Nông dân điêu đứng vì phân bón có “khuyến mãi” thêm rác và mảnh thủy tinh vỡ
Không chỉ được “tặng kèm” rác trong các bao phân bón, nhiều loại phân bón còn có hàm lượng vi chất cao bất thường khiến cây trồng bị ngộ độc. Khi phát hiện sự việc, nhiều công ty hứa đổi phân mới cho êm chuyện nhưng nông dân Đắk Nông quyết không chịu để yên...
Phân bón chứa nhiều loại rác thải độc hại như mảnh thủy tinh, mảnh giày dép, nilon mà nhiều hộ dân được “khuyến mãi”, tặng kèm trong bao
Phân bón chứa đầy rác
Gia đình ông Nguyễn Thế Vinh (ngụ thôn 6, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) là 1 trong 20 hộ dân mua phân trả chậm do Công ty Nam Long (địa chỉ tại 1E, Tân Nhơn, Tân Hòa, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) phân phối. Theo ông Vinh, tháng 6 vừa qua, ông mua 1 tấn phân bón với giá 6 triệu đồng, trả trước 3 triệu, số tiền còn lại đến tháng 12/2018, ông mới phải trả cho công ty. Sản phẩm ông mua là phân hữu cơ vi sinh đặc chủng, vừa là phân bón, vừa khống chế bệnh cho cây, giảm thiểu lượng thuốc diệt trừ sâu bệnh, do Công ty CP VietStar (địa chỉ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP. HCM) sản xuất.
Toàn bộ số phân trên được ông Vinh bón cho 1ha tiêu của gia đình đúng vào dịp mưa kéo dài vừa qua. Tuy nhiên, sau khi bón vài ngày, ông Vinh phát hiện trên mặt đất có rất nhiều mảnh thủy tinh vỡ, mảnh giày dép, nilon và một số tạp chất khác. Ngay sau đó, ông Vinh đã liên lạc với Công ty Nam Long và được trả lời do… giao lộn lô hàng. Đại diện công ty đến gặp trực tiếp ông Vinh hứa sẽ bồi thường cho ông Vinh 1 tấn phân khác và không phải trả khoản tiền 3 triệu đồng mà gia đình còn nợ công ty.
Phân bón chứa nhiều tạp chất
Tương tự, vào đầu tháng 4 vừa qua, ông Trần Văn San (ngụ khối 1, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp) mua 60 bao phân hữu cơ vi sinh (loại 50kg/bao) do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (quận Tân Bình, TP. HCM) sản xuất và được khuyến mãi thêm 6 bao. Sau đó, ông đem 40 bao bón cho vườn cà phê khoảng 1.500 gốc (tương đương mỗi gốc 1,4kg). 2 tuần sau, ông San kiểm tra thì thấy vườn cây không có biểu hiện phát triển, ra đọt nhanh như những đợt bón phân trước. Tại nhiều gốc cà phê, ông phát hiện một số tạp chất lạ như mảnh vỡ thủy tinh, nhựa phế liệu, nilon, bột gạch xây, cát… trên mặt đất. Nghi ngờ phân bón kém chất lượng, chứa nhiều tạp chất gây hại, ông San có đơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đề nghị kiểm tra, xử lý.
Kết quả kiểm tra của ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cho thấy một số nội dung tố cáo của ông San là đúng. Đoàn kiểm tra lấy khoảng 1kg phân khuấy tan trong nước và lọc lại, kết quả hơn 10% tạp chất còn lại và trùng với các loại tạp chất dưới những gốc cà phê đã bón phân.
Giám đốc Kinh doanh Công ty Tâm Sinh Nghĩa lý giải: các tạp chất trong phân bón là do nguồn đầu vào được lấy từ rác thải sinh hoạt tại tỉnh Kiên Giang. Sau khi sàng lọc, lượng tạp chất còn lại chỉ chiếm khoảng 6% và công ty đã bù vào mỗi bao vì khối lượng ghi trên bao bì là 50kg, nhưng thực tế đều khoảng 53kg (3kg chênh lệch tương đương với 6% tạp chất).
Sau khi gửi mẫu phân bón lấy tại nhà ông San và đại lý gửi đi kiểm nghiệm, Sở NN&PTNT Đắk Nông kết luận chưa đủ cơ sở để khẳng định việc bón phân có ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây cà phê. Riêng đối với các tạp chất trong phân bón, Sở kết luận chưa thể xử lý, xử phạt do… chưa có quy định, chế tài. Tuy nhiên, Sở yêu cầu Công ty Tâm Sinh Nghĩa kiểm tra lại quy trình, công nghệ để loại bỏ tạp chất lẫn trong phân bón trước khi đưa ra thị trường.
Hàm lượng thực tế gấp nhiều lần đăng ký
Bên cạnh một số mẫu phân bón có hàm lượng không đạt so với tiêu chuẩn đăng ký trên bao bì, kết quả kiểm nghiệm nhiều mẫu phân bón bị người dân khiếu nại có hàm lượng vượt tiêu chuẩn đăng ký. Theo một số chuyên gia nông nghiệp, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến cây trồng bị ảnh hưởng xấu sau khi bón phân, thậm chí bị “ngộ độc”.
