Canh cánh nỗi lo phân bón giả
Sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng, bên cạnh việc người nông dân phải gánh chịu thiệt hại do sụt giảm năng suất, hậu quả còn nghiêm trọng hơn như đất đai càng ngày càng bị hoang hóa, làm mất chất lượng đất...
Đầu tháng 9 vừa qua, 55 hộ trồng dưa lưới và dưa hấu tại xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) đã không khỏi xót xa khi mua phải lô phân bón giả, phân bón kém chất lượng làm cho 25 ha dưa hấu và dưa lưới bị héo rũ, chết hàng loạt, gây thiệt hại cho mỗi hộ hơn 100 triệu đồng.
Cây dưa héo rũ, chết do phân bón (hình minh họa)
Ông Đặng Văn Chi trồng dưa hấu tại ấp Gò Cà (xã Phước Thuận) cho biết, gia đình ông canh tác 1,4 ha dưa hấu. Khi chỉ còn 15 ngày nữa là có thể thu hoạch được vụ dưa, sau đợt tưới phân thúc trái với bao bì mang nhãn hiệu Việt Bình Phát (sản xuất tại TP Hồ Chí Minh), dây dưa hấu bắt đầu có hiện tượng héo rũ lá, sau 2 ngày lá vàng, thân dây héo quắt và chết.
Theo ông Chi, loại phân bón này từ trước đến nay nông dân nơi đây thường dùng để thúc trái cho mỗi vụ dưa hấu, dưa lưới, chất lượng rất tốt. Trong đợt thiệt hại vừa qua, gia đình ông Chi đã mua 30 bao phân và đã sử dụng hết 23 bao loại 10 kg gây thiệt hại cho gia đình ông với số tiền khoảng 150 triệu đồng.
Cùng chung cảnh ngộ với gia đình ông Đặng Văn Chi, vì mua nhầm phân bón giả, kém chất lượng, 4 sào dưa lưới 60 ngày (65 ngày thu hoạch) của ông Nguyễn Văn Khánh ấp Hồ Tràm (xã Phước Thuận) cũng bị chết sau 2 ngày bón 13 bao phân thúc trái trên bao bì ghi nhãn hiệu Việt Bình Phát.
Ông Khánh cho biết, như thường lệ nếu dưa phát triển tốt, sau khi trừ chi phí, 4 sào dưa lưới đó có thể cho lãi từ 60 - 80 triệu đồng. Không những mất trắng mà ông còn phải vay tiền để trả tiền phân bón cho đại lý.
Theo các hộ trồng dưa lưới, dưa hấu bị thiệt hại do sử dụng phải loại phân bón trên, sau khi tưới phân xong thấy dây dưa héo, chết, người dân mới kiểm tra bao bì thấy rằng, bao bì giống hệt với loại mẫu bao bì phân thúc trái trước đây họ thường sử dụng. Nhưng chỉ khác mỗi đường may ở mép bao: Đó là bao phân bón thật chỉ có một đường may duy nhất, với chỉ trắng, đỏ xen nhau trên cùng một đường may. Còn loại phân họ sử dụng khiến dưa bị chết thì chỉ có một lần chỉ màu trắng và lại có đường may không khớp nhau, quan sát kỹ sẽ thấy lộ ra một đường may cũ trên mép bao phân.
“Tuy bị thiệt hại nhưng đến nay người dân cũng không hề được phía cơ sở kinh doanh đền bù hay hỗ trợ phần nào kinh phí cho thiệt hại. Trong khi đó, chúng tôi phải thanh toán tất cả tiền mua phân bón cho đại lý dù bị thiệt hại do việc mua nhầm phân bón giả, kém chất lượng gây ra”, bà Bùi Thị Chung, trồng dưa hấu tại ấp Gò Cà, xã Phước Thuận bức xúc.
