Điệp khúc “DN vỡ nợ, dân khóc ròng”: Quyền lợi người dân tính sao?

Từ ngày 1.1.2018, chủ nợ sẽ bị khép vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” khi tuyên bố vỡ nợ, có tài sản mà chây ì không chịu chi trả cho người ký gửi, cho mượn tiền.

Ký gửi nông sản và nguy cơ “tiền mất tật mang”

Từ nhiều năm nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên liên tục xảy ra các vụ vỡ nợ lớn liên quan đến hình thức “ký gửi nông sản”. Có nhiều lý do về thiếu kho bãi, tiện lợi trong việc bán nông sản, mua phân bón trả chậm và thậm chí là có lãi suất khi tham gia ký gửi nên rất nhiều người nông dân sẵn sàng ký gửi nông sản tại các cơ sở thu mua, đại lý. Mặt khác, chủ các đại lý lợi dụng sự tín nhiệm của người dân rồi vận động dân ký gửi, đến khi làm ăn thua lỗ thì tuyên bố vỡ nợ khiến nông dân lao đao, lâm cảnh trắng tay. Đây là hình thức ký gửi rất thuận lợi cho người dân nhưng tiềm ẩn lắm nguy cơ.

Doanh nghiệp vỡ nợ - dân khóc ròng

Nhiều hộ dân khủng hoảng sau khi nhận tin vỡ nợ.  Ảnh: L.K

Riêng tại Gia Lai, từ năm 2016 đến nay thường xuyên xảy ra nhiều vụ vỡ nợ quy mô lớn. Điển hình như năm 2017, doanh nghiệp thu mua nông sản Nguyệt Tỉnh (huyện Đăk Đoa, do bà Nguyễn Thị Nguyệt làm giám đốc) tuyên bố vỡ nợ với số tiền gần 40 tỷ đồng khiến hàng chục hộ dân khóc gào thảm thiết. Sau đó, doanh nghiệp thu mua nông sản Sáu Đào tại xã Ia Glai (huyện Chư Sê) lại lần nữa gây rúng động khi tuyên bố vỡ nợ với số tiền 50 tỷ đồng. Và nay, trước Tết Nguyên đán, nông dân ở xã Hải Yang lại khổ sở vì chủ nợ “tuyên bố” không có tiền trả nợ với số tiền khoảng 20 tỷ khiến người dân đứng ngồi không yên.

 Nói về câu chuyện vỡ nợ, anh Bùi Văn Mộc (xã Đăk D’Jrăng, huyện Đăk Đoa) nói giọng chua chát: "Toàn bộ số nông sản (2,3 tấn cà phê, 1 tấn hồ tiêu trị giá khoảng 250 triệu đồng) đều ký gửi cho Doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh đều mất trắng, đến nay không lấy lại được đồng nào".

Theo anh, để có tiền chi tiêu cho gia đình, anh phải mang sổ đỏ đi cầm vay gần 200 triệu để dùng qua ngày. Trước đó, anh làm đơn đến công an nhưng  chưa giải quyết được gì.

"Tôi là nông dân, đâu biết kiện tụng gì, sợ đi kiện lại mất tiền nên đành thôi. Giờ chủ Doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh không kinh doanh nông sản mà chuyển sang mở nhà hàng, tài sản so với trước càng to lớn hơn… thấy họ sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, trong khi nông dân như tôi trắng tay mà đau lắm" - anh Mộc nói.

Cũng vì ký gửi nông sản, gia đình chị Nguyễn Hoàng Oanh (xã Đăk D’Jrăng, huyện Mang Yang) rơi vào cảnh éo le: Hơn 10 tấn cà phê, gần 1 tấn hồ tiêu giá trị gần 500 triệu đồng ký gửi Doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh coi như mất trắng. Nhắc đến ngày xảy ra chuyện, nước mắt chị chỉ chực trào ra vì những ngày sau đó là chuỗi ngày quá khổ với gia đình. 

Quyền lợi của người dân ra sao khi xảy ra vỡ nợ?

Trao đổi với NTNN, đại tá Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng Công an huyện Đăk Đoa cho biết: Năm 2017, trên địa bàn có 2 vụ vỡ nợ, xấp xỉ trên 10 tỷ đồng. Các vụ vỡ nợ này không phát hiện dấu hiệu của tội phạm hình sự, các hợp đồng đều qua mua bán tay với nhau. Do đây chỉ là tranh chấp dân sự nên phía cơ quan công an chỉ giới thiệu làm đơn ra tòa giải quyết theo trình tự thủ tục khởi kiện dân sự. Từ đầu mùa, chúng tôi có rất nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhắc nhở người dân.

Chia sẻ về vấn đề ký gửi nông sản, ông Lê Trung Nguyên – Giám đốc Công ty Cà phê 706 nói: “Thường bà con không có kho bãi nên mới đi ký gửi, nhưng việc ký gửi này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trước tiên, mọi người nên tự chủ động về sân bãi, kho chứa. Nếu không có thì nên chọn những doanh nghiệp có uy tín, có thương hiệu để gửi".

Theo ông, đối với các đơn vị tư nhân, nhỏ lẻ thì độ tin cậy không cao. Thậm chí, các đơn vị nhỏ vì sức cạnh tranh kém nên “giở chiêu trò” để thu hút người dân. Để tránh rủi ro xảy ra, trước tiên người dân nên tự bảo vệ mình, nếu ký gửi thì phải xác định được doanh nghiệp đáng tin cậy.

Điệp khúc “doanh nghiệp vỡ nợ, dân khóc ròng” vẫn không thay đổi: Chủ thu mua không bỏ trốn khỏi địa phương mà là “biến tướng” ,  tuyên bố vỡ nợ, chịu đứng ra nhận nợ chứ không bỏ trốn để mang tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Muốn lấy lại tài sản, nông dân chỉ có cách kiện ra tòa phân xử, tuy nhiên việc còn tài sản để đền bù hay không lại là chuyện khác. Bởi, trước đó chủ nợ đã tẩu tán hết sạch tài sản và sống nhởn nhơ. Thậm chí, có những trường hợp hôm nay nhận ký gửi, ngày mai tuyên bố phá sản và rõ ràng hành vi này có dấu hiệu “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” nhưng việc xử lý lại rất khó.

Nguồn: Dân Việt
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status