Tháng 4/2017, ông La Văn Thành (ngụ xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) có đơn gửi tới các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông phản ánh tình trạng vườn tiêu của gia đình xảy ra hiện tượng vàng lá, rụng đốt và chết hàng loạt sau khi bón phân hữu cơ HB3 Mai Nở do Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ, sản xuất Huy Bảo (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) sản xuất và phân phối ra thị trường.
Phân bón có nhiều thành phần vượt 2 - 3 lần so với tiêu chuẩn đăng ký, dễ gây ngộ độc cho cây trồng
Sau đó, Thanh tra Sở NN&PTNT Đắk Nông đã cùng các bên liên quan lấy mẫu phân bón gửi đi kiểm tra. Kết quả phân tích cho thấy nhiều thành phần, vi chất vượt hơn 2,5 lần so với quy chuẩn trên bao bì. Tiêu biểu như thành phần đạm đăng ký trên bao bì là 5% nhưng kết quả phân tích là 12,9%; hữu cơ đăng ký 23% nhưng thực tế gần 58%; axit humic đăng ký 2,5% nhưng thực tế là 5,16%…
Tương tự, gia đình bà Đinh Thị Tợ (ngụ xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) cũng tố cáo đến các cơ quan chức năng của tỉnh về việc vườn tiêu của gia đình mình có hơn 20 gốc bị chết trụi sau khi bón phân. Loại phân đã bón là phân bón hữu cơ nhãn hiệu Ong Biển do Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất- thương mại Đại Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sản xuất. Theo kết quả phân tích, thành phần trong phân bón Ong Biển cũng vượt từ 1,2 - 1,4 lần so với tiêu chuẩn công bố.
Gần đây nhất, vào ngày 3/8/2017, Chi cục Quản lý thị trường Đắk Nông nhận được đơn khiếu nại, tố cáo của ông Nguyễn Văn Hưng (ngụ thôn 8, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) về việc phân bón làm rụng lá, chết cành cà phê. Trong đơn, ông Hưng cho biết sau khi gửi mẫu đi kiểm nghiệm độc lập, kết quả cho thấy phân Lân TE nhãn hiệu “Cá heo” của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thiên Hòa có nhiều thành phần vượt xa hàm lượng công bố, như kẽm (Zn) vượt gần 4 lần, sắt (Fe) vượt gần 2 lần… Ông Hưng cho rằng đây là nguyên nhân chính làm vườn cà phê của gia đình ông rụng lá, chết cành sau một thời gian bón phân…
Cây chết sau một thời gian bón phân
Không xử phạt vì chưa có chế tài
Theo ông Trần Mậu Dũng - Chánh Thanh tra, Sở NN&PTNT Đắk Nông, việc xử phạt các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón có các thành phần vượt mức đăng ký trên bao bì, cũng như chứa các tạp chất khác chưa được quy định, chế tài, nên đơn vị không có căn cứ để xử lý. Bởi luật chỉ quy định chế tài xử phạt, xử lý đối với phân bón kém chất lượng, phân giả, phân không đạt các tiêu chuẩn công bố, đăng ký.
Ông Phạm Tường Độ, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đắk Nông cho biết từ trước tới nay, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, đơn vị phát hiện rất nhiều sản phẩm phân bón có thành phần vượt tiêu chuẩn công bố. Tuy nhiên, phát hiện vượt rồi thì… thôi vì không có căn cứ xử phạt.
Ông Độ khuyến cáo bà con chỉ chọn mua phân bón ở các đại lý, doanh nghiệp phân phối uy tín. Các sản phẩm phân bón phải có nhãn hàng rõ ràng, địa chỉ nơi sản xuất và các quy chuẩn công bố áp dụng đầy đủ; không mua qua các kênh không chính thức, phân bón “dạo”. Thêm nữa, nông dân phải yêu cầu hóa đơn, chứng từ mua bán rõ ràng thì khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng mới dễ dàng hỗ trợ, xử lý.
Theo tính toán sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Nông, mỗi năm nông dân trong tỉnh cần trên 400.000 tấn phân các loại, chưa tính phân chuồng, phân hữu cơ tự nhiên. Tổng số tiền mà nông dân Đắk Nông chi ra để mua phân bón cho cây trồng mỗi năm lên đến gần 5.000 tỷ đồng, gấp khoảng 2 - 3 lần so với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
-
Sản xuất phân bón thân thiện môi trường từ rác
Từ nguyên liệu là rác sinh hoạt, nhà máy đã cho ra đời sản phẩm phân bón có ích cho nông nghiệp...
-
Nhân rộng mô hình làm phân bón từ rác thải
Sau một thời gian thí điểm tại xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), mô hình “Xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ bằng thùng nhựa” đã đạt được kết quả tích cực...
-
Tăng trách nhiệm người sử dụng phân bón
Nhiều kẽ hở lớn, quy định mới vẫn chưa ổn, siết trách nhiệm người dùng, sắp có tới 10.000 loại phân bón, dễ cho hàng kém chất lượng... đó là hàng loạt tồn tại trong Nghị định quản lý nhà nước về phân bón
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau