Lâm Đồng: Dân khổ với phân bón kém chất lượng
Nhiều nông dân hai xã Lộc Bảo và Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm đang khổ sở vì vườn cà phê, chè có dấu hiệu chết dần, chết mòn vì nghi bón phải phân kém chất lượng mua từ các đại lý bán phân ngay tại địa bàn.
Vườn cây cà phê 6.000 m2 của ông Hùng cho thu hoạch 2,5 tấn nhân/năm gần như rụng hết lá, loe hoe vài cành nhánh do nghi bón phải phân bón kém chất lượng. Ảnh: C.Thành
Năng suất giảm mạnh do phân bón kém chất lượng
Vừa thu hoạch mùa vụ cuối năm xong, thay vì vui mừng cà phê năm nay được giá thì ông Tôn Thất Hùng (55 tuổi, ngụ thôn 1, xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm) lại rầu “thúi ruột” khi dẫn chúng tôi đi thăm vườn nhà. Trong khi nhiều vườn cà phê khoảng 6 năm tuổi xung quanh đó tươi tốt, thu hoạch từ 3 tới 4 tấn nhân/ha, riêng vườn nhà ông sản lượng giảm chỉ còn khoảng 8 tạ, trong khi mọi năm ông thu 2,5 tấn/năm. Ông Hùng bần thần kể, tháng 5 và tháng 6/2016, gia đình có mua 800 kg phân NPK Phú Mỹ từ đại lý phân bón Thúy Tèo tại xã Lộc Bảo. Lần đầu đem phân về ông bón khoảng 4 tạ cho diện tích 6.000 m2 cà phê (tương đương 6 sào), nhưng mới hai tuần cây đã có biểu hiện lá hơi ngả màu vàng. Sợ mình bón phân còn ít, ông tiếp tục bón thêm 4 tạ nữa thì cây cà phê chi chít trái bắt đầu ngả vàng, lá rụng và trái teo khô lại từng ngày.
“Chứng kiến vườn cà phê trái rụng khắp vườn, nghi ngờ phân kém chất lượng tôi ra đại lý Thúy Tèo yêu cầu chủ đại lý là ông Nguyễn Hiền Hòa vào xem vườn nhưng họ thoái thác và không thừa nhận bán phân kém chất lượng. Tới cuối tháng 10 do quá bức xúc tôi nhờ chính quyền xã can thiệp mới phát hiện ông Hòa bán phân cho tôi quá hạn sử dụng. Lúc quá đuối lý họ mới chịu đền bù một phần thiệt hại nhưng tới giờ gia đình tôi vẫn chưa nhận được đồng nào”- ông Hùng chua chát nói và cho biết năm 2017, giỏi lắm sản lượng cà phê vườn nhà ông chỉ đạt 3 tạ nhân/năm.
Còn ông K’Pré (43 tuổi, trú tại thôn 2, xã Lộc Bắc) cho biết, đầu tháng 8/2016, ông mua 2 tạ phân NPK hiệu Con Ó mùa khô từ một đại lý trong địa bàn xã. Sau khi bón 1 tạ phân NPK khoảng một tuần, hơn 2.000 gốc chè đột ngột xoăn ngọn, lá và một số cành nhánh chết khô từ giữa gốc chè rồi lan dần ra ngoài. “Trước giờ gia đình tôi hái được 7 tạ chè tươi/tháng, từ khi bỏ phải phân giả tới giờ tôi vẫn chưa thu được ký chè nào. Có người kêu tôi chặt bỏ chè để trồng lại vì phục hồi không được, buồn quá chú ạ!” - ông K’Pré nói.
Trước đó, trong các năm 2013 và 2014, nhiều hộ dân tại xã Lộc Bảo mua phân bón hữu cơ trả chậm của một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, sau khi bón cây có hiện tượng héo lá và chết dần. Thế nhưng, hầu hết các vụ việc người dân nghi mua phải phân bón kém chất lượng đều phải “ngậm ngùi” vì cơ quan chức năng chưa tìm được nguyên nhân cụ thể.
Không thể xử phạt?