Không chỉ thiệt hại về tiền, theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đất và Môi trường phía Nam, phân bón giả, phân bón kém chất lượng còn làm cho đất không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng đến 2 - 3 năm sau sẽ hư tổn, khó phục hồi. Phân bón giả, phân bón kém chất lượng thường sử dụng những hóa chất, nguyên liệu không phải là chất dinh dưỡng để sản xuất. Do vậy sẽ đưa vào đất những chất độc hại làm thoái hóa đất, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 168 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng một số chủ cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về điều kiện hóa đơn, chứng từ, nhãn mác hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng không đúng trên bao bì sản phẩm… để trục lợi bất chính. Chính điều này đã tiếp tay cho các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng trà trộn vào thị trường, gây thiệt hại nặng nề cho những hộ nông dân khi mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần các vụ người dân mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng hầu hết là phân vô cơ.
Ông Huỳnh Trung Sơn, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, theo Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định quản lý phân bón vô cơ cũng như quy định tại Thông tư 29/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương về hướng dẫn cụ thể một số điều trong quản lý phân bón vô cơ, trong thời gian qua, Sở Công Thương đã triển khai đến địa phương, đến các cơ sở sản xuất phân bón vô cơ.
Theo quy định, để đủ điều kiện sản xuất phân bón vô cơ, các cơ sở, nhà máy sản xuất phải có giấy phép sản xuất do Bộ Công Thương cấp. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh hiện có 5 cơ sở đủ điều kiện được cấp phép hoạt động sản xuất phân bón vô cơ.
Đối với công tác quản lý cửa hàng kinh doanh phân bón vô cơ, thời gian qua, Sở Công Thương cũng đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường ở các địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát vấn đề về kinh doanh, buôn bán vô cơ. Điều kiện để các sản phẩm phân bón lưu hành trên thị trường phải được kiểm định qua các đơn vị kiểm định do Bộ Công Thương chỉ định và có công bố sản phẩm hợp quy thông báo về Sở Công Thương để thông báo rộng rãi ra cả tỉnh.
“Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ có chức năng kiểm tra tình trạng bao bì, nhãn mác của sản phẩm, chứng nhận công bố hợp quy in trên bao bì. Còn vấn đề về hàm lượng, chất lượng bên trong hiện nay không thuộc thẩm quyền Sở Công Thương. Chất lượng phân bón được nhà sản xuất công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình”, ông Sơn cho biết.
Bên cạnh đó, hiện nay mức xử phạt cho việc kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng còn quá thấp nên tính răn đe chưa cao, trong khi lợi nhuận cao đã khiến các đối tượng bất chấp thủ đoạn, bất chấp đạo đức kinh doanh làm ăn gian dối. Khi phát hiện các cơ sở kinh doanh sản phẩm không đúng quy định, các cơ sở chỉ bị phạt tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Trong khi đó, người nông dân mua nhầm sản phẩm kém chất lượng không chỉ mất mùa, mà hệ lụy còn kéo dài nhưng vẫn không được bồi thường thỏa đáng.
Ông Huỳnh Trung Sơn cho biết thêm, để hạn chế việc mua nhầm phân bón giả, kém chất lượng nông dân nên chọn mua các sản phẩm có thương hiệu rõ ràng, uy tín. Không mua các loại phân bón của những người bán dạo hoặc đến tận gia đình giới thiệu với nhiều chiêu trò khuyến mãi mà bản thân chưa biết. Khi mua phải nhìn tổng quan về bao bì, đường may cũng như thông số thành phần của nhà sản xuất rõ ràng để hạn chế tránh mua nhằm phân bón giả, kém chất lượng.
Về thông tin các sản phẩm phân bón vô cơ, người dân có điều kiện hãy truy cập website của Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương để tìm hiểu sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất được phép bán trên thị trường. Khi mua cần yêu cầu xuất hóa đơn xác nhận để bảo vệ quyền lợi của mình khi xảy ra sự cố có thể đối chứng.
“Ngay khi có nghi ngờ, nông dân cần báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Đội quản lý thị trường để kịp thời xử lý, có thể bảo đảm quyền lợi của bà con”, ông Sơn nhấn mạnh.
-
Người dân Đồng Tháp lo lắng vì phát hiện phân bón nghi là giả
Phân bón giả đang là nỗi ám ảnh với nhiều nông dân, bởi thiệt hại về kinh tế là không hề nhỏ...
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau