa, vòi chích hút dài đến cuối bụng.

Trứng: Hình tròn, đường kính 1mm, lúc mới đẻ có màu trắng trong, xanh lam, sau đó chuyển sang màu trắng đục, sắp nở có màu nâu sẫm hơn mặt trứng có nhiều chấm lõm

b, Tập tính sinh sống và gây hại bọ xít xanh (Rhynchocoris humeralis) hại cây có múi

- Bọ xít xanh thường hoạt động vào lúc sáng sớm hay chiều mát, khi trời nắng gắt chúng ẩn dưới tán lá.

- Ấu trùng (bọ xít non) khi mới nở dài khoảng 2-3 mm, thường sống tập trung xung quanh ổ trứng, sau đó phân tán dần để chích hút dịch trái. Cơ thể của ấu trùng có hình bầu dục, màu nâu vàng hoặc xanh lục, trên lưng có nhiều đốm màu đỏ, đen, xung quanh mặt lưng có một hàng chấm đen xếp theo hình bầu dục.

- Cả con trưởng thành và con ấu trùng, đều dùng vòi để chích hút dịch trái từ khi trái còn rất nhỏ. Chỗ vết chích có một chấm nhỏ và một quầng màu nâu. Nếu trái còn nhỏ đã bị bọ chích hút nhiều thì trái sẽ vàng, chai và rụng sớm. Nếu trái đã lớn mới bị bọ gây hại thì trái dễ bị thối rồi rụng. Một con có thể chích hút gây hại nhiều trái.

c, Biện pháp phòng, trừ bọ xít xanh (Rhynchocoris humeralis) hại cây có múi

*  Biện pháp canh tác:

Không nên trồng cam quýt quá dầy mà trồng đúng mật độ khuyến cáo của từng giống, thường xuyên cắt tỉa cành tạo tán, cắt bỏ cành bị sâu bệnh, cành vượt ... để vườn cây luôn thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ của bọ xít.

* Biện pháp sinh học:

Thu thập và nhử nuôi kiến vàng trong vườn cam quýt để kiến tiêu diệt bọ xít, nhất là bọ xít non.

  • Biện pháp thủ công: Dùng vợt tay để bắt bọ xít vào lúc sáng sớm hay chiều mát.

Thường xuyên kiểm tra quả và những lá gần quả để phát hiện và thu gom ổ trứng của chúng đem tiêu hủy.

  • Biện pháp hóa học: Nếu vườn cam quýt rộng, bọ xít nhiều không thể bắt bằng vợt tay, có thể sử dụng một trong những loại thuốc như: Bascide 50EC, Hoppercin 50EC, Cyper 25EC, Dầu khoáng SK, Enspray 99EC, Vibasa 50EC, Sherpa 0,2%… để phun xịt
Nguồn: Sổ tay hướng dẫn phòng trừ sâu, bệnh hại cây ăn quả có múi
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status