Về quản lý trực tiếp phân vô cơ trên địa bàn, ông Trần Ngọc Mẫn, Phó Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bảo Lâm cho biết, rất khó xử phạt các đại lý liên quan tới vụ việc trên. “Thông thường chúng tôi chỉ kiểm tra các đại lý về sổ sách, nhãn hiệu và việc nhập phân đúng quy định hay không, còn việc dân tố đại lý bán phân kém chất lượng gần như không thể xử phạt” - ông Mẫn nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng không chỉ có tại huyện Bảo Lâm mà còn rải rác ở một số xã thuộc huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh... Trong năm nay, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt trên 80 công ty, hộ kinh doanh có dấu hiệu làm phân giả, giả nhãn mác, thiếu giấy phép, không có dấu hợp quy… trên địa bàn tỉnh. |
Theo ông Mẫn, thường khi người dân bón phân mà cây trồng chết rất ít khi để lại phân đã mua, hoặc không có hóa đơn mua bán rõ ràng nên khi xảy ra chuyện cơ quan chức năng căn cứ để lấy mẫu rất khó khăn. Trường hợp nếu lấy được mẫu đi giám định lần một, đại lý vẫn có quyền giám định lại trong khi số phân kém chất lượng nếu có các đại lý đã tẩu tán sạch sẽ. Cơ quan chức năng cũng rất khó để chứng minh phân bón kém chất lượng ngoài động thái lấy mẫu kiểm tra khi người dân gặp sự cố.
Trao đổi sự việc trên, ông Đậu Văn Xuân - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm cho hay: Tình trạng dân mua phải phân giả, phân kém chất lượng tuy theo ghi nhận không nhiều, nhưng thực tế có xảy ra ở hầu khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, với địa bàn rộng và số hộ nông dân, số đại lý cung cấp phân bón nhiều nên huyện rất khó quản lý vấn đề chất lượng phân. Mặt khác, hiện đa phần, số phân bón giả, phân bón kém chất lượng này được tiêu thụ ở các xã vùng sâu, vùng xa - nơi hiểu biết của người nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.
Trong khi đó, phản hồi về sự việc trên, ông Nguyễn Hiền Hòa, chủ đại lý phân bón Thúy Tèo xã Lộc Bảo cho hay, việc người dân trong xã nói phân đại lý ông bán ra có vấn đề là không có cơ sở. “Có rất nhiều lý do để cây trồng héo lá, rụng trái như thời tiết, cách bón phân, sâu, nấm… tác động lên cây trồng nên người dân nói do phân tôi bán ra là không chính xác” - ông Hòa nói. Riêng trường hợp ông Tôn Thất Hùng, ông Hòa thừa nhận có bán phân quá hạn sử dụng cho ông Hùng nửa tháng. Tuy nhiên, ông Hòa chưa đền bù cho ông Hùng vì phải đợi các ban, ngành cấp huyện giải quyết mới xác định được việc đền bù tới đâu.
Liên quan tới vụ việc này, ông Trương Hoài Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm khẳng định: Việc có nhiều người dân bón phân nghi kém chất lượng khiến cây trồng chết là vấn đề rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Lãnh đạo huyện sẽ chỉ đạo làm rõ và kiên quyết xử lý vụ việc trên. Trường hợp đại lý Thúy Tèo bán phân quá hạn sử dụng cho người dân huyện sẽ xử phạt nghiêm, tuyệt đối không bao che để các đơn vị kinh doanh, phân phối phân bón trên địa bàn có cơ hội làm sai quy định gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Ông Minh cho biết thêm, ngay trong ngày 26/12, lãnh đạo huyện Bảo Lâm đã ban hành văn bản yêu cầu đoàn liên ngành kiểm tra các trường hợp trên tại các xã: Lộc Bảo, Lộc Bắc để nắm tình hình và làm rõ những kiến nghị của bà con nông dân.
Cảnh sát kinh tế Công an Lâm Đồng cho biết, thời gian gần đây còn nổi lên việc các công ty, hộ kinh doanh dùng thủ đoạn đặt in bao bì, nhãn mác của một số công ty sản xuất phân bón uy tín trên cả nước với mục đích làm giả sản phẩm. Các đối tượng móc nối nhập nguyên liệu giả, kém chất lượng từ địa bàn Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… sau đó đem lên Lâm Đồng pha trộn, đóng gói và bán ra thị trường bằng nhiều cách rất tinh vi. Đây là hành vi kinh doanh, sản xuất phân bón rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiệt hại cuối cùng vẫn là người nông dân phải gánh chịu.
-
Nhiều hệ lụy từ phân bón giả, kém chất lượng
Thời gian qua, phân bón giả, phân bón kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, khiến bà con nông dân hết sức bức xúc...
-
Canh cánh nỗi lo phân bón giả
Sử dụng phải phân bón giả, kém chất lượng, bên cạnh việc người nông dân phải gánh chịu thiệt hại do sụt giảm năng suất, hậu quả còn nghiêm trọng...
